Thượng Công Lê Văn Duyệt là nhà quân sự, nhà chính trị song toàn; chí công và nghiêm minh. Ông trị nước bằng cách thương dân, nghiêm khắc bọn quan lại thối nát. Do vậy, dù ông mất, triều đình kết tội ông, người dân vẫn tôn ông là “Thần”, dân Nam Bộ gọi Thượng công Lê Văn Duyệt thân thương, tôn kính là “Ông”. Ông vẫn sống trong lòng dân tộc, thời đại, bởi đức độ và tài năng mình.

Lưu bản nháp tự động
Đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt trong Lăng Ông Bà Chiểu. (Ảnh qua Wikipedia)

1. Trong công cuộc mở cõi đất Phương Nam, Nam Bộ xưa, nhà Nguyễn có vai trò to lớn, không ai phủ nhận. Mở cõi có hai phần việc quan trọng: một mặt khai phá rừng rú, đất hoang; mặt khác đắp lộ, đào kênh. Muốn có đất và thuận lợi trong việc canh tác thì phải song hành lo việc giao thông. Mảnh đất Phương Nam, giao thông thủy cực kì quan trọng. Thấy được tầm quan trọng này nên cha ông ta khi đặt chân đến đất đồng bằng, ngoài hệ thống sông rạch chằng chịt như mạng nhện mà thiên nhiên ban tặng, tiền nhân còn thiết lập cả một hệ thống kinh mương tựa những ô bàn cờ. Trong hệ thống sông kinh Nam Bộ, ngoài những con sông quan trọng, như: Đồng Nai, Nhà Bè, Bến Nghé, Sài Gòn, Thị Vải, La Ngà; Cửu Long, Vàm cỏ, Cái Lớn…, còn có một hệ thống kinh quan trọng: Vĩnh Tế, Trung Ương, Đông Điền, Ngã Bảy, Xà No, Phước Xuyên, Tháp Mười, Đồng Tiến, Hòa Bình, Phụng Hiệp, Cạnh Đền, Biện Nhị, Ngan Dừa, Chợ Hội, Kiểm Lâm, An Phong, Thần Nông… Kinh đào để dẫn nước, giao thông; ngoài ra, còn có những vai trò khác. Trong các con kinh có tính chiến lược nhiều mặt, kinh Vĩnh Tế mà bậc tiền hiền đã cất công khai phá, là mang tầm chiến lược quan trọng vào bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Tính chất quan trọng con kinh này thể hiện nhiều mặt: quốc phòng, thương mại, giao thông, thủy lợi…

2. Kinh Vĩnh Tế, được khắc trên Cao đỉnh (đỉnh thờ vua Gia Long) trong bộ Cửu đỉnh triều Nguyễn được đặt trước nhà Thế Miếu, Thành Nội Huế, bắt nguồn từ bờ hữu ngạn sông Hậu, nay thuộc thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang, kết thúc nối liền với rạch Giang Thành thuộc huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang, nằm song hành theo đường biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia, cách đường biên giới độ 2 km về phía Việt Nam, chiều dài khoảng 80 km, rộng 25 m, sâu độ 5 m. Con kinh này có ý nghĩa quan trọng lâu dài nhiều mặt; bởi đó, khi chuẩn bị đào, nhà vua đã xuống chiếu dụ dân Vĩnh Thanh như sau:

Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc.

“Đại Nam thực lục”, Quốc sử quán triều Nguyễn,
Viện sử học, NXB. Giáo dục, 2007, tập 1, tr. 997

Xét từng bình diện, kinh Vĩnh Tế có ý nghĩa rất thực tiễn: trên hết, con kinh có ý nghĩa quốc phòng, bởi nó là đường phòng bị, hậu cần, bảo hộ đường biên giới Việt Nam và vùng địa đầu hai tỉnh Tây Nam nói riêng, cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lại là phên dậu đất Gia Định. Dưới cái nhìn của vị võ quan từng quần thảo với đối phương nhiều trận ở chiến trường đồng bằng này và trong tầm nhìn chiến lược vị quan Tổng trấn Gia Định, Lê Văn Duyệt, hơn ai hết, ông hiểu đường thủy này có ý nghĩa rất quan trọng về mặt quốc phòng. Hoàng Lại Giang, trong quyển truyện danh nhân Lê Văn Duyệt, có hình dung lại một đoạn đối thoại ngắn giữa vị quan chỉ huy Lê Văn Duyệt (tước Công, Thượng Công) với vị quan dưới quyền mình Nguyễn Văn Thoại (tước Hầu), để tham khảo:

Nguyễn Văn Thoại im lặng một lúc rồi nói:

– Con đường từ Châu Đốc ra biển là con đường mở nhiều điều lợi, Tổng trấn có lần đã nói, tôi thấy nên làm.

