Bài nầy chỉ viết sơ lược về đường hướng giáo dục ở Việt Nam (VN) trong khoảng thời gian 1954-1974 (1974 là năm mà những tài liệu liên quan được gom góp lại và trình bày dưới đề tài triết lý giáo dục). Những sự kiện nào xảy ra trước 1954 được áp dụng cho toàn cõi VN. Những gì xảy ra trong khoảng 1954-1974, chỉ áp dụng cho Miền Nam Việt Nam dưới vĩ tuyến 17, hay Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) mà thôi.

Lịch sử phát triển giáo dục ở VN

Căn bản của sự phát triển hệ thống giáo dục VN trong thời gian 1954-1974 có thể xem như bắt nguồn từ sự phổ biến quyển Luật lệ về Giáo Dục của Albert Sarraut, toàn quyền Liên Bang Đông Dương, vào năm 1917. Trước khi người Pháp ban hành một chính sách giáo dục ở VN, trong một thời gian nhiều thế kỷ, VN đã rập khuôn theo hệ thống giáo dục Khổng giáo. Mặc dù Liên Bang Đông Dương được thành hình từ 1887, mãi đến 1917 người Pháp mới thành công trong việc thành lập một chính phủ ổn định cho Liên Bang và quyết định thay thế nền giáo dục cũ bằng hệ thống giáo dục Pháp. Đây chỉ là sự áp đặt nền giáo dục Pháp vào xã hội VN (và Đông Dương nói chung).

Pháp đã dùng giáo dục như là một dụng cụ phổ biến văn hóa Pháp đến các thuộc địa. Pháp ngữ đã được dùng làm chuyển ngữ chính thức ở các học đường và trong các cơ quan công quyền. Trừ những năm đầu của bậc Tiểu Học, quốc ngữ (Việt ngữ) chỉ giữ một vai trò nhỏ trong chương trình học như là một ngoại ngữ. Tình trạng nầy kéo dài cho đến năm 1945, khi chánh phủ Trần Trọng Kim được thành lập. 

Ngày Phụ Nữ VN năm 1958 - Vietnamese Women Seek Equality -… | Flickr

Thủ Tướng Trần Trọng Kim cho xúc tiến và thay đổi trong giáo dục và cho bắt đầu một chương trình giáo dục VN. Chương trình mới nầy có tên “chương trình Hoàng Xuân Hãn.” Trên thực tế, chương trình nầy là bản dịch của chương trình đã dùng dưới thời Pháp thuộc. Việt ngữ, Khoa học và Toán học được chú trọng. Trung và Bắc Phần VN bắt đầu dùng Việt ngữ trong việc giảng dạy ở bậc Trung Học. Tuy nhiên, thực sự chưa có gì thay đổi một cách sâu rộng, vì hệ thống trường học và chương trình vẫn rập khuôn theo chương trình Pháp.

Sau 1945, tinh thần độc lập và tinh thần quốc gia càng ngày càng sáng tỏ hơn. Chính điều nầy là chất xúc tác cho việc phát triển của hệ thống giáo dục địa phương. Từ năm 1951, ở Nam Phần VN tất cả các môn học ở bậc Trung Học đều được giảng dạy bằng Việt ngữ. Và cứ mỗi năm sau đó, Việt ngữ được dùng ở lớp kế tiếp cho đến khi tất cả các lớp ở bậc Trung Học đều dùng Việt ngữ.

Trước khi có một nền giáo dục dạy bằng tiếng Việt cho Tiểu Học và Trung Học, VN đã nhận hai truyền thống giáo dục: truyền thống “Khổng giáo” hay “Nho giáo” của Trung Hoa và  truyền thống “cổ điển” của Pháp.

Sau đó VN nhận thêm truyền thống giáo dục “thực tiễn” của Hoa Kỳ (HK).

