Thuở nhỏ tôi vẫn nghe vài câu chuyện về cầu Bình Lợi. Những câu chuyện đó không vui, toàn là chuyện tự vẫn vì thất tình, mang nợ ba`i bạc hết đường cứu chữa. Lúc hiểu biết một chút, tôi tự hỏi tại sao người ta cứ phải ra cầu Bình Lợi nhảy xuống sông tìm Hà Bá mà không tìm một cây cầu khác. Chẳng lẽ Sài Gòn chỉ có mỗi cây cầu đó thôi sao. Sao không nhảy sông từ cầu Sài Gòn, chỗ khúc sông này rộng và nhiều vùng nước xoáy?

Ðúng là Sài Gòn trước năm 1960 chỉ có cây cầu Bình Lợi làm gạch nối giao thông giữa hai vùng đất Sài Gòn – Gia Ðịnh. Cầu Sài Gòn tôi nhắc đến sinh sau đẻ muộn, khánh thành vào năm 1961 do Mỹ xây dựng khi kết nối con đường huyết mạch Sài Gòn – Biên Hoà được gọi là xa lộ Biên Hoà để phát triển khu công nghiệp và Tân Cảng nên nó có tên là cầu Tân Cảng. Thế nhưng người dân quen miệng thấy cầu bắc qua sông Sài Gòn nên gọi là cầu Sài Gòn cho tiện, mặc dù dưới chân cầu có một khu Tân Cảng quân sự cũng do Mỹ xây dựng cho Sài Gòn. Từ đây, Sài Gòn có hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn: cầu Bình Lợi và cầu Sài Gòn.

Tất nhiên là khi quẫn trí, người nhảy cầu tìm Hà Bá sống gần khu vực nào thì ra cây cầu gần đó cho tiện. Những chuyện nhảy cầu Bình Lợi thì có từ rất lâu, thuở vùng phụ cận Sài Gòn được người Pháp xây chiếc cầu sắt bắc qua sông Sài Gòn để thực hiện dự án đường sắt nối liền các tỉnh miền Trung. Báo cáo của toàn quyền Ðông Dương Paul Doumer đề ngày 22-3-1897 về chương trình hoạt động của tân toàn quyền Ðông Dương nhấn mạnh đến việc xây dựng một hệ thống đường sắt: “Cần mang lại cho Ðông Dương một công cụ lớn về kinh tế, đường sắt, cầu, cảng phục vụ cho việc khai khẩn thuộc địa”.

Cầu Bình Lợi lúc mới xây

Cầu Bình Lợi là cầu đường sắt kết hợp đường bộ đầu tiên nối liền Sài Gòn đi miền Trung và miền Tây (đến Mỹ Tho) được hãng Levalllois Perret lãnh thầu, dài 276m gồm 6 nhịp, lòng cầu lót ván gỗ dày. Mỗi khi xe lửa qua cầu, xe cơ giới đều bị chặn lại ở hai đầu cầu. Khi được lưu thông, thì một bên dừng một bên chạy.

Cầu có đường hành lang cho khách bộ hành. Ðặc biệt, cầu xe lửa này có một nhịp dầm quay bằng hệ thống bánh răng đưa dầm cầu thẳng lên 90 độ. Nhịp quay nằm ở mé Thủ Ðức do lòng sông sâu để tàu bè chở hàng có thể qua lại. Ở Khánh Hội cũng có một cây cầu quay nhịp giữa cho tàu bè lưu thông, xây năm 1904. Dân thương hồ ngày xưa tụ tập sinh sống hai bên bờ kênh Tàu Hủ, từng dùng hình tượng cầu quay làm lời thề đôi lứa:

“Chừng nào cầu quay nọ thôi quay
Thì qua với bậu mới đứt dây cương thường”.

Cầu quay Khánh Hội – kênh Tàu Hủ

Tiếc là cầu quay Khánh Hội dừng hoạt động, sau năm 1954, Nha Kiều Lộ cho xây mới bằng cầu bê tông có độ tĩnh không cao hơn, dễ dàng cho tàu thuyền qua lại.

