1. Quá trình hình thành và phát triển của ca trù

Ca trù thực chất là một từ chữ Nôm là loại hình diễn xướng bằng âm nhạc thính phòng rất được ưa chuộng tại bắc bộ và bắc trung bộ Việt Nam. Ngoài ra hình thức âm nhạc này còn được gọi với cái tên khác là hát cô đađầu, hát nhà trò, rất được thịnh hành ở thế kỷ 15.

Ca trù là một loại hình âm nhạc kinh điển, đỉnh cao của việc kết hợp thơ ca và âm nhạc . Ca trù từng được xem là một loại ca trong cung đình và được giới hoàng thân, quý tộc, văn nhân, tài tử yêu thích .

Theo sử, ca trù có từ 700 năm trước, theo dân gian thì có từ 1.000 năm, nhưng thịnh nhất là từ thế kỷ XV.

Theo sách “Việt sử tiêu án” của Ngô Thời Sĩ, ca trù do chữ “trù” là mảnh tre, thẻ tre dùng để thưởng cho các ả đào. Sau chầu hát, đào nương lấy thẻ tre đổi thành tiền thưởng. Người hát thường được gọi là “ả đào” vì dưới thời vua Lê Thái Tổ (1010-1028), có người ca nhi là Đào thị hát hay, được nhà vua ban thưởng. Về sau, những người hát được gọi chung là “đào nương”.

Theo GS Trần Văn Khê thì “Ca trù là một loại nhạc truyền thống bác học, có đầy đủ quy tắc về điệu, nhịp, về nét hoa mỹ, về cách biến tấu, ứng tấu. “Trù’ là cái thỏi bằng tre ghi chữ nho mà người ta thường dùng để thưởng cho các đào nương. Mỗi khi ca đoạn nào hay, đào nương lại được khán giả thưởng cho một cái trù, Đổi được ra thành tiền“.

Sự tồn tại của ca trù luôn gắn liền với các đào nương “không có đào nương bất thành ca trù, khi nói đến ca trù không thể không nói tới đào nương”.

2. Danh xưng nghệ thuật trình diễn ca trù

Trong những tên gọi cho môn nghệ thuật hát này thì tên hát ả đào và hát ca trù được mọi người biết đến nhiều hơn cả. Cái tên ả đào được ra đời từ ban đầu với ý nghĩa là gọi tên những người theo nghiệp ca xướng còn tên ca trù thì có thể giải thích theo lối triết tự: “ca” nghĩa là hát còn “trù” nghĩa là tre. Ngày xưa giấy bút ghi điểm còn hiếm. Những người thưởng thức ả đào hát mà thường là vương tôn, công tử, quý tộc, phú hào có trong tay mỗi người một bó thẻ tre do chủ đoàn hát mang tới. Khi đào hát tới chỗ hay mà người nghe tâm đắc thì tùy theo ý và sự hào phóng của từng người mà ném thẻ thưởng. Sau khi tàn canh hát, ả đào cứ đem thẻ của mình vào nơi tổ chức cuộc vui mà lĩnh thưởng. Nếu quy định mỗi thẻ một tiền, thì 60 thẻ được lĩnh một quan tiền.

3. Nguồn gốc danh xưng “Ả Đào /Cô Đầu” và “Nhà hát Cô Đầu”

a. Về danh xưng Ả đào/ Cô Đầu :

Cô đầu (chữ Nôm: 姑姚), (chữ Hán: 妓生, Hán Việt: kĩ sanh). Còn được gọi là Ả Đào (妸陶), Đào nương (陶娘) hay Ca nương (歌娘)

Điều đặc biệt, bản thân chữ “ả đào” lại là danh từ dùng để chỉ người ca nữ trong giới nghề.

Về tên gọi “ả đào”, có truyền thuyết rằng vào thời nhà Lý ở Việt Nam, có ca kỹ họ Đào, rất vừa ý Lý Thái Tổ nên thường được vua ban thưởng, từ đó các con hát hay được gọi là Đào nương . Tuy nhiên theo Công dư tiệp ký, ” (Ghi nhanh lúc rỗi việc công) của nhà văn Việt Nam Vũ Phương Đề (1698-1761) cho biết cuối đời nhà Hồ (1400 – 1407), có người con hát họ Đào quê ở làng Đào Xá, tỉnh Hưng Yên, lập mưu giết được giặc Minh. Khi nàng chết, dân nhớ ơn lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn Cô Đầu. Từ đấy những người đi hát được gọi là cô đầu”.

Sang thời nhà Lê, nghề con hát trở thành một dạng nghề hèn mạt, đánh đồng với nô lệ, ai xuất thân từ nhà con hát đều không thể làm quan (như Đào Duy Từ). Cứ theo Việt sử tiêu án, khi ấy các con hát ngoài gọi là Cô đầu, còn được gọi là Náo nương (鬧娘) hay Cô Náo (姑鬧), Náo Hát (鬧歌)… các danh xưng. Các con hát không biểu diễn ở cung đình vì thân phận thấp hèn, họ chỉ quanh quẩn ở các đình làng hay ca quán tại địa phương.

Vào thời nhà Nguyễn, những ghi chép chi tiết về thú chơi cô đầu là vào những năm Pháp thuộc và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Cô đầu sống thành từng nhóm, trong các nhà chứa khách đến hát ca trù. Thú chơi này mang nhiều tính tao nhã hơn là trò chơi thân xác, mua vui thông thường.

