Cơ xưởng hải quân Ba Son trực thuộc Bộ Hải quân Pháp, ra đời vào năm 1884, không chỉ nhằm mục đích sửa chữa tàu bè qua lại hoặc lưu trú tại khu vực Viễn Đông mà còn chế tạo tàu biển. Dưới sự chỉ huy của Đô đốc-Tư lệnh Hải quân, cơ xưởng Ba Son gồm nhiều phân xưởng khác nhau, với 2.500 thợ chịu sự quản lý của 60 người Âu.

Thiết bị và khả năng của cơ xưởng Ba Son

Cơ xưởng Ba Son có khả năng lau chùi sửa chữa lòng tàu khá tốt nhưng chưa hoàn toàn thoả mãn nhu cầu của một hạm đội hiện đại. Thực tế, cơ xưởng này có một bể sửa tàu xây dựng vào năm 1884 dài 150m, phù hợp với phần lớn các tàu chiến và tàu buôn thường xuyên qua lại Sài Gòn nhưng lại không đáp ứng một số tuần dương hạm và tàu chở khách trọng tải lớn. Đối với những tàu có trọng tải vừa phải, thủy xưởng có một vũng tàu nhỏ dài 65m, một kho cảng nhỏ và một số bến bãi.

Ụ tàu lớn tại Thủy xưởng Ba Son, nguồn: sưu tầm

Phân xưởng làm tôn và phân xưởng làm chảo

Để sản xuất tôn, từ năm 1918, cơ xưởng đã cho xây dựng một phân xưởng tương đối rộng với các khu nhà sắt được trang bị hiện đại phục vụ các công trình xây dựng, nhất là trong lĩnh vực sản xuất tàu có trọng tải vừa và nhỏ. Ngoài ra, Ba Son còn có phân xưởng sản xuất chảo và các bộ ống.

Phân xưởng cơ khí

Vào những năm 40, cơ xưởng Ba Son không chỉ thực hiện việc bảo trì tàu ngầm, tàu hộ tống mà còn nỗ lực hoàn thiện bằng việc mua máy công cụ, hiện đại hoá phương pháp lao động và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công việc. Cơ xưởng đã mua một bộ gồm 5 máy tiện công suất lớn, một máy phay đa năng, một máy khoan xuyên tâm có độ chính xác cao và một chiếc máy rà điều khiển bằng hệ thống thuỷ lực.

Từ năm 1939 đến cuối năm 1943, cơ xưởng Ba Son đã cho xây dựng lại và hoàn thiện hệ thống nhà xưởng, gồm: 5 gian nhà lớn có trang bị cầu di động và một toà nhà 2 tầng gồm 5 phòng dùng làm văn phòng, phòng gửi đồ, và nhà kho.

Phân xưởng đúc

Do nằm xa Chính quốc nên cơ xưởng Ba Son phải tự túc trong việc nấu luyện kim loại. Đến năm 1943, phân xưởng này được trang bị: 1 lò hồ điện quang để sản xuất thép; 3 lò đúc gang hoạt động với năng suất đáng nể; 1 lò chạy bằng dầu mazút làm nóng chảy đồng; một số lò luyện hợp kim; 2 tủ sấy có kích thước lớn… Nhờ đó, phân xưởng này có khả năng thực hiện tất cả các hạng mục từ đơn giản đến phức tạp, phục vụ nhiều công trình hàng hải.

Từ năm 1938, người ta đã sử dụng một cây cầu di động trọng tải 25 tấn để đảm bảo giao thông tại phân xưởng này. Nhờ vào hệ thống thiết bị, sự khéo léo của các thợ đúc và sự quản lý tương đối tốt, phân xưởng đúc này có thể thực hiện việc đổ khuôn đa dạng nhất, phức tạp nhất trong giới hạn trọng tải cho phép bằng các dụng cụ làm nóng chảy.

Lễ hạ thủy tàu Albert Sarraut ngày 23/3/1922 tại Sài Gòn, nguồn: sưu tầm

Phân xưởng điện

Phân xưởng điện giữ vai trò khá quan trọng trong ngành đóng tàu, nhất là tàu chiến. Mô tơ, máy phát điện và các loại máy móc khác của tàu phải được bảo trì tốt nếu không sẽ bị hư tổn nặng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Cơ xưởng Ba Son có một phân xưởng điện có khả năng thực hiện toàn bộ việc quấn, cách điện động cơ, sửa chữa và chế tạo các máy móc thông dụng, bảo trì, sửa chữa thiết bị điện thoại vô tuyến và la bàn con quay.

Hoạt động dạy và học nghề

Ba Son từng có một xưởng dạy nghề đào tạo thợ nguội, thợ tiện, thợ đúc, thợ tôn, thợ điện, thợ mộc v.v…, thu nhận trên 200 người. Chương trình học kéo dài từ 2-3 năm. Học viên từ 15-17 tuổi được nhận vào trường thông qua thi tuyển và có thể trở thành công nhân ở tuổi 18. Ngoài chuyên ngành đào tạo, chương trình còn dạy tiếng Pháp, toán, kỹ thuật và hàng tuần có 3 giờ thể dục.

Sau một tháng học đại cương, các thợ học nghề được phân loại thành thợ nguội, thợ tiện, thợ điện, thợ tôn, thợ đúc.v.v. và được đào tạo chuyên môn tại các phân xưởng riêng, cho phép họ làm chủ tay nghề chỉ trong vòng 2 năm.

Lối vào Thủy xưởng Ba Son trên đường Tôn Đức Thắng giáp với Thảo cầm viên, nguồn: sưu tầm

Điều kiện vật chất của công nhân

Trong những năm 40, điều kiện vật chất của công nhân Ba Son được cải thiện đáng kể nhờ một loạt biện pháp đề ra trong quy chế chung của Bộ Hải quân Pháp. Theo đó, họ được tuyển vào làm thông qua khóa học hoặc sau thời gian thử việc; hưởng lương tối thiểu theo quy định và có thể thay đổi tùy theo điều kiện kinh tế và mức giá sinh hoạt; hưởng 10% số giờ làm thêm; hưởng lương hưu, trợ cấp thôi việc.v.v..

Những thành tựu nổi bật

Với trang thiết bị hoàn chỉnh, hiện đại và đội ngũ kỹ sư lành nghề, Ba Son đã chế tạo hàng loạt công trình hàng hải, những hạng mục tinh tế nhất, đặc biệt là các bộ phận của tàu phóng lôi loại 1 với chi phí thấp và trong thời gian ngắn hơn so với các xưởng chế tạo ở chính quốc. Cơ xưởng này không chỉ phục vụ ngành công chính – khách hàng quen thuộc trong thời bình mà còn phục vụ các xí nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, cơ xưởng này còn tham gia khôi phục nhà máy xay xát Chợ Lớn; chế tạo giàn thay thế máy hơi nước cung cấp năng lượng cho Nhà máy đường Hiệp Hòa; chế tạo măng sông đúc cho nhiều xưởng sửa chữa ô tô tại Sài Gòn; sửa chữa dụng cụ quang học cho Sở Công chính và Sở Địa chính. Đặc biệt, vào ngày 23/3/1922, xưởng Ba Son đã cho hạ thủy tàu “Albert Sarraut”, dài 85m, rộng 12m, cao 12m, độ mớn nước 5m9, trọng tải 3.100 tấn, sức máy 1.100 mã lực. Đây là chiếc tàu biển lớn nhất với trang thiết bị hiện đại đầu tiên được đóng tại Đông Dương.

————————–

TC 827- Tuần báo Indochine, số 136 ngày 08/4/1943