Lê Văn Duyệt gật đầu:

– Phải làm. Con đường thủy này không phải là kế “rung cây nhát khỉ, giết gà khỉ sợ”. Đây là con đường gần nhất ta có thể tới Xiêm. Họ muốn hòa, ta cử sứ thần tới. Họ muốn chiến, ta dẫn binh qua…

Hoàng Lại Giang, “Lê Văn Duyệt từ nấm mồ oan khuất đến lăng Ông”, tr. 65

Con kinh này có ý nghĩa thương mại vì nó là đường xuôi ngược cho những ghe thương hồ từ vùng biển trấn Hà Tiên sầm uất ngày nào vào sâu trong nội địa đồng bằng để xuôi dòng sông Hậu hoặc qua sông Tiền về Sài Gòn, Gia Định hoặc qua các tỉnh hạ lưu trước khi ra biển lớn. “Trẫm sắp đào sông Châu Đốc để thông tới Hà Tiên, lợi của nước người cũng là lợi cho nông thương. Về bảo với chúa ngươi nên hiểu ý ấy.” (“Đại Nam thực lục”, sđd, tr. 952)

Con kinh này mang ý nghĩa giao thông vì lượng tàu bè tấp nập qua lại trên dòng kinh bất kể ngày đêm, đặc biệt trước đây, nó là “độc đạo” nối liền hai trấn Hà Tiên, Vĩnh Thanh. Nói như Trịnh Hoài Đức, dân chúng được “hưởng sự tiện lợi vô cùng”. (Trịnh Hoài Đức, “Gia Định thành thông chí”, bản dịch Lý Việt Dũng, NXB. Đồng Nai, 2006)

Con kinh này còn có vai trò thủy lợi quan trọng là điều hòa nước và lưu lượng giữa hai mùa hạn và lụt cho hai vùng, làm cho hai vùng có điều kiện đủ nước mà cũng ít dư nước, tránh bớt được nạn hạn hán và lũ lụt cho đồng bằng. Nó không chỉ mang lại nguồn lợi thủy sản to lớn cho người dân trong vùng mà còn giúp cho sự phát triển nông nghiệp được thịnh vượng hơn. “…Với dân, con đường này mùa mưa nước thoát ra biển Tây, mùa hè khô nước sẽ cho dân cày cấy.” (“Đại Nam thực lục”, sđd, tập 1, tr. 952)

Bây giờ, ai cũng nhận ra tầm quan trọng kinh Vĩnh Tế và khả năng tổ chức lao động cùng sức mạnh chân tay người xưa đã tạo ra nó. Tất nhiên, thành quả chung của nhân dân mà trong thành quả này cũng không ít máu và nước mắt; nhưng ai là người đã nghĩ đến điều ấy đầu tiên, ai là người đáng được ghi công đầu vẫn là thắc mắc người nay mà cũng chưa ai có thể khẳng định chắc chắn.

Lưu bản nháp tự động
Di ảnh Đức Tả Quân. (Ảnh qua vnphoto.net)

Trong sử liệu, nhắc tới 4 người có công đầu: Thoại Ngọc Hầu, Thượng công Tổng trấn Lê Văn Duyệt, vua Gia Long, vua Minh Mạng (người viết tạm xếp các vị theo thứ tự được nhiều tài liệu nói đến).

Về Thoại Ngọc Hầu, trong “Gia Định thành thông chí” ở quyển “Sơn Xuyên chí”, Trịnh Hoài Đức có ghi lai lịch về Vĩnh Tế hà (kinh Vĩnh Tế) như sau:

Ở về phía Tây đồn Châu Đốc. Năm Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long thứ 18… đặt tên là sông Vĩnh Tế. Vua ban dụ cho Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thống chế Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, Hữu quân Hữu bảo vệ Vệ úy, Chưởng cơ Tuyên Quang hầu Phan Văn Tuyên đôn đốc dân phu trấn Vĩnh Thanh mỗi phiên 5.000 người, lính thú đồn Oai Viễn 500 người, Chiêu trùy Tôn La Ha Toàn Phù người Cao Miên đem quân dân mỗi phiên 5.000, ngày 15 tháng 12 khởi công…