Để trở thành một đào nương không phải dễ. Theo bài “Ca trù một loại hình nghệ thuật độc đáo” , đào nương phải hội được nhiều tiêu chuẩn khắt khe như giọng hát, năng khiếu âm nhạc (thẩm âm, gõ phách), tri thức âm nhạc và văn thơ, lòng đam mê và kiên trì… sự tồn tại của ca trù được quyết định bởi chính các đào nương.

Các đào nương chính là những người truyền tải và thể hiện những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của ca trù, giúp ca trù tồn tại cho đến ngày nay. Ca trù có các quy chế về sự truyền nghề, cách học đàn học hát, có những phong tục trong sự nhìn nhận đào nương rành nghề, về việc chọn đào nương đi hát thi (ngoài tài năng và sắc diện cần phải có đức hạnh tốt).

b. Về nhà hát Cô Đầu :

Một chầu Hát Cô Đầu tại nhà hát cần có ba thành phần chính:

* Ca nương – Ả đào : Ca nương – Ả đào là thành viên quan trọng của tiệc ca trù, vai trò của ả đào là làm ca sĩ cho tiệc hát nhưng khác với ca sĩ ở chỗ ả đào vừa hát vừa gõ phách.

* Kép đàn : Vai trò chính của kép là gảy đàn (nhạc công).

Kép cùng với đào là những thành viên quan trọng trong tổ chức hát ca trù, thông thường cũng được gọi chung là đào kép.

* Quan viên, cầm chầu : Khái niệm quan viên trong ca trù dùng để gọi những người tham gia nghe hát. Trong một cuộc hát ca trù, quan viên cũng có thể tham gia cầm chầu. Họ có thể vừa là công chúng thưởng thức và cũng có thể là thành viên của ban nhạc.

Vì là nghệ thuật âm nhạc thính phòng, không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là “tức tịch,” nghĩa là “ngay ở chiếu.”

Khi sinh hoạt Hát nói, với không gian là ca quán, mà khách nghe là các tay tài tử, thạo các ngón ăn chơi ở đời và mang đến cả một bầu tâm sự thì không khí của cuộc hát còn có một sức hút khác, ngoài việc thưởng thức thơ nhạc. Quan viên đến nghe hát không chỉ là những người yêu thơ và nhạc nữa mà còn có cả nhũng người đến đây để tìm thú vui lạ của những buông thả. Bên cạnh đào hát là đào rượu. Đào rượu không biết hát, không biết gõ phách, chỉ biết ngồi tiếp rượu và giao đãi với quan viên. Quan viên đến nghe hát không chỉ là những người yêu thơ và nhạc mà còn có cả những người đến đây để tìm thú vui lạ đầy buông thả bên các đào rượu. Cô đầu hát dễ bị đánh đồng với cô đầu rượu

Hát cô đầu (hát ả đào, hát nhà tơ) do thế mà bị mang tiếng. Cô đầu hát là cái người thanh lịch, trang nhã, thanh sắc đủ đầy: Mặt tròn thu nguyệt Mắt sắc dao cau. Vào, duyên khuê các. Ra, vẻ hồng lâu. Lời ấy gấm – Miệng ấy thêu – Tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban – Tạ. Dịu như mai – Trong như tuyếr – Nét phong lưu chỉ kém bạn Vân – Kiều.

Tiếng oan của các cô đầu hát, của lối chơi ca trù tao nhã, của một nghệ thuật cổ, vì thế đã kéo dài suốt 100 năm nay, cho đến tận bây giờ.

Ở Hà Nội trước thì ở Hàng Giấy, ấp Thái Hà, sau đến Khâm Thiên, Ngã Tư Sở, Vạn Thái, Chùa Mới, Cầu Giấy, Kim Mã, Văn Điển, Gia Quất đều là những nơi cô đầu tụ tập. Theo số liệu của ký giả Hồng Lam trên tờ Trung Bắc chủ nhật số 129, năm 1942 (tr.18), năm 1938, ngoại ô Hà Nội có đến 216 nhà hát và gần 2.000 cô đầu! Nhà hát, quan viên, đào kép đều tăng lên ngày một nhiều.

Ấy thế nhưng, mặc cho miệng tiếng thế gian, với người tri kỷ, với kẻ tri âm, vàng thau vẫn chẳng lộn. Nhũng tiếng chim hoạ mi của nhạc cổ Việt Nam vẫn cất lên từ Thăng Long – Hà Nội. Tên tuổi của những danh ca Quách Thị Hồ, Chu Thị Năm, Thương Huyền, Kim Đức, Chu Thị Bốn, Đàm Mộng Hoàn…; những danh cầm Chu Văn Du, Phó Đình Kỳ… đã làm rạng danh cho ca trù, cho nền cổ nhạc Việt. Cả những khách nghe tài hoa như Tản Đà, Trúc Hiền, Nhất Linh, Thế Lữ, Trần Tiêu, Nguyễn Tường Bách, Huyền Kiêu, cả Nguyễn Tuân nũa. Họ đã tô điểm cho câu, cho chữ, cho phách, cho đàn, đã cùng giữ ca trù cho ngày sau…

Phố Khâm Thiên ngày nay

4. Hát Cô Đầu trong Văn chương và Âm nhạc

a. Trong Văn chương

Cái giống văn nhân thường thích những cái mới. Cô đầu là tầng lớp cầm… đầu trong việc trình diễn những cái mới khiến các nhà văn nhà báo mê mẩn sự đời. Cô đầu có hai hạng: cô đầu hát và cô đầu rượu. Cô đầu hát ngồi giữa các nhạc công chỉ có hát, nghiêm trang và đứng đắn. Cô đầu rượu ngồi bên các quan viên để hầu trà hầu rượu. Kề cận bên nhau nên tình thân nhiều khi đi tới… vô tận.

