Người Trung Hoa cổ đại có câu: “Nhân hoạt nhất trương kiểm, thụ hoạt nhất trương bì”, ý nói con người sống không thể không có thể diện, giống như cây cối không thể không có lớp vỏ. 

“Văn hóa thể diện” xưa và nay

Biểu hiện ý nghĩa bề ngoài của “thể diện” là chỉ bộ mặt. Hàm nghĩa sâu xa của “thể diện”, có thể được hiểu là một hình tượng, tôn nghiêm của một người trong mắt người khác, cũng có thể nói là địa vị xã hội của một con người. Tuy rằng ở mỗi một quốc gia nào, đều có khái niệm địa vị xã hội và hình tượng cá nhân, nhưng ở các nước châu Á thì thể diện là rất được xem trọng.

Theo cách hiểu truyền thống, thể diện của một người có rất nhiều loại. Đầu tiên, thể diện của một người là liên quan đến tôn nghiêm của người ấy. Ví như, khi nói rằng chúng ta phải “giữ thể diện”, cũng là phải tôn trọng người khác. Nếu một người ở trước mặt nhiều người mà phê bình một ai đó, thì sẽ khiến người này “mất thể diện”. Để giữ gìn thể diện cho người khác, nên chọn lúc chỉ có hai người, một mình nói riêng với họ, và phải chú ý về cách nói chuyện.

Nếu có người làm chuyện thiếu đạo đức, hoặc làm ra những chuyện mất danh dự, thì người ta sẽ nói người này “không có thể diện”. Ví như, một người cãi nhau lớn tiếng ở nơi công cộng, vô lễ, cũng bị xem là một hành động “mất thể diện”. Hay đối với một người không trung thực trong hôn nhân, hoặc là xen ngang hôn nhân người khác trở thành kẻ thứ ba, mọi người thường sẽ chỉ trích họ là người “không có thể diện”, cũng có nghĩa là người không biết xấu hổ. Nói chung, cổ nhân giữ thể diện là cố gắng tu dưỡng để bản thân không làm ra những chuyện xấu hổ, những chuyện vi phạm luân thường đạo đức.

Ngày nay rất nhiều người giữ “thể diện” vì liên quan đến hư vinh. Nhiều người quá coi trọng thể diện, cảm thấy lái xe hạng sạng, dùng điện thoại đắt tiền, mặc quần áo hàng hiệu, thậm chí quen người phụ nữ đẹp, thì cho là rất có thể diện. Con cái thi vào đại học nổi tiếng, cha mẹ cũng cảm thấy rất có thể diện. Mời khách dùng bữa, phải chọn thêm vài món ăn, cuối cùng lãng phí bỏ đi, cũng là vì muốn giữ thể diện.

Có người, vốn bản thân mình không có tiền, lại bỏ rất nhiều tiền để phô trương bản thân cũng là vì muốn giữ thể diện với mọi người. Nhiều nước cũng thường vì thể diện, mà bỏ rất nhiều tiền không nên bỏ ra để xây dựng những công trình không có công dụng thực tế. Đây được gọi là “công trình thể diện”…

Người đứng tuổi, hoặc người có địa vị tương đối cao, thì càng không chịu nhận sai sót, có thể là vì không chấp nhận hạ mình mất mặt. Thông thường địa vị xã hội của một người càng cao thì thể diện của người ấy càng lớn, và việc cần giữ thể diện cũng càng lớn. Vì “giữ thể diện”, khi được người khác nhờ vả, họ sẽ cố gắng giúp đỡ. Loại thể diện này cũng có lợi nhưng cũng có hại. Lợi ích là, nó khiến cho quan hệ qua lại của người và người càng thêm khăng khít. Nhưng, kiểu thể diện này cũng thường dẫn đến hậu quả không tốt. Ví dụ, nhân viên nhà nước vì thể diện người nhà hoặc bạn bè, lạm dụng chức quyền, sẽ dẫn đến hiện tượng hủ bại, vi phạm pháp luật và đạo đức, tổn hại lợi ích của nhiều người.

Yến Tử giữ thể diện: Không có công không nhận bổng lộc

lương tâm
(Hình minh họa: Qua qqtxb.com)

Một lần Yến Tử đang dùng bữa thì sứ giả của Vua Tề Cảnh Công đến. Yến Tử đứng lên nghênh đón và mời vị Sứ giả cùng dùng bữa. Yến Tử chia ra một nửa phần ăn của mình cho Sứ giả dùng, kết quả là cả hai cùng ăn không đủ no.