Nhân bản, dân tộc, và khai phóng

Một số ý kiến về cải tổ giáo dục trước năm 1954

Ngay trong thời Pháp thuộc, một số nhân sĩ  VN đã tỏ bày với các vua nhà Nguyễn về những ý tưởng liên quan đến việc hiện đại hóa giáo dục ở VN. Các ông Đinh văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Định, Nguyễn Trường Tộ là những người tiên phong.  Những vị trong phong trào Đông du cũng đã phổ biến những ý tưởng về cải tổ giáo dục.  Từ năm 1941, đã có những bình luận về các khuyết điểm của giáo dục VN.  Có người đã chỉ rõ rằng cải tổ là một điều phải làm. 
Đại ý của khuynh hướng mới nầy là làm sao có một nền giáo dục mới thích hợp với nhu cầu của xã hội tương lai.  Mẫu người Việt lý tưởng được nêu ra với những đặc điểm sau:  một cơ thể mạnh khỏe,  hoạt động,  tự tin, có óc khoa học, và thực tiễn, và có một tinh thần quốc gia.  Ngay từ năm 1948, Hội thảo giáo dục toàn quốc có nhấn mạnh đặc điểm kiến tạo tuổi trẻ như là một điều cần thiết cho sự sinh tồn của quốc gia.

Ý tưởng  về cải tổ giáo dục sau năm 1954

Năm 1954, Pháp ký hiệp đinh Geneva, giao miền bắc vĩ tuyến 17 cho cộng sản VN, và miền Nam vĩ tuyến nầy cho một chánh phủ thuộc khối tự do. Xin nhắc lại, tất cả những sự kiện lịch sử hay giáo dục trong khoảng 1954-1974 chỉ liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa hay Nam VN mà thôi.  Năm 1955 quân đội Pháp hoàn toàn rút khỏi Nam VN và đệ nhất Cộng Hòa được thành lập. Trong khung cảnh chính trị đó, trong những năm đầu của nền Cộng Hòa, giáo dục chỉ là một sự nối tiếp  của những gì đã có. Với không khí mới của một nền Cộng Hòa, nhiều ý tưởng giáo dục mới được bàn cãi rất nhiều.  Nhưng thực sự những người có trách nhiệm về giáo dục còn lúng túng, và đang tìm một hướng đi cho giáo dục VN lúc đó.

Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng, một triết lý giáo dục mới

Cuộc “Hội thảo Giáo dục Toàn Quốc” (lần thứ nhất) được tổ chức năm 1958. Hội thảo đã chú ý tới và đem đến cho giáo dục VN một cái nhìn mới liên quan đến triết lý giáo dục bằng cách đề nghị ba nguyên tắc hướng dẫn cho một nước Cộng Hòa VN trong khuynh hướng dân chủ. Ba nguyên tắc (hay đường hướng, triết lý) đó là: “Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng.”

· Giáo dục VN là một nền giáo dục “nhân bản”:

Giáo dục phải tôn trọng những giá trị thiêng liêng của con người, coi con người là một cứu cánh, và chú trọng vào sự phát triển toàn diện của con người.

· Giáo dục VN phải là một nền giáo dục “dân tộc.”

Giáo dục phải tôn trọng những giá trị quốc gia và phù hợp với hoàn cảnh thiên nhiên của con người (gia đình, nghề nghiệp, quốc gia) và bảo đảm cho sự sinh tồn và phát triển của quốc gia dân tộc.

· Giáo dục VN phải là một nền giáo dục khai phóng:

Giáo dục phải dùng phương pháp khoa học như là một yếu tố của tiến bộ, phát triển thái độ xã hội và dân chủ, và kính trọng giá trị văn hóa chân chính của mọi quốc gia trên thế giới.

Ba đường hướng triết lý giáo dục  trên được coi như là căn bản triết lý cho mọi thay đổi về chương trình hay tổ chức học đường cho những năm tiếp theo. 

Đường hướng “dân tộc” là một ước nguyện tối cao của dân VN trong thời điểm lịch sử đó và sẽ đứng vững mãi trong lòng dân tộc VN.   

