Bà vợ chánh của ông Đốc-Phủ Sủng là người thuộc dòng dõi cụ Trương Vĩnh Ký, tức thân mẫu cậu Tư. Ông Đốc-Phủ Sủng có một người vợ thứ, chính là chị ruột của ba ông Thái Minh Phát, Thái Minh Đạt và Thái Minh Kim. Khi gởi cậu Tư qua Pháp du học, bà vợ thứ có gởi kèm cậu em của mình là ông Thái Minh Phát. Lúc ở bên Tây, ông Phát siêng năng học hành, đậu Tú Tài đôi, về nhà làm Cò-mi, rồi thăng làm Huyện, và sau cùng làm Đốc-Phủ Sứ tại dinh Thống Đốc Nam Kỳ. Ông Thái Minh Phát con nhà nghèo, nhờ bà chị có nhan sắc, nên được anh rể chìu chuộng, giúp đỡ các em. Về sau, ông Phát cưới một người vợ quê ở Gò Công, con ông huyện Đẩu, có nhà lớn tại chợ Mỹ Tho.
Trong khi đó, cậu Tư Phước George ham chơi, tối ngày chỉ la cà các nhà hàng, tiệm khiêu vũ, nên không có bằng cấp gì ngoài bằng cấp…nhảy đầm! Kể về vai vế, cậu Tư Phước George kêu ông Phát bằng cậu, nhưng vì cả hai đồng trang lứa, và ông Phát em của người kế mẫu nên coi như bạn bè. Lúc học bên Tây, cậu Tư cũng tỏ ra hào hiệp với bạn bè. Ai túng thiếu cứ đến cậu sẵn sàng giúp đỡ.
Vì lẽ đó, chơi với bạn bè, ai cũng kính nể cậu. Sau 1945, ông Thái Minh Phát từ quan, qua Pháp sinh sống mới mất gần đây. Người cung cấp tài liệu cho chúng tôi là bà Thái K.C., con ông Thái Minh Đạt trước làm quản lý nhà thuốc tây, gọi ông Thái Minh Phát bằng bác và bà thứ thất của ông Đốc-Phủ Sủng bằng cô ruột. Cậu Tư Phước George theo như ông bà Thái K.C., sinh năm 1901 và mất trong thập niên 1950, nhưng không nhớ rõ năm nào. Về tướng tá, cậu Tư Phước George cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai, cho nên người đời gán cho cậu mỹ danh “Bạch Công Tử” để phân biệt với cậu công tử Ba Qui, con ông hội đồng Trần Trinh Bạch là Hắc Công Tử vì có nước da hơi ngăm đen. Nghe người nhà kể lại rằng khi về nước, cậu Tư không đỗ đạt bằng cấp gì hết, nên thân phụ là ông Đốc-Phủ Sủng tức giận. Khi xây nhà, ông đốc phủ bắt cậu gánh hồ cho thợ làm nhà. Cậu Tư giận lắm nhưng không dám cãi cha.
Sau khi thân phụ mất, để lại gia sản kếch sù, cậu Tư mặc tình ăn chơi, xài phá, vì cậu không làm ra tiền, và cũng không biết giá trị đồng tiền. Hễ cha mẹ làm tiền dễ, con cái xài phá. Đó cũng như là định luật. Có người túng thiếu đến xin cậu món gì, cậu cũng cho, không bao giờ từ chối. Ra đường tôi tớ, kẻ hầu người hạ, võ sĩ rần rần. Thậm chí một lần có gánh hát Phước Cương qua Pháp năm 1931, cậu tình nguyện qua đó hướng dẫn. Cậu đem theo một người đầu bếp để nấu cho cậu bữa ăn trưa mà thôi. Do tiếp xúc với nhiều hạng trí thức, quý tộc bên Âu Châu, nên cậu Tư ăn chơi có tác phong của một nhà quý tộc đúng nghĩa.
