“Sắc dục” được xem là một vấn đề rất nghiêm trọng trong văn hóa truyền thống cả phương Đông và phương Tây. Suốt năm nghìn năm văn minh, những câu chuyện và lời răn dạy đã được truyền lưu lại cho từng thế hệ. Đặc biệt, cả ba tín ngưỡng truyền thống là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo đều có những quy định nghiêm ngặt về vấn đề “sắc dục” này.

sắc dục
(Hình minh họa: Qua chinakongzi)

Phục Hy chế định luật kết hôn

Trong cuốn sách “Cổ sử khảo” của học giả Tiếu Chu (220 – 280) thời Tam Quốc có viết: “Phục hy chế giá thú, dĩ lệ bì vi lễ“, nghĩa là Phục Hy đã định ra chế độ hôn thú cho con người. Tấm da hươu được dùng làm sính lễ. Phục Hy là một nhân vật huyền thoại trong thần thoại Trung Hoa và được xem là đã tạo ra loài người.

Trong cuốn sách này, tác giả Tiếu Chu viết rằng Phục Hy đã chế định ra luật kết hôn của con người là một nam và một nữ. Con người có thể lấy tên loài động vật mà mình nuôi dưỡng, thực vật, nơi cư trú hay các chức danh chính thức của mình để làm họ. Việc sử dụng họ như vậy là để giúp ngăn chặn một cuộc hôn nhân không thích hợp hay là cận huyết thống.

Các tán văn (một thể văn thời xưa, nội dung ca ngợi nhân vật) đã viết rằng: Trong 5000 năm văn minh, Tam Hoàng (ba ông vua trong truyền thuyết cổ đại Trung Hoa là Toại Nhân, Phục Hy và Thần Nông) đã đặt định nền móng cho nhân loại. Thần Phục Hy thảo ra các quẻ và lễ nghi. Trong đó công nhận sự khác biệt giữa nam và nữ, kính trọng Trời và sống thuận theo tự nhiên, âm dương hài hòa. Những quy tắc này được đánh giá là “muôn đời không thay đổi”.

Nho giáo giảng về vấn đề sắc dục

sắc dục
(Hình minh họa: Qua kknews)

Khổng Tử giảng: “Vào thời trẻ, khí huyết chưa đủ, thì phải giới cấm sắc dục.”  Đối với đoạn này, có học giả nhận xét rằng đây chính là cảnh giới sắc dục của thánh nhân. Họ thời thời khắc khắc ghi nhớ, không lúc nào buông lơi. Sách ‘Lễ’ cho rằng một người đàn ông bình thường không nên có thêm thê thiếp. Nhiều người dù đến 50 tuổi vẫn chưa có con nhưng vẫn một lòng một dạ, không nạp thêm thê thiếp… Đây đều là cảnh giới sắc dục của người cao thượng.

Khổng Tử không nói nhiều về phương diện này, ông chỉ đưa ra nhấn mạnh rằng: “Vào thời trẻ, khí huyết chưa đủ, thì phải chống lại sắc dục.” Đó là bởi vì, một người khi còn trẻ thì chính là đang ở trong giai đoạn chớm nở, giống như cây đang nẩy mầm và côn trùng đang ẩn nép ở dưới đất. Nếu mầm mà bị hư hại thì cây sẽ bị chết. Đối với côn trùng ẩn nép dưới đất, nếu bị đào lên và tiếp xúc với bên ngoài, nó chắc chắn cũng sẽ bị chết. Khổng Tử đã cảnh báo người trẻ tuổi nên kiềm chế dục vọng để giữ được tuổi trẻ của mình.

Nếu một người có thể thoát khỏi sự khống chế của dục vọng khi còn trẻ thì tinh huyết của người này sẽ được bảo quản tốt và cơ thể tràn đầy năng lượng. Khi họ đi đến công đường xử lý việc nước thì tinh thần và năng lượng sẽ cho phép họ đạt được những thành tích cao. Nhân phẩm và học vấn chân chính của một người đều bắt đầu từ đây. Thậm chí một người dù không giàu có, họ vẫn sẽ có thể sống lâu dài và không gặp trường hợp bất đắc kỳ tử. Đây là điều mà những người trẻ nên chú tâm.

Cũng có lời nhận xét rằng: “Những lời dạy của Khổng Tử quy định về những tiêu chuẩn đạo đức nhân luân như trung hiếu liêm sỉ, nhân nghĩa lễ tín, nam nữ là khác biệt nên phải thụ thụ bất thân. Đây là một lời răn dạy chân thành cho những người trẻ tuổi.”

Mạnh Tử cũng giảng về việc hạn chế sắc dục, ông nói: “Dưỡng tâm giả, mạc thiện vu quả dục. Kỳ vi nhân dã quả dục, tuy hữu bất tồn yên giả quả hỹ. Kỳ vi nhân dã đa dục, tuy hữu tồn yên giả quả hỹ.” Tức là, để dưỡng tâm, không gì tốt hơn là giảm đi ham muốn sắc dục. Nếu một người có ít ham muốn thì dù là đôi khi bị mất kiểm soát, nhưng cũng chỉ xảy ra rất ít lần mà thôi. Còn nếu một người có nhiều ham muốn thì dù là đôi khi có thể kiểm soát được ham muốn, nhưng sự kiểm soát ấy cũng chỉ được ít lần mà thôi.