Đường hướng “nhân bản” rất cao quý, có tính cách phổ quát và có thể áp dụng cho bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Trong thực tế, từ nhân bản đã có nguồn gốc từ truyền thống “giáo dục tổng quát” hay “kiến thức tổng quát” (culture générale tradition) ở Pháp. Alfred Bouglé đã diễn tả truyền thống nầy như sau: “Truyền thống nầy gồm có ba đặc điểm: có tính cách nhân bản (humanism), có liên hệ đến việc giảng dạy xã hội học, và có liên hệ đến việc giảng dạy triết học.” Theo ông Bouglé, nhân bản là sự bổ túc và hỗ trợ cần thiết cho lý thuyết cá nhân (individualism). 

Tuy nhiên “nhân bản và dân tộc” đều có tính cách trừu tượng, nên khó thể hiện qua một chương trình học thực cụ thể, rõ ràng. Môn Công Dân Giáo Dục và môn Sử được dùng trực tiếp trong việc thể hiện hai đường hướng trên. Ngoài ra, sự thể hiện đã rải rác trong các buổi tu nghiệp giáo chức, những bài diễn văn trong các buổi lễ khai trường, hay các buổi phát phần thưởng cho những học sinh ưu tú. 

Chỉ có đường hướng “khai phóng” là nổi bật trong những công cuộc cải tổ chương trình học, và việc thay đổi tổ chức các học đường để tiến theo trào lưu mới trên thế giới.  

Hội Thảo Giáo Dục Toàn Quốc thứ hai năm 1964

Mặc dầu có biến cố chính trị đưa đến sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa vào năm 1963, và các khủng hoảng chính trị trong những năm tiếp theo, Bộ Quốc Gia Giáo Dục (sau nầy có tên Bộ Văn Hóa và Giáo Dục) vẫn tiếp tục nhiệm vụ thường xuyên trong việc tổ chức các kỳ thi trên toàn quốc ở Nam VN, và vẫn tiến hành các việc đã dự định. 

Năm 1964, một cuộc “Hội Thảo Giáo Dục Toàn Quốc” thứ hai được tổ chức với hai đề tài đặc biệt. 

Đề tài đầu tiên là sự tổ chức lại hệ thống học đường với dự án nhấn mạnh sự học hành liên tục từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy rằng cuộc hội thảo không hề nhắc đến một phong trào giáo dục mới ở Pháp có tên là phong trào “học đường độc đáo” (l’école unique) trong thời gian trước và cả sau thế chiến thứ 2 (1939-1945) mà dự án Hội Thảo 1964 đã phỏng theo. Bên Pháp, ý tưởng về l’école unique, với trọng tâm đặt vào sự khác biệt cá nhân của mỗi học sinh, cũng gây tranh luận sôi nổi một thời gian gần hai thập niên, mới được đem ra áp dụng. 

Đề tài thứ hai là sự xác nhận lại ba đường hướng căn bản: “Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng”, đã được thảo luận và chấp nhận trong cuộc hội thảo sáu năm về trước.

Dầu có nhiều cố gắng cải tổ, giáo dục VN cho đến thời điểm 1964-1965 vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của giáo dục Pháp. Tuy nhiên, với đường hướng triết lý “khai phóng”, chúng ta thấy có một luồng gió mới trong giáo dục.

Tóm lại,  trong ba đường hướng chính của triết lý giáo dục VN trong thời gian 1954-1974, khuynh hướng khai phóng được thể hiện một cách rõ rệt nhất. VN muốn tiến theo đà tiến bộ về kỹ thuật, và sự mở rộng về hợp tác của thế giới, nên đã thực thi đường hướng phát triển khai phóng.

Ba truyền thống

Truyền thống giáo dục Nho giáo

Có thể nói trong 10 thế kỷ trước khoảng thời gian 54-74, cuộc sống ở VN mang tính chất Khổng giáo hay còn gọi là Nho giáo. Mặc dầu vài thế kỷ sau cùng VN có nhiều tiếp xúc với văn minh Tây phương, nhưng ảnh hưởng của Nho giáo trên các liên hệ xã hội và tổ chức xã hội vẫn còn rất nhiều.