Cầu Bình Lợi được khánh thành năm 1902, 6 nhịp của thành cầu thiết kế theo hình cánh cung. Hai mố cầu đúc bê tông bao đá hộc to bằng cái thúng rất chắc chắn. Trẻ con sống gần đó thường ra mố cầu làm bãi tắm sông. Là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn phía Ðồng Ông Cộ nên những vụ tự vẫn, nhảy cầu đều xuất phát tại đây. Từ khi sòng bài Ðại Thế Giới và Kim Chung hoạt động, thu hút dân mê phát tài lao vào đỏ đen, nợ nần tứ giăng, muốn thoát nợ thì ra cầu Bình Lợi. Do đó, báo chí thỉnh thoảng vài ba tháng đưa tin “Mang nợ nhảy cầu Bình Lợi”. Lâu dần cây cầu này trở thành cái huông, điểm hẹn cho người muốn chầu thuỷ cung. Rồi trở thành câu nói cửa miệng bông đùa khi không giải quyết được vấn đề nan giải nào đó. Ði nhảy cầu Bình Lợi cho rồi!

Thành cầu Bình Lợi có thay đổi sau cuộc đảo chính của Ðại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Ðông đứng đầu chống chính quyền Ngô Ðình Diệm. Một kíp chất nổ cài đặt ở nhịp giữa cầu để ngăn quân tiếp viện trung thành của Tổng thống từ Biên Hoà và Thủ Ðức về ứng cứu vì đây là con đường duy nhất từ miền Ðông về Sài Gòn. Cuộc đảo chánh nhanh chóng bị dập tắt nhưng nhịp cầu giữa bị sập được thay thế bằng nhịp cầu có thành cầu hình chữ nhật. Ðầu thập niên 1970, mới có thêm cầu Bình Triệu để về Hàng Xanh.

Còn tại sao người Pháp lại chọn địa điểm vùng Ðồng Ông Cộ để xây dựng cầu Bình Lợi. Theo thiểu kiến của tôi là do hướng xây dựng đường sát nối liền miền Ðông và miền Tây trong hệ thống đường sắt xuyên Ðông Dương mà ra. Ðồng Ông Cộ khi xưa còn là một rừng cây chi chít, khai phá vùng đất hoang vu này có thể mở rộng thành phố về phía Bình Dương (khi đó Thủ Dầu Một đã là một thị trấn trù phú). Người cao tuổi sống ở vùng này nay vẫn còn nhớ đến địa danh Ðồng Ông Cộ từ những chuyện kể của các thế hệ trước lưu truyền. Vùng đất rừng không đường sá này rất rộng từ Hàng Xanh đến ngã năm Bình Hoà ra đến Bình Lợi.

Chuyện này thì rất xa xưa khi người Pháp chưa chiếm thành Gia Ðịnh. Ông Cộ không phải tên của ông nào đó mà Cộ ở đây là cộ hàng (thồ hàng) bằng sức người (khiêng vác). Thấy cư dân quá khó khăn di chuyển mua bán trao đổi hàng hoá, trong vùng chỉ toàn rừng, đường mòn của người đi rừng đốn củi, một ông bá hộ tục gọi ông Ba mới nảy ra sáng kiến tuyển trai tráng khoẻ mạnh làm nghề đi cộ hàng cho bà con, nên người ta gọi ông là ông Ba Cộ. Về sau, khi Pháp khai phá vùng đất này trồng cao su và hoa màu, người ta vẫn quen gọi khu vực này là Ðồng Ông Cộ.

Từ ngày có cầu Bình Lợi, giao thông thuận tiện, người Pháp giảm bớt trồng cao su, lấy đất làm đô thị cho cư dân từ các nơi kéo về sinh sống. Các cửa ngõ thành phố mở thêm ra, cầu Tân Cảng, cầu Bình Triệu đến khoảng thời gian 1968 thì vùng đất này rất trù phú, dân cư đông đúc.

Chuyện cầu Bình Lợi có thêm một chi tiết thú vị cho những người yêu nhạc lính. Ca khúc “Rừng lá thấp” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết tặng người bạn Trung uý Thuỷ Quân Lục Chiến Vũ Mạnh Hùng tử trận năm Mậu Thân trong lúc bảo vệ cửa ngõ thành phố Sài Gòn trên cầu Bình Lợi. Trên đề tựa bài hát, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ghi lời gởi người bạn quá cố như sau:

Hùng,

Xưa, một lần hành quân về ghé thăm tao, mày đã tỏ ý khó chịu về những nàng ca sĩ cứ bô bô hát những bài ca đòi… “yêu”, đòi “chung tình” với “Lính”. Tao đã không đáp, bởi… thật khó cho tao khi phải nói về những người bạn đồng nghiệp. Trong tình bằng hữu mười mấy năm còn thật đậm, tao ghi lại ở đây một ý kiến của mày, tiếc là mày không thèm nghe tao hát nữa. HÙNG ơi!

Thanh – 1968/11.

Theo Trang Nguyên