Những con cừu chỉ hành động theo con đầu đàn. Thấy con đầu đàn nhảy lên ở chỗ nào thì khi đi đến chỗ đó chúng cũng nhảy lên mà không cần biết tại sao. Nhiều người Việt viết sai tiếng Việt với cùng “hội chứng” như thế.

Trừ những người vì hoàn cảnh xã hội nhất định, không được học hành nhiều, ít chữ nghĩa, nên vô tình họ viết sai chính tả tiếng Việt, bài viết này, đề cập thói quen của những người có học hành, thậm chí những trí thức khoa bảng đã hồn nhiên và cố ý viết sai tiếng Việt – như những con cừu nhảy lên ở chỗ con đầu đàn đã nhảy trước đó.

Lưu bản nháp tự động

Đùi heo xông khói Đi-ôu-cơ

Trong một chuyến đi xuyên Việt từ Sài Gòn ra Hà Nội, theo chương trình định trước, con rể tôi lái xe, từ Nha Trang ra sẽ chạy lên Đèo Cả để được ngắm phong cảnh hùng vĩ của một trong những con đèo “trên núi dưới biển” đẹp một cách “hữu tình” này và ngắm bãi biển Đại Lãnh. Thế nhưng khi gần tới đèo thì trời cũng sắp tối. Vì hầu hết xe cộ đều chạy qua Hầm chui Đèo Cả vừa an toàn và nhanh chóng, nên đường đèo rất vắng. Nghe nói xe chạy lẻ loi lên đèo ban đêm rất dễ bị “kẻ xấu” trấn lột hoặc xin đểu. Xin đểu cũng là một dạng trấn lột, hay cướp. Thế nên chúng tôi chạy vào hầm chui Đèo Cả.

Trước khi vào tới Hầm Đèo Cả chúng tôi phải qua một trạm thu phí. Nhìn những chữ lớn HAM DEO CA phía trên trạm BOT này tôi bật cười nhớ lại câu chuyện một người bạn đã kể trước đó.

Anh bạn người Trung di cư vào Sài Gòn sống từ thời chiến tranh. Bạn vừa đón vợ chồng người anh ruột cùng với đứa con trai 14 tuổi của họ từ Mỹ về thăm. Sau đó họ đi du lịch ra Huế bằng xe đò. Khi xe dừng lại ở trạm thu phí này để mua vé qua trạm, cháu bé 14 tuổi sinh ở Mỹ, không biết tiếng Việt, nói với ba cháu bằng tiếng Anh: “Người Việt viết sai ngữ pháp tiếng Anh ba nhỉ?”

“Con thấy họ viết sai ở đâu?” người cha hỏi.

Cậu bé chỉ 3 chữ HAM DEO CA nói: “Đáng lẽ phải viết DEO CA HAM mới đúng.” (cậu phát âm là “Đi-ôu-cơ ham”) do cậu tưởng ba chữ ấy quảng cáo món… Đùi heo xông khói hiệu Đi-ôu-cơ, vì trong tiếng Mỹ, Ham là đùi heo, hoặc thịt đùi heo được ướp muối hay xông khói.

Sau khi được ba cậu giải thích đó là chữ Việt, chớ không phải chữ Mỹ, có nghĩa là Hầm chui qua Đèo Cả, cậu tỏ ra hiểu biết và lẫm bẫm với vẻ thích thú: American ham is Vietnamese tunnel! (Thịt đùi heo xông khói ở Mỹ là hầm chui ở Việt Nam)

Lưu bản nháp tự động

Vỡ đê

Trong cuốn Chơi Chữ (Nam Chi Tùng Thư xb(?) Sài Gòn, 1960) của cụ Lãng Nhân, kể một câu chuyện xảy ra dưới thời Pháp thuộc, vào khoảng đầu thế kỷ 20. Lúc bấy giờ nền giáo dục và thi cử của ta còn dùng chữ Hán. Một nho sinh từ nhà quê lên Hà Nội trọ học để đi thi mong kiếm một chức quan. Một hôm chàng nhận được dây thép từ nhà đánh lên. Thời bấy giờ việc gởi một điện tín người ta nói là “đánh dây thép.”

Phải có một biến cố gì lớn lắm người dân quê mới phải dùng đến cách “đánh dây thép” để thông tin nhanh. Và để tiết kiệm tiền, người ta phải viết thông tin rất cô đọng, càng ít chữ càng tốt.

Mở tờ giấy điện tin đọc thấy vỏn vẹn 2 chữ “Vo de” mặt chàng nho sinh biến sắc rồi tái ngắt. Chàng run rẩy suýt ngã quỵ. “Vo de” là vỡ đê. Thời bấy giờ vỡ đê là chuyện sinh tử, cả một tai họa giáng xuống làng xóm như cảnh Thủy điện xả nước theo lũ ngày nay, tất cả người và vật chìm trong nước lũ, người chết, nhà cửa tài sản trôi theo dòng nước cuồn cuộn, ruộng đồng chìm ngập trong nước, hoa màu mất trắng.