· Nguồn gốc

Nho giáo, có nguồn gốc ở Trung Hoa (TH) có thể coi như một hệ thống đạo đức học, một triết học, hay một tôn giáo. Những điều giảng dạy của Khổng Tử đều đặt căn bản trên nguyên tắc đạo đức và sự liên hệ giữa con người với nhau. Khổng Tử ít chú trọng vào những lý luận liên hệ đến siêu hình học. Ông nghĩ rằng chỉ trừ những bậc thiên tài, người thường không thể và không cần hiểu những vấn đề siêu hình. Ông không coi mình là người sáng lập ra một tôn giáo và cũng không giảng dạy về tôn giáo. Chính các môn đệ của ông và những học giả nho gia đã phổ biến triết lý của ông qua những tác phẩm của họ. Những quyển sách liên hệ đến Nho giáo và các ý tưởng của Khổng Tử gồm có Ngũ Kinh (Kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, và Kinh Xuân Thu), và Tứ Thư (Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử, và Luận Ngữ). 

· Những nguyên tắc căn bản của Nho giáo

Theo ông Lin Yutang, (Lâm Ngữ Đường)  nhận định triết lý cao đẹp nhất của Khổng Tử là sự đo lường con người bằng con người. Khổng Tử chú trọng nhiều vào sự liên hệ giữa con người. Ông coi sự rèn luyện về đạo đức là sự quan trọng nhất cho trật tự thế giới. Việc tự rèn luyện về đạo đức giúp điều hành đời sống gia đình và do đó đưa đến trật tự quốc gia. Để đạt được những liên hệ tốt đẹp, con người cần phải hoàn tất năm nhiệm vụ căn bản. Đó là nhiệm vụ giữa kẻ cầm quyền và người dân; giữa cha con, giữa vợ chồng;  giữa anh (chị) em; và giữa bạn bè với nhau. 

Có năm nguyên tắc căn bản về đức hạnh mà con người phải theo để tự giáo dục và để có những liên hệ hỗ tương tốt đẹp. Đó là: nhân & nghĩa, hay tình thương và tình nhân loại được thể hiện bằng hành động; lễ, hay là việc áp dụng các nghi thức; trí: sự tự học và tự rèn luyện; và tín: tạo sự tin cậy, giữ được sự tin cậy. 

Khi các môn đệ hỏi ông về chữ nhân, câu trả lời của Khổng Tử đã thay đổi tùy theo trình độ học thức của từng đồ đệ. Nhân có thể giải thích là tử tế, hiền hòa, có tình nhân loại. Nhân cũng có thể hiểu là luật trời, hay luật thiên nhiên. Nói chung, nhân có nghĩa là tình thương. Lễ bên trên áp dụng cho cá nhân.

Nho giáo còn giải thích xa hơn về quan niệm lễ và nhạc. Lễ, quan niệm rộng, là một trật tự xã hội hợp lý với những thái độ xã hội rõ ràng giữa những cá nhân.  Lễ có thể coi như sự kính trọng lẫn nhau. Nó còn có nghĩa cao hơn: đó là tinh thần tôn trọng kỷ luật của hành vi của mỗi người. Lễ đã được bàn nhiều trong sách Lễ Kinh và trong quyển Luận Ngữ. Ý niệm về  “nhạc” tăng thêm phần quan trọng của “lễ”, vì nhạc là sự hòa điệu của thiên nhiên. Lễ và nhạc đem lại sự điều hòa trong cuộc sống vì chúng ảnh hưởng đến tình cảm con người.

Trong Nho giáo, nguyên tắc “lễ nhạc” được áp dụng vào cả chính trị. Nhà cầm quyền theo nho giáo, phải cố gắng đặt để mọi vật, mọi việc đúng vào trật tự của chúng. Và do đó sẽ có một xã hội hợp lý trong đó con người có thể sống hòa hợp với nhau.