Trịnh Hoài Đức, “Gia Định thành thông chí”, sđd

“Đại Nam liệt truyện” (tập 2, Chính biên – Sơ tập, quyển 27, truyện các quan của Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện sử học Việt Nam, NXB. Thuận Hóa, 2005) có viết về Nguyễn Văn Thoại:

Năm thứ 16, ra làm Trấn thủ ở Vĩnh Thanh. Năm thứ 17, đem binh khơi cảng Đông Xuyên, khi cảng đào xong, cho tên là Thoại Hà, bên sông là núi Lạp cũng gọi tên là Thoại Sơn, để tỏ ra công lao của Thoại. Rồi sau bổ làm Khâm sai thống chế, làm công việc bảo hộ nước Cao Man. Năm thứ 18, lại lĩnh Trấn thủ Vĩnh Thanh, đem binh dân khơi sông Vĩnh Tế…

Một đoạn khác có viết:

Năm thứ 4 (Minh Mạng – chú thích người viết), lại hiệp cùng với Thống chế là Trần Công Lại đứng trông coi công việc khơi sông Vĩnh Tế…

Đây là những tư liệu người cùng thời nên có thể nói đó là nguồn tư liệu đáng tin cậy nhất. Các tư liệu, bài viết về sau theo khuynh hướng khẳng định công đầu của Thoại Ngọc Hầu có lẽ đã dựa vào các nguồn ấy. Trước đây, người viết bài này cũng theo khuynh hướng trên. (Xem Ca dao – dân ca An Giang trong “Cảm nhận bản sắc Nam Bộ”, NXB. Văn hóa – Thông tin, 2006)

Về Lê Văn Duyệt, trong “Gia Định thành thông chí” không thấy nêu.

Lưu bản nháp tự động
Tượng đồng Lê Văn Duyệt trong lăng Ông Bà Chiểu. (Ảnh qua Wikipedia)

Trong “Đại Nam liệt truyện” (tập 2, Chính biên – Sơ tập, quyển 23, truyện các quan của Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện sử học Việt Nam, NXB. Thuận Hóa, 2005) có viết về Lê Văn Duyệt:

Minh Mạng năm thứ 1 (1820), Duyệt ra lĩnh Tổng trấn Gia định thành, tất cả các việc thăng giáng quan lại, dấy lợi trừ hại, việc thành, mưu kế ngoài biên, đều được tiện nghi làm việc.

Một đoạn khác có viết:

Năm thứ 4 (1823), lại đào sông Vĩnh Tế. Duyệt thân đốc việc ấy.

Lại một đoạn khác có viết về Nguyễn Văn Thoại và Lê Văn Duyệt, Trịnh Hoài Đức:

Mùa hạ năm ấy, (Năm thứ 5 (1824) – chú thích người viết) Chân Lạp quốc vương Nặc Chân đưa thư cho Bảo hộ Nguyễn Văn Thoại nói:

“Ông cháu cha con nước ấy trên nhờ triều đình trông vun, dưới có Bảo hộ, trước sau quét sạch nạn nước Xiêm dẹp yên giặc Kế, công ví với Mạc Thiên Tứ gấp mười, xin cắt đất 3 phủ là Lợi-kha-vát, Chân Xâm, Mật Luật để báo đức Thoại cũng như việc cũ báo Thiên Tứ”.

Thoại đem thư ấy tâu lên, vua giao cho đình thần hội bàn. Lũ Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Hữu Thận cho là nghĩa không nên nhận. Nguyễn Văn Hưng cho là nên lấy mà không nên vội. Một mình Duyệt nói rằng:

“Chân Lạp bảo Thoại không phải là bản tâm, chỉ vì người Xiêm còn giữ nuôi em nó, nó muốn ta che chở mãi mãi đấy thôi, nếu nhận hết lấy thì thành ra tham, mà người Xiêm được lấy cớ nói. Nếu khước cả đi thì trái ý Thế tổ Cao hoàng đế tính việc ngoài biên. Vả đất 3 phủ này: Lợi-kha-vát hơi xa khước đi là phải. Còn Chân Xâm, Mật Luật thì giống thành Châu Đốc của ta ở lọt vào trong bụng ấy. Xin nhận đất ấy mà trả thuế cho họ. Khiến cho họ biết triều đình vì kế ngoài biên, chứ không phải cần lợi gì. Nhận mà vỗ thương dân nó, khiến cho tẩm ơn ta sâu, vui lòng thân phụ, sau này sẽ có chỗ hữu dụng. Nay bỏ lỡ cơ hội không lấy, nếu có sự hiềm hấn ngoài biên thì Châu Đốc, Hà Tiên chưa chắc giữ được, mà phên dậu của Gia Định cũng yếu”.