Hình dung tai họa kinh hoàng như thế đã xảy ra ở quê nhà, chàng nho sinh vội vã gác lại việc học, tất tả về quê. Nhưng về đến nơi chàng thấy làng mạc vẫn yên ổn, cảnh vật vẫn thanh bình, chàng nhẹ nhõm trong lòng nhưng vẫn hoang mang. Chỉ khi về đến nhà chàng mới vỡ lẽ: Vợ chàng vừa sinh con trai đầu lòng, một chuyện vui vẻ tốt lành khiến cả gia đình mừng rỡ, đánh giây thép lên Hà Nội cho chàng biết tin vui. Tuy đang còn đi học, đa số (hoặc hầu hết) các vị học trò lúc bấy giờ đều đã trưởng thành và đã có vợ con. Và 2 chữ “vo de” trong cái điện tín chỉ có nghĩa là… vợ đẻ!

Lưu bản nháp tự động

Chữ Quốc ngữ đội mũ mang giày

Trong một bài viết, “Sao lại nói chữ Quốc ngữ Việt Nam ‘rất nực cười’?” đăng trên trang mạng Nghiên Cứu Quốc Tế, tiến sĩ Nguyễn Hải Hoành dẫn lời một học giả rất nổi tiếng của Trung quốc hiện đại là “Quý Tiễn Lâm (季羡林 Ji Xian-lin, 1911-2009), người được dư luận chính thống nước này tôn vinh là “Quốc học đại sư”, “Học giới Thái đẩu” (Siêu sao trong giới học thuật), “Quốc bảo” (Báu vật của nước nhà)” vân vân, viết rằng “chữ viết của người Việt Nam sau khi được La tinh hóa, đầu đội mũ, chân đi giầy, rất nực cười,” (越 南 文 字 拼 音 化 之 后,头戴帽子,脚穿鞋子,很滑稽. [Việt Nam văn tự bính âm hóa chi hậu, đầu đái mạo tử, cước xuyên hài tử, ngận hoạt kê])i

Ts Nguyễn Hải Hoành nhận thấy cái ông “đại sư” “quốc bảo” của Tàu nói năng hồ đồ và chứng tỏ chẳng biết gì cả về chữ quốc ngữ của người Việt. Dù vậy, hình tượng “đội mũ mang giày” mà Quý Tiễn Lâm gán cho chữ quốc ngữ của chúng ta, cũng ngộ nghĩnh đó chớ. “Mũ” và “giày” theo con mắt Quý Tiễn Lâm chính là các dấu phụ nguyên âm (diacritical marks). và dấu giọng (accent marks) chúng ta “gắn” vào chữ viết của mình.

Chuyện là như vầy: Những ngày đầu tiên đặt chân đến Việt Nam (xứ Đàng Trong), các giáo sĩ truyền đạo Thiên Chúa Tây phương đã rất ngỡ ngàng khi tiếp xúc với tiếng nói của người bản xứ: Lúc bấy giờ họ chưa có khái niệm gì về các ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic languages) và họ nghe một thứ ngôn ngữ không những hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, mà còn không giống chút gì với các ngôn ngữ trong hệ Ấn Âu quen thuộc của người phương Tây. Giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), tác giả quyển từ điển “Dictionarium Annamiticum, lusitanum, et latinum,” thường được gọi là “Từ điển Việt – Bồ – La,” đã từng viết: “Riêng tôi xin thú nhận rằng, khi vừa tới Đàng Trong nghe người Việt nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót và tôi đâm thất vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được tiếng Việt.” [… ]“Linh mục Joseph Tissanier ở Đàng Ngoài từ 1658 – 1663 cũng ghi lại như sau: Tôi xin thú nhận rằng lúc đầu tiếng Việt làm tôi phát sợ, vì thấy nó khác với các ngôn ngữ Âu châu quá, nên hầu như tôi thất vọng trong việc học tiếng này.”ii .

Giáo sĩ Đắc Lộ kể mấy ví dụ về sự khó khăn phân biệt âm và thanh của tiếng Việt trong tai người phương Tây. “Một hôm Lm bạn với Đắc Lộ muốn bảo người giúp việc đi chợ mua cá. Khi người giúp việc ở chợ về bảo cho ông hay là đã mua như ý Lm muốn. Ông liền xuống nhà bếp coi xem đã mua loại cá nào, thì ông bỡ ngỡ vì người đi chợ mua một thúng đầy cà. Lm biết ngay vì [ông] đã đọc trại tiếng cá thành cà, nên ông xin lỗi người giúp việc. Một Lm khác bảo người nhà đi chém tre iii, Đoàn trẻ em [người Việt] trong nhà Lm nghe vậy sợ quá, bỏ chạy tán loạn. Thì ra ông phát âm lầm là chém trẻ, nên làm cho đoàn trẻ em khiếp sợ. Phải giải thích mãi trẻ em mới yên tâm trở về nhà với Linh mục.”iv

Những ký hiệu ghi âm tiếng nói của người Việt để phân biệt ca, cá, và cà, phân biệt tre và trẻ, cũng như phân biệt ham và hầm, vợ đẻ và vỡ đê… chính là cái mà ông “Quốc học đại sư” Quý Tiễn Lâm của Tàu gọi là tiếng Việt “đầu đội mũ, chân đi giày!”