Ca dao bình dân ngày đó đã than thở:

Cô đầu, cô đít, cô đuôi

Bố tôi sạt nghiệp ai nuôi cô đầu.

Nữ sĩ Anh Thơ cũng đã cay đắng tâm sự: “Tôi mất lòng tin vào đàn ông một thời gian dài. Từ bỏ cuộc đính hôn với ông Cẩm Văn, chủ nhà xuất bản Nguyễn Du, vì mỗi lý do ông ấy mê cô đầu. Khi thấy Cẩm Văn nhìn cô đầu rất say đắm, tôi đã ngất đi vì nhục nhã. Tôi nhất quyết đoạn tình, ông ấy chạy theo thanh minh: “Anh chỉ yêu cái bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện qua cái áo tứ thân của cô ấy chứ không yêu gì cô ta. Anh chỉ yêu em thôi”. Sau này nghĩ lại tôi cũng thấy thương ông ấy một chút nhưng rồi nghe tin tôi đã bỏ đi, cô đầu ấy dọn luôn đến nhà Cẩm Văn ở, thế là tan một nhà xuất bản danh tiếng”.

Năm 1973, nhà văn Vũ Bằng nhớ lại:

Thực tình đến bây giờ, cố moi trí nhớ, tôi chưa thấy nhà văn nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu… Các văn nghệ sĩ hội họp uống rượu, ngâm thơ, đánh một khẩu trống để thưởng một câu văn hay, một tiếng đàn khéo bấm, hay một giọng ca buông bắt thật tài tình. Đôi khi tức cảnh, họ tạo nên những câu mưỡu, bài hát nói hay những vần thơ bát cú hoặc lục bát thật hay”.

Vũ Bằng còn tôn xưng xóm cô đầu Khâm Thiên là “cái nôi văn nghệ của Hà Nội”. Từng thế hệ văn nghệ sĩ đã ăn dầm nằm dề nơi nhà hát cô đầu. Thế hệ của Phạm Quỳnh, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn văn Vĩnh, Nguyễn Đỗ Mục. Rồi thế hệ Vũ Bằng, Dương Phượng Dực, Doãn Kế Thiện, Hoàng Tích Chu, Phùng Tất Đắc, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Đái Đức Tuấn, Trần Quang Trân, Hoàng Ngọc Thạch, Trần Tuấn Khải. Tha thiết hơn nữa, Vũ Bằng đã ví các cô đầu như “những vú nuôi” của giới văn nghệ sĩ Hà Thành.

Thậm chí ông còn viết: “Một người không văn nghệ mà sống trong không khí ở Khâm Thiên dần dần cũng hóa ra thành văn nghệ sĩ lúc nào không biết!”. Vũ Bằng còn tiết lộ các nhà văn nhà báo như Phùng Bảo Thạch, Vũ Đình Chí, Lưu văn Phụng, Vũ Liên, Nguyễn Triệu Luật, Ngô Tất Tố mỗi khi bàn về nội dung của số báo sắp ra đều làm tại nhà hát cô đầu vào lúc khuya khoắt. Hoặc Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Trần Huyền Trân, Nguyễn Công Hoan, Lê văn Trương, Thâm Tâm, Ngọc Giao cũng thường lấy nhà hát cô đầu làm nơi cảm hứng sáng tác, đàm đạo văn chương.

Trong tiểu luận “Ca Trù Thăng Long – Hà Nội”, nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh viết: “Những bài viết sâu sắc với những từ ngữ đẹp đẽ nhất dùng để ngợi ca nghệ thuật ca trù của Phạm Quỳnh, Nguyễn Xuân Khoát, Ngô Linh Ngọc đều bắt nguồn từ đây. Nhạc của Nguyễn văn Thương, thơ của Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân lấy cảm hứng từ đây. Bản dịch Tương Tiến Tửu của Đái Đức Tuấn, tác phẩm “Con Voi Già của Vua Hàm Nghi” của Lưu Trọng Lư đều bắt đầu viết ở đây trong những cơn cao hứng. Đặc biệt Nguyễn Tuân yêu quý và trân trọng ca trù tới mức, dường như với ông, ca trù là một ngôi đền linh thiêng để hóa giải những nỗi đau tục lụy. Ca trù trong ông luôn như một nỗi ám ảnh, và nỗi ám ảnh đó từng được thể hiện sâu sắc, đau đớn trong những truyện ngắn như “Chiếc Lư Đồng Mắt Cua”, “Chùa Đàn”, những truyện ngắn đánh dấu một giai đoạn tuyệt diệu trong cuộc đời sáng tác của ông”.

(Nguồn : Hát Cô Đầu – Song Thao)

Hát cô đầu

Trần Tế Xương

Nhân sinh quý thích chí,

Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu.

Khi vui chơi năm ba ả ngồi hầu,

Chén rượu cúc đánh chầu đôi ba tiếng.

Tửu hậu khán hoa nhàn bất yếm,

Hoa tiền chước tửu hứng vô nhai.

