TP.HCM ngày nay hãnh diện vì có đường sách Nguyễn Văn Bình thành công về văn hóa lẫn tài chính, trở thành không gian văn hóa, du lịch, nơi gặp gỡ của những người yêu sách.
Đường sách Lê Lợi /// Ảnh: T.L
Đường sách Lê Lợi

ẢNH: T.L
Sài Gòn ngày trước cũng đã có những con đường sách tự phát do nhu cầu của người mua và người bán.
Món ăn tinh thần của người Sài Gòn
“Các khu bán sách báo cũ nằm rải rác nhiều nơi ở Sài Gòn ngày nay đã trở nên gần gũi với một phần lớn dân chúng thành phố. Thường lệ và đặc biệt vào các chủ nhật và ngày lễ, khách hàng thuộc đủ giai cấp xã hội tấp nập đến các khu sách báo cũ chọn mua những món ăn tinh thần với giá rất hạ”. Đoạn trích này từ báo Đời (tháng 5.1972) nói về khu vực bán sách báo cũ ở ngã tư Lê Lợi và Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) – nằm sau bờ tường của Bộ Công chánh. Ngoài khu Lê Lợi, Sài Gòn còn có những điểm bán sách nổi tiếng như Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám), bên cạnh rạp Nam Quang, Trương Tấn Bửu (Trần Huy Liệu)…
Theo tư liệu, khoảng thời gian ký Hiệp định Genève, các khu bán sách cũ tập trung ở đường Cao Thắng rồi tiến lên khu vực chợ Cũ, bày bán từng đống hỗn tạp tại lề đường Tôn Thất Đạm thông ra đường Nguyễn Huệ. Cũng trong thời gian này, các quầy sách cũ còn xuất hiện trên lề đường Phạm Ngũ Lão, trông sang bến xe buýt, kéo dài xuống tận ngã tư Ký Con. Sau này, nhờ sự tiếp tay của một số dân bán sách cũ kiểu hàng rong, các gian hàng dần dần ào ạt tràn về đường Lê Lợi, giới hạn từ bót cảnh sát Lê Văn Ken (Bệnh viện đa khoa Sài Gòn) đến đường Pasteur. Từ vài gian hàng nhỏ, thị trường sách báo cũ đã bành trướng mạnh mẽ, lấn ra lề đường cản trở lưu thông nên cảnh sát đến giải tán triệt để. Song những gian hàng sách “chạy” chỉ tản mác khi có bóng dáng cảnh sát rồi lại trở về vỉa hè khi cảnh sát rút đi như chơi cút bắt. Rất kiên nhẫn đối phó với cảnh sát nên một thời gian sau, khu bán sách này được Tòa Đô chánh chấp thuận cho tồn tại, có đóng thuế đất hằng năm vài ngàn đồng và vài chục đồng thuế chỗ ngồi mỗi ngày. Khu sách Lê Lợi đã vô sổ bộ từ ngày ấy.
Phố sách Sài Gòn xưa - ảnh 2
Đường sách Đặng Thị Nhu

ẢNH: T.L
Phố sách “thượng vàng hạ cám”
Học trò, sinh viên, những người mê sách thường tìm đến đường Lê Lợi ngày trước là nơi tập trung những nhà sách lớn mà không ai có thể quên như Khai Trí (Fahasa ngày nay), Thanh Tuân, Phúc Thành, Vân Hữu, Nguyễn Trung, Vĩnh Bảo… chuyên bán những sách mới ra lò. Hầu như muốn tìm sách mới, sách hay, người đọc phải đến khu “đầu não” này. Và ngược lại, khi muốn tìm sách cũ, giá rẻ không nơi nào khác là khu chợ sách đối diện nhà sách Khai Trí.