Lưu bản nháp tự động

Đội mũ mang giày: chuyện không đơn giản.

Cái ông “siêu sao học thuật” (Học giới Thái đẩu) của Tàu này không hề… rê đuốc vào chân mình, chỉ nói lấy được. Trong bài viết dẫn trên, Ts Nguyễn Hải Hoành cho biết: “Tiếng phổ thông TQ có 4 thanh điệu, vì thế chữ Latin trong phương án Hán ngữ Pinyin do Nhà nước TQ ban hành sử dụng từ năm 1958 cũng phải kèm theo 4 dấu giọng, ví dụ [lī], [lí], [lǐ], [lì], ngoài ra các phụ âm kép như zh, ch, sh có thể viết tắt là ẑ, ĉ, ŝ. Như vậy chữ Hán ngữ Pinyin (Bính âm) v cũng “đội mũ,” vì sao cụ Quý Tiễn Lâm lại chỉ chê chữ Quốc ngữ Việt Nam “rất nực cười”?”

Ts Nguyễn Hải Hoành nhắc lại lời học giả Hồ Thích từ 100 năm trước “phán” về chữ quốc ngữ của người Việt: “Chữ viết Việt Nam hiện nay xem ra giống như chữ Pháp bị nước mưa xối tan ra, giống như phiên bản Latin của chữ hình vuông, vừa không thanh thoát cũng chẳng mỹ quan.” Hồ Thích cho rằng chữ quốc ngữ của người Việt Nam vừa không giống chữ Hán, không giống chữ Nôm (đã đành!) lại không giống chữ Pháp, mà cũng không giống cả chữ La tinh, “nghĩa là không đâu vào đâu, chẳng ra cái giống gì.”vi. Lời phán ấy có lẽ khiến một số nhà nho Việt Nam thủ cựu bài bác chữ Quốc ngữ thời đó khoái lắm.

Xem ra các tay học phiệt Tàu không biết gì về chữ quốc ngữ của Việt Nam, chỉ phán bừa vì họ rất hậm hực về việc Việt Nam “thoát Trung” thành công về mặt văn tự. Với thứ chữ viết La tinh hóa này chỉ trong khoảng 60 – 70 năm người Việt Nam đã hoàn toàn thoát ra khỏi hệ thống văn tự Hán, điều mà người Nhật và người Hàn đã không làm được, dù họ cũng sáng tạo được văn tự riêng cho mình.

Tiếng Việt có 6 thanh (Phù bình thanh – không dấu, Phù khứ thanh – dấu sắc, Phù thượng thanh – dấu ngã, Trầm bình thanh – dấu huyền, Trầm thượng thanh – dấu hỏi, và Trầm nhập thanh – dấu nặng), nên phải dùng 5 ký hiệu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng để phân biệt thanh điệu. Tiếng Trung quốc (chỉ có 4 thanh: âm bình thanh, dương bình thanh, thướng thanh, và khứ thanh) không có thanh “trầm nhập” như tiếng Việt nên chữ “bính âm” (pinyin) của họ không mang dấu “nặng”, tức là họ có đội mũ mà không mang giày, giống như anh chàng nhà quê đội mão mà không mang hia, hoặc như Táo quân mặc áo mà không mặc quần chớ gì mà cười tiếng Việt!

Mặt khác, một chữ tiếng Việt dài nhất, chữ “nghiêng” chỉ gồm 7 ký tự, trong khi một chữ Hán thường có đến hàng chục nét “vẽ” rất rối rắm, khó học, khó nhớ. Ví dụ chữ “Hối” 匯 trong (Hối đoái – 匯兌 ) có 13 nét; chữ “Tê” 虀 (một món dưa chua) có 23 nét; chữ “Thô” 麤 (thô sơ) có 33 nét. Một chữ có âm đọc là [piang], là tên gọi 1 loại mỳ sợi đặc sản của tỉnh Phúc Kiến, có đến… 54 nét! Đó là một trong những lý do khiến người Trung quốc muốn La Tinh hóa chữ viết của họ cho dễ học dễ viết. Chuyện không dễ chút nào. Vậy mà họ lại chê chữ quốc ngữ của người Việt “đội mũ mang giày”!

Việt Nam là một trong số 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dùng hệ chữ viết La tinh, và là một trong số rất ít các quốc gia châu Á dùng loại chữ viết này. Với hệ thống chữ viết quốc gia bằng chữ cái La Tinh, người ta có thể học một ngoại ngữ có tính phổ biến quốc tế như tiếng Anh, tiếng Pháp… và tiếp xúc thẳng với mạng Internet rất thuận tiện mà không phải học thêm một hệ thống chữ viết nào khác. Người Tàu với hơn 1,3 tỷ dân, cũng muốn dân họ có được sự thuận tiện đó để dễ thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Họ đã nhiều lần nỗ lực La Tinh hóa chữ viết, nhưng không thành công. Rốt cuộc người Tàu đã phải tuyên bố bỏ cuộc. Họ có thể dùng chữ pinyin như một giải pháp phụ để phiên âm cho từng mặt chữ Hán, giúp người học / đọc đọc được từng chữ ô vuông đó chớ không thể dùng nó thay cho chữ Hán để viết lách gì được, trong khi người Việt đã hoàn toàn bỏ hẳn chữ Hán, và phát triển chữ quốc ngữ hoàn chỉnh đến mức có thể diễn đạt mọi lãnh vực tri thức – tư tưởng, văn học, và khoa học, mỹ thuật… một cách phong phú và chính xác.