· Nho giáo và giáo dục:

Giáo dục là một phần rất quan trọng trong những điều giảng dạy của Khổng Tử, nhứt là sự  tự giáo dục để đạt đến tình trạng hòa điệu cá nhân, một sự cần thiết cho việc đạt thành sự hòa điệu trong chiùnh trị. Một trật tự xã hội hợp lý sẽ được thể hiện cho toàn quốc khi đã có một sự hòa điệu về chính trị. Giáo dục, vì vậy, có địa vị cao nhất trong xã hội và là điều cần thiết cho mọi người. 

Khổng Tử đã trình bày một phương thức dạy và học mà trong ấy “hướng dẫn” giữ vai trò quan trọng. Theo ông, tự giáo dục chính mình là cách duy nhất để trở nên người “quân tử”, và giáo dục là cách duy nhất để người quân tử văn minh hóa dân chúng. Phải có thực tâm chú trọng đến giáo dục, vì không có giáo dục thì con người không thể trở nên khôn ngoan và không hiểu được luật luân lý. 

· Ảnh hưởng tổng quát giáo dục của Nho giáo

Từ thế kỷ đầu trước Giáng sinh đến thế kỷ 20 sau Giáng sinh, những điều giảng dạy của Khổng Tử đã có ảnh hưởng sâu đậm vào văn hóa TH. Vào thế kỷ thứ 2 sau Thiên Chúa, các kinh sách của ông đã được tuyên bố là sách giáo lý của TH và được dùng làm sách giáo khoa cho học sinh. Các sách nầy, về sau cũng được dùng ở Đại Hàn, Nhật, và VN. Ở TH, hệ thống thi tuyển công chức là một truyền thống của nho giáo, trong đó Ngũ Kinh và Tứ Thư vẫn là sách giáo khoa chính. Ngay cả đời Đường và Tống vào thế kỷ 12 và 13, khi Phật giáo có nhiều ảnh hưởng hơn Khổng giáo trong triều đình, các vị quan lại ở triều cùng các vị Thống Đốc ở tỉnh và một số quan chức khác ở các địa phương vẫn được tuyển chọn bằng các kỳ thi theo Khổng giáo. 

Những điều giảng dạy của Khổng Tử đã đứng vững không thử thách cho đến đầu thế kỷ 20 và là một phần không thể tách rời ra khỏi xã hội TH, Đại Hàn, Nhật, và VN cho đến thời cận, và hiện đại. Một cá nhân có thể cho mình là người theo Đạo giáo, Phật giáo, hay Công giáo, nhưng đồng thời người đó vẫn là một người của Nho giáo trong cuộc sống hàng ngày.

· Ảnh hưởng của giáo dục Nho giáo ở VN

Từ thế kỷ thứ 10 đến đầu thế kỷ thứ 20, VN đã ở dưới ảnh hưởng của nền giáo dục Nho giáo. Lịch sử văn minh VN cho chúng ta thấy VN có những đặc điểm văn hóa có tính chất thuần túy VN. Tuy nhiên, VN trong thời gian vừa nói đã có một nền giáo dục rập khuôn theo giáo dục Nho giáo. Có ba điểm chánh trong ảnh hưởng giáo dục nho giáo ở VN.

– Việc dùng chữ Hán, giọng Hán Việt, và việc giảng dạy luân lý:

Chúng ta đã mượn chữ TH (chữ Hán) để làm chữ viết và đọc theo cách riêng của VN gọi là giọng Hán Việt (HV). Chỉ có những người VN có học chữ Hán mới biết đọc chữ Hán, giọng HV, và mới hiểu những chữ nầy. 

Trong suốt thời gian dài từ đầu thế kỷ thứ nhất cho đến cuối thế kỷ 19, chỉ có một thiểu số biết chữ Hán hay còn gọi là chữ Nho. 