Theo lời người thân của gia đình tiết lộ, trong thời gian gần hai năm du lịch và ăn chơi bên Pháp (1931-32), cậu Tư có một người tình quý tộc, đó là Princesse Olga, người thuộc dòng dõi Nga Hoàng Nicolai II. Lúc ấy dân ăn chơi quý tộc, gọi cậu là “Ông Hoàng xứ Galles” (Prince de Galles), là tước hiệu của Thái tử Charles sau nầy. Trong lần gánh Phước Cương qua Pháp biểu diễn ra mắt khán giả Pháp và Việt kiều với các vở: “Phụng Nghi Đình”, “Xử Án Bàng Qúy Phi”, và “Tứ Đổ Tường”. Sau đó gánh hát Phước Cương còn đến diễn tại hội chợ Vincennes, Bảy Nhiêu, danh tài số 1 đóng cặp với đào Năm Phỉ đang hồi sáng chói. Mỗi vở hát chỉ diễn một màn tiêu biểu… được khán giả Pháp Việt rất hoan nghinh.
Ở Paris, mỗi ngày cậu Tư đều mặc một bộ đồ khác nhau. Có khi cậu mặc habit hay smoking. Lúc nào Phước George cũng đội nón Flécher, ngậm xì-gà, tay cầm ba-ton bằng gỗ mun bịt vàng. Mùa lạnh cậu có thêm áo khoác ngoài. Hằng ngày, cậu và nhóm bạn chỉ ăn uống tại các nhà hàng danh tiếng vào buổi tối, còn buổi trưa ăn tại khách sạn do người bếp cậu đưa từ Việt Nam sang nấu. Cậu cũng có mặt thường xuyên tại nhà hàng Table des Mandarins. Những đêm đi dạ hội, cậu hay khoác tay người tình là công chúa Olga đến các hộp đêm Palermo ở khu Montmartre hay khu Saint Germain des Prés, khu Champs Élysée….
Bạn người Việt ở Paris của cậu Tư Phước George là Trương Vĩnh Đằng, con của Trương Vĩnh Tống, cháu nội cụ Trương Vĩnh Ký, sau là Chánh Án ở Hải Phòng; Trần Lâm Đặng, sinh viên; Chu Mậu, người thuộc nhóm Hoàng Tích Chu, một thanh niên hào hoa, tài hoa, ăn chơi đúng mức nhờ nghề cắt may các bộ đồ đúng mốt thời đó (habit, smoking) .. Chu Mậu học nghề may cắt với giáo sư James York, và đứng làm thợ phụ cắt may cho một hiệu may danh tiếng ở Versailles. Mỗi ngày cậu Tư Phước George là một nhà quý tộc khác nhau. Khi là bá tước, khi công tước, khi hầu tước.. và những đêm dạ hội, cậu Tư thật sự là một ông hoàng, cùng công chúa Olga, cây đinh của những buổi tiệc tùng sang trọng. Một buổi chiều, cậu Tư Phước George khoác tay Olga đi ngang nhà hàng Coq d’Or, một số thanh niên Pháp trẻ tuổi xôn xao:
– Chào ông hoàng!
Trong 18 tháng ăn chơi ở Âu Châu, “ông hoàng xứ Galles”, cậu Tư Phước George có một lịch trình hưởng các lạc thú khắp nơi trên đất Pháp.
Các tháng mùa Hè, cậu Tư cùng các bạn lái xe xuống phía Nam, nghỉ hè tại các thành phố biển danh tiếng như Canne, Nice… nằm ven bờ Địa Trung Hải. Có khi cao hứng, cậu Tư cùng Olga vượt rặng Pyrénées qua Tây Ban Nha xem đấu bò, hoặc khiêu vũ. Ban ngày cậu Tư tắm biển, ngồi du thuyền câu cá. Về đêm, cậu và nhóm bạn bè có mặt tại các hộp đêm sang trọng. Mùa Đông, sau khi hưởng trọn vẹn lễ Giáng Sinh tại Paris, cậu Tư thường đưa Olga đi trượt tuyết ở núi Alpes, và đến các khu du lịch, thể thao mùa đông. Còn lịch trình ăn chơi hằng ngày trong gia đình kể lại tỉ mỉ, nhưng cũng tham khảo thêm tài liệu trong quyển “Mấy chàng trai thế hệ…trước” của cụ Dương Thiệu Thanh, một người trong nhóm bạn cậu Tư, được biết:
– Cậu Tư Phước George ăn trưa tại phòng riêng trong khách sạn, những thức ăn đó chính người đầu bếp của cậu đưa từ Sài Gòn qua nấu.
– Khoảng 4 giờ chiều, cả nhóm cậu Tư đến họp bạn tại một quán cà-phê ở khu Montmartre. Tại đây, chủ nhà hàng đã kê sẵn hai bàn dài, trải thảm đỏ đón cậu Tư.