Hỡi ai ơi chơi lấy kẻo hoài,

Chơi cũng thế mà không chơi cũng thế.

Của trời đất xiết chi mà kể,

Nợ công danh thôi thế là xong.

Chơi cho thủng trống tầm bông.

Gặp Cô Đào Cũ .

Dương Khuê

Hồng Hồng, Tuyết Tuyết

Mới ngày nào chửa biết cái chi chi,

Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì

Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu.

Ngã lãng du thời quân thượng thiếu,

Quân kim hứa giá ngã thành ông.

Cười cười, nói nói thẹn thùng

Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.

Riêng một thú thanh sơn đi lại

Khéo ngây ngây, dại dại với tình.

Ðàn ai một tiếng Dương tranh!

b. Và trong Âm nhạc

  • Cao Bá Quát với “Tự tình”, “Hơn nhau một chữ thì”, “Phận hồng nhan có mong manh”, “Nhân sinh thấm thoắt”…
  • Nguyễn Công Trứ với “Ngày tháng thanh nhàn”, “Kiếp nhân sinh”, “Chơi xuân kẻo hết xuân đi”, “Trần ai ai dễ biết ai”…
  • Dương Khuê với “Hồng hồng, tuyết tuyết” tức “Gặp đào Hồng đào Tuyết”.
  • Chu Mạnh Trinh với Hương Sơn phong cảnh.
  • Tản Đà với “Gặp xuân”,”Xuân tình”, “Chưa say”, “Trần ai tri kỷ”, “Đời đáng chán”,…
  • Nguyễn Khuyến với “Hỏi phỗng đá”, “Duyên nợ”
  • Nguyễn Thượng Hiền với “Chơi chùa Thầy”;
  • Trần Tế Xương với “Hát cô đầu”
  • ***

Nhà hát Cô đầu – Góc nhìn lịch sử văn hóa

Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, Ả đào là thể loại có nhiều tên gọi khác nhau. Tùy vào từng môi trường diễn xướng, không gian văn hóa mà loại nhạc này sẽ được gọi là Hát cửa đình, Hát cửa quyền, Hát nhà tơ, Hát nhà trò, Hát ca công, Hát ca trù…

Điều đặc biệt, bản thân chữ “ả đào” lại là danh từ dùng để chỉ người ca nữ trong giới nghề. Và, đây cũng chính là tên gọi sớm nhất, đã được sử sách ghi nhận từ đời Lý. Trong nghề Ả đào, luật tục giáo phường xưa quy định lệ tiền đầu. Có nghĩa học trò mỗi lần đi diễn phải đóng một phần tiền thù lao nhỏ cho giáo phường để góp vào nuôi thầy. Theo đó, đào kép nào càng có nhiều học trò thì khi về già, tất sẽ có một khoản “lương hưu” cố định – giá trị như một chế độ bảo hiểm xã hội. Về sau, cái tên Ả đào dần được đọc trại đi, ả đổi thành cô, còn đào đổi thành đầu. Như thế, cái tên Cô đầu[1] hình thành trong xu thế Nôm hóa – thuần Việt và cũng để thể hiện sự tôn vinh đạo thầy trò trong giới nghề.

Cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, dưới thời Pháp thuộc, nền văn hóa Việt Nam dần bước ra khỏi thời kỳ Nho giáo nghìn năm phong kiến với những biến chuyển mang tính lịch sử. Trong một chính thể mới, chữ quốc ngữ ra đời, phong trào văn hóa nghệ thuật thương mại theo xu hướng Tây phương hình thành… Tất cả dẫn đến nhiều đổi thay cơ bản trong xã hội, kể cả tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan niệm, tận gốc rễ.

Trong xu thế đó, từ nơi thôn quê dân dã, đào kép giáo phường Ả đào bắt đầu khăn gói kéo nhau ra các đô thị, phố huyện mở nhà hát nghệ thuật. Thời kỳ này, ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định hay trung tâm các tỉnh lỵ trải dài từ miền Bắc vào đến vùng Bắc Trung Bộ, hệ thống các nhà hát Ả đào nhanh chóng hình thành với tên gọi mới – Nhà hát Cô đầu. Ở Hà Nội, nhà hát đầu tiên mở tại phố Hàng Giấy, sau đến ấp Thái Hà, Khâm Thiên, Hăm Bốn Gian – phố Huế, Vạn Thái – Bạch Mai, Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy… Vùng ven đô cũng có những địa danh nổi tiếng như Thượng Cát, Chèm – Từ Liêm, Gia Quất – Gia Lâm hay Ba La Bông Đỏ – Hà Đông… Ở Hải Phòng, các nhà hát quần tụ ở địa danh Quán bà Mau, Hàng Kênh, Lạch Tray, Thượng Lý, Kiến An… Tất cả tạo nên một môi trường diễn xướng mới của Ả đào – thể hiện mối quan hệ cung cầu náo nhiệt trong xã hội[2]. Cho đến đầu thế kỷ 20, nếu tính số lượng nghệ sĩ hành nghề, có lẽ không một thể loại nào trong nền âm nhạc dân tộc có thể sánh được với Ả đào?!

Như vậy, vượt ra khỏi không gian cổ truyền với những đình, đền hay tư dinh quan lại, nhà giàu, nhạc Ả đào giờ đây đã trở thành món ăn tinh thần thường xuyên của người dân đô thị, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật đại chúng. Và, sự hình thành hệ thống nhà hát Cô đầu đã chính thức đưa Ả đào trở thành một thể loại nhạc thính phòng đích thực trong lịch sử âm nhạc dân tộc.

