Bạn đã bao giờ để ý thang máy thường lắp gương bốn phía? Bạn có biết vì sao thang máy phải lắp gương bốn phía? Đằng sau đó là một câu chuyện rất thú vị.
Vì sao thang máy lắp gương bốn phía?
Rất nhiều người chúng ta đều biết rằng trong thang máy thông thường có lắp một chiếc gương, chiếc gương này là có tác dụng gì?
Rất nhiều người cho rằng chiếc gương đó là có tác dụng để giúp cho những người khi vào trong thang máy sửa sang một chút dáng vẻ của mình. Câu chuyện thực ra tinh tế và cảm động hơn nhiều so với bạn nghĩ.
Câu trả lời chính là: Khi có người tàn tật ngồi xe lăn đi vào thang máy, anh ấy hay cô ấy không cần phải cố sức xoay người lại, mà vẫn có thể nhìn thấy đèn hiển thị các tầng từ trong gương.
Từ những việc nho nhỏ hay những chi tiết tỉ mỉ thể hiện ra sự tôn trọng đối với người khác, tựa như một đóa hoa cúc nho nhỏ, tuy không xinh đẹp đến “kinh thiên động địa”, nhưng lại âm thầm lặng lẽ tỏa từng chút từng chút hương thơm, nhẹ nhàng mà thật ấm áp.
Vì sao vào thang máy chúng ta lại ngó lên trần?
Bình thường, khi đợi thang máy, mọi người có thể cười nói ồn ào nhưng một khi bước vào bên trong, hầu hết người ta đều im lặng và đối mặt với cánh cửa.
Nếu thêm một ai đó bước vào, những người bên trong di chuyển để nhường chỗ. Những lúc như vậy, chúng ta mường tượng đến một điệu nhảy trong căn phòng vuông vức và chật hẹp.
Nếu chỉ có mình bạn trong thang máy, bạn thoải mái làm đủ thứ chuyện. Nếu có thêm một người nữa, hai người thường đứng ở hai góc chéo nhau và giữ khoảng cách tối đa, giống như một quy luật bất thành văn.
Đến khi người thứ ba bước vào, một hình tam giác sẽ được hình thành. Và tất yếu, người thứ tư sẽ làm thành một hình vuông với mỗi người án ngữ ở một góc, dành khoảng giữa cho người thứ năm và những người kế tiếp.
Hầu như phản ứng của tất cả mọi người ở trong thang máy là nhìn xuống hoặc nhìn lên, hoặc sử dụng điện thoại trong thời gian chờ đợi.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta lại thấy lúng túng khi đặt chân vào thang máy? Theo giáo sư Babette Renneberg, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Trường ĐH Tự do Berlin (Đức), lý do chủ yếu là “không có đủ không gian”.
“Thông thường, chúng ta đứng cách người khác một cánh tay. Nhưng trong thang máy, hầu hết phải đứng sát bên cạnh nhau. Điều đó làm mất tự nhiên” – bà Renneberg nói và cho biết thêm với không gian chật chội trong thang máy, mọi người phải hành động để không gây chú ý của người bên cạnh. Cách dễ nhất là tránh ánh mắt của nhau, biểu hiện thường được cho là sự lúng túng trong giao tiếp.