– Từ 5 giờ chiều, cả nhóm kéo nhau đi trà vũ cho tới 7, 8 giờ tối.
– Đến một nhà hàng quen thuộc dùng cơm tối, thường là Tables des Mandarins, rồi đi khiêu vũ cho đến 1 gìờ khuya.
– Ăn khuya xong, về khách sạn thay đồ (smoking hoặc habit) rồi la cà đến các hộp đêm cho tới sáng.
– Khoảng 6 giờ sáng, ăn điểm tâm nhẹ, thường là món Soupe d’oignons.
– Ăn xong, cả nhóm xuống chơi rừng Boulogne chèo thuyền, giải lao để dưỡng sức, rồi về hôtel ngủ đến 2, 3 giờ trưa thức dậy. Sau đó cậu Tư ra vườn hoa đi bách bộ, thở không khí trong lành và làm vài động tác thể dục…
Năm 1932, cậu Tư về Sài Gòn lập gánh hát Huỳnh Kỳ, từng lưu diễn khắp miền lục tỉnh. Có lần cậu Tư đưa gánh hát ra Hà Nội trình diễn, được các bạn cùng nhóm ăn chơi bên Tây lúc trước tiếp đón trọng thể như một ông hoàng. Hồi đó các đại điền chủ thường đi ghe bầu, sang lắm là ca-nô, nhưng riêng cậu Tư có sắm một chiếc du thuyền làm chỗ cho ban tham mưu gánh hát Huỳnh Kỳ, đậu túc trực dưới sông, trước chợ Mỹ Tho.
Vào thập niên 1930, ở Hà Nội có phong trào đổi mới báo chí do nhóm Hoàng Tích Chu từ Pháp về, gây ảnh hưởng lớn lao. Nhóm nầy mang cả kỹ thuật làm báo, cải tiến lối hành văn, cách mạng lề lối làm báo cũ kỹ, mở ra một thời đại mới trong làng báo Bắc Hà. Tiếc thay Hoàng Tích Chu chết sớm (34 tuổi), nên dự định và hoài bão của tập đoàn Hoàng Tích Chu tan rã. Vài bạn trong tập đoàn nầy tách ra, lập nhóm Dân Mới. Họ lập Câu lạc bộ Dân Mới, ban kịch Dân Mới để diễn các vở kịch: “Kim Sinh”, “Nặng Nghĩa Tớ Thầy”, “Đời Thiếu Niên”… Trong hoạt động của nhóm Dân Mới, có “Câu Lạc Bộ 15” là nổi bật hơn cả. Tại sao lại gọi là “Câu Lạc Bộ 15”?
Câu Lạc Bộ 15 là một nhóm gồm 15 thành viên có chung một quan niệm, thú vui, giải trí và một mục đích vô vụ lợi cá nhân. Đây là một tổ chức phi chính trị. Có kẻ khi nhìn vào thành viên của Câu Lạc Bộ 15, gồm có nửa Pháp, nửa Việt dư luận cho rằng “Câu Lạc Bộ 15” là công cụ, là âm mưu của thực dân để thi hành đường lối “Pháp Việt đề huề” mà thời gian đó thực dân đang nỗ lực đề cao.
Thật ra, Câu Lạc Bộ 15 là một tập họp của các thanh niên học thức theo Tây phương (trường Albert Sarraut, hay du học Pháp), có địa vị cao trong xã hội, có tiền nhiều nhờ biết làm ăn, tính tình hào phóng, cởi mở, dân chủ…. Phần lớn những thanh niên đó trước đây đều có một hoài bão muốn làm việc ích lợi cho đất nước, quê hưong, nhưng khi về nước, va chạm với thực tế, họ thấy mộng ước ấy xa vời, khó thực hiện. Để tìm lối thoát, họ kết hợp với nhau để cùng ăn chơi, giải trí tiêu khiển theo kiểu Tây phương. Các thành viên người Pháp của Câu Lạc Bộ 15 không quan tâm đến chính trị. Họ là những thành phần trẻ nhưng có sự nghiệp. Nơi họ thường lui tới là xóm Khâm Thiên, nhà hàng Taverne Royal, khách sạn Métropole, nhà hàng cơm Tàu Asia… Chủ nhân khách sạn Métropole, Jean tình nguyện dành cho Câu Lạc Bộ 15 một phòng danh dự đặc biệt làm nơi nhóm họp và một phòng thượng hạng để đón tiếp các bạn khách quý phương xa. Những thành viên người Pháp như De Flers, Paul Leroy, René Pierre Hornet, là những chủ ngân hàng, kỹ sư, bác sĩ, sinh viên .. Còn phía người Việt gồm các ông Chu Mậu (thương gia, Trương Vĩnh Đằng (chánh án), Định Mạnh Triết (chủ đồn điền ở Gia Lâm), Đăng Phục Thông (kỹ sư, sau này làm Bộ trưởng trong chính phủ Hồ Chí Minh).