Ở môi trường diễn xướng mới nơi đô thị, đào kép các nhà hát vẫn sinh hoạt theo nếp cũ giáo phường thôn quê. Họ kết nối thành từng nhóm xã hội nghệ thuật, quần tụ trong từng khu vực hành nghề, thường được gọi là xóm cô đầu hay phố cô đầu.

Mỗi xóm/ phố cô đầu cũng bầu ra một kép đàn tài năng, uy tín làm quản ca, chịu trách nhiệm kiểm soát nghệ thuật giống như vai quản giáp ở giáo phường làng quê.

Ở không gian nhà hát đô thị, đề cao tính thương mại nghệ thuật, hệ thống những bài bản nghi lễ thờ thần của Hát cửa đình đã được chắt lọc/ lược bỏ cơ bản. Người ta chỉ sử dụng những thể cách phù hợp với tính chất giải trí thính phòng/ ca quán. Thêm vào đó, trải theo thời gian, các nghệ sĩ cũng đã sáng tạo/ du nhập thêm nhiều bài bản mới dạng bài vặt như Xẩm huê tình, 36 giọng Ả phiền, Đò đưa, Hát ví, Trống quân…

Cuộc sống ở chốn phồn hoa, trong mỗi xóm cô đầu, nhiều luật tục, lề thói nghiêm khắc của giáo phường xưa cũng dần mai một hay được đào kép chủ động lược bỏ, phá vỡ. Tuy vậy, giới nghề nghìn năm tuổi vẫn trân trọng bảo lưu tục hát thờ Tổ hay lệ trách phạt, kỷ luật những đào nương đi chơi, tư thông với đám quan viên, ngõ hầu gìn giữ thanh danh nhà hát.

Cũng có nơi, bà chủ nhà hát Cô đầu ra giới luật khá nghiêm ngặt nhằm tạo dựng hình ảnh cho nhà hát, như trường hợp nhà hát cô Đốc Sao ở Khâm Thiên. Các cô đầu nhà Đốc Sao được tuyển lựa kỹ càng về thanh sắc, trí tuệ. Họ được thiết kế trang phục riêng với chất liệu tơ lụa đắt tiền, chỉ dùng đồ mỹ phẩm Pháp. Bà Đốc Sao quy định kỷ luật, cấm các cô không được nói chuyện riêng, cười cợt trước mặt khách, còn đi ra phố thì có phu xe của bà chủ đưa đi, vừa để tránh chuyện tư thông lẳng lơ, đồng thời tạo dựng hình ảnh sang trọng, chuyên nghiệp.

Ở môi trường diễn xướng mới, chịu ảnh hưởng lối sống tự do, quan niệm tư tưởng mới, cũng không tránh khỏi những hiện tượng biến đổi ít nhiều mang tính tiêu cực đi kèm mục đích thương mại đô thị. Trong nhà hát Cô đầu, bên cạnh các đào nương chuyên lo việc ca hát, đã có thêm một lớp đào mới chuyên lo việc tiếp tân, hầu rượu, ẩm thực hay các thức nhu cầu khác của quan viên đô thị. Họ được gọi là cô đào rượu hay cô đầu rượu, thường là những cô gái nhan sắc được nhà hát tuyển lựa ngoài nghề. Ở nhiều nhà hát, các cô đầu rượu cũng biết ngâm thơ hay hát những câu Hãm của Ả đào để mời khách – gọi phiếm là lối Hãm rượu. Để tiếp tân theo quy chuẩn một nhà hát sang trọng, các cô được đào tạo khá chuyên nghiệp, như việc sắp bát đũa bày biện món ăn, động tác múa uốn lượn chén rượu mời khách sao cho không để sánh giọt nào; hay cách thức chia bài tổ tôm, tiêm thuốc phiện hầu khách… Cốt sao tạo được thú chơi thời thượng trong môi trường các nhà hát Cô đầu.

Đứng trên phương diện thương mại nghệ thuật, có thể thấy không gian nhà hát Cô đầu là một tổng thể quan hệ kinh tế phối thuộc nhiều thành phần. Bà chủ nhà hát (là một đào nương có uy tín), kép đàn, các đào hát, đào rượu, anh bếp, chị sen.., tất cả kẻ ăn người ở phải nương tựa vào nhau trong cuộc sống để duy trì sự tồn tại của nhà hát. Điều đáng nói, gia nhập không gian văn hóa đô thị, nhạc Ả đào vẫn tiếp tục duy trì được vai trò quan viên cầm chầu nghe hát[3]. Như đã biết, đây là mối giao lưu nghệ thuật giữa khán giả và nghệ sĩ. Bởi quan viên có chức năng kép, họ vừa là khán giả, vừa là nhạc công chơi trống chầu, hòa nhịp với đào kép trên chiếu diễn.

Sẽ thấy trong quan hệ cung cầu, giá trị quan viên cầm chầu chính là một trong những yếu tố hấp dẫn, thu hút khán giả. Nó như một sự thách đố, kích thích tầng lớp thức giả Cô đầu phố thị. Bởi đi nghe hát mà không biết cầm chầu thì sẽ bị coi là chưa biết thưởng thức Ả đào. Nên ai cũng có tâm lý phải tập, phải đi nghe nhiều để học hỏi chúng bạn, những mong nâng tầm nhận thức nghệ thuật.