Việc các học giả Trung quốc chê bai chữ quốc ngữ của người Việt gợi mình nhớ chuyện chùm nho còn xanh của con… cáo!

Lưu bản nháp tự động

Chữ Hán 54 nét dưới đây, do Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoành phát hiện, là tên gọi 1 loại mỳ sợi đặc sản của tỉnh Phúc Kiến.

Người Việt nói như hát

Tiếng Việt có 6 thanh điệu nên chữ quốc ngữ phải dùng 5 ký hiệu (trừ một thanh không dấu) sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng tương ứng. Nhưng các dấu thanh này không phải tự nhiên mà có. Các nhà truyền giáo thuộc Dòng Tên La Mã sáng tạo chữ quốc ngữ vốn là người Bồ Đào Nha. Họ dùng các kỳ tự La tinh trong bảng chữ cái Bồ Đào Nha để ghi âm tiếng Việt. Nhưng bảng chữ cái Bồ Đào Nha, cũng như nhiều bảng chữ cái của các ngôn ngữ Tây phương dùng chữ La tinh khác, không có dấu giọng hay dấu thanh điệu. Vì vậy những chữ Việt sơ khai được viết liền nhau như ngôn ngữ đa âm của phương Tây và không có dấu, ví dụ:

Sinoa, Sinuua (Xứ Hóa/tức Thuận Hóa),
Cacham, Cacciam (Ca Chàm/tức Kẻ Chàm hay Thanh Chiêm),
Unsai (ông sãi),
Ungue, (ông nghè),
Oundelin (ông đề lĩnh),
Nuocman (Nước Mặn),
Ainam (Hải Nam),
Quanghia, Quamnguya (Quảng Nghĩa),
Quignhin (Qui Nhơn),
Bafu (Bà Phủ/tức vợ quan phủ)…
v.v…

Giáo sĩ Đắc Lộ đã nói tiếng Việt nghe líu lo như tiếng chim, hoặc người Việt nói như hát. Ngay đến người Tàu vốn rất tự phụ với tiếng Hán của họ và miệt thị các ngôn ngữ khác, nhưng vẫn nhận tiếng Việt như tiếng chim hót. Có giai thoại kể ông Mạc Đĩnh Chi đi sứ bên Tàu, bị một viên quan Tàu ra một vế đối:

“Quých thiệt chi đầu đàm Lỗ luận: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri.” Nghĩa là Miệng lưỡi chim chích trên đầu cành bàn sách Luận ngữ: ‘Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, đó mới là biết.’

Ông Mạc Đĩnh Chi đối lại: “Oa âm trì thượng độc Chu thư: lạc dữ thiểu nhạc lạc, lạc dữ chúng nhạc lạc, thục lạc?” (Tiếng ếch nhái đọc sách nhà Chu trên bờ ao: vui nhạc với ít người, vui với nhạc nhiều người, đằng nào vui hơn?”

Vì đối phương trích sách Luận ngữ của Khổng tử dùng các âm “tri chi tri chi” để diễu tiếng Việt như tiếng chim hót, nên ông Mạc Đĩnh Chi trích sách Mạnh tử, với những âm “lạc nhạc lạc nhạc” để chê tiếng Tàu như tiếng ếch nhái.

Nếu tiếng Việt mà viết bằng phẳng thiếu dấu giọng trầm bổng lên xuống thì đâu còn ra tiếng chim nữa. Các nhà truyền giáo đã phải mượn một số ký hiệu trong bảng chữ cái Hy Lạp cổ để ghi âm các thanh, và dần dần tách riêng từng từ theo tính đơn âm của tiếng Việt.

Nhưng như thế chưa đủ. Tiếng Việt là một ngôn ngữ không những giàu thanh điệu (tiếng Việt có 6 thanh, trong khi tiếng Hán chỉ có 4 thanh thôi) mà còn có tính chất độc đáo: sự biến đổi độ dài ngắn cao thấp của âm thanh cũng làm cho từ biến đổi, và theo đó ý nghĩa cũng biến đổi hẳn. Đó là điều các ngôn ngữ khác không có. Trong tiếng Anh, chẳng hạn, ý nghĩa của từ là cố định; thay đổi ngữ điệu chỉ làm thay đổi ý người nói, chớ không thay đổi nghĩa của từ.

Ví dụ câu nói thông thường và phổ biến “I love you” – Tôi yêu em. Ngữ điệu của câu nói có thể được diễn đạt theo một trong 3 cách:

1- Khi nói nhấn mạnh vào từ đầu, “I”I love you” hàm ý: Tôi yêu em. Chính tôi đây yêu em, chớ không phải nó. Nó chỉ nói xạo thôi. Tôi mới chính là người yêu em.

