Ông tức là tiểu thuyết gia Hồ Biểu Chánh, bút hiệu là Thứ Tiên (thường ký trong các bài thơ), sinh ngày 1-10-1885 (năm Ất Dậu) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công, trong một gia đình nghèo, đông con (ông là người con thứ năm trong 12 người).

Trong tập ký ức, viết ngày 24/12/1957, tại Phú Nhuận, bản đánh máy, nhan đề «Đời của tôi về văn nghệ», Hồ Biểu Chánh đã viết về thời niên thiếu của ông như sau:

Từ 8 đến 12 tuổi, học nhấp nhem chữ Nho với thầy giáo dạy trong làng. Đến 13 tuổi, nhờ cha mẹ dời về ở chợ Giồng Ông Huê, mới bắt đầu học Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường tổng Vĩnh Lợi, rồi xuống trường tỉnh Gò Công học tiếp 3 năm thi đậu học bổng.

Được vào trường Trung Học Mỹ Tho học 2 năm (1902 và 1903) rồi được lên trường Trung Học Chasseloup-Laubat ở Sàigòn học thêm 2 năm nữa. Cuối năm 1905 thi đậu bằng Thành Chung.

Cuộc đời cơ cực của ông thời niên thiếu đã khiến ông thấu hiểu nỗi thống khổ của người nghèo, do đó trong tiểu thuyết của ông, ông viết nhiều về giới nông dân, thợ thuyền, nói chung những người cùng cố trong xã hôi.

Hãy nghe ông tự thuật đời ông trong Lời di chúc (bản đánh máy do ông Hồ Văn Kỳ Trân, trưởng nam sao lại, Nguyễn Khuê, tr. 20):

hobchanh

Còn hai bữa nữa tới ngày ta phải đi, mẹ ta than hết tiền, cha ta mới đi kiếm người đặng mượn tiền cho ta đi. Ta lo quá, sợ không đi được. Bữa chót, đến tối mà cũng không thấy cha ta về. Ta than nếu có một đồng bạc thì đủ cho ta đi. Mẹ ta khuyên ta đừng lo… Thiệt khuya, mẹ ta gói một cặp áo hàng, đi bộ với ta xuống chợ mà cầm. Chủ tiệm chịu cầm ba đồng. Mẹ ta xếp giấy bỏ vô túi, còn bạc thì đưa hết cho ta. Ta lấy hai đồng mà thôi. Mẹ ta không chịu, ép phải lấy hết, rồi đưa ta xuống tàu. Lúc tàu mở dây mà chạy, ta đứng ngó mẹ ta trên cầu tàu, ta chảy nước mắt…

Nếu chúng ta xúc động khi đọc những lời tự thuật chân tình nầy thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ không ngăn được giọt lệ thương cảm cho những cảnh đời ngang trái trong nhiều tiểu thuyết của ông.

Sau khi thi đậu Thành Chung, ông định xin làm giáo viên, nhưng theo lời khuyên của một ông thầy cũ, ông đi thi Ký Lục. Năm 1906, ông đậu ký lục và được bổ nhiệm làm việc ở dinh Thượng Thơ Saigon. Cuộc đời hoạn lộ của ông bắt đầu từ đây, nhưng lúc nào ông cũng giữ tư cách thanh cao, chính trực, đời sống thật khiêm túc.

Trong di chúc ông viết:

Tuy là tay sai của quan Pháp, song nếu mình cứ lấy lòng siêng năng ngay thẳng mà làm việc, đừng a dua, đừng bợ đỡ, phải thì ở, không phải thì đi, nói oan dám giận, nói bậy dám cãi, thì phận mình khỏi hổ, mà thiên hạ lại được nhờ nữa (Nguyễn Khuê, t. 22)

Ông Bằng Giang, một văn hữu của Hồ Biểu Chánh đã mô tả ngôi nhà của HBC ở Vĩnh Hội hồi năm 1943 như sau lúc HBC đã là ông Đốc Phủ sứ:

Căn nhà ở góc đường Nguyễn Khoái – Tôn Thất Thuyết (đường Tôn Thất Thuyết chạy dọc theo Kinh Đôi trước năm 1945 là nơi đổ rác của địa phương Saigon-Chợ Lớn) lúc bấy giờ thật hẻo lánh. Ít ai ngờ được rằng đó là một căn nhà nhỏ vách ván, không điện, không nước. Đêm xuống, cả một vùng chìm trong bóng tối như ở giữa thôn quê. Gian nhà phía trước hẹp, có kê một cái bàn, nơi ông làm việc, tiếp khách, không có trang hoàng chi hết… (Hồ Biểu Chánh : người mở đường …., tr.107)

Năm 1911, Thống Đốc Nam Kỳ nghi ông có liên lạc với nhóm Gilbert Trần Chánh Chiếu, chống Pháp nên đổi ông xuống Bạc Liêu. Được 9 tháng, ông tình nguyện đi Cà Mau thay cho một đồng liêu có con còn nhỏ, sợ xuống Cà Mau bị muỗi mòng, nước độc, tuy rằng lúc đó ông cũng vừa có đứa con đầu lòng mới 1 tuổi (là Hồ Văn Kỳ Trân, gởi lại cho nhạc mẫu nuôi).
Năm sau ông lại đổi đi Long Xuyên (1913) và tại đây ông cùng với một số bạn bè trong hội Khuyến Học thành lập tờ Đại Việt Tạp Chí (tờ báo chỉ phát hành được 13 số thì đình bản). Năm 1918, ông được đổi về Gia định.