Thưởng thức các thể cách, khách chơi – quan viên được coi là sành điệu tất phải am hiểu lề luật âm nhạc, thơ ca để có thể khen thưởng hay điểm chầu khớp với các khổ phách/ khổ đàn. Những quan viên sành điệu bao giờ cũng được giới đào kép nhất mực nể trọng.

Ở Hà Nội thời đầu thế kỷ 20, lịch sử đã ghi nhận những cuộc thi lớn được tổ chức thường niên giữa các nhà hát Cô đầu. Bên cạnh giải thưởng cho đào kép, cũng có cả giải thường dành riêng cho giới quan viên cầm chầu. Nó chứng tỏ một mối quan hệ cung cầu, một đời sống nghệ thuật phát triển sôi động của thể loại. Nhu cầu làm quan viên của khán giả đô thị thể hiện rõ qua việc Tân Dân Thư Quán xuất bản cuốn Sách dạy đánh chầu (Vô Danh Thị) ở Hà Nội vào năm 1927. Cuốn sách bán chạy tới mức nó đã được tái bản ngay 2 năm sau đó (1929).

Trong nhạc Ả đào, cấu trúc bài bản bao giờ cũng có những phần gợi mở, mời gọi khách văn chương sáng tạo tại chỗ, đào kép sẽ nhanh chóng ứng tác đưa vào lời ca. Đây cũng là nét hấp dẫn, thu hút đông đảo người nghe. Bởi trong xã hội truyền thống Việt Nam, từ giới quan lại, Nho sĩ cho đến tầng lớp bình dân, khả năng thơ phú vốn được xem như rất phổ cập.

Theo đó, các nhà hát Cô đầu cũng là nơi đi về, tụ họp của khách văn chương đô thị. Họ thường mang thơ của mình đến nhà hát để các đào nương phổ nhạc Ả đào, rồi nhâm nhi thưởng ngoạn cùng chúng bạn. Nhiều chầu hát, lời thơ được các quan viên ứng tác tại chỗ, có giá trị như một cuộc bình văn nho nhã, thanh tao. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên mối quan hệ khăng khít, gắn bó đặc biệt giữa các đào kép và giới trí thức thị thành trong cả một thời kỳ lịch sử. Mối quan hệ nghệ sĩ – khán giả đó được đánh giá như những tài tử – giai nhân, tri âm, tri kỷ trong không gian thính phòng sang trọng của nhà hát Cô đầu. Và theo đó, giới nghề Cô đầu cũng dần nâng tầm, khẳng định được vị thế của mình trong môi trường văn hóa nghệ thuật đô thị nói chung.

Đến nay, hẳn ít người biết được các cô đầu Hà Nội lại chính là những phụ nữ đóng vai trò lịch sử, đi tiên phong khởi đầu nhiều trào lưu thời trang kiểu phụ nữ tân thời giai đoạn thập niên 30 thế kỷ 20. Ví như mẫu áo dài Le Mur với quần sa tanh trắng, thân áo bó sát phô trương vòng 1 của họa sĩ Cát Tường, lúc đầu ra mắt không nhận được sự hưởng ứng của giới các cô gái “con nhà nền nếp”. Bí quá, Cát Tường nảy ra sáng kiến đàm phán với những bà chủ nhà hát Khâm Thiên, rồi đồng loạt may áo dài mới cho các cô đầu mặc thử ra diễu phố. Thế rồi sau đó, mẫu áo dài Le Mur nhanh chóng lan tỏa trong thời trang Hà Nội[4].

Cũng chính trong phong trào giải phóng phụ nữ ở giai đoạn này, bên cạnh áo dài Le Mur, đôi guốc cao gót cũng được hàng trăm cô đầu phố Khâm Thiên đi tiên phong sử dụng đồng loạt để thay thế cho đôi hài mỏ vịt truyền thống. Sẽ thấy rõ sự kiện đó trong bức tranh minh họa dưới đây với ghi chú: “Sau một cuộc biểu tình rất lớn ở Khâm-thiên… hàng mấy trăm cô đầu hiệp lực đuổi mỏ vịt ra khỏi Khâm-thiên tô giới”![5]

Những sự kiện đó cho thấy các cô đầu thực sự được đánh giá như những cô gái tân thời nổi trội của làn sóng văn hóa mới. Điều này còn thể hiện ở việc có những quảng cáo thương hiệu đã sử dụng hình ảnh cô đầu làm nhân vật chính. Ví như bức tranh cô đầu quảng cáo cho tiệm thuốc ho Võ Văn Vân – 86 Hàng Bông[6].

Hơn thế, cô đầu cũng chính là những nghệ sĩ đầu tiên được các hãng đĩa hát danh tiếng ở Hồng Kông lựa chọn thu âm như những đại diện tiêu biểu cho nền âm nhạc Việt Nam. Đây là một biểu hiện sống động thể hiện thị trường nghệ thuật cung cầu thời đầu thế kỷ 20. Đáng chú ý, khoảng từ năm 1925 – 1935, nhà sưu tầm người Mỹ Robert Crumb đã đi vòng quanh thế giới để thu âm đĩa than 78 vòng, hợp tuyển những giọng nữ ca đặc sắc các vùng nhiệt đới trên thế giới (Hot Women: Women Singers From The Torrid Regions Of The World). Và, giọng hát cô đầu Ba Thịnh – phố Khâm Thiên đã góp mặt trong album với tư cách đại diện duy nhất của âm nhạc Việt Nam.

