1. Nguồn gốc ngày tết trung thu
Trung thu, là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi là ngày giữa mùa thu, tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch.
Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.
Cũng có rất nhiều những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian về nguồn gốc ra đời của ngày Tết Trung thu như: Chuyện nhà vua dạo chơi cung trăng vào Rằm tháng Tám, sự tích chị Hằng Nga, sự tích chú Cuội, sự tích Thỏ Ngọc…
Theo tích xưa, Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết.
Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung thu.
Trong ngày Tết Trung thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn.
Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả…
Theo lệ đó, từ đó đến nay, khi đón trăng – đón Tết Trung Thu, khắp nơi, mọi nhà, mọi người, nhất là các em nhỏ, được người lớn chuẩn bị cho tết, hướng dẫn trẻ em ngắm trăng vui chơi, múa hát, đánh trống, rước đèn ông sao và các hình con vật, cùng nhiều đồ chơi thích thú.
2. Ý nghĩa ngày Tết Trung thu
Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hện giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.
Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên. Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ…
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Đặc biệt, ý nghĩa tết trung thu to lớn nhất chính là dịp để con cái báo hiếu với cha mẹ. Và các thành viên gia đình thêm gắn kết yêu thương. Những hoạt động như cùng đi mua sắm bánh trung thu, trang trí nhà cửa hay phá cỗ đêm trăng,… Sẽ giúp tình thân càng thêm bền chặt
3. Mâm cỗ cúng Trung thu truyền thống
Tùy điều kiện mà mỗi nhà có cách sửa soạn mâm cỗ Trung thu khác nhau Một mâm cỗ cúng rằm tháng Tám truyền thống không thể thiếu hương, hoa, đèn, nến, Mâm quả ngày Trung thu nên có xanh có chín, như quan niệm của người xưa, màu xanh của hoa quả mang tính âm, trái chín mang tính dương. Mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, không thể thiếu nải chuối chín vàng, quả hồng đỏ, quả na, trái bưởi, trái lựu…Nải chuối chín vàng, trái hồng đỏ mọng mang ý nghĩa ước vọng no đủ. Trái na nhiều mắt mang ước vọng sinh sôi. Trái bưởi cầu điều phước lành. Trái lựu ngọt ngào may mắn. Mâm cỗ còn có nhành hoa tươi đặc trưng của mùa thu.
Đặc biệt của mâm cỗ Trung thu là không thể thiếu hai loại bánh đặc trưng là bánh dẻo và bánh nướng. Kèm theo đó là trà ướp sen, trà ướp hương lài mang sự thanh nhã cho đêm trăng.
Mâm cỗ Trung thu cầu kỳ hơn còn có hình ảnh 2 ông tiến sĩ giấy với ý nghĩa mong cho con cháu trong nhà học hành tấn tới, đỗ đạt. Đồng thời, cầu chư vị thần linh bảo vệ những đứa trẻ, mang may mắn tới cho gia đình.
Các phong tục truyền thống giúp gắn kết gia đình và là cách gián tiếp dạy con về lòng yêu thương, kính trọng tổ tiên, ông bà cha mẹ.
4. Những đồ chơi Tết Trung thu truyền thống
Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa của người dân Việt Nam, đó là sự đoàn tụ, sum vầy gia đình, đây cũng là dịp cha mẹ quan tâm chăm sóc con cái, và ngược lại con cái cũng có cơ hội báo hiếu, biết ơn tới những người đã sinh thành ra mình….
Những món đồ chơi truyền thống như: ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao, đèn kéo quân, , mặt nạ giấy bồi, phỗng đất … là một phần không thể thiếu, tạo nên nét duyên riêng của Tết trung thu, ngay cả trong đời sống hiện đại.