2- Nhấn mạnh vào từ thứ nhì, “LOVE”“I LOVE you” hàm ý: Tôi yêu em mà. Tôi thực sự yêu em, chớ tôi đâu có hận ghét gì em.

3- Nhấn mạnh vào từ cuối, “YOU”“I love YOU hàm ý: Tôi yêu em. Tôi yêu chỉ mình em thôi. Cô bé kia tôi không quan tâm.

Trong cả 3 trường hợp, ý nghĩa của ba từ “I love you” vẫn là ‘Tôi yêu em’, chỉ có ý người nói đổi khác.

Tiếng Việt thì không như thế. Sự thay đổi thanh điệu sẽ làm thay đổi ý nghĩa của từ. Ví dụ một câu nói gồm các từ: “Bà Ba bả bỏ bã bà Bá.” (Bà Ba bả bỏ thuốc độc cho bà Bá.)

Nếu bỏ hết các dấu thanh điệu, các chữ còn lại, trừ từ “bỏ,” chỉ là một âm “ba”

Ba Ba ba (bỏ) ba ba Ba: không có nghĩa gì hết.

Về mặt nguyên âm cũng vậy, Đối với người Việt, An là An, và Ăn là Ăn – hai từ khác nhau. Khi viết ra, chúng khác nhau về chữ và khác nhau về nghĩa. Đối với tai của nhà ngôn ngữ học, hai từ đó chỉ là một mà do nguyên âm chính của nó được phát âm dài ngắn khác nhau, Các nhà truyền giáo dòng Tên sáng tạo chữ viết cho tiếng Việt là những nhà ngôn ngữ học lỗi lạc. Họ nhận ra nguyên âm chính của từ thứ nhì (Ăn) chỉ là nguyên âm A được phát âm ngắn. Tức là chỉ thay đổi độ dài ngắn, ngậm hay mở của nguyên âm, ta có ngay một từ khác, mang nghĩa khác.

Thế là họ tìm cách đánh dấu âm A ngắn này bằng một hình trăng khuyết nhỏ trên đầu chữ A. Đó là chữ Ă. Tương tự như thế, các vị thừa sai Thiên Chúa giáo ấy đã sáng tạo ra các chữ nguyên âm a, ă, â, e, ê, o, ô, ơ, u, và ư cho một hệ thống chữ viết mới cho người Việt mà sau này sẽ được gọi là chữ Quốc ngữ – thứ chữ chúng ta đang dùng ngày nay. Đây là một công cụ tuyệt vời ghi âm tiếng Việt chính xác 100 phần trăm: tiếng nói thế nào được viết ra như thế. Và viết thế nào được đọc đúng như thế.

Công cụ tuyệt vời này trong một thời gian dài từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19 chỉ được sử dụng trong nội bộ các nhà truyền giáo và con chiên người Việt của các giáo đoàn Công giáo. Ngoài cộng đồng giáo dân Thiên Chúa giáo ra, người Việt trong cả nước vẫn tiếp tục dùng chữ Hán và chữ Nôm trong tất cả các hoạt động tri thức. Triều đình dùng chữ Hán như văn tự chính thức của quốc gia. Giới trí thức bên ngoài triều đình, ngoài việc dùng chữ Hán để sáng tác văn học, còn sử dụng chữ Nôm để ghi âm tiếng nói của dân tộc. Nhưng cả hai thứ chữ viết này rất khó học, khó nhớ. Riêng chữ Nôm được nhiều người cho là khó gấp 5 lần chữ Hán. Phải thật giỏi chữ Hán mới có thể dùng được chữ Nôm. Vì thế số người Việt trong nước mù chữ là rất lớn. Người ta ước lượng đến 90 phần trăm dân số mù chữ.

Lưu bản nháp tự động

60 năm phát triển của chữ Quốc ngữ

Sau khi thiết lập nền đô hộ trên đất nước Việt Nam, người Pháp thấy không thể dùng chữ Nho và chữ Nôm trong hệ thống cai trị. Học các thứ chữ này khó quá. Họ quyết định dạy thứ chữ mới theo vần La tinh cho người bản xứ. Thứ chữ do các nhà truyền đạo Thiên Chúa giáo sáng tạo gần với tiếng Pháp hơn. Giới trí thức Nho học bản xứ phản đối kịch liệt thứ chữ mới “do người Tây bày ra” này. Họ muốn giữ lại chữ Nho và chữ Nôm để “duy trì văn hóa dân tộc.”

