Vậy ý nghĩa nghèo rớt mùng tơi là gì?

Chị Dậu lễ phép :
-Thưa ông, thật văn tự đấy ạ ! Lúc nãy, ở bên cụ Nghị, ông giáo viết xong, đọc cho em nghe, em cũng ngạc nhiên và đã nói như ông vừa nói. Cụ Nghị bảo rằng : Luật mới không cho cha mẹ được phép bán con, nên phải viết thế, chứ có hoa tai hoa tung gì đâu ? Nhà em kiết “xác mồng tơi ”, ai còn dám rời hoa tai cho mượn ?
(Tắt Đèn – Ngô Tất Tố, nxb Văn Học, tr.45)

Áo tơi nón lá | Tỏi

Một thí dụ khác :
Ông Hương Cả cằn nhằn vợ :
– Hồi năm ngoái nếu mình cưới con Láng con của thằng Tư Bền cho nó thì êm quá rồi, bà lại chê nghèo chê giàu. Thằng nhỏ thất chí đâm ra đổi tánh như khật khùng. Tại bà mà hàng xóm kêu nó là thằng khùng đó, bà thấy không ? Chuyện gì không có tui, để cho bà thì hư hại vậy đó.
– Chỗ nào chớ chỗ đó nghèo rớt mùng tơi, cưới về để nó ăn hết của à ?
(Buồng Cau Trổ Ngược – Xuân Vũ)

 

Nghèo rớt mùng tơi là gì? Có thể nói là đại đa số người ta đều hiểu từ kép mồng tơi hay mùng tơi trong thành ngữ này là rau mồng tơi, lá mồng tơi. Tức là một thứ rau thuộc loại dây leo (bây giờ đã có loại cây mồng tơi không leo, cao chừng 20 tới 40 cm), lá dày, màu xanh, có tính nhớt, thường dùng nấu canh, ăn mát. Và người ta đã hiểu là : những người phải ăn thứ rau mồng tơi này, là hạng người nghèo mạt. Đó là vì họ cho rằng mồng tơi (hay cũng gọi là mùng tơi) là loại rau tầm thường, rẻ tiền, chỉ những hạng cùng đinh mới phải ăn nó.

Nếu hiểu như vậy thì thật quả là vội vàng và sai lầm. Bởi vì đối với người dân quê Việt Nam, mồng tơi không phải là thứ rau hạng bét, thứ bỏ đi chỉ dành cho hạng nghèo mạt ăn. Nếu muốn thấy một cảnh nghèo mạt rệp thì cần phải nhìn vào bữa cơm của một cặp vợ chồng như nhà này:

Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon!
(Ca dao)

Câu chuyện cái tơi - Truyện Tích - Trang Nhà Quảng Đức

Đó ! Nghèo rớt mùng tơi là gì? câu này nói đến cảnh nghèo mạt đến nỗi phải đi nhặt râu tôm và ruột bầu là thứ người ta vứt đi, đến chó cũng không thèm ăn, đem về nấu bát canh. Như thế mà hai vợ chồng chia nhau chan, húp một cách ngon lành, rồi còn khen ngon ! Đó mới là mức tận cùng của sự nghèo túng nên có câu nói nghèo rớt mồng tơi

Trái lại, mồng tơi là loại rau rất phổ thông ở miền quê. Chẳng cần phải mua. Nhà nào cũng có sẵn một vài dây mồng tơi leo ở hàng rào hay trên mấy cái cọc tre cắm chéo nhau ở sau vườn. Đến bữa, hễ muốn một nồi canh rau vừa mát ruột vừa không tốn tiền là có ngay. Mồng tơi không chỉ dùng làm rau thông dụng, mà còn làm thuốc nữa. Đây là tài liệu của Việt Nam Tự Điển (Lê Ngọc Trụ / Lê Văn Đức):

Mồng tơi dt. (thực) Còn gọi mùng-tơi, tầm tơi hay lạc quỳ, loại dây quấn, lá dày hình tim mọc xen, trong có nhiều mủ nhớt, gié hoa không cọng màu đỏ, trái chín màu đỏ sậm thuộc loại phì quả; lá dùng nấu canh ăn nhuận trường, trái trị đau mắt; lá đâm nát để chút muối trị được chứng sưng ngón tay.