Trịnh Hoài Đức nói rằng

“Thời không bỏ lỡ là cơ vậy, biến không thể cùng được là sự vậy, xét hết được sự biến đổi của sự cơ mà cân đo thì ở người mình đạt. Duyệt giữ trọng trấn đã lâu biết hết tình hình. Ngoài biên, xin tham chước lời bàn của Duyệt mà dùng thì rất phải vậy”.

Vua bèn dùng lời bàn của Duyệt, dụ cho Nguyễn Văn Thoại nhận 2 phủ Chân Xâm, Mật Luật của Chân Lạp dâng. Nhân dân thì để tâm huấn luyện cho biết luật quân. Còn thuế lệ thì cho nộp về Quốc vương Chân Lạp. Từ đấy đất 2 phủ ấy bèn bày vào địa thổ đồ của nước ta.

Các bài viết về sau khẳng định công đầu, tầm nhìn xa trông rộng Lê Văn Duyệt, chắc cũng dựa trên những nguồn tư liệu đáng tin ấy.

Lưu bản nháp tự động
Mộ Lê Văn Duyệt (phải) và vợ (trái). (Ảnh qua Wikipedia)

Về vua Gia Long, Minh Mạng, ta được biết một số điều qua các đoạn trích về Nguyễn Văn Thoại, Lê Văn Duyệt đã nêu trên.

Như vậy, vấn đề cần có sự trao đổi thêm để làm sáng tỏ đôi điều về kinh Vĩnh Tế là thời gian bắt đầu và hoàn thành kinh Vĩnh Tế, ai là người đề xuất ý tưởng đào kinh và chỉ huy thực thụ việc đào kinh Vĩnh Tế. Liên quan đến những điều này, vì sao sử sách nói ít và như có sự mâu thuẫn với nhau?

Làm rõ vấn đề không dễ dàng. Do vậy, xin đưa ra ý kiến cá nhân tham khảo thêm, không nhằm khẳng định hay phủ nhận ý kiến thuộc hai khuynh hướng đã nêu. Hi vọng các vị cao niên vốn hiểu biết sâu rộng quan tâm góp phần làm sáng tỏ đôi điều lịch sử giúp người sau, hiểu được chính xác hơn.

Căn cứ vào các nguồn sử liệu được nêu, chúng tôi cho rằng, thời gian bắt đầu có ý định đào kinh Vĩnh Tế có lẽ là năm 1817, năm thứ 16 triều vua Gia Long. Trong “Đại Nam thực lục” có ghi:

Vua bảo bộ Lễ rằng: “Nước Phiên hàng năm đến chầu là chức phận con tôi, không có như sứ giả đến cống”. Chỉ sai cấp cho tiền gạo. Khi sứ giả về, vua dụ rằng: “Trẫm sắp đào sông Châu Đốc để thông tới Hà Tiên, lợi của nước người cũng là lợi cho nông thương. Về bảo với chúa ngươi nên hiểu ý ấy.” (“Đại Nam thực lục”, sđd, tập 1, tr. 952)

Tháng 7 năm 1819, năm thứ 18 triều Gia Long, gần 2 năm sau mới có một động thái liên quan việc đào kinh. “Đại Nam thực lục” ghi vắn tắt:

Sai trấn thủ Hà Tiên là Mạc Công Du xem đo đường sông Châu Đốc. Rồi triệu về kinh, đem bản đồ dâng. 

“Đại Nam thực lục”, sđd, tập 1, tr. 994

Cũng trong năm, triều đình cho vét đường sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên. Cho tên là sông Vĩnh Tế. Có lẽ, một phần con kinh Vĩnh Tế, trong kế hoạch đào lớn và dài hơi của triều đình, vốn là dòng chảy tự nhiên gọi sông Châu Đốc, được chỉ huy Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thụy (Thoại) và chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất dân phu nạo vét. “Đại Nam thực lục” ghi:

Vua thấy Vĩnh Thanh và Hà Tiên tiếp giáp với Chân Lạp, việc công tư đi lại, trước không có đường thủy, bàn muốn nhân sông Châu Đốc mà đào cho thông suốt.

