Tôm rằng bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo De An Cựu mà nuôi mẹ già

Lúa bây giờ nhiều rất nhiều giống mới, với nhiều ưu thế như ngắn ngày, kháng sâu bệnh, năng suất cao. Đất ít, người lại đông, một năm có thể thâm canh tù tì ba vụ liền. Nhưng thường cái gì ngắn, mau, vội thì phẩm chất thường không cao. Với các giống lúa ngắn ngày hiện nay, khái niệm về “bát cơm mới”’ là không còn nữa. Mùa lên, lên đồng, cơm mới vẫn chỉ là cơm cũ. Ít thơm, ít dẻo, đơn thuần là một thứ tinh bột có tên gọi là “cơm”.

Lưu bản nháp tự động

Cho nên, bao năm rồi mà nhiều người vẫn nhớ những giống lúa xưa, dài ngày, năng suất thấp, nhưng đã thành cơm thì khi ăn chỉ có ngậm mà nghe. Suốt mấy trăm năm, đồng đất xứ An Cựu, Huế chỉ cấy rặt một thứ lúa, đó là giống lúa De. Cái gì ở giống lúa này cũng dài: dài ngày, thân dài, bông lúa khi đã cúi(chín) dài như đuôi trâu con. Còn hạt lúa chín màu vàng ươm, dài như cái tắp bã (đùi) con gái. Khi thành gạo, hai đầu thon đều anh ánh màu ngà. Đúng là hạt ngọc trời. Đến cái màu vàng của đồng luá De An Cựu cũng khác xa cái màu vàng thếch của những cánh đồng lúa ngắn ngày. Đó là thứ vàng ròng. Vàng như từ trong cổ tích vàng ra. Tơ tơ ươm ươm trong sương mù buổi sáng sớm, rồi bắt nắng mai phô phai rực rỡ như một bức tranh lụa tuyền vàng. Càng đẹp hơn khi chen giữa màu vàng là vài sắc xanh rơi rớt của những thửa ruộng muộn. Giữa một biển lúa vàng, nét gam xanh như một bước đi mềm mại gợi nhớ những mối tình quê và bước chân ai Tư Mã.

Lưu bản nháp tự động
Bản vẽ giải thửa xứ Cồn Miếu-nơi có ruộng gạo de An Cựu

Lúa De An Cựu gặt về để thành gạo còn phải qua nhiều khâu nữa. Trước hết là ủ mát cho màu vàng hạt lúa sậm lại. Rồi phơi nắng cho hạt lá nõ như đất ải, khi đong nghe tiếng lúa rào rạo như kim loại. Hạt lúa De nếu đem xay xát bằng máy thì hỏng, bởi hạt gạo sẽ bị vỡ hình hài và lớp vỏ cám mỏng sẽ bị máy tuốt mất. Gạo De chính hiệu phải được xay bằng cối xay tay, giã bằng cối gỗ và sàng bằng sàng tre. Từ hạt giống lúa De nằm dãi gió dầm mưa trên cánh đồng An Cựu năm sáu tháng trời, cho đến hạt gạo De trắng ngà đựng trong chiếc hủ sành là cả một quá trình cực nhọc. Đó là cuộc hành trình của niềm tin, khả năng lao động bền bỉ để sống còn của người nông dân.

Nhưng có hạt gạo De trong nhà hạnh phúc mới chỉ là một nửa. Nửa còn lại là phần cơ cực của hạt gạo, chịu đi qua lửa nóng và vùi mình trong tro ấm để được dẻo thơm một bát cơm đầy. Bưng bát cơm gạo De An Cựu, lòng ta hàm ân cái vết bầm trên vai mẹ, những nốt chai sần trên tay cha. Nghe trong hương thơm như điếc mũi có gió mùa đông bắc, nắng xuyên khoai và sương mù buổi sáng. Và lúc này, bát cơm gạo De An Cựu không chỉ đơn thuần nuôi sống con người, mà còn là nguồn thực phẩm nuôi sống tâm thức, nhắc nhở con người về lẽ sống mà từ lâu chúng ta đã gần như quên lãng: hạnh phúc là những gì giản dị nhất trong đời.

Gần đây, trong xu thế đô thị hoá, cánh đồng An Cựu xưa cũng đã thay đổi hình dạng: lom mom nhà, lom mom phố. Gạo De An Cựu chừ cũng chỉ còn trong câu ca dao xưa:

Tôm rằng bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo De An Cựu mà nuôi mẹ già

Tôi đi qua cánh đồng An Cựu xưa nghe lòng đầy nuối tiếc. Những chân ruộng lúa De vàng rực trải dài trong ảo giác. Chợt lòng cộm lên một câu hỏi: rằng những cậu bé của cánh đồng An Cựu ngày sau sẽ nuôi mẹ bằng gì?