Trong nền âm nhạc dân tộc, Ả đào/ Cô đầu có lẽ là đề tài nổi trội nhất, đã đi vào thơ ca, văn chương với tư cách một thể loại bao trùm đời sống xã hội từ thành thị tới nông thôn. Trong đó, rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, có chỗ đứng vững chắc trong nền văn học như Tiếng ai hát giữa rừng khuya, Thần hổ của TchyA Đái Đức Tuấn, Chiếc lư đồng mắt cua, Đới Roi, Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, Đứa con người cô đầu của Kim Lân, hay Giai thoại một chầu hát không tiền khoáng hậu – Thạch Lam thẩm âm của Đinh Hùng…

Nhìn lại lịch sử, sẽ thấy không phải vô cớ mà nhà văn Vũ Bằng đã coi xóm cô đầu Khâm Thiên là “cái nôi văn nghệ của Hà Nội” giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Vũ Bằng cho biết thời kỳ đó, ông “chưa thấy nhà văn, nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu”[7].

Các nhân sĩ thế hệ đi trước như Phạm Quỳnh, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Đỗ Mục, Sơn Phong thì thưởng thức tiếng tơ đồng Cô đầu ở nhà hát phố Hàng Giấy. Còn thế hệ Vũ Bằng với những Dương Phượng Dực, Sở Bảo Doãn Kế Thiện, Hoàng Tích Chu, Phùng Tất Đắc, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, TchyA Đái Đức Tuấn, Ngym Trần Quang Trân, Song An Hoàng Ngọc Thạch, Á Nam Trần Tuấn Khải… lại lấy địa bàn các nhà hát Cô đầu Ngã Tư Sở, Khâm Thiên, Vạn Thái, Gia Lâm, Gia Quất… làm nơi đi về.

Với một tấm lòng tha thiết, Vũ Bằng ví những cô đầu như những “người vú nuôi” của giới văn sĩ Hà thành. Thậm chí ông cho rằng “một người không văn nghệ mà sống trong không khí ở Khâm Thiên dần dần cũng hóa ra thành văn nghệ sĩ lúc nào không biết”[8]. Vũ Bằng cũng tiết lộ rằng các văn sĩ như Phùng Bảo Thạch, Vũ Đình Chi, Lưu Văn Phụng, Hy Sinh, Vũ Liên, Nguyễn Triệu Luật, Ngô Tất Tố lúc làm báo, mỗi khi bàn về nội dung bản thảo vẫn thường hội ý và kẻ ma-két ở nhà hát Cô đầu vào đêm khuya[9]…

Hay Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Trần Huyền Trân, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Thâm Tâm, Ngọc Giao, Thanh Châu… cũng thường lấy nhà hát Cô đầu làm nơi cảm hứng sáng tác, đàm đạo văn chương thế sự.

Hội tụ tài tử giai nhân, cũng chính nơi chốn ấy đã dệt nên những mối tình tri âm tri kỷ giữa Hoàng Tích Chu và cô Đốc Sao, giữa Nguyễn Tuân và danh ca Chu Thị Năm.., in đậm tính nhân văn sâu sắc!

***

Tóm lại, dưới góc nhìn lịch sử văn hóa, có thể đánh giá vai trò, giá trị của hệ thống các nhà hát Cô đầu thời cuối thế kỷ 19 – nửa đầu thế kỷ 20 như sau:

* Thứ nhất, trong lịch sử âm nhạc dân tộc, lần đầu tiên mô hình nhà hát thính phòng được hình thành và phát triển rực rỡ tới hơn nửa thế kỷ. Đây là biểu hiện sức sống tự thân của một loại nhạc chuyên nghiệp, không cần sự bảo trợ của chính thể. Cần thấy rằng những bậc danh ca, danh cầm còn lưu truyền hệ giá trị tinh hoa Ả đào cho đến cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21 như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Đinh Thị Bản, Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Chúc, Chu Văn Du, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ, Nguyễn Phú Đẹ… đều là những đào kép từng hành nghề tại hệ thống các nhà hát Cô đầu. Bởi môi trường thương mại nghệ thuật bao giờ cũng là nơi quy tụ những tinh hoa của giới nghề.

* Thứ hai, đào kép dắt díu nhau ra phố thị hành nghề, động cơ ban đầu hẳn đơn thuần chỉ vì “miếng cơm manh áo”. Họ cố thoát khỏi không gian làng quê đói nghèo lạc hậu thời phong kiến. Ở đó, với những đình, đền hay tư gia, dinh phủ quan lại, đào kép chủ yếu hành nghề thụ động theo nhu cầu làng xã, Xuân Thu nhị kỳ, cơ hội biểu diễn không có nhiều. Còn khi ra phố thị mở nhà hát, họ hoàn toàn giữ vai trò chủ động trong đời sống kinh tế thương mại nghệ thuật. Cơ hội hành nghề sẽ trở nên thường xuyên hơn, không cần làm thêm các nghề phụ kiếm sống như ở nơi thôn dã. Nói cách khác, với hình thức nhà hát thính phòng, Ả đào đã đạt tầm cao nhất của một thể loại nhạc chuyên nghiệp.

* Thứ ba, mối quan hệ khăng khít gắn bó mang đậm tình người giữa các cô đầu cùng giới văn sĩ nổi tiếng đất Hà thành đã đi vào văn chương, thơ ca với rất nhiều giai thoại để đời. Nhà hát Cô đầu đã trở thành một phần sống động của lịch sử văn hóa Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Đó là điều không thể phủ nhận!