Sau nầy khi quốc ngữ trở thành phổ thông, việc dùng những chữ HV (viết bằng quốc ngữ) cũng bành trướng theo. Hiện tại, có  khoảng 60 phần trăm những chữ trong ngôn ngữ VN là chữ HV hoặc biến thể từ tiếng HV. 

Trong học đường, môn Luân Lý ở cấp Tiểu Học, hay Công Dân Giáo Dục ở cấp Trung Học là một môn học bắt buộc. Những bổn phận của con người như bổn phận đối với thầy, với cha mẹ, với bạn bè và với tha nhân được giảng dạy trong nhiều năm. Đây là những điều căn bản trong thang giá trị của Nho giáo.

– Kỳ thi tuyển chọn nhân tài làm công chức

Kỳ thi tuyển chọn nhân tài theo Nho giáo bắt đầu ở VN vào thế kỷ 11, năm 1075, đời nhà Lý. Kỳ thi nầy được cải tổ dưới đời nhà Trần (1225-1400). Các kỳ thi nầy có những thay đổi trong các triều đại kế tiếp nhưng không ngoài khuôn khổ của Nho giáo. Những người thi đậu đã giữ những vai trò quan trọng trong xã hội và những chức vụ cao cấp trong guồng máy hành chánh công quyền. Dưới đời Trần, Phật giáo cũng phát triển mạnh. Nhiều học giả Phật giáo đã nắm vai trò cố vấn cho các vua. Tuy nhiên, trong giáo dục, Nho giáo vẫn giữ vai trò chánh yếu.

– Sự liên hệ giữa thầy trò và giữa con cái với gia đình:

Trong nấc thang giá trị của giáo dục Nho giáo, người thầy có một địa vị cao quí. Ngay cả ông vua cũng  kính trọng vị thầy của mình. Trong xã hội, về phương diện tinh thần, sự kính trọng thầy còn cao hơn người cha trong gia đình:

Muốn khôn thì phải có thầy,
Không thầy dạy dỗ đố mầy làm nên.

Trong tiếng nói của VN, sự kính trọng thầy được diễn tả qua cách xưng hô. Người nghe có thể nhận định ngay vai trò và thứ bực xã hội trong cách xưng hô. Sự kính trọng thầy vẫn là một truyền thống tốt đẹp, và lẽ dĩ nhiên là cách dạy và cách học phải thay đổi cho kịp với sự tiến bộ và những tiêu chuẩn chung ở xứ mới.

– Đặt trọng tâm của xã hội vào đại gia đình.

Theo truyền thống nầy, đại gia đình quyết định nhiều khía cạnh của sự phát triển của những cá nhân trong gia đình ấy.

Về ưu điểm, trong một hệ thống xã hội xưa không có bảo đảm hay bảo kê về tài chánh, đại gia đình là nguồn giúp đỡ hữu hiệu nhất cho tương lai của những người trong gia đình. Sức mạnh của gia đình về cả vật chất lẫn tinh thần đều giúp đỡ cho sự thành công của cá nhân. 

Nhưng cũng có những khuyết điểm như sự phát triển của cá nhân bị hy sinh cho ý muốn của gia đình. Cho tới ngày nay, vẫn còn nhiều trường hợp con cái đã học những ngành chuyên môn theo ý muốn hay ý thích của cha mẹ hơn là học ngành mình thích. Một số sự đổ vỡ giữa con cái và cha mẹ do đấy mà ra.

Truyền thống cổ điển của Pháp

Truyền thống cổ điển về triết lý văn hóa giáo dục của Pháp đã có trước thời kỳ cách mạng dân chủ. Đó là triết lý về một nền văn hóa quốc gia hợp nhất, không chia cắt. Trong quyển “Tham luận về giáo dục”, Charlotais, vào thế kỷ 18, đã đưa ra một đường hướng và động lực đầu tiên cho nền giáo dục quốc gia Pháp. Ông đề nghị rằng hệ thống giáo dục phải do dân chúng kiểm soát và phải là mối quan tâm của quốc gia. Ông nhấn mạnh ở điểm là những thường nhân, chớ không phải là những người của các tôn giáo, phải có tiếng nói trong giáo dục.  

