Con ve sầu chữ Hán gọi là Thiền hay Kim thiền. Nó còn có tên là con Điêu, con Tề nữ bởi do con Tề bào (tức con lãi đất) chưa thay vỏ biến mà thành; cũng có con tự hoàn chuyển mà hóa thành con ve. Có khoảng 2 500 loài ve sầu trên thế giới, trong vùng ôn đới lẫn nhiệt đới. Ve sầu là các loài sâu bọ được nhiều người biết nhất vì kích thước to lớn hơn, hình dáng đặc biệt có đầu lớn và khả năng tạo âm thanh rỉ rả, inh ỏi, suốt mùa hè. Ve sầu không chích, không cắn và vô hại đối với con người.

Khác với các loài côn trùng khác, như con dế tạo âm thanh bằng cách cọ xát hai cánh vào nhau, ve sầu đực tạo âm thanh bằng cách rung hai cái “loa” làm bằng màng mỏng, phát triển từ lồng ngực, có sườn bên trong. Những vòng sườn được co giãn thật nhanh, làm rung màng mỏng, tạo sóng âm thanh. Bụng ve rỗng nên có thể khuếch đại thành tiếng ve kêu rất to. Ve cái không tạo được âm thanh nhưng cũng có hai cái màng bên mình, chỉ dùng để “nghe” ve đực hát và bị dụ dỗ.

Bài học từ truyện ngụ ngôn: Kiến và Ve sầu

Ve đực giao cấu xong thì chết và sau khi giao phối, ve cái đào những rãnh nhỏ lên vỏ các cành cây và đẻ trứng vào đó. Ve cái có thể làm nhiều lần như vậy cho đến khi nó đẻ hết vài trăm trứng. Khi trứng nở, ấu trùng ve rơi xuống và đào sâu vào trong đất, phần lớn cuộc đời của ve là thời kỳ ấu trùng ở dưới đất với độ sâu khoảng từ 30 cm đến 2,5 m. Các ấu trùng ve hút nhựa rễ cây và có chân trước đào bới rất khỏe.

Khi đến giai đoạn chuyển tiếp cuối để kết thúc thời kỳ ấu trùng, ve đào một đường hầm và chui lên. Sau đó, chúng lột xác lần cuối trên một cái cây gần đó và trở thành ve trưởng thành. Vỏ xác ve sẽ vẫn còn nằm đó và gắn vào vỏ cây. Sách Lễ ký nói tháng trọng hạ (tháng 5) con thiền bắt đầu kêu tức là con này. Thân xác ve khi khô được các nhà Đông y dùng làm thuốc để chữa sốt, kinh giật, kinh phong, co quắp chân tay của trẻ con, trị bệnh lở da rất có tác dụng.

Về lĩnh vực dụng binh, trong sách Ba mươi sáu kế, mục Hỗn chiến kế có kế thứ 21 là Kim thiền thoát xác, tức là có lúc cần phải sử dụng bộ dạng mới để làm quân địch bất ngờ trở tay không kịp. Ví dụ như trong chiến tranh chống Nguyên năm 1286, quân nhà Trần trong khi triệt thoái đã cho thuyền rồng giả chèo ra biển để dụ quân giặc đuổi theo, trong khi đó vua Trần xuôi vào Nam tập hợp binh lực phản công.

Trong văn học, “Con ve và con kiến” (La cigale et la fourmi) là truyện quen thuộc của nhà thơ La Fontain (1621-1695) in trong tập thơ Ngụ ngôn nổi tiếng. Ai đọc qua cũng đều nhớ đến nội dung của nó. Cách đây hơn nửa thế kỷ, học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) đã dịch thành thơ nội dung câu chuyện trên. Thời đó, bài thơ được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học tập. Truyện kể rằng: con ve suốt mùa hè chỉ lo hát. Mùa đông gió lạnh đến, nó chẳng có gì ăn, một con ruồi con, một con sâu nhỏ cũng không có. Nó bèn vác cái bụng lép kẹp tới kêu đói với cô hàng xóm là con kiến. Nó cầu xin kiến cho nó vay một vài hạt cho đỡ đói lòng, đợi đến mùa thu hoạch mới sẽ trả:

Ve sầu kêu ve ve/ Suốt mùa hè/ Đến kỳ gió bấc thổi/ Nguồn cơn thật bối rối/ Một miếng cũng chẳng còn/ Ruồi bọ không một con/ Vác miệng chịu khúm núm/ Sang chị kiến hàng xóm/ Xin chị cùng cho vay/ Răm ba hạt qua ngày/ Từ nay sang tháng hạ/ Em lại xin đem trả/ Trước thu, thề đất trời/ Xin đủ vốn lẫn lời/ Tính kiến ghét vay cậy/ Trăm thói, thói này vi/ “Nắng ráo chú làm gì?”/ Kiến hỏi ve như vậy !Ve rằng : “Luôn đêm ngày/ Tôi hát, thiệt gì bác”/ Kiến rằng : “Xưa chú hát/ Nay thử múa coi đây”.

Theo nghĩa ẩn dụ của nó, hai con vật biểu hiện hai hạng người trong xã hội.Ve biểu hiện hạng người không lao động để lo cho cuộc sống của mình, chỉ thích múa hát vui chơi. Kiến tượng trưng cho hạng người chăm chỉ lao động, cho cuộc sống hôm nay và ngày mai…Thế nhưng cách đây gần cả trăm, nhà côn trùng học J.H. Fabre đã có bài viết cho rằng nội dung bài thơ trên là không đúng về đời sống cũng như tập tính của hai con vật trên! Bài viết đã được đưa vào sách giáo khoa vào khoảng những năm 1950. Trong bài, ông cho rằng, ngụ ý của bài thơ cần phải…đảo ngược lại vì theo ông, thuyết “Con ve cái kiến” của La Fontain thuật lại rất sai sự thật!. Xin được trích lại nguyên văn bài học này:

“Tháng bảy, về chiều trời nóng nực, trong khi quần chúng côn trùng lả ra vì khát, lũ lượt đi trên các hoa khô, lá héo để tìm đồ uống mà không moi đâu ra được một giọt, thì ve sầu hình như cười mũi trước cảnh thiếu thốn của bạn đồng quần.
Nó dùng vòi như mũi nhọn làm khoan, đi mở một thùng trong hầm rượu của nó lúc nào cũng đầy; nó bám vào cành cây, vẫn ca hát như thường rồi chọc thủng vỏ cây cứng rắn nhẵn lì, nhưng hơi phồng lên vì nhựa cây đã chín do mặt trời nung nấu. Cắm sâu vòi vào trong lỗ thùng rượu khoan khoái nó hút lấy hút để…Nhưng đã biết bao côn trùng đang khát lượn đến; chúng đã nhận ra dòng nước chảy chung quanh thành cái giếng quý hóa kia.

Những con bé muốn vào gần giếng, lòn ngay xuống dưới bụng chú ve, ve tỏ lượng khoan hồng rướn mình lên, cho kẻ khác chui vào; những con lớn nóng nảy hơn nhiều, vội uống tranh cướp vài ngụm, rồi lảng vảng sang các cành lá chung quanh, đợi dịp lộn trở lại, táo bạo hơn chút nữa.

Lòng ham muốn, thèm thuồng lên cực độ, lúc đầu chúng còn dè dặt, nhưng rồi chúng quấy rối, tấn công sát sạt, muốn trục xuất khỏi miệng giếng kẻ đã có công đào.

Mà trong công cuộc xâm lăng này, chính mấy chị kiến lại là kẻ bền gan hơn, các chị đến cắn vào chân ve sầu, có chị tợn đến nỗi vào lôi cả vòi ve ra; sự thực đã đảo lộn địa vị “ve – kiến” kể trong chuyện ngụ ngôn trẻ đọc hàng ngày, con vật đi ăn xin trơ tráo đến thành kẻ cướp giựt là kiến chứ không phải ve, ve trái lại là con vật tài tình kiếm được nước uống, sẵn sàng san sẻ cho những ai cơ nhỡ”. (Theo sách Việt Luận của Nghiêm Toản- Sông Nhị- Hà Nội- 1950).

Điều đáng nói là trước đây, cả bài thơ ngụ ngôn của La Fontain lẫn bài luận văn của J.H. Fabre đều đã được sử dụng cho học sinh học tập!

Thôi thì nội dung cũng chỉ là chuyện …loài vật, hiểu theo khái cạnh luân lý hay khía cạnh khoa học, theo nghĩa đạo đức hay theo dựa trên thực tế là tùy theo cách nhìn sự vật, hiện tượng của mỗi người vậy…!