* Thứ tư, bên cạnh mục đích kiếm sống, dưới góc nhìn xã hội, việc ra phố thị của giới các cô đầu cũng là để thoát ly khỏi cuộc sống sau lũy tre làng. Một không gian khép kín trong vòng kiểm tỏa nặng nề của lễ nghĩa Nho giáo “tam tòng tứ đức/ công dung ngôn hạnh”. Cho đến đời Lê, với bộ luật Hồng Đức, đào kép giáo phường từng bị xếp vào hạng “xướng ca vô loài”. Con cháu họ không được dự trường thi, tầng lớp quan lại cũng bị cấm không được kết hôn với con nhà ca xướng.

Nghìn năm phong kiến, tư tưởng tiểu nông đã kìm hãm bản năng con người với những lệ tục hà khắc. Ở nhiều miền quê, những cô gái chửa hoang hay có quan hệ luyến ái phi chuẩn mực đạo đức phong kiến vẫn có thể bị “gọt đầu bôi vôi” hay “bỏ rọ đóng bè trôi sông”. Còn ở không gian đô thị cuối thế kỷ 19, dưới sự cai trị của người Pháp, xã hội đã dịch chuyển dần theo quan niệm mới kiểu Tây phương – một cơ hội để các cô đầu được sống đúng với những gì họ muốn. Nơi chốn thị thành, nếu gặp may, họ có thể kiếm được tấm chồng danh giá, hay được những quan viên khá giả yêu thương mà cưới về làm vợ lẽ. Nếu không, với tài năng nhan sắc, chỉ ít các cô vẫn được hưởng “bầu không khí tự do” của riêng mình, có quyền sống độc thân hay làm bà mẹ đơn thân mà không sợ điều tiếng làng xã.

Như vậy, sự hình thành hệ thống nhà hát Cô đầu xứng đáng được coi như một cuộc cách mạng giới – giải phóng phụ nữ khỏi lễ giáo phong kiến Việt Nam. Đề cao cái TÔI bản năng – nữ giới đã chính thức lên ngôi làm chủ kinh tế, nắm quyền điều khiển các nhà hát nghệ thuật, tạo nên một môi trường văn hóa mới đô thị. Ở góc độ tự do luyến ái – cũng có thể coi đây là một cuộc cách mạng tình dục sớm nhất trên thế giới. Dù rằng sau này, vì điều đó mà xã hội đã có nhiều thái độ phủ định gay gắt, khiến cho đào kép mặc cảm và người đời thi nhau lên án hai chữ “CÔ ĐẦU”!?

Bùi Trọng Hiền

Ban NC Nghệ thuật

Viện VHNTQG Việt Nam

Tài liệu tham khảo

  • Vũ Bằng, Xóm Khâm Thiên: cái nôi văn nghệ của Hà Nội ba chục năm trước, Ca trù nhìn từ nhiều phía, NXB Văn hóa -Thông tin, Hà Nội, 2003.
  • Nguyễn Ngọc Tiến, Người mẫu thời trang Hà Nội xưa, báo Hà Nội mới, Chủ Nhật, 21/04/2013.
  • Nguyễn Ngọc Tiến, Từ ca quán Hàng Giấy đến cô đầu Khâm Thiên, báo Hà Nội mới, Chủ Nhật, 10- 11/07/2011.
  • Nguồn tư liệu sưu tầm của tiến sĩ âm nhạc Jason Gibbs, Thư viện Công cộng San Francisco, California, Hoa Kỳ.

(Nguồn: t/c VHNT N452, 2/2020)

[1] Ở giai đoạn chuyển tiếp, người ta còn dùng cái tên trung gian là Ả đầu.

[2] Sau khi Ả đào ra phố thị mở nhà hát, các thể loại khác như Tuồng, Chèo cũng noi theo, rời khỏi sân đình truyền thống, hình thành những rạp hát, sân khấu 2 mặt ở Hà Nội như Quảng Lạc, Sán Nhiên Đài.

[3] Trong khi với nghệ thuật Chèo và Tuồng, khi ra phố thị, mối giao lưu khán giả -nghệ sĩ vốn có ở sân đình xưa đã bị triệt tiêu ở nhà hát sân khấu hộp.

[4] Nguyễn Ngọc Tiến, Người mẫu thời trang Hà Nội xưa, báo Hà Nội mới, Chủ Nhật, 21/04/2013.

[5] Phong Hóa 134 (30 janvier 1935), tr.14. Tư liệu của Jason Gibbs trong https://taybui.blogspot.com/, anh viết: “Ai nói hotgirl là một hiện tượng mới? Các cô đầu phố Khâm Thiên là hotgirl của Hà Nội những năm 1930”.

[6] Ngày Nay #207 (11 mai 1940), tr.3. Tư liệu của Jason Gibbs trong https://taybui.blogspot.com/, anh viết: “Ngày xưa các cô đầu là hot girl, phải không? Họ có địa vị để được làm quảng cáo”.

[7] Vũ Bằng, Xóm Khâm Thiên: cái nôi văn nghệ của Hà Nội ba chục năm trước, Ca trù nhìn từ nhiều phía, NXB Văn hóa -Thông tin, Hà Nội, 2003,tr.583.

[8] Vũ Bằng, sđd,tr.585.

[9] Vũ Bằng, sđd,tr.587.