Có một điều lý thú là trong nội quy kết nạp, Câu lạc bộ không chấp nhận các quan lại, các tên Tây thực dân bản xứ vì những người này có thái độ đầu óc không phù hợp với tôn chỉ của Câu lạc bộ. Là một thanh niên hào hoa, sống bên Pháp nhiều năm phong lưu nhờ nghề may cắt âu phục, đúng mốt cho giới thương lưu, Chu Mậu nỗi danh là một công tử xứ Bắc. Anh là người hoạt động hăng hái, đem lại luồng sinh khí mới cho Câu lạc bộ. Chu Mậu thường ăn mặc theo kiểu dân quý tộc Anh, công tước, bá tước Pháp, đội nón dưa gang, đi giày ống, cầm dù, áo nhung đen khoác ngoài. Đối với dân Hà Thành vào năm 1930 1à một điều mới mẻ đến lập dị!
Nói qua lối tổ chức Câu Lạc Bộ 15 để chúng ta thấy sự khác biệt trong cung cách ăn chơi của thanh niên Bắc Hà với các công tử Nam Kỳ. Thanh niên miền Bắc ăn chơi sang trọng phải là người trí thức, có sự nghiệp, hay chơi thú vui tập thể (chơi Golf, picnic…) trong khi đó các công tử Bạc Liệu của Nam Kỳ chỉ tìm thú vui cá nhơn, tung tiền rất phí phạm, cờ bạc, hút thuốc phiện, là những thú vui sa đoạ. Nói như vây không có nghĩa là thanh niên ăn chơi miền Bắc không cờ bạc, hay thuốc phiện. Họ ăn chơi có phong thái của giới quý tộc, xa rời người bình dân, và lãng quên cuộc sống khó khăn của lớp người nghèo khổ. Chu Mậu là ban thân của cậu Tư Phước George trong thời gian ở Pháp. Lần này ra Bắc cùng với ban Phước Cương, cậu Tư được Câu Lạc Bộ 15 đón tiếp các kỳ trọng thể.
Khách sạn Métropole của Jean, thành viên câu lạc bộ, tình nguyện dành riêng cho cậu Tư một căn phòng danh dự mà không lấy tiền vì ngưỡng mộ danh tiếng cậu Tư. Năm ấy là năm 1932, có ba biến cố quan trọng ở miền Bắc đáng ghi nhớ:
– Gánh hát Phước Cương lưu diễn Hà Nội Hải Phòng.
– Kẹch mếch (Hội chợ Bạch Yến tại Hà Nội.
– Chợ phiên trong vườn Bách thảo
– Gánh hát Phước Cương là một đại ban với các tài danh thượng thặng như Năm Phỉ, Bảy Nhiêu, Tứ Anh, Năm Châu… từng đi lưu diễn khắp Nam Trung Bắc, và từng “đem chuông đi đánh xứ người” tận Paris, gây một tiếng vang lớn. Khán giả Pháp dù không hiểu tiếng Việt, nhưng cũng hiểu đại cương ý nghĩa những màn trình diễn, nhất là ý niệm văn hóa Việt Nam. Ra tận Hà Nội lần đầu, gánh hát Phước Cương làm xôn xao dư luận đất Thăng Long cũ. Cô đào Năm Phỉ đẹp lộng lẫy như một nữ hoàng! Bảy Nhiêu, Tứ Anh, Năm Châu, mỗi người một nét riêng, đã để lại trong lòng khán giả những hình ảnh đẹp, giọng ca mùi rất khó quên Các nhà tai mắt đất Bắc như triệu phú Bạch Thái Bưởi, gia đình Bạch Thái Tòng, Bạch Thái Tam tiếp họ như khách quý và thân tình như đón người bà con ở xa mới về. Các vị ấy thường đem xe nhà đến rước đào kép Cải lương miền Nam đi ăn cơm các nhà hàng sang trọng nhất. Lần này ra Bắc, Bảy Nhiêu được Chu Mậu tặng một bộ habit để mặc, xuất hiện trên sân khấu trong vở “ Áo người quân tử” làm cho khán giả ngạc nhiên thích thú vô cùng. Cái mùi của câu Vọng cổ miền Nam, giọng hò êm buồn của miền Trung, và giọng ngâm thơ réo rắt của miền Bắc là những đặc sản văn hóa của Việt Nam rất đáng được giữ gìn.