* Ông Tiến Sĩ Giấy
Trong mâm cổ Tết Trung Thu, bên cạnh các thức quà như trái cây, bánh trung nướng, bánh dẻo, còn có sự xuất hiện của Ông Tiến Sĩ Giấy. Ngày xưa, ông tiến sĩ giấy chính là đồ chơi Tết Trung Thu ý nghĩa nhất đối với các bạn nhỏ, đặc biệt là các bé đã đến tuổi đi học.
Ông tiến sĩ giấy là biểu trưng cho những người học hành giỏi giang, đỗ đạt được làm quan lớn trong triều. Mọi người thường bày ông tiến sĩ giấy trong mâm cổ Tết Trung Thu thể hiện mong muốn cho con cháu mình đều được ngoan ngoãn, học hành giỏi giang thành tài, tương lai sáng lạng. Đây cũng là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của dân tộc ta ẩn chưa trong món đồ chơi Trung
Ngay vị trí trung tâm trang trọng nhất của mâm cỗ Tết Trung Thu là “Ông tiến sĩ giấy” thường được làm bằng giấy màu đỏ, màu vàng, có hoa cài mũ, thẻ bài cầm tay, mão trạng nguyên và áo bào sặc sỡ, dưới chân áo được trang trí cờ quạt, họa tiết ông hổ giản dị nhẹ nhàng. Khuôn mặt ông tiến sĩ được trang trí tươi tắn, hiền hậu, có hồn thích hợp để làm đồ chơi cho trẻ em . Xung quanh là mâm ngũ quả và bánh trung thu và các món đồ chơi khác như đèn ông sao, đèn kéo quân, tò he.
Sau khi phá cỗ, các bé sẽ rước ông tiến sĩ đi quanh làng quanh xóm cùng với đoàn rước đèn đầy màu sắc, lung linh. Sau đó ông tiến sĩ sẽ được trưng bày tại bàn học để các em luôn được nhắc nhớ về việc học hành.
* Đèn ông sao
Trên phương diện văn hóa, người phương Đông quan niệm rằng hình ảnh ngôi sao 5 cánh tượng trưng cho ngũ hành tương sinh tương khắc trong phong thủy (Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ). Đây chính là biểu tượng của sự cân bằng, hòa hợp trong thế giới. Vì vậy, chiếc đèn hình ông sao có tác dụng xua đuổi ma quỷ, cầu mong sự may mắn, bình an trong cuộc sống…
* Đèn cù
Cũng là một trong những món đồ chơi trung thu truyền thống có mặt trong thời thơ ấu của nhiều thế hệ người Việt Nam. Theo các thế hệ trước, tên của loại đèn này xuất phát từ hình dáng của nó. Khi gọi là đèn cù vì nó quay như cái cù.
Mỗi dịp Tết Trung thu, trẻ em khu xóm lại kéo đèn cù sáng ánh nến chạy vòng quanh sân và cười đùa ríu rít trong đêm trăng. Đèn cù quay được nhờ một bánh xe được gắn dưới đế đèn.
Để hoàn thành một chiếc đèn cù cần khá nhiều công đoạn, bắt đầu bằng việc chẻ nứa vót nan cắm vào bánh xe, dán giấy bóng màu, sửa lại bằng kéo. Tiếp đến là vẽ hình trang trí bằng sơn, tra then ngang, buộc lõi dây thép và cắm vào đai đèn một bánh xe gỗ để đèn có thể chuyển động khi đưa qua đưa lại.
* Ông đánh gậy trông trăng
Ông đánh gậy trông trăng là một trò chơi dân gian được yêu thích trong dịp Trung thu xưa.
Nếu ông tiến sĩ giấy thể hiện ước mơ về học thức thì ông đánh gậy là món đồ chơi trung thu ý nghĩa, tượng trưng cho lời chúc và mong muốn của cha ông về một thế hệ khỏe mạnh về thể chất, có thể góp sức giúp nước, giúp dân.