Sau khi vị Sứ giả trở về liền mang câu chuyện kể lại cho Vua Tề Cảnh Công. Vua Tề Cảnh Công kinh ngạc nói: “Ôi chao! Không ngờ nhà của Tướng quốc lại nghèo như thế! Vậy mà xưa nay ta không hề biết, đây là lỗi của ta!

Thế rồi, nhà vua dùng một ngàn lượng vàng thu được từ tiền thuế chợ phái người đưa cho Yến Tử để Yến Tử tiếp khách. Yến Tử nói không cần dùng đến, cứ thế Vua Tề Cảnh Công ba lần phái người đi đưa tiền vàng cho Yến Tử nhưng cả ba lần ông đều kiên quyết từ chối.

Yến Tử thưa với Vua Tề Cảnh Công: “Thần không nghèo khổ, thần dựa vào bổng lộc của Quốc quân mà sống đã là ân huệ cho gia tộc, đủ để giao du quan hệ, sao có thể nhận tiền của bách tính nghèo khổ. Bổng lộc mà Quốc quân ban cho đã đủ dùng rồi!

Thần nghe nói, nhận châu báu của Quân chủ ban thưởng rồi mang nó bố thí cho bách tính là thay mặt cho Quân chủ lấy lòng dân. Người trung quân không làm như thế. Nhận châu báu của Quân chủ rồi lại không bố thí cho bách tính là ăn trộm ân điển của Quân chủ. Người nhân nghĩa không làm như thế. Trong nhà thần hiện cũng có vải vóc và lương thực đủ dùng. Tại sao thần phải nhận ban thưởng nhiều như thế?

Người xưa đều tin tưởng và tuân thủ nguyên tắc làm người “vô công không nhận lộc”, đây cũng là cách giữ thể diện của người xưa. Có rất nhiều người có thể dễ dàng trở thành những người giàu có, địa vị cao sang nhưng họ chấp nhận sống nghèo khó, thanh sạch chỉ bởi vì không muốn từ bỏ nguyên tắc làm người này.

Văn hóa “giữ thể diện” và văn hóa “nhận lỗi”

thành tín
(Một cảnh người Nhật nhận lỗi. Ảnh: Qua dy.163.com)

Ở Nhật Bản, trong các xí nghiệp hay trong các tổ chức, nếu người cấp dưới phạm phải sai lầm lớn thì tuyệt đại đa số người cấp trên sẽ tự nhận lỗi và lỗi nặng có thể họ sẽ xin từ chức.

Nếu trong gia đình, con cái phạm phải tội vô liêm sỉ, thì người lớn sẽ chủ động nhẫn lỗi và chịu trách nhiệm. Đặc biệt, nếu người cha người mẹ đó là công chức nhà nước như cảnh sát, giáo viên hay danh nhân trong xã hội… thì đều có thể tự từ chức hoặc bắt bị từ chức. Đây được xem là ý thức trách nhiệm về pháp luật và “giữ thể diện” của người Nhật Bản.

Trước đây từng xuất hiện sự kiện, một ông chủ dùng lươn của Trung Quốc giả mạo là lươn của Nhật Bản. Kết quả: Thứ nhất là ông chủ phải công khai xin lỗi mọi người, thứ hai là ngân hàng ngừng việc cho vay, thứ ba là các đối tác ngừng quan hệ làm ăn, cuối cùng xí nghiệp đành phải đóng cửa.

Đối với một số nước châu Á như Trung Quốc… Họ coi trọng “thanh danh”, tiếng tăm của bản thân, nên khi trong cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp có nhân viên cấp dưới phạm sai lầm thì họ cho đó là đã làm xấu mặt của người lãnh đạo. Chính vì thế, những người lãnh đạo này cũng trở thành “nạn nhân”, người “bị hại”, cấp dưới cho dù phải cúi đầu nhận lỗi thì cấp trên cũng “đúng lý hợp tình” không phải chịu trách nhiệm.

Một du học sinh tại Nhật Bản nói: Bởi vì coi trọng “thanh danh” và “thể diện”, cho nên đối với người Trung Quốc mà nói, các xí nghiệp, các ban ngành một khi xảy ra vấn đề thì điều lập tức làm không phải là tìm ra nguyên nhân và đối sách cải thiện, mà là lập tức lo lắng nên như thế nào để bảo toàn “thể diện”. Thậm chí, không quản chuyện gì đã xảy ra, không quản việc không truy cứu được trách nhiệm, khi “luận công ban thưởng” có thể những vị lãnh đạo ấy vẫn có mặt, hơn nữa còn được tuyên dương, khen thưởng. Đây là ý thức trách nhiệm về pháp luật và “giữ thể diện” của người Trung Quốc ngày nay.

An Hòa (t/h)