Trong tâm khảm của người dân Việt Nam, đâu đó vẫn còn hình dáng chiếc xe xích lô, một thời đưa đi đón về những thực khách nội địa và từ phương xa tới. Chiếc xe xích lô, một phần nào đó in đậm vào trong tâm trí mỗi người là nét đẹp văn hóa, là nét đặc trưng hiếm thấy ở dải đất hình chữ S đầy thăng trầm lịch sử này.

Với nguồn gốc tên gọi từ nước Pháp (cyclo), nhà sáng chế – ông Coupeaud đã tổ chức một cuộc chở khách bằng chiếc xe ba bánh từ thủ đô PhnomPenh của Campuchia đến Sài Gòn nhằm quảng bá cho loại hình phương tiện độc đáo này. Hành trình gần 200 km thú vị được hai người đạp thuê thay phiên nhau thực hiện trong thời gian 17 giờ 23 phút. Kể từ đó trở đi, thay thế những chiếc xe kéo tay ngày nào, xích lô dần xuất hiện ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc như là một phương tiện độc lạ, đưa đón cả khách trong nước và quốc tế. Với thiết kế một ghế ngồi đằng trước, người chở ngồi sau đạp xe, du khách được trải nghiệm một không gian khám phá phố phường toàn cảnh, với tốc độ di chuyển không quá nhanh và hết sức an toàn. Thoạt nhìn thì xe xích lô ở đâu cũng giống nhau, nhưng thực chất mỗi nơi thiết kế một khác.

Ảnh tác giả cung cấp

Xích lô Hà Nội thấp và ngắn. Xích lô đồng bằng sông Cửu Long thì người đạp ngồi trước, khách ngồi sau. Xích lô Sài Gòn cao lênh khênh, nhưng chỗ ngồi của khách hẹp lại. Khách từ nơi xa về, vốn đã quen với những loại hình phương tiện hiện đại, nay được trải nghiệm một chiếc xe vô cùng thô sơ, bình dị thì vô cùng háo hức. Ngồi lên xe, khách như được tự mình cảm nhận không khí nhịp sống bản địa theo một cách rất riêng mà trời Tây không có.

Đối với những người con mảnh đất Hà Nội, xích lô đã từng là một mảnh ghép không thể thiếu trong hơi thở đời sống. Nó đã đi vào thơ ca, vào phim ảnh và vào cả những bức tranh vẽ về nơi Kẻ Chợ đầy xô bồ và hối hả này. Dáng vẻ của những người đạp xe, nụ cười trên môi của các thực khách là những nét chấm phá đầy sinh động cho bức tranh về Hà Nội. Cái chất bình dị, đơn sơ ấy có lẽ hợp với Hà Nội, hợp với ngõ nhỏ phố nhỏ, với những con đường, tòa nhà cổ kính đã dần nếm trải những bước đi của thời gian.

Sinh ra và lớn lên trong thế kỷ 21, xích lô không quá là xa lạ với tôi, nhưng vẫn đủ mới mẻ để tôi có cơ hội tìm hiểu và cảm nhận sâu hơn. Tôi đã từng ngồi lên chiếc xe ấy ngắm nhìn phố phường với vẻ háo hức, từng vui mừng khi thấy một cặp cô dâu chú rể ngồi trên xích lô, tổ chức một đám cưới truyền thống và cũng từng thấy những giọt mồ hôi lăn trên má người đạp xe giữa tiết trời nóng nực của Hà Nội. Ở xích lô, chỉ nói đến nét đẹp đơn sơ thôi là chưa đủ, vẻ đẹp của người lao động vận hành nó và vẻ đẹp của người được chở mới hơn cả làm nên cái chất riêng của phương tiện này. Đứng từ xa ngắm nhìn từng dòng xe xích lô, ta thấy cả nét đẹp lao động lẫn nét đẹp của thành quả lao động, xoắn quýt và kết tinh lại trong hình hài một chiếc xe, từ đó thêm yêu và thêm quý loại phương tiện đặc biệt này.

Tuy vậy, đâu phải cái gì cũng tồn tại mãi mãi với thời gian. Mật độ tham gia giao thông ngày một tăng, loại hình phương tiện mỗi ngày một đa dạng đã dần phá đi sự độc nhất của xích lô. Giờ đây, hiếm lắm ta mới bắt gặp được chiếc xích lô trong khu vực phố cổ. Thay vào đó, xe buýt hai tầng, xe đạp, xe máy lại được ưa chuộng hơn cả. Dẫu biết xã hội thay đổi, nhưng liệu ta có nên giữ lại chiếc xích lô cũ đã một thời ăn sâu vào trong tiềm thức du khách hay không? Về lý mà nói, sự biến mất của xích lô là hợp lý.

Với sự gia tăng dân số đô thị, đi cùng với đó là sự gia tăng phương tiện giao thông trong nội thành thành phố, xích lô cần phải được loại bỏ để tránh ùn tắc, đặc biệt là những nơi tập trung đông du khách. Việc loại bỏ phương tiện này sẽ giúp cho lưu thông các phương tiện dễ dàng hơn, du khách cũng sẽ đỡ phải thêm phần mệt mỏi khi tham gia giao thông ở Hà Nội. Mặt khác, xét về tình, mất đi chiếc xe xích lô thuở nào như đánh mất một nét đẹp văn hóa gắn với mảnh đất thủ đô tự bao đời. Xe xích lô vốn là một đặc trưng khó thấy ở quốc gia khác, mất đi nó, du khách sẽ không bao giờ có cơ hội được trải nghiệm cái cảm giác lâng lâng êm ái khi ngồi trên xe, vừa tán gẫu, vừa ngắm nhìn thành phố với những cơn gió nhè nhẹ thoảng trên mái tóc. Những đứa trẻ con sẽ chả bao giờ biết đến chiếc xe ấy như thế nào, mà chỉ có thể ngắm nghía nó qua những bức tranh, những thước phim còn sót lại. Sự mất mát có thể không nghiêm trọng, song, với nhiều người con của mảnh đất nghìn năm văn hiến, xe xích lô đâu đó vẫn là mảnh ghép không thể thiếu để hoàn thiện nên bức tranh Hà Thành đầy kiêu sa, cổ kính đúng chất.