Phật giáo giảng về vấn đề sắc dục

Có truyền thuyết kể rằng, Vua Hán Minh Đế sau khi mộng thấy người vàng đã thành lập một phái đoàn sứ giả sang Tây Vực cầu pháp. Sứ giả sau đó đã sao chép được hai tư chương kinh Phật, chất lên lưng ngựa trắng (Bạch mã) trở về thành Lạc Dương. Bởi vậy “Tứ thập nhị chương kinh” được xem là bộ kinh Phật đầu tiên được dịch sang tiếng Hán.

Sau đó Hán Minh Đế đã xây ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung Quốc là Bạch Mã Tự ở thành phố Lạc Dương.

Một trong các chương của cuốn sách này viết, Đức Phật dạy rằng hãy đề phòng khi nhìn phụ nữ, hãy cẩn thận khi nói chuyện với phụ nữ, nếu nói chuyện với họ cần phải có một trái tim thuần khiết và suy nghĩ đứng đắn. Tôi là một sa môn phải sống trong thế giới dơ bẩn này. Dù là ở trong bùn, nhưng hãy để tôi như một đóa hoa sen, tinh khiết và thanh tịnh.

Nếu người phụ nữ này đã già, hãy xem như là mẹ của mình, lớn tuổi hơn thì xem là chị của mình, nhỏ tuổi hơn thì xem như là em gái mình. Nếu cô ấy là một đứa trẻ, hãy đối xử như con của mình. Hãy từ bi và nghĩ cách cứu độ họ, tiêu trừ tất cả ác niệm.

Đạo giáo giảng về vấn đề sắc dục

sắc dục
(Hình minh họa: Qua .aboluowang)

Lã Động Tân là một đạo sỹ và là một nhà thơ thời nhà Đường. Ông cũng là một trong Bát Tiên trong lịch sử Văn hóa Trung Hoa, đã viết một bài thơ có tựa đề “Cảnh thế” (Cảnh tỉnh thế nhân). Trong đó ông viết: “Nhị bát giai nhân thể tự tô, Yêu gian trượng kiếm trảm phàm phu. Tuy nhiên bất kiến nhân đầu lạc, Ám lý giáo quân cốt tử khô.“ Nghĩa là, giai nhân 16 tuổi thân hình mềm mại, thanh kiếm đeo ở eo lưng trảm những kẻ phàm phu tục tử. Dù rằng không thấy đầu bị cắt lìa, nhưng xương tủy đã ngấm ngầm khô kiệt.

Sư phụ của Lã Động Tân là Hán Chung Ly cũng có viết một bài thơ nổi tiếng là “Giới dâm ca”. Có nội dung đại ý rằng:

Cô gái nhà ai có nhan sắc xinh đẹp như ngọc, cố ý đưa tình nhìn mọi người. Không ít bậc anh hào đức hạnh bị vướng vào mà không qua được quan này. Anh ta không nghĩ rằng đây là một tội ác nghiêm trọng. Nhưng Trời đã ghi lại và hình phạt sẽ được đưa ra. Phúc do tổ tiên và những kiếp trước của anh tích được đều sẽ bị giảm đi. Anh ta sẽ bị tổn thọ và bất hạnh sẽ giáng xuống những thế hệ tiếp theo. Anh ta thậm chí còn có thể bị chịu hình phạt phải trở thành súc vật vào kiếp sau. Thấy kết quả báo trước tàn khốc này mà khóc, thở than cho con người cớ gì chịu mê phấn độc. Nay khẩn thiết cảnh báo cho thế nhân, hãy tránh xa những hành vi tà dâm trước khi quá muộn.

Cảnh giới sắc dục của người có đạo đức cao thượng

sắc dục
(Hình minh họa: Qua read01)

Uất Trì Cung tên tự là Kính Đức, là một danh tướng thời Đường. Ông là một trong 24 anh hùng được khắc chân dung ở Lăng Yên Các.

Trong “Tư trị thông giám” có chép lại một cuộc nói chuyện giữa Hoàng đế nhà Đường là Đường Thái Tông và Uất Trì Cung như sau.

Một lần, Hoàng đế Đường Thái Tông hỏi Kính Đức: “Ta muốn khanh cưới con gái ta. Khanh nghĩ sao?”

Kính Đức khấu đầu tạ ơn rồi nói: “Vợ thần mặc dù quê mùa xấu xí, dốt nát, nhưng là người cùng với thần trải qua cuộc sống bần cùng, hoạn nạn nhiều năm. Thần tuy không học vấn, không tài cán, nhưng từng nghe cổ nhân nói: “Giàu không đổi vợ”. Thần nguyện noi gương cổ nhân, không thể từ bỏ người vợ già của mình.”

Hoàng đế Đường Thái Tông nghe xong lời nói tâm huyết của Kính Đức càng thêm trân trọng ông và cũng từ bỏ ý định.

Thời cổ đại, bậc thánh nhân và những người có đạo đức cao thượng đều lấy đức làm trọng. Rất nhiều người trong số họ khi gặp ‘sắc dục’ đều vô cùng nghiêm khắc giữ mình, thủ giữ tiết tháo, đức hạnh mà hoàn thành đại nghiệp và được lưu danh sử sách.

Ngày nay, do ảnh hưởng của tư tưởng giải phóng tình dục khiến cho những hành vi suy đồi đạo đức như mại dâm, ngoại tình, tình một đêm, tình dục tập thể… xảy ra rất nhiều, thậm chí có cả loạn luân. Điều này thật sự chẳng phải đáng suy ngẫm sao?

An Hòa (t/h)