Năm 1921, ông thi đậu Tri Huyện và năm 1927 được thăng Tri Phủ. Từ đây, ông được xem như công chức cao cấp, được cử làm Chủ Quận Càng Long (1927), Ô Môn (1932). Năm 1934, vì bất đồng ý kiến với viên chủ tỉnh, ông bị đổi đi Phụng Hiệp (1934). Năm 1936 ( lúc ông 51 tuổi), ông được thăng Đốc Phủ Sứ.

Tháng 6 năm nầy (1936), ông đã làm việc được 30 năm nên ông xin hồi hưu, nhưng chính phủ Pháp viện lẽ thiếu người nên lưu dụng ông đến tháng 6 năm 1941. Nhưng chỉ hai tháng sau, ngày 4-8-1941, ông được cử làm nghị viên Hội Đồng Liên Bang Đông Dương, rồi Nghị Viên Hội Đồng thành phố Saigon kiêm Phó Đốc Lý. Trong thời gian nầy, ông còn làm Giám Đốc cho hai tờ báo là Nam Kỳ Tuần Báo và Đại Việt Tạp Chí (bộ mới). Năm 1946, khi ông Nguyễn Văn Thinh lập chánh phủ «Nam Kỳ Tự Trị» ông có làm Đổng Lý Văn Phòng, nhưng đến cuối năm, khi Nguyễn Văn Thinh tự tử, ông mới thực sự từ giã chính trường để vừa an hưởng tuổi già, vừa viết văn cho đến lúc tạ thế ngày 4-11-1958 tại tư thất ở Phú Nhuận, hưởng thọ 74 tuổi.

Hồ Biểu Chánh có 8 người con trong số có nhiều người tham chánh.

– Hồ Văn Kỳ Trân: sinh năm 1911 ở Chợ Lớn, giáo sư, dân biểu thời Đệ Nhất Cộng Hòa, mất năm 1981 ở Austin, Texas.

– Hồ Văn Ngọc Ưỡng (bà): sinh năm 1912 ở Cà Mau, mất năm 2004 ở VN.

– Hồ Văn Minh Cảnh: sinh năm 1914 ở Long Xuyên , mất ở VN

– Hồ Văn Vân Anh (bà): sinh năm 1914 ở Long Xuyên, hiện còn sống ở VN.

– Hồ Thị Sương: sinh năm 1922 ở ChợLớn, mất năm 1955 ở VN.

– Hồ Văn Di Thuấn, sinh năm 1928 ở Trà Vinh, mất năm 1994 ở Cali.

– Hồ Văn Di Hinh, sinh năm 1928 ở Trà vinh, Tổng Trưởng Thanh Niên, Thị Trưởng Đà Lạt, mất năm 2002 tại Pháp.

– Hồ Văn Ứng Kiệt, sinh năm 1934, phi công tử nạn năm 1964.

Nếu phải kể thêm người con thứ 9 là bà Hồ Văn Madeleine (chị của Hồ Văn Ứng Kiệt), chết lúc mới sanh.

Hồ Biểu Chánh bắt đầu viết văn từ năm 1906, cùng lúc với nghề công chức, nhưng ông đã sống với nghiệp văn đến hơi thở cuối cùng. Nếu nghề công chức là một phương tiện sinh sống thì viết văn, đối với Hồ Biểu Chánh là một đam mê và một sứ mạng «văn dĩ tải đạo». Ông nói: Viết văn để cho người mình đọc chuyện xảy ra ờ nước mình bằng chữ nước mình.

Những năm cuối cùng ông có bịnh đau tim và ông rất yếu.

Ông Hồ Văn Kỳ Trân, người con trưởng của ông kể lại:

«Bệnh đã càng ngày càng thêm mà ba tôi không chịu nghỉ viết. Thầy thuốc cấm. Ba tôi vẫn viết. Con cháu năn nỉ lắm thì ba tôi chỉ nghỉ vài ngày rồi viết nữa và bảo rằng:
«Ba còn viết được thì cứ để cho ba viết. Ba không viết được thì lòng thấy bứt rứt, người thấy khó chịu hơn. Có viết được lòng mới thấy yên ổn, người mới thấy thư thả dễ chịu. Viết là một phương thuốc, là một cách trị bịnh cho ba đó»

…. Cách đó ít bữa thì ba tôi từ trần. Trên bàn viết còn để lại bản thảo một tác phẩm viết dở» (Quyển Hy Sinh). (Thụy Khuê RFA)

Sau nửa thế kỷ sáng tác, ông để lại cho hậu thế một văn nghiệp đồ sộ với 131 tác phẩm đủ các thể loại như truyện ngắn, thơ, tuồng cải lương, hát bội, văn tế, dịch thuật… liệt kê như sau:

– 64 tiểu thuyết
– 8 đoản thiên
– 4 truyện ngắn
– 2 truyện dịch (1 dịch sách Tàu: Tân soạn cổ tích và 1 dịch vở kịch Pháp: Lửa ngưng thình lình)
– 12 tuồng hát (5 hài kịch, 4 hát bội, 3 cải lương)
– 5 tập thơ và truyện thơ (truyện U Tình Lục thể lục bát gồm 1790 câu)
– 8 tập ký
– 28 tập khảo cứu và phê bình.

Nhưng những tác phẩm thuộc các thể loại kể trên ít ai biết đến mà người dân cũng ít biết đến tên ông Đốc Phủ Sứ Hồ Văn Trung.

Người ta chỉ biết tên nhà văn Hồ Biểu Chánh với một thể loại duy nhất, đó là tiểu thuyết.