“Đại Nam thực lục”, sđd, tập 1, tr. 994

Gia Long mất (1820), kế hoạch lớn của triều đình đề ra năm 1819 bị chậm lại, tiến độ thực hiện giảm đi.

Minh Mạng lên ngôi, năm thứ 1 (1820), công cuộc đào kinh Vĩnh Tế mới hoàn thành 1/ 3 khối lượng công việc nạo vét và đào mới, chủ yếu là nạo vét sông Châu Đốc. Xét thấy công việc đào kinh mệt nhọc, gây nhiều dịch bệnh; hơn nữa, Minh Mạng còn đang bận tâm những vấn đề triều chính nên vua cho hoãn và ra lệnh tạm mở lạch nhỏ, cho thuyền nhỏ đi lại thông thương là được. Năm này, Lê Văn Duyệt về lại Gia Định nhận chức Tổng trấn lần hai.

Minh Mạng năm thứ 3 (1822), Quốc vương Chân Lạp Nặc Chân đưa thư đến Gia Định, xin đem dân binh hợp sức đào kinh Vĩnh Tế tiếp tục. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua xuống dụ khen ngợi. Sai Lê Văn Duyệt làm quy hoạch trước. Ông đề xuất huy động 39.000 lao động các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường và đồn Uy Viễn kết hợp 16.000 binh dân nước Chân Lạp, chia làm 3 phiên. Dự kiến đầu năm sau (1823) sẽ đào và hoàn thành trong năm. Về việc này, trong “Đại Nam thực lục”, Minh Mạng có dụ cho Lê Văn Duyệt:

Đường sông Vĩnh Tế liền với một lộ Tân Cương, xe thuyền được lợi rất nhiều. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta mưu sâu tính kỹ, để ý đến việc biên cương, buổi đầu đã một lần đào, công việc chưa xong. Trẫm noi theo chí trước, dốc lo làm sao một lần khó nhọc để thong thả lâu dài, khanh nên tính toán thế nào, hẹn ngày tâu công, để xứng ý trẫm. Vả chăng sông ấy không phải lợi cho Chân Lạp, vua Phiên xin thế vị tất là do thực tình. Ngày nào dụ đến nơi, họ tất sẽ có lời ngăn trở. Song việc làm quả quyết thì nên, dùng dằng thì hỏng. Trẫm đã định trước, họ không đáng kể.

“Đại Nam thực lục”, sđd tập 2, tr. 239

Tháng 2 năm 1823, lại đào sông Vĩnh Tế. Sai Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt trông coi công việc, nhưng rồi lại hoãn thêm một lần nữa. Khối lượng công việc đào kinh còn 1.700 trượng trên tổng số 10.500 trượng được đào. Như vậy, công việc cũng gần hoàn tất, nhưng do tiết trời mùa hạ đành phải ngưng. Vua lại dụ cho Lê Văn Duyệt:

Trẫm nghĩ khanh khi xưa theo vua đã có công lao, giữ hết lòng trung, cho nên Hoàng khảo ta dặn lại giúp trẫm. Trước nhân đất Gia Định ở giáp nước Phiên nên sai khanh làm Tổng trấn. Từ khi khanh giữ việc đến nay thì dẹp yên giặc Chân Lạp, tiếp đến tra xét đinh lậu, thêm lên hơn vạn hộ khẩu. Nay lại tự mình đốc suất việc đào sông để thành cái chí noi theo việc trước của trẫm.

“Đại Nam thực lục” , sđd tập 2, tr. 281

Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), đào tiếp kinh Vĩnh Tế, lấy dân binh các trấn thuộc thành và nước Chân Lạp, gần 25.000 người để đào nốt 1.700 trượng còn lại. (“Đại Nam thực lục” , sđd tập 2, tr. 331)

Qua những dẫn liệu trên, công việc đào kinh Vĩnh Tế mất một thời gian dài từ 1818 đến 1824 vì nhiều lần đình trệ. Thực tế, khối lượng công việc với lượng dân binh huy động chỉ mất khoảng từ 1 đến 2 năm là xong. Lúc đầu, khơi vét sông Châu Đốc, phần đầu kinh Vĩnh Tế thì công có thể là của Thoại Ngọc Hầu. Còn toàn bộ công việc về sau thì công lớn chắc của Lê Văn Duyệt. Công trạng vua Gia Long là người có ý tưởng đào kinh; Minh Mạng có công nối chí vua cha. Về ý tưởng đào kinh, Lê Văn Duyệt góp phần có tiếng nói đề xuất. Có thể tin ý tưởng ban đầu của Lê Văn Duyệt, được Gia Long tiếp nhận. Cơ sở lập luận: Lê Văn Duyệt một tướng tài, sinh ra và lớn lên vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rất am hiểu trận mạc, quốc phòng. Là nhà chính trị tài giỏi có tầm nhìn; hơn nữa, đã hai lần làm Tổng trấn Gia Định nên hiểu việc biên thùy trấn Vĩnh Thanh, Hà Tiên hơn ai hết. Mặt khác, quyền hạn ông rất lớn đến nỗi nhiều người phương Tây xem ông “Phó vương”.