Đó là khía cạnh thực dụng của một giàn mồng tơi. Ngoài ra, một giàn mồng tơi còn đem lại tính chất lãng mạn cho đôi trai gái đến tuổi mơ mộng ở miền quê :

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn
(Người Hàng Xóm — Nguyễn Bính)

Nhưng tại sao người ta lại gắn liền rau mồng tơi với tình trạng nghèo mạt rệp? Đó là vì từ rớt trong thành ngữ nghèo rớt mồng tơi. Từ rớt khiến người ta liên tưởng tới rớt dãi (hoặc rớt nhãi, nhớt nhãi) do đặc tính có nhiều mủ nhớt của lá mồng tơi.

Thế nhưng tính chất nhớt (nhầy nhớt) của mủ lá mồng tới có dính dáng chi tới tình trạng nghèo mạt rệp ? Không ai nói nghèo nhớt ! Và phải ăn rau mồng tơi cũng không nhất thiết có nghĩa là nghèo mạt rệp, nghèo kiết xác.

Vậy thì chắc chắn mồng tơi trong thành ngữ nghèo rớt mồng tơi không phải là rau mồng tơi.

Trước hết, xin nói về từ mồng. Mồng hay mào là miếng thịt dai nằm dọc trên đầu con gà, vài loại chim, hay rắn (Việt Nam Tự Điển – Lê Ngọc Trụ / Lê Văn Đức). Do đó, vật gì có hình thù tương tự cũng gọi là mồng (hoa mồng gà).

Bây giờ đến từ tơi. Đó là cách gọi tắt của chiếc áo tơi, loại áo đi mưa kết bằng lá:

Mấy ai là kẻ hảo tâm
Nắng toan giúp nón mưa dầm giúp tơi ?
( Lục Vân Tiên )

Trên chỗ vai của cái áo tơi lá, có một phần cũng kết bằng lá, trông như cái mồng gà, gắn liền vào cổ áo, phủ từ gáy xuống quá hai vai. Đó là cái mồng tơi.

Người dân quê đi làm đồng, mưa, gió, bão, rét căm căm, cũng chỉ có mỗi một cái áo tơi lá che thân. Ở những vùng đất nghèo “cầy lên sỏi đá“ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định… có những nông dân nghèo đến độ cái áo tơi lá đã rách nát mà vẫn phải đeo trên người. Có khi cái áo đã rơi rụng hết lá, chỉ còn lại có mỗi cái mồng tơi dính trên vai.

Và cuối cùng, khi đến cái mồng tơi mà cũng rách nát đến rơi rụng (rớt) nốt, thì đủ thấy người nông dân này đã đi tới mức tận cùng của sự nghèo túng rồi. Anh ta nghèo đến độ mặc
rớt (cả cái) mồng tơi (ra) !

Và sau đây là tài liệu trích từ Wikipedia Encyclopedia :

1/ “Nghèo rớt mồng tơi”hay “nghèo xác mồng tơi” chỉ cái nghèo cùng cực. Thành ngữ này xuất phát từ từ “mồng tơi” là phần trên của cái áo mưa bằng lá mà người miền Trung hay mặc là “áo tơi”. Áo tơi có hai phần : phần trên là “mồng tơi” làm bằng lá rất cứng và dày. Thường thì phần dưới có thể bị rách, bị hư, nhưng phần trên thì rất khó hư. “Rớt” có nghĩa là “rơi, như trong “rơi rớt”. Vì vậy “nghèo rớt mồng tơi” có nghĩa là nghèo đến mức độ cả cái mồng tơi cũng cũ, cũng sờn đến nỗi rớt ra.

2/  Đó là hình ảnh chiếc áo tơi lá đồ dùng che mưa che nắng của bà con nông dân từ Thanh Hóa đến Nghệ Tĩnh. Khi áo hỏng rách nát, lá rớt xuống thì phần trên của áo là “mồng tơi” vẫn còn. Nhà nghèo thì cứ khoác mãi cái “mồng tơi” mà đi làm đồng che mưa che nắng (cho đến khi nó “rớt” luôn ! V.P ghi thêm).