* Đèn kéo quân
Đèn kéo quân hay còn gọi là đèn cù là món đồ chơi truyền thống, yêu thích của trẻ em Việt xưa mỗi khi Trung thu về. Khi nhắc đến đèn kéo quân, chúng ta thường liên tưởng đến chiếc đèn hình trụ, được làm bằng giấy bao quanh chiếc khung tre .
Khi thắp sáng lên thì chiếc lồng kéo bên trong sẽ xoay tròn, kéo theo bao nhiêu hình, những hình ảnh mà dân gian gọi là các “quân” được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên bề mặt đèn giống như rối bóng và xoay vòng theo cùng một chiều liên tục không dừng lại.
Những chiếc đèn này giúp trẻ thơ được hiểu biết thêm về lịch sử của đất nước mình. Chính vì vậy, những hình ảnh dán trong đèn thường là các đoàn quân hay những con vật như: con trâu, con gà, con chim, tứ linh nhảy múa, nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu…
* Trống bỏi
Trống bỏi làng Báo Đáp là đồ chơi trung thu dân gian, truyền thống, góp mặt trong bữa tiệc vui đêm trăng của thiếu nhi ngày xưa. Nhưng hiện tại, trống bỏi dần bị quên lãng, nhiều người còn chưa được nghe tên cũng như nhìn thấy cái trống bé xinh, tí hon này.
Khi quay, trống bỏi tạo ra tiếng “tạch tạch” đanh gọn, vui tai. Thứ đồ chơi “nhà quê” này được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản: đất sét, cán nhựa, que sắt, giấy hồng, dây nilon.
Mặt trống được nặn từ đất sét, chỉ lớn hơn đồng xu một chút, cắm que sắt vào hai bên sườn rồi phơi khô. Sau khi phơi khô, hai mặt trống được bọc bằng giấy đỏ sao cho kín để tạo ra tiếng kêu đanh, gọn, vui tai đặc trưng. Công đoạn cuối là buộc dây, tra cán nhựa, làm “dùi” cho trống.
* Trống ếch
Khi đánh, trống phát ra tiếng kêu “cắc, tùng” đặc trưng trong dịp Trung thu.
Trống ếch giống như chiếc trống da trâu, trống sư tử nhưng nhỏ hơn cũng là một trong những món đồ chơi Trung thu truyền thống yêu thích của trẻ em xưa. Khi đánh, trống phát ra tiếng kêu “cắc, tùng” đặc trưng trong dịp Trung thu, tạo thêm sự rộn ràng, phấn chấn, tưng bừng và làm nên hương vị của ngày Tết thiếu nhi.
* Tò he
Giữa muôn vàn món đồ chơi trung thu truyền thống “đánh thức” sự hiếu động, hoạt bát của trẻ thì tò he là thứ đồ chơi hướng trẻ em tới nghệ thuật, sự khéo léo và tỉ mỉ. Tò he là giấc mơ muôn màu sắc, là thế giới trẻ thơ đầy ngộ nghĩnh được thể hiện qua các nhân vật cổ tích, con thú đáng yêu.
Từ những nguyên liệu thân thuộc trong cuộc sống như bột gạo nếp, phẩm màu tự nhiên, que tre với sự sáng tạo, kỹ thuật điệu nghệ, người thợ nặn ra những con tò he đủ mọi hình dáng, thể hiện được các cung bậc cảm xúc trên khuôn mặt.
* Mặt nạ ông địa và thỏ ngọc
Trong màn trình diễn múa lân, ta thường thấy ông Địa mặc áo sặc sỡ, tay cầm quạt mo, mang mặt nạ cười toe toét đi theo giỡn lân, giỡn khách xem múa. Truyền thuyết kể rằng vào thuở khai thiên lập địa, lân là một con thú ăn thịt người năm nào cũng xuất hiện phá phách vào dịp Trung Thu. Khi ấy, Đức Phật Di Lặc đã hóa thân thành ông Địa và chế ngự kỳ lân. Ông Địa lấy cỏ linh chi trên núi cho quái vật ăn và biến nó thành con thú hiền lành.
