Các góc nhìn về cách dùng từ “lẩn quẩn” hay “luẩn quẩn”:

1. Theo quan điểm của GS ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân, chỉ có từ “lẩn quẩn” chứ không có “luẩn quẩn”. “Lẩn quẩn” là từ láy vần “ân” với 2 phụ âm “l”, “qu” (qu là phụ âm kép), ghép lại thì mới có nghĩa. Nếu dùng từ “luẩn quẩn” thì khi láy sẽ dư một nguyên âm “u”.

Ngoài ra, có một số từ khác bắt đầu bằng từ “lẩn” như: lẩn thẩn, lẩn tha lẩn thẩn, lẩn trốn, lẩn tránh, lẩn khuất… Không tìm thấy các từ bắt đầu bằng “luẩn”.

2. Chia sẻ từ một bài viết của nhà báo Nguyễn Minh Hải:

“Tự nhận là người “làm chữ nghĩa” nhưng có nhiều chữ tôi không biết viết thế nào cho đúng (và tôi đã từng viết sai). Chẳng hạn, từ “luẩn quẩn”, trong Nam bộ, do đọc là “lẩn quẩn” nên nhiều khi cũng viết như thế. Một lần đọc bài của cộng tác viên, thấy viết như thế, tôi hồ nghi, bèn tra từ điển, hóa ra người ta viết đúng, còn mình thì suýt chút nữa đã sửa lại thành sai.”

3. Theo “Từ điển tiếng Việt” của Viện ngôn ngữ học do GS Hoàng Phê chủ biên, cả hai từ “lẩn quẩn” và “luẩn quẩn” đều đúng.

Trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, hiện nay từ “luẩn quẩn” đang được dùng phổ biến hơn.