Một trong những yếu tố đưa adidas trở thành ông hoàng của làng sneaker chính là nhờ bộ nhận diện 3 sọc nổi bật trên thân giày. Nhưng hóa ra, đây không phải là hàng… chính chủ.

Nhắc đến adidas, đó là cái tên có thể coi là một trong những “ông hoàng” trong làng sneaker hiện nay. Đại trà nhưng không kém phần đẳng cấp – đó là những gì người ta nói về adidas.

Và một trong những yếu tố nhãn hàng thể thao của Đức lên đến đỉnh cao, chính là nhờ logo và bộ nhận diện “3 sọc” đặc trưng của một thương hiệu.

Đôi Superstar có lẽ đã quá nổi tiếng của adidas. Và tất nhiên, chẳng thể thiếu 3 sọc trên thân

Nhưng đình đám là vậy, thực ra adidas không phải cha đẻ của bộ logo 3 sọc nổi tiếng này. Trái lại, họ đã mua nó từ một thương hiệu giày thể thao khác của Phần Lan: Karhu.

1600 euro và 2 chai whiskey cho một thương hiệu đình đám

Karhu ra đời vào năm 1916, và đến tận những năm 1940, bộ nhận diện của họ vẫn là 3 sọc trên thân giày. Thậm chí Olympics mùa hè 1952 tại Phần Lan còn chứng kiến sự thống trị của dòng giày Karhu, khi rất nhiều vận động viên đã mang đôi giày 3 sọc của nhãn hàng này. Và trong số đó có cả những nhà vô địch Olympics nữa.

Đôi giày Karhu phiên bản Olympics 1952

Nhưng ngay sau đó, Karhu đã bán luôn bộ nhận diện cho một thương hiệu khác của Đức được xem là “kém tiếng tăm hơn” ở thời điểm bấy giờ – chính là adidas. Và tin được không, cái giá adidas phải bỏ ra để sở hữu bộ nhận diện này chỉ là… 1600 euro và 2 chai whiskey.

1600 euro vào năm 1952 có thể tương đương 16.000 euro vào thời điểm hiện tại, nhưng rõ ràng đó là một cái giá phải nói là quá hời để sở hữu một bộ nhận diện nâng tầm thương hiệu lên đến đỉnh cao.

Thực ra, adidas ra đời vào năm 1924, tức chỉ muộn hơn Karhu 8 năm. Tuy nhiên, nó mang tên của nhà sáng lập là Dassler Schuhfabrik và cũng không có logo 3 sọc quen thuộc ngày nay.

Mãi cho đến năm 1949, hãng mới được đổi tên thành adidas. Vậy nên xét trên bề dày lịch sử, Karhu rõ ràng được đánh giá cao hơn ở thời điểm đó.

Vấn đề nằm ở chỗ adidas cũng lấy logo 3 sọc làm bộ nhận diện. Và không rõ bằng cách nào, họ đã “gạ” được Karhu bán nó với giá “tình thương mến thương” đến như vậy. Chỉ biết rằng ngày nay Karhu vẫn tồn tại, nhưng không thể so với gã khổng lồ đã vươn mình đi khắp các hang cùng ngõ hẻm trên thế giới.

Nguồn: Sabotage Times, Karhu blog