Nếu xếp công trong đào kinh Vĩnh Tế, có lẽ: công đầu Lê Văn Duyệt, kế đến Thoại Ngọc Hầu; còn trước kể Gia Long, sau tới Minh Mạng.

Vì sao nhiều người lại nhắc Thoại Ngọc Hầu với kinh Vĩnh Tế hơn Lê Văn Duyệt? Điều này, một phần từ nhìn nhận tên gọi Vĩnh Tế gắn danh xưng vợ Thoại Ngọc Hầu; một phần từ mối quan hệ không tốt giữa triều đình Nguyễn với Lê Văn Duyệt khi ông nằm xuống.

Sự bất hòa giữa Lê Văn Duyệt và Minh Mạng có thể có khi Minh Mạng lên ngôi, với nhiều nguyên nhân: Lê Văn Duyệt không đồng ý Gia Long nhường ngôi Minh Mạng, nhưng phải chấp nhận. Ông “tiền trảm hậu tấu” Tham tán Hiệp tổng trấn Gia Định Hoàng Công Lý (cha vợ Minh Mạng). Ông thẳng thắn phê bình Minh Mạng ra chỉ dụ bắt người Thiên Chúa giáo. Vì nhiều lí do, vị lão thần được Gia Long trối làm “thân phụ” có thể làm vua giận:

Tâu Hoàng thượng, chúng ta định bắt bớ các đạo trưởng Tây dương, trong khi chúng ta còn phải nhai cơm do các vị đó cung cấp cho chúng ta sao? Ai đã giúp Hoàng thượng lấy lại giang sơn? Hình như Hoàng thượng không sợ mất nước? Tây Sơn chém người Công giáo, Tây Sơn đã mất ngôi. Vua xứ Pegor (Miến Điện) vừa đuổi các vị linh mục ra khỏi nước họ, liền bị xô ngai vàng. Hình như Hoàng thượng không nhớ đến công ơn của các vị thừa sai… Không được! Chừng nào thần còn sống, Hoàng thượng sẽ không được làm điều ấy. Khi thần chết rồi, Hoàng thượng muốn làm gì thì làm.

A. Launa. Dẫn theo Đỗ Quang Hưng,
“Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ”, Xưa & Nay, Trẻ, 2002

Chuyện “loạn” Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt, có thể “giọt nước làm tràn li”, có “nguyên nhân” từ trước. Vụ án xiềng mả Lê Văn Duyệt cũng làm cái nhìn công trạng Lê Văn Duyệt chuyển hướng. Do vậy, chuyện Minh Mạng, triều thần tước công Lê Văn Duyệt nếu có cũng không lạ. Trước khi có cái nhìn đổi mới, một số người quên hoặc không đánh giá công nhà Nguyễn, Lê Văn Duyệt, nên việc nhìn nhận thiếu sự thấu tình, đạt lí.

Lưu bản nháp tự động
Lê Văn Duyệt trên mặt trước tờ 100 đồng in năm 1966 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. (Ảnh qua Wikipedia)

3. Về việc ghi công Vị quan Tổng trấn Gia Định thành có ý tưởng và chỉ huy đào kinh Vĩnh Tế, chúng tôi cùng ý kiến hai ông Nguyễn Minh Tường, Nguyễn Thiện Lâu… (Xem “Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ”, Xưa & Nay, Trẻ, 2002). Đánh giá chung Thượng Công Lê Văn Duyệt: Ông là nhà quân sự, nhà chính trị song toàn; chí công và nghiêm minh. Ông trị nước bằng cách thương dân, nghiêm khắc bọn quan lại thối nát. Do vậy, dù ông mất, triều đình kết tội ông, người dân vẫn tôn ông là “Thần”, dân Nam Bộ gọi Thượng công Lê Văn Duyệt thân thương, tôn kính là “Ông”. Ông vẫn sống trong lòng dân tộc, thời đại, bởi đức độ và tài năng mình.