Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống, ấy mới cho thấy cái sự cao thâm của Trạng Trình trong thời ly loạn cuối đời Lê.
Thời này, cuộc tranh chấp quyền bính đã xảy ra gay gắt giữa năm bè bảy lối: Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, họ Mạc, họ Lê, rồi quan lại, quân đội… rối mù như một mớ bòng bong. Mà con người như con ruồi con muỗi đã không còn biết đường nào là đường sống nữa.
Tỏ ra theo với bè phái này thì bè phái kia thù oán. Tỏ ra chống đối bè phái nọ thì bè phái khác thấy hại đến mình. Tìm cách lọt vào cửa này thì cửa khác bất bình. Tìm cách lánh xa tất cả thì tất cả thù ghét.
Kẻ dại chui đầu vào chỗ chết mà chết đã đành. Kẻ khôn tìm đường sống thì đường nào cũng có thể đầy chông gai để mà chết cả.
Bởi cái khôn hay cái dại của người đời, thường đã chỉ tính với cái thực tại hiện hữu, ít có ai biết tính với cái biến dịch tương lai, biến dịch của mình, của người, của bạn, của thù, của thế cuộc. Biến dịch của sự việc, của tâm trạng, của tiềm thức, của trời, của đất. Hễ không biết được lẽ biến dịch ấy thì đừng hòng tìm thấy đường sống.
Cho nên bảo rằng biết người biết mình trăm trận đánh trăm trận thắng là còn chưa đạt lý. Phải biết cả biến dịch của mình và người nữa để thích ứng thì mới là đạt vậy.
Điều đó, áp dụng vào thực tế là biết khôn, biết dại, biết làm mặt khôn, biết làm mặt dại, biết để người ta dùng cái mặt khôn của mình, như dùng cái mặt dại của mình, nghĩa là con người phải hoàn toàn làm chủ cuộc cờ ở trong thời ly loạn mới mong sống được.
Cái cuộc cờ sống của Trạng Trình ấy, nó không phải chỉ bày ra cho vài cá nhân, mà bày ra cho sự sống của toàn dân tộc.
Đối với dòng họ Mạc, có thao lược và vũ dũng, Trạng Trình khuyên rút về đất Vườn Cam (Cao Bằng) để canh chừng quân Tàu tràn qua xâm lấn. Đối với dòng họ Nguyễn, không có đất dung thân, Trạng Trình đẩy vào miền Thuận Hóa để mở mang thêm bờ cõi. Đối với dòng họ Trịnh muốn thay ngôi nhà Lê, Trạng Trình bảo năm nay được mùa, lấy thóc giống cũ ra mà gieo và giữ chùa thờ Phật thì ăn oản.
Cái thế quốc gia ngăn ngoại xâm ở phía Bắc, mở rộng biên cương ở phía Nam và giữ nền nếp cũ ở trung ương, là thế cờ chân vạc mà Gia Cát Khổng Minh đã từng bày ra ở Trung Hoa. Đó là cái thế cờ để cho cả quốc gia dân tộc tìm thấy đường sống vậy.
Thảng hoặc không có thế cờ ấy của Trạng Trình, bọn Chúa Trịnh có thể làm liều không thờ Phật mà nhảy lên làm Phật, thì Trung Hoa tất có cơ xua quân qua chinh phạt, dòng họ Mạc sẽ phụ họa theo và dòng họ Nguyễn sẽ cứ lục đục ở bên này Đèo Ngang, làm sao đất nước mở rộng nổi đến Cà Mau?
Nhà tiên tri sự việc 500 năm về trước và 500 năm về sau(*) quả đã là một người biết vậy.
(*) Người đời vẫn cho rằng Trạng Trình là người tinh thông lý học, tướng số. Theo đó, tác phẩm “Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm”, còn gọi là “Sấm Trạng Trình” bao hàm những lời tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm về các biến cố chính của dân tộc Việt trong khoảng 500 năm (cho rằng từ năm 1509 đến khoảng năm 2019). Nhiều nội dung trong sấm ký hiện đã được giải mã, chứng minh tính đúng đắn. Tiếc thay, Sấm Trạng Trình còn lưu lại cũng có nhiều dị bản, bị thay đổi theo thời gian, không thể xác định đâu là bản gốc.