– Kẹch mếch (hội chợ Bạch Yến) là một sáng kiến của thực dân Pháp, muốn cho dân chúng Hà Thành bớt ngột ngạt vì không khí chính trị mới xảy ra (Cuộc khởi nghĩa đẫm máu của Việt Nam Quốc Dân Đảng), vừa làm trò vui cho dân thành phố vừa gây quỹ xã hội. Muốn tô điểm cho Chợ phiên thêm hương sắc, các nghị viên Hội đồng Thành phố Hà Nội có sáng kiến mời hoa khôi Bach Yến vào ban tổ chức, đại diện cho giới phụ nữ.
“Cô Bạch Yến không đại diện cho ai cả và chức hoa khôi ấy cũng chỉ là danh từ của mấy ông nghị khen tặng cô” (Dương Thiệu Thanh). Muốn biết cuộc thi hoa hậu đầu tiên được tổ chức vào năm nào, và tại đâu, chúng tôi xin lược thuật lại theo một tờ báo cũ để đồng hương có ý niệm. Ngày nay các cuộc thi hoa hậu trở nên phổ thông, nhưng nếu cắc cớ có người hỏi bạn cuộc thi hoa hậu lần đầu tiên của nước ta tổ chức ở đâu, tôi chắc nhiều vị sẽ lúng túng.
Nói đến các giai thoại của câu Tư Phước George, người ta thường nghe kể lại rằng, năm đó (1933) cậu Tư Phước George dẫn gánh hát Huỳnh Kỳ từ Mỹ Tho đi lưu diễn miền Tây, và ghé tai chợ Sóc Trăng, có dẫn theo một người Pháp làm hô vệ. Trong vai trò “garde corps” cho cậu Tư, hắn luôn luôn đeo khẩu súng lục hiệu Browning 6 mm 35 kè kè bên hông rất oai vệ. Sáng sớm hôm đó, cậu Tư tự cầm lái chiếc xe thể thao hiệu Fiat, chở ban tham mưu gánh hát đến ăn sáng tại một nhà hàng đường Đại Ngải Sóc Trăng. Chiếc xe cậu Tư đậu không sát lề, bị một tên cảnh sát hách dịch địa phương sân si, đòi biên phạt. Là một người lịch sự hào hoa, cậu Tư nhìn nhận mình có lỗi nhưng tên cận vệ người Pháp lai ấy có vẻ tức giận. Tên cảnh sát vẫn biên giấy phạt với thái độ hống hách, làm cho vệ sĩ cậu Tư nổi nóng bèn chưởi thề. Thấy vậy tên cảnh sát sừng sộ, thách đố:
– Mày ỷ mày có súng, dám bắn tao không?
Người cận vê cậu Tư phân trần:
– Bà con cô bác coi, tôi không chọc anh ta, nếu anh ta thách tôi, tôi bắn à!
– Máy giỏi bắn con … c tao nè!
Không dằn được, tên vệ sĩ cậu Tư liền rút súng bắn một phát chát chúa. Tên cảnh sát ngã quỵ trên vũng máu trước sự kinh hãi của mọi người. Sau đó, người cận vệ đến sở cảnh sát nộp mình. Nghe đâu chỉ mấy năm sau nhờ cậu Tư vân động xin, nên anh ta được trả tự do và trở thành vệ sĩ cho cậu Tư đến năm 1945. Khi Pháp trở lại chiếm Nam Kỳ, người cận vệ ấy trở thành Cảnh sát trưởng một quận ở Gò Công! Điều kể trên đây chứng tỏ những người gần gũi, phục vụ câu Tư bảo vệ danh dự cậu Tư hết mình, không muốn ai xâm phạm đến uy danh của cậu.
