Khuôn viên thành phố Sài Gòn ngày nay, được bao bọc trong các con đường Lê Thánh Tôn (Espagne) – Pasteur (Pellerin) – Lý Tự Trọng (La Grandière, Gia Long) – Đồng Khởi (Catinat, Tự Do), có một vị trí đặc biệt trong không gian đô thị Sài Gòn từ những buổi đầu: nó là một phần của thành Quy và là điểm cuổi của một con kinh dẫn thẳng ra sông Sài Gòn.
Thành Bát Quái-thành Quy tồn tại từ năm 1790, do Nguyễn Ánh xây dựng trên khu đất gò thôn Tân Khai để thiết lập Gia Định kinh với chu vi 3,8 km cho đến khi bị phá hủy năm 1835. Thành được xây theo kiểu Vauban bằng đá tảng Biên Hòa, gạch nung, hay đắp bằng đất tùy chỗ, do Lebrun vẽ họa đồ và kỹ sư Victor Olivier de Puymanel trông coi việc xây dựng.
Hiện ngã tư Lê Thánh Tôn – Pasteur là góc phía Nam của thành và đoạn đường Đồng Khởi từ Lý Tự Trọng đến Lê Thánh Tôn chính là một trong 8 cổng thành, do đó ngay ô đất chính quyền hiện tại, đường Pasteur và Đồng Khởi có một độ dốc xuống nhẹ khi ra khỏi khu vực thành cũ. Trong đợt khảo sát năm 1926, Jean Bouchot đã khám phá một phần di tích bức tường thành này ở một hố khai quật tại góc đường Đồng Khởi – Lý Tự Trọng.
Trên khu đất này, hai tòa nhà 86 Lê Thánh Tôn và 59-61 Lý Tự Trọng đã được đưa vào danh sách bảo tồn cảnh quan kiến trúc thành phố và danh mục các công trình bảo tồn và được công nhận di sản văn hóa
Tòa nhà 86 Lê Thánh Tôn
Năm 1870, chính quyền Pháp cho xây dựng một nhà làm việc chính thức cho Hội đồng thị xã. Khu Kinh Lấp (đường Nguyễn Huệ) đã được lưu ý đầu tiên, nhưng vẫn còn e ngại về vấn đề đổ móng xây nền vì nơi đây là vùng đất bùn nên dự án kéo dài trong nhiều năm.
Hội đồng thị xã do một xã trưởng Tây đứng đầu nên được gọi là Dinh xã Tây (còn có tên Dinh đốc Lý) chính là tòa nhà UBND hiện nay, tên tiếng Pháp Hôtel de Ville. Thời kỳ thuộc chính quyền Sài Gòn, một chức Ðô trưởng được đặt ra để trông coi thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn mà trụ sở đặt tại đây, nên dinh này được đổi tên là tòa Ðô Chính, hay còn gọi là tòa Đô sảnh. Theo bản đồ năm 1958, cánh trái của của tòa nhà còn được dùng làm Tòa Thị Sảnh quận 1 (số 113 trong bản đồ).
Dinh xã Tây bắt đầu được xây dựng từ 1898 và hoàn thành năm 1908 theo họa đồ của kiến trúc sư Femand Gardès, riêng phần trang trí ban đầu do họa sỹ-điêu khắc gia Ruffier đảm trách. Tổng chi phí khoảng một triệu rưỡi franc. Năm 1909 tòa nhà được khánh thành với sự tham dự của viên toàn quyền Ðông Dương nhân kỷ niệm 50 năm duy trì chánh quyền thực dân Pháp tại Sài Gòn (1859-1909).
Tòa nhà là một kiến trúc biểu tượng của thành phố, gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ công dân. 30 mét mặt tiền là trích dẫn hầu hết các yếu tố tạo thành phong cách kiến trúc thời Đệ tam cộng hòa Pháp (1870-1940): tháp chuông, cột Hy Lạp, tràng hoa, huy hiệu. Các chi tiết trang trí được thực hiện với độ tinh xảo cao. Chính giữa mặt tiền là một kiểu trang trí đắp nổi có hình dáng một người phụ nữ mạnh khỏe và một đứa bé đang chế ngự thú dữ, hai bức đắp nổi người phụ nữ cầm gươm ở hai bên tượng trưng cho nước Pháp đi chinh phục thuộc địa. Màu sơn từng được sử dụng cho tòa nhà là trắng hoặc vàng. Về trang trí nội thất, ít có công trình nào sánh được về tính cầu kỳ, đa dạng bởi sự kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Phía trước dinh là một bãi cỏ rộng có ghế đá và bồn kèn – nơi ban nhạc của hải quân Pháp trình diễn cho công chúng xem.
Tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng
Vị trí này trước đây là tòa nhà Nha giám đốc nội vụ, người dân gọi là Dinh Thượng Thơ, do chính quyền xứ Nam Kỳ xây vào những năm 1860 với vai trò điều hành trực tiếp của các Thanh tra sự vụ bản xứ về toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa, về mặt hành chính đương thời chỉ quan trọng sau Dinh Norodom (phiên bản trước của Dinh Độc Lập ngày nay).
Cho đến năm 1888, chức năng của cơ quan này được nhập vào Thơ Ký Thống đốc Nam kỳ (vị trí 213 Đồng Khởi) và bản đồ năm 1890 cho thấy một tòa nhà quy mô lớn hơn được xây dựng như hiện nay. Vào đầu thế kỷ 20, cơ quan này còn có tên là Văn phòng chính phủ cùng các bộ phận như thanh tra lao động và office colonial du combattant (tiếng Việt?).
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tòa nhà có một giai đoạn ngắn được dùng làm trụ sở Bộ nội vụ, kể từ năm 1955 là Bộ kinh tế của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Tòa nhà còn xuất hiện trong phim Người Mỹ thầm lặng bản năm 1958. Hiện nay tòa nhà là trụ sở của Sở Công thương và Sở thông tin-truyền thông.
Tòa nhà được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, nay đã hơn 120 năm tuổi và vẫn còn giữ được chiếc cổng sắt được thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh.
Tòa nhà 213 Đồng Khởi
Thời Pháp thuộc nơi này là Dinh Tổng Chưởng lý (xem bản đồ 1890). Trước 1975 đây là trụ sở của Bộ quốc phòng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tháng 11 năm 1963 tòa nhà đã bị nhân viên ở đây phóng hỏa nhằm thủ tiêu tài liệu sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm. Hiện nay nơi đây là trụ sở của Sở giao thông vận tải và Sở Tài nguyên-Môi trường và vẫn còn giữ kiến trúc thời trước 1975.