Thỏ Ngọc là biểu tượng của người có đức thiện theo quan niệm Phật giáo. Hình ảnh Thỏ Ngọc liên quan đến sự tích Hằng Nga sống trên cung trăng. Đây cũng là con vật dùng chày giã thuốc trường sinh, coi sóc cung Quảng Hàn.
Sự xuất hiện của hình tượng ông Địa với thỏ ngọc ẩn giấu ước vọng về một mùa màng bội thu của người nông dân thời xưa
* Múa lân
Theo tổ tiên, Sư tử là biểu tượng của sự may mắn, phúc lợi và sự bảo trợ trong cuộc sống, đặc biệt là trong dịp lễ hội .
Khi xưa, Việt Nam còn là một nước nông nghiệp lúa nước, khắp nhà đều trồng lúa, thì chỉ có khoảng thời gian này, ông bà, bố mẹ mới có thời gian rảnh mà hòa vào khí sắc đất trời, cùng con cháu trò chuyện. Những chú lân như lời cầu chúc, xua điềm xấu kéo điềm may cho một vụ mùa bội thu, nửa năm khởi sắc. Nên cứ dịp Tết trung thu cứ nơi đâu vang lên tiếng trống, chập chõa, tiếng hò reo của bọn trẻ là nơi đó sẽ có những chú lân sư rồng tưng bừng nhộn nhịp xuất hiện.
5. Đồ chơi Trung thu làm bằng sắt tây
Ngoài những món đồ chơi truyền thống có từ xưa, thập niên đầu của thế kỷ 20 lần đầu tiên ta thấy xuất hiện một loại đồ chơi Tết Trung Thu rất “tân tiến” với thời gian này, đó là những đồ chơi Trung thu làm bằng sắt tây
Cuối thế kỷ 19, hàng hóa nhập khẩu từ Pháp sang Hà Nội được đựng trong các thùng sắt để tránh hư hỏng vì vận chuyển bằng đường biển. Sau khi lấy hàng, người ta bán những vỏ thùng sắt với giá rất rẻ. Vì thùng sắt có xuất xứ từ Pháp nên dân chúng gọi là sắt tây. Một số thợ sắt ở phố Hàng Thiếc đã mua về chế ra nhiều sản phẩm dùng cho sinh hoạt hàng ngày như: thùng đựng nước, đèn dầu, gáo múc nước, thùng đựng dầu hỏa… bán khá chạy.
Theo báo Khai hóa số 1 năm 1921 (chủ báo là nhà tư sản Bạch Thái Bưởi), năm 1920 đồ chơi Trung thu bày bán tại phố Hàng Gai đã có những thứ làm bằng sắt tây như: Thỏ đánh trống, con bướm có cánh vẫy, máy bay. Đặc biệt nhất là có tàu thủy làm bằng sắt, sơn màu xanh da trời, được trẻ con thích nhất. Tàu thủy có 2 loại, một loại có thể chạy được khi đổ dầu hỏa vào đốt, và loại rẻ tiền hơn muốn chạy thì phải gắn cục xà phòng vào đuôi tàu, khi cục xà phòng gặp nước tan ra sẽ đẩy con tàu đi
Như vậy có thể khẳng định, đồ chơi làm bằng sắt tây xuất hiện thập niên đầu của thế kỷ 20, tuy không rõ năm nào.
6. Lời kết
Với xu thế ngày càng phát triển, trên thị trường dần xuất hiện thêm nhiều món đồ chơi hiện đại bắt mắt, những thú vui đồ chơi dân gian như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng, đèn kéo quân … dần bị mai một và hiếm gặp. Mỗi mùa Tết Trung Thu đến, hình ảnh giản dị của những đồ chơi dân gian ngày Tết Trung Thu dần vắng bóng để lại nhiều tiếc nuối về một nét văn hóa đẹp của dân tộc đang nhạt dần theo thời gian