Tuy vậy, từ năm 1861, người Pháp đã mở trường Thông ngôn tại Sài Gòn, đào tạo một số người biết tiếng Pháp. Họ muốn dùng chữ Pháp thay thế chữ Hán trong giáo dục từ cấp thấp nhất trong làng xã trở lên. Ngày 15/4/1865, tờ Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên, ra đời tại Sài Gòn, sử dụng chữ viết mới gọi là “chữ Tây quốc ngữ.” Ngày 22/2/1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier, Thống Đốc Nam Kỳ, ký nghị định bắt buộc dùng “chữ quốc ngữ” bằng chữ cái La tinh thay thế chữ Nho trong các công văn của chính quyền ở Nam Kỳ. Từ “Tây” trong “chữ Tây quốc ngữ” được lược bỏ, và “chữ Tây” dành để gọi chữ Pháp-lang-sa. Từ đây, chữ viết mới có tên gọi chính thức là “chữ quốc ngữ.”

Ngày 6/4/1878, Thống Đốc Nam Kỳ Lafont ký Nghị định 82 ấn định “Kể từ Mồng Một Tháng Giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị… sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ Quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ Quốc ngữ sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng…”

Từ cái mốc năm 1869 với nghị định đầu tiên của Thống Đốc Nam Kỳ Marie Gustave Hector Ohier đến khi cuốn Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tinh Paulus Của ra đời năm 1895 là 26 năm, và tới cuốn Việt Nam Tự Điển của hội Khai Trí Tiến Đức năm 1931 là 60 năm.

Đến lúc này vẫn còn có người đánh giá thấp tiếng Việt. Trong cuốn “Vietnamese Tradition on Trail 1920 – 1945” David G.Marr ghi nhận: “In September 1931, an aging collaborator politician, Ho Duy Kien, during an otherwise routine Cochinchina Colonial Council discussion on primary education, made the mistake of referring to the Vietnamese language as a “patois”similar to those found in Gascogne, Brittany, Normandy, or Provence.” (Vào Tháng Chín năm 1931, một chính trị gia lão thành hợp tác với Pháp, là Hồ Duy Kiên, trong một cuộc thảo luận của Hội Đồng Thuộc Địa Nam Kỳ về giáo dục Tiểu Học đã sai lầm khi nói ngôn ngữ Việt Nam như một thổ ngữ dân tộc tương tự như những thổ ngữ thấy ở các xứ Gascogne, Brittany, Normandy, hay Provence của Pháp.)vii Nghe nói về sau này, Thạc Sĩ Văn Phạm Pháp Phạm Duy Khiêm cũng đã phát biểu (không biết ở đâu và trong dịp nào) rằng tiếng Việt còn mang tính thổ ngữ mường mán, đã khiến dư luận phê phán sôi nổi một dạo.

Nhận xét về hiện tượng đánh giá thấp tiếng Việt này, Tiến Sĩ Nguyễn Thiện Giáp viết: “Nhìn chung, những công trình nghiên cứu về tiếng Việt thời thuộc Pháp được viết trên cơ sở lí luận của truyền thống ngôn ngữ học châu Âu, vì thế không tránh khỏi có hiện tượng nhìn tiếng Việt qua lăng kính của các tiếng châu Âu, cụ thể là tiếng Pháp mà sau này có học giả phê phán là có tính mô phỏng, hoặc có người nặng lời gọi là “dĩ Âu vi trung”viii. (“dĩ Âu vi trung: Lấy châu Âu làm trung tâm.)

Một năm sau cuốn Việt Nam Tự Điển của hội Khai Trí Tiến Đức là sự ra đời của Tự Lực Văn Đoàn, 1932. Bất chấp những nhận định chủ quan và tiêu cực về tiếng Việt của vài người như thế, trong thời gian 60 năm đó, tiếng Việt đã được đôi cánh thần kỳ của chữ quốc ngữ nâng lên và bay cao rực rỡ. Vào năm 1933, Việt Nam đã có được 155 tờ nhật báo và tạp chí định kỳ. Nếu so với với “con số 3.812 nhật báo ở Đức vào năm 1926, hoặc 100 tờ báo hàng ngày chỉ riêng của thành phố Paris,”ix thì 155 tờ báo là quá nhỏ bé. Nhưng chỉ mới hơn 60 năm chính thức phổ biến chữ quốc ngữ bắt đầu từ Nam Kỳ và từ khoa thi chữ Hán cuối cùng ở Bắc Kỳ (khoa Ất Mão) năm 1915, và Trung kỳ (khoa Mậu Ngọ) năm 1919, thì con số 155 tờ báo chữ quốc ngữ vào năm 1933 là rất đáng kể.

Ngay trong vụ Hồ Duy Kiên 1931, theo David G. Marr cho biết: “For the next few months, from one end of Vietnam to another, the quoc-ngu press denounced Ho Duy Kien as rootless (mat goc), unpatriotic, and unrepresentative. Writers pointed out that Vietnamese had no less than 17 million speakers,” (Trong vài tháng kế tiếp, trên khắp nước Việt Nam, tất cả các tờ báo quốc ngữ đều tố Hồ Duy Kiên là người mất gốc, không có tinh thần ái quốc, và không đại diện cho nhân dân Việt Nam. Các nhà văn chỉ ra rằng tiếng Việt có không ít hơn 17 triệu người nói.”x Dân số Việt Nam lúc bấy giờ vào khoảng 20 triệu. 17 trên 20 là một con số rất lớn. Sau năm 1945, số người Việt Nam đọc được chữ quốc ngữ càng tăng rất nhanh.