Hiến pháp 1791 của Pháp qui định rõ vai trò của quốc gia trong giáo dục. Hiến pháp đó ghi rõ là quốc gia bảo đảm cho mọi đứa trẻ và người lớn có cơ hội đồng đều được nhận lãnh giáo dục, được đào tạo chuyên nghiệp và văn hóa. Tổ chức giáo dục công lập không có tính cách tôn giáo, và là giáo dục miễn phí cho mọi cấp bậc, cũng là bổn phận của quốc gia. 

Qua nghị định 1806 và 1808, Hoàng Đế Napoléon đã đặt giáo dục là một phương tiện của quốc gia với một tổ chức rất phức tạp có nhiều cấp bực. Tổ chức đó cho đến 1968 vẫn còn kiểm soát hữu hiệu nền giáo dục Pháp quốc. 

Đó là một tổ chức trung ương tập quyền mà trên hết là vị Bộ Trưởng Giáo Dục. Bộ nầy kiểm soát mọi hoạt động giáo dục từ Mẫu Giáo cho đến Đại Học kể cả công lẫn tư, từ chương trình cho đến việc đào tạo giáo chức, và việc tổ chức các kỳ thi trên toàn quốc.

Sự kiểm soát nầy được thực hiện qua các giáo chức do bộ tuyển chọn. Giáo dục tư lập tuy được hưởng một mức độ độc lập về một vài khía cạnh, nhưng vẫn thuộc dưới quyền kiểm soát gián tiếp của Bộ Giáo Dục. Sự kiểm soát nầy không nhắm vào chương trình học, mà là để bảo đảm rằng những điều giảng dạy không trái với luật pháp quốc gia, và để bảo đảm rằng trường ốc có đủ an ninh và vệ sinh. Thêm vào đó, các học sinh tư thục cũng phải trải qua những kỳ thi toàn quốc.

· Những kỳ thi toàn quốc

Các kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp (THĐNC) và Đệ Nhị Cấp (Tú Tài) là truyền thống của nền giáo dục tập trung đó. Những kỳ thi nầy bắt nguồn từ thế kỷ thứ 13, khi Viện Đại Học Sorbonne đưa ra quyết nghị để định xem coi học sinh Trung Học có đủ khả năng để tiếp tục việc học ở Đại Học không.

Trước năm 1965, Pháp có hai kỳ thi Tú Tài: Tú Tài 1 và Tú Tài 2. Sau năm 1965, Pháp chỉ còn giữ lại kỳ thi Tú Tài 2. Bằng Tú Tài 2 là chìa khóa cửa vào Đại Học. Cũng từ năm nầy, Bộ Giáo Dục Pháp chuyển quyền thi cử cho các Khu Học Chánh địa phương, và chỉ giữ quyền kiểm soát thôi.

Cho mãi tới năm 1974, lúc tài liệu được tham khảo cho vấn đề giáo dục VN (1954-1974), bằng Tú Tài 2 vẫn còn là chiếc chìa khóa mầu nhiệm mở cửa vào các Đại Học ở Pháp. Bằng nầy không những ảnh hưởng đến tương lai học sinh mà lẽ dĩ nhiên là mối quan tâm của cha mẹ. Thời gian chuẩn bị thi là một thời gian căng thẳng trong gia đình và nó là mối quan tâm của toàn quốc. 

· Kiến thức tổng quát

Quan niệm về “kiến thức tổng quát” (culture générale) là một quan niệm độc đáo trong triết lý giáo dục của Pháp. Dân Pháp chấp nhận rằng, tâm trí của dân chúng phải được huấn luyện để suy nghĩ hợp lý, và đạt được những kiến thức tổng quát.

