Có nhiều giai thoại liên quan đến việc hành hình tử tù Trung Quốc thời xưa như trong bữa cơm cuối cùng của họ thường có một miếng thịt sống hay thi hành án vào giờ ngọ ba khắc.
Từ cổ chí kim, án tử vẫn thường được thi hành bằng nhiều cách khác nhau với những người mang “trọng tội”.
Tại Trung Quốc thời xa xưa, quá trình từ lúc xử án cho tới khi kết liễu phạm nhân đều đi kèm với rất nhiều công đoạn. Thậm chí có những hành động đã trở thành “luật bất thành văn” và được duy trì tới tận bây giờ.
1. Đao phủ khi hành hình tử tù không được phép để đầu rơi khỏi thân
Tại Trung Quốc, mỗi triều đại khác nhau lại thi hành những phương pháp xử tử không giống nhau như chém eo, ngũ mã phanh thây, hỏa thiêu… Trong số các hình thức này, kiểu thi hành án mà người hiện đại biết tới nhiều hơn cả chính là xử trảm.
Thế nhưng, xử trảm vào thời xưa không đơn giản chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi như trong các bộ phim truyền hình cổ trang.
Thi hành án theo hình thức chém đầu được coi là một thách thức của người làm đao phủ.
Bởi theo nguyên tắc, đao phủ khi trảm không được để đầu của phạm nhân rơi xuống đất.
Điều này bắt nguồn từ quan niệm để người quá cố ra đi một cách “toàn thây”.
Nhưng để làm được như vậy, người đao phủ phải sở hữu một kỹ thuật thành thạo và cao siêu.
2. Lý do chỉ xử tử phạm nhân vào giờ ngọ ba khắc
Không phải ngẫu nhiên mà các án tử thường được thi hành vào thời điểm giờ ngọ ba khắc. (Tranh minh họa).
Vào thời xa xưa, các phạm nhân bị tử hình tại Trung Hoa thường bị hành hình vào giờ ngọ ba khắc, có nghĩa là 12 giờ kém 15 buổi trưa.
Theo lý giải của các nhà nghiên cứu trên trang Qulishi, cổ nhân lựa chọn thời điểm này vì tin rằng, đây là lúc dương khí ở nhân gian thịnh nhất. Hành hình phạm nhân vào lúc này thì sau khi chết, quỷ hồn của họ sẽ không gieo họa nơi nhân gian.
Ngoài ra, có một giải thuyết khác lại lý giải rằng, giờ ngọ ba khắc là lúc cơ thể con người ở vào trạng thái buồn ngủ. Xử tử phạm nhân vào thời điểm ấy sẽ giúp họ ra đi bớt đau đớn.
3. Giai thoại về miếng thịt sống trong bát cơm tử tù
Trước khi hành hình, các tử tù sẽ được cho ăn cơm và hưởng một số đặc quyền khác. (Tranh minh họa).
“Ngục quan lệnh” vào thời nhà Đường có ghi rõ, một ngày trước khi xử tử tù, “quan viên phải cho họ uống rượu, ăn cơm, gặp người thân, nghe tuyên cáo trạng, ngày hôm sau thì hành hình”.
Như vậy, có thể thấy rằng ngay từ cách đây hàng thế kỷ, người xưa đã có truyền thống cho phạm nhân được cơm no rượu say trước lúc thi hành án.
Tập tục này đã bắt đầu có từ thời Xuân Thu ở nước Sở. Tương truyền rằng năm xưa Sở Trang Vương sau một lần bình định phản loạn đã đem cơm ngon cho các đại thần ở pháp trường để biểu thị sự rộng lượng của mình.
Kể từ đó, việc cho tử tù ăn cơm đã được lưu truyền rộng rãi và trở thành “luật bất thành văn” cho tới ngày hôm nay.
Bữa cơm mà các tử tù ăn trước khi bị hành hình có tên gọi là “cơm đoạn đầu”. Thời xưa, “cơm đoạn đầu” của người tử tù thường bao gồm một bát cơm trắng, một bát thịt và một bát thức ăn kèm.
Theo trang Qulishi, có giai thoại truyền lại rằng, trong bữa cơm cuối cùng của tử tù nhất định phải có một miếng thịt sống, để người đó khi đi qua cầu Nại Hà thì dùng miếng thịt này “đút lót” để Mạnh Bà nuôi chó, từ đó mới có thể thuận lợi tiến vào luân hồi.
4. Sự thật phía sau cuộc tương ngộ cuối cùng giữa tử tù và người thân
Gặp người thân lần cuối cũng là một trong số những đặc quyền mà tử tù nhận được từ thời xa xưa. (Tranh minh họa).
Chế độ phong kiến Trung Hoa có thể duy trì được tới mấy ngàn năm phần nào nhờ nền móng luân lý vững chắc. Đây cũng được coi là một thủ đoạn cai trị của giai cấp thống trị, dùng luân lý đạo đức để duy trì trật tự xã hội cũng như quyền lực của mình.
Vì vậy, quan niệm tuân thiên lý, thuận ân huệ (tuân theo đạo lý của trời, thuận theo tình người) vẫn luôn được áp dụng cho cả các tử tù. Theo đó, những phạm nhân phải chịu án tử trước khi bị xét xử sẽ được gặp mặt người thân để nói lời giã từ.
Truyền thống này vẫn được lưu truyền tới ngày nay và đã trở thành một điều luật nhân văn tại nhiều quốc gia.
Trần Quỳnh