Trường hợp cô Ba Trà cũng có một người thân tín, khi nào ra đường cũng đi cặp kè với cô, để cô sai bảo, hay bưng xách đồ đạc cho cô. Người đó là một cô Xẩm lai, gốc gác ở Tân Khánh tỉnh Thủ Dầu Một. Cô được thân phụ dạy môn võ Thiếu Lâm gia truyền. Một hôm cô Ba Trà và người xẩm ấy đi chợ Cầu Ông Lãnh mua đồ. Một người lính “gạc” (local garde) người ta quen gọi mã-tà, hay phú-lít, cầm gậy, không mang súng. Nghe nói hồi trước hắn có đi lính cho Pháp bên Tây, nên khi hồi hương được chính phủ thuộc địa ban nhiều đặc ân. Hắn tỏ ra hống hách, chọc ghẹo đàn hà, con gái, ăn hàng quyt, ai đòi tiền, hắn chưởi, hay đánh. Xuất thân từ dân anh chị nông dân ít học, hắn lỗ mãng và làm phách vì ỷ mình có công trạng với Tây. Khi thấy cô Ba Trà là người đàn bà đẹp và hỏi:
– Này cô, đi đâu mà coi lịch sự quá hé?
– Ông ăn nói cho đàng hoàng, không được phép chọc ghẹo phu nữ.
– Cô nói sao? Tôi muốn bóp vú cô một cái được không?
Nói rồi, hắn bước tới hai tay định ôm cô để bóp nhũ hoa. Bất ngờ, cô xẩm lùi lại, lấy thế, đá thật mạnh vào người lính. Hắn kêu lên cái “ự” rồi ngã xuống bất tỉnh. Thiên hạ xúm lại coi rất đông. Cô Ba Trà mắc cỡ, liền kéo tay cô gái lên xe kéo, đi một nước, bỏ mặc tên lính ấy nằm sóng soài dưới lộ.
Lúc này cô Ba Trà trở thành người tình của bác sĩ Án. Ông Án mướn nhà riêng, lập phòng nhì, xây tổ uyên ương với cô định chiếm làm của riêng. Nhưng cô Ba Trà lại ngựa quen đường cũ, cứ rảnh rỗi miệt mài trong các sòng bạc, rồi gặp câu Tư Phước George trong khi cô thua sạch túi. Dịp đó, cậu Tư mới rủ cô nên đi miền Tây chơi một chuyến cho giải buồn, và tìm sòng khác gỡ lại. Lúc này cậu Ba Qùi cũng đã quen được với cô Ba, nên cũng ngầm tranh giành người đẹp với nhau. Chiếc xe sport Fiat của cậu Tư chở cô Ba Trà thẳng xuống Cần Thơ và nghỉ tại khách sạn Hôtel de L’Ouest của nhà tư sản Trần Đắc Nghĩa, nằm trên đại lộ Delanoue, dân chúng địa phương cũng gọi là đường” Kinh lấp” vì nơi đây thường tổ chức hốt me lậu. Ông Trần Đặc Nghĩa là một người giàu có tại Cần Thơ, từng kinh doanh nhiều ngành như nhà in, xe đò, phòng ngủ và lập gánh hát “Trần Đắc”.
Vào khách sạn, cậu Tư đi tắm cho mát, cởi chiếc cà rá hột xoàn tri giá 3000 đồng thời đó để trên bàn, bước vô phòng tắm. Bận ra thấy cô Bộ Trà đã đeo chiếc cà rá vào ngón tay vừa cười vừa nói.
– Anh Tư coi vừa ngón tay em quá nè!’
– Vừa thì đeo luôn di, anh cho em đó.
Trong khi đó, công tử Ba Qui cũng đang theo tìm dấu cô Ba Trà. Khi thấy chiếc xe cậu Tư đậu trước khách sạn, cậu Ba Qui liền lên lầu kiếm. Chạm mặt cậu Tư đang hôn cô Ba Trà, cậu Ba Qui không tỏ ra khó chịu hay ghen tương gì cả. Hai bên tay bắt mặt mừng, tỏ ra cao thượng và quí phái. Mấy hôm sau, về Sài Gòn, cậu Ba Qui dẫn cô Ba Trà đến tiệm bán hột xoàn danh tiếng trên lầu thương xá Charner, mua cho cô Ba Trà chiếc nhẫn hột xoàn lớn gấp đôi chiếc của cậu Tư.