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Chỗ nhảy của những con cừu

Chữ quốc ngữ của người Việt bản xứ sớm xuất hiện trong các bản tin trên các báo chí tiếng Pháp ở chính quốc và thường xuyên trên báo chí tiếng Pháp tại Việt Nam bấy giờ là thuộc địa của Pháp.

Khi sáng tạo chữ Quốc ngữ, trong nỗ lực ghi âm tiếng Việt chính xác 100 phần trăm, các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha đã tốn nhiều công sức tạo ra các dấu phụ nguyên âm và dấu thanh điệu cho hệ chữ viết này. Thế nhưng khi xuất hiện trên báo chí tiếng Pháp, tại chính quốc hay tại thuộc địa, những từ tiếng Việt bị lột bỏ hết các dấu, trở nên trần trụi, trông không còn là chữ Việt, mà cũng không giống chữ Pháp hay chữ La Tinh. Tình trạng này là do sự hạn chế về kỹ thuật in typo lúc bấy giờ.

Chữ Pháp không có các dấu thanh điệu và dấu nguyên âm (tuy chúng có dấu sắc, dấu huyền, và dấu mũ trên chữ “e”) Kỹ thuật in typo lúc bấy giờ là đúc từng con chữ rời bằng một hợp kim chì, thiếc, và antimoon. Thợ nhà in sẽ sắp các con chữ thành từng từ vào một “bát chữ” rồi đúc thành “bản kẽm” để đưa lên máy in. Do chữ Pháp không có dấu, và họ không thể vì để in đúng chính tả một vài chữ Việt mà phải đúc cả bộ chữ khác, vả lại, họ không đánh giá cao và không thấy cần tôn trọng chữ viết của dân thuộc địa bản xứ, cho nên các từ tiếng Việt xuất hiện trong các bài báo tiếng Pháp đều không có dấu, “trông không giống ta mà cũng chẳng ra Tây”. Đó là một lỗi kỹ thuật. Các nhà trí thức Tây học bản xứ thời đó biết vậy mà cũng phải đành chịu vậy khi bài viết hoặc sách của họ được in ra bằng tiếng Pháp phải chứa những từ tiếng Việt “bất toàn” nếu không nói là què quặt.

Chính sự hạn chế trong kỹ thuật in ấn này là thủ phạm chính (mà một số người Việt tiếp tay đồng phạm) làm biến đổi không ít các địa danh tiếng Việt trên đất nước mình. Chẳng hạn, làng Hương Bì dưới chân dãy núi Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh, được viết không dấu thành Huong Bi. Trong tiếng Pháp, chữ H không được phát âm (H muet: H câm), nên tên làng Hương Bì trở thành Uong Bi, để dần dà thành ra Uông Bí. Tương tự như thế, một địa danh Hồng Hải, biến thành… Hòn Gai!

Khu vực bến Bạch Đằng ở quận Nhất Sài Gòn, nơi đặt trụ sở Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam và Hội Trường Diên Hồng nơi họp Thượng Viện của VNCH, ngày xưa thuộc làng Láng Thọ. Khi xuất hiện trên sách báo tiếng Pháp, Láng Thọ trở thành Lang Tho. Rồi vì chữ H câm, nên Lang Tho thành Lang To, và được đọc theo âm tiếng Pháp là “Lăng Tô.” Trong sách Sài Gòn Năm Xưa cụ Vương Hồng Sển có nhắc đến cái thú chiều chiều đi dạo mát Lăng Tô của dân thượng lưu Sài Gòn xưa.

Chữ Việt không dấu trên báo chí tiếng Pháp thoạt đầu là do hạn chế và thiếu sót kỹ thuật khách quan. Nhưng sự khiếm khuyết này cứ được lập đi lập lại thường xuyên lâu ngày, khiến người ta (giới trí thức tân học người Việt) tưởng đó là điều đương nhiên phải là như thế. Từ đó, hễ phải viết một từ tiếng Việt trong một văn bản tiếng nước ngoài, người ta hồn nhiên tự tước bỏ hết các dấu phụ khỏi chữ viết của dân tộc mình. Họ là những người trí thức cả đó. Nhưng họ không hiểu rằng khi bị mất hết dấu, chữ đó không còn là chữ Việt nữa, nó trở nên vô nghĩa hoặc ý nghĩa không xác định hay khác xa với nghĩa gốc của nó.

Người ta không biết “Ham” là chữ “hầm” tiếng Việt, hay một chữ tiếng Anh với nghĩa… thịt đùi heo xông khói; không rõ “vo de” là vợ đẻ hay vỡ đê; “nghi ngoi” là nghỉ ngơi hay nghĩ ngợi; không thể phân biệt Nguyễn Du, tác giả truyện Kiều, hay Nguyễn Dữ, tác giả sách Truyền Kỳ Mạn Lục. Không những người bình thường không hiểu những chữ “không phải Tây mà cũng chẳng còn ta” ấy, mà ngay cả những người có học nhưng kém tri thức có khi cũng không hiểu nó là cái gì. Chẳng hạn, một tác giả (dịch giả?) của một bài viết trên tờ tạp chí Heritage của hãng Hàng Không Việt Nam số Tết Canh Dần 2010 đã dịch ba chữ Việt không dấu Gia Dinh Bao thành… Family News! (Tin tức Gia đình!)

Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam mà tên của nó có đầy đủ dấu rõ ràng ngay trên trang nhất, đã bị người viết tước bỏ hết dấu đi và trở thành… tờ Tin tức Gia đình!

Ngày nay kỹ thuật in ấn đã tiến một bước dài thần kỳ như đi đôi hia ngàn dặm. Mỗi người, nếu có nhu cầu, đều có thể sắm cho mình nguyên một… nhà máy in, đặt ngay trên bàn làm việc. Với hàng chục font chữ đủ loại, kể cả ngoài hệ chữ viết La tinh, và khoảng 14 “bảng mã” (“bộ gõ” chữ Việt có dấu) từ VISCII (VIetnamese Standard Code for Information Interchange), TCVN3 với các font chữ VnTime, VNSouthernH; VNI (Vietnam-International), BK HCM, Vietware, VIQR, vân vân, đến Unicode, người ta có thể dễ dàng gõ chữ Việt với đầy đủ dấu. Thế nhưng, như những con cừu nhảy cẫng ở chỗ con đầu đàn đã nhảy, người ta vẫn tiếp tục gõ chữ Việt không dấu trong các văn bản tiếng nước ngoài!

Trong một cuốn sách nghiên cứu âm nhạc viết bằng tiếng Anh của các tác giả người Việt xuất bản trong nước, trong đó những từ tiếng Việt được viết không dấu như thế này:

“We used traditional technical terms still used by popular artists such as thengon nhan, ngon chun, ngon nhun… A tendency has appeared among the young instrumentalists and teachers of the dan bau to use a more explicative language for example, by calling the second technique (ngon chun), the descending flexional technique (nhan luyen xuong)”xi

Viết bằng tiếng nước ngoài hẳn là để cho người nước ngoài đọc. Nhưng họ cũng phải viết chữ Việt có đầy đủ dấu thì độc giả người nước ngoài mới có thể đọc và hiểu đúng tiếng Việt chớ. Tôi đọc không hiểu những chữ Việt không dấu đó. Người nước ngoài hiểu được không? Thậm chí, trên các danh thiếp, một mặt người ta in tên mình với đầy đủ dấu nghiêm túc, nhưng mặt bên kia người ta tự loại bỏ hết dấu đi, cái tên như thể bị lột truồng. Họ không muốn người ta gọi đúng tên mình sao? Tên mỗi người là một điệu nhạc êm ái thân thương nhất với chính người đó. Xuyên tạc tên của ai là một sự xúc phạm không hề nhỏ. Vậy mà mình tự xúc phạm mình. Những cái tên không mũ không giày đó vô tình khiến người ta có cảm giác mình tự ti (ông bà chỉ cần gọi tên tôi lơ lớ như vầy được rồi!) chưa nói những cái tên trần trụi như thế dễ gợi người ta nghĩ đến những từ không đẹp. Có lần tôi gặp một cái danh thiếp mang cái tên ba chữ: Ta Tham Du. Như đã nói, chữ Việt không có dấu thực sự là vô nghĩa.

Sở dĩ con cừu đầu dàn nhảy lên vì chỗ đó có khúc cây ngán chân nó. Người ta đã dẹp bỏ khúc cây trở ngại đó rồi, mà những con cừu đi sau tới đó cũng nhảy lên. Hãy bước tử tế đi. Nhảy ở chỗ không có gì ngán chân mình thì… điên quá!

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Thiếu Khanh

Đọc thêm: Thiếu Khanh, Should We Anglicize Our Mother Tongue? (http://www.art2all.net/tho/ tho_tk/ ShouldWeAnglicizeOurMotherTong ue.htm)

http://nghiencuuquocte.org/ 2017/12/11/sao-lai-noi-chu- quoc-ngu-vn-rat-nuc-cuoi/

ii Đỗ Quang Chính, “Lịch sử chữ Quốc Ngữ 1620 – 1659,” Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1972, trang 12 -13

iii Thời đó, thay vì nói chặt tre hay đốn tre, người ta nói chém tre.

iv Đỗ Quang Chính, Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ, như trên, trang 17

v Tức chữ La tinh phiên âm âm đọc của mỗi chữ Hán.

vi theo Ts Nguyễn Hải Hoành, đã dẫn

vii David G.Marr, “Vietnamese Tradition on Trail 1920 – 1945” London, England, 1981, page 136)

viii Nguyễn Thiện Giáp, Khái quát về sự hình thành và phát triển của Việt ngữ học (Phần 2) http://ngonngu.net/index.php? m=print&p=309

ix David G. Marr, Vietnamese Tradition, ibid. page 138

x David G. Marr, Vietnamese Tradition, ibid. page 136.

xi Đào Trọng Từ, et al., Essays On Vietnamese Music, Red River Foreign Language Publishing House, Hanoi, 1984. Ghi chú (1) trang 36).