Bên khu bán sách cũ có những quyển sách rất hiếm, giá cao; nhưng cũng có những quyển sách của các tác giả VN vừa xuất bản chừng một hai tháng đã trở thành sách cũ và bán với giá rẻ chừng phân nửa giá bìa. Lý giải hiện tượng này, báo Đời cho biết: “Đáp các câu hỏi trong trường hợp nào các tác phẩm văn chương giá trị đã bị đày ải đến chốn tục lụy sỗ sàng này, các bạn hàng cho biết: các loại tiểu thuyết – kể cả của các tác giả tên tuổi, hiếm khi bán hết số ấn bản tiên liệu và các khu sách báo sôn chính là nơi tiêu thụ phần thặng dư, sau khi sách bị phá giá nặng nề”.
Ngoài việc được mua sách Việt giá rẻ, sinh viên, học sinh, người mê sách có thể tìm được sách ngoại ngữ mới nhất được thải ra từ các công sở, nhà ở của người nước ngoài. Các loại tạp chí góp phần mời gọi các đấng mày râu từ trẻ đến sồn sồn ra khu sách cũ Lê Lợi là Playboy, Penthouse, Playmate… Nam thanh niên đến đó để xem ké, để dấm dúi mua vì không đâu ngoài chợ sách này có bán. Có cả sách khiêu dâm kiểu như “Cô giáo Thảo”, “Bảy đêm khoái lạc”, “Chú Kim” in roneo, dù sai be bét chánh tả nhưng vẫn bán chạy. Phải nói là khu này bán sách đủ chủng loại thượng vàng hạ cám từ nội dung đến giá cả.
Những ngày sau 30.4.1975, khu sách này tự động giải tán và một số chủ quầy trở thành những người bán sách dạo ở đường Lê Lợi gần thư viện Abraham Lincoln (khu khách sạn Rex bây giờ). Họ tản mạn ở nơi đây một thời gian, sau đó tập trung vào khu đường sách Đặng Thị Nhu. So với khu sách cũ Lê Lợi thì khu Đặng Thị Nhu có vẻ bề thế hơn, là một con đường sách nổi tiếng mà dân mê sách, các nhà văn, nhà văn hóa Hà Nội, Sài Gòn không thể không biết. Chỉ là một con đường nhỏ, dài chừng 200 m nối liền hai đường Ký Con và Calmette mà có nhiều sạp chứa đầy sách, đối diện nhau qua một lối đi bộ. Hằng ngày con đường này tấp nập người mua và bán sách. Sau một thời gian, theo nhịp độ phát triển kinh tế, khu chợ sách lộ thiên này biến mất. Khu vực trung tâm Sài Gòn bây giờ chỉ còn lại hai nhà sách Fahasa, một ở đường Lê Lợi – phát triển từ nhà sách Khai Trí và một ở đường Nguyễn Huệ. Nhà sách Xuân Thu đã biến mất. Các tiệm sách và đường sách bị “đuổi” về con đường nhỏ như Trần Huy Liệu, Trần Nhân Tôn, Trần Hưng Đạo… Một vài hiệu sách nhỏ rải rác ở khu Nguyễn Thị Minh Khai do các ông chủ tư nhân quản lý.
Tại sao một thành phố lớn đã từng có những phố sách lại không có một con đường sách, đó là trăn trở trong một bài viết từ cuốn Sài Gòn dòng sông tuổi thơ (xuất bản năm 2015): “Tại sao ở một thành phố văn hóa lại không có một con đường sách dành riêng cho các nhà xuất bản bán sách cũ tồn đọng với giá cực rẻ và giới thiệu sách mới ra lò. Tại sao Hiệp hội Xuất bản VN – chi nhánh TP.HCM không kiến nghị UBND TP dành một con đường nhỏ nào đó ở trung tâm thành phố thành một con đường sách do chính hiệp hội xuất bản xây dựng và điều hành?”. Mừng sao, cuối năm 2015, đường sách Nguyễn Văn Bình đã ra đời với một ban quản lý chính thống của nhà nước.