Một cách rõ ràng hơn, kiến thức nầy gồm triết lý, văn chương, khoa học lý thuyết, sử, và nghệ thuật. Nó bao gồm sự đào tạo một con người với khối óc, một sự đào tạo quan trọng nhất của con người. Ba năm cuối của bậc Trung Học nhấn mạnh các môn học nầy. Chúng được coi là quan trọng vì chúng góp phần vào kiến thức, giúp phát triển sự phán đoán của những nhà lãnh đạo tương lai.

Sau Thế Chiến Thứ Hai, vào giữa thập niên 1940, sự hiểu biết về khoa học kỹ thuật được thêm vào phần kiến thức tổng quát. Sự bành trướng của môn nầy cũng gặp nhiều thử thách vì nhóm cổ điển không coi trọng kỹ thuật, trong lúc nhóm các nhà giáo dục cấp tiến coi quan niệm giáo dục tổng quát là hẹp hòi, làm cản bước tiến của khoa học thực dụng. 

Sau năm 1958 học sinh có thể chọn một trong hai thứ tiếng Hy Lạp hay La Tinh. Khoa học áp dụng và giáo dục kỹ thuật càng ngày càng bành trướng hơn. Nhưng việc giảng dạy triết lý ở lớp 12 vẫn giữ vững địa vị. Môn triết lý ở Trung Học là một điểm độc đáo của giáo dục Pháp. Triết lý được coi là một dụng cụ quan trọng trong việc đào tạo trí tuệ và đào tạo những học giả. Ngay cả cho đến năm 1974, mặc dầu chương trình Trung Học Đệ Nhị Cấp đã chia ra nhiều ban, nhưng triết lý (gồm tâm lý học, luận lý học, đạo đức học và siêu hình học) vẫn là môn bắt buộc ở tất cả các ban học.

· Truyền thống Pháp trong giáo dục VN

Pháp  đã để lại cho VN một tổ chức giáo dục y như của Pháp quốc.

Bộ Giáo Dục theo công thức trung ương tập quyền, có bổn phận và trách nhiệm trong mọi cấp học vấn. Bộ ban hành một  chương trình học thuần nhất cho toàn quốc ở cấp Tiểu và Trung Học. Các Đại Học tuy được một phần tự trị trong chương trình học nhưng vẫn ở dưới sự kiểm soát của Bộ Giáo Dục, nhất là phần ngân sách.

Kiến thức tổng quát vẫn được đề cao trong chương trình Trung Học. Triết lý vẫn là môn học chánh cho tất cả các ban ở Trung Học Đệ Nhị Cấp. Chương trình nhắm vào việc đào tạo những sinh viên Đại Học có một “kiến thức tổng quát” theo truyền thống Pháp, sẽ trở thành những công chức có khả năng phục vụ cho guồng máy hành chánh công quyền.

Các kỳ thi toàn quốc vẫn được duy trì: Việc thi cử nầy đã gạn lọc học sinh quá nhiều. Sĩ số  tốt  nghiệp Trung Học so với sĩ số thi vào lớp đầu của Trung Học quá nhỏ. Do đó đưa đến tệ trạng coi trọng văn bằng hơn là sự học hỏi thực tiễn với kiến thức thực dụng. Giáo dục tiếp tục đào tạo ra nhiều sinh viên ngành nhân văn nói chung. Các Đại Học về nhân văn như Văn khoa, Luật khoa thì dư sinh viên và thiếu phòng ốc, trong lúc quốc gia lại cần nhiều chuyên viên các ngành công nghệ, kỹ thuật, canh nông, kiến trúc v.v…

Vào năm 1954 và 1955, khi Pháp trao trả độc lập lại cho chính phủ Hồ Chí Minh (ở Bắc vĩ tuyến 17), và cho chính phủ Ngô Đình Diệm (ở Nam vĩ tuyến 17), VN  nằm trong thực trạng của sự thừa hưởng truyền thống giáo dục cổ điển của Pháp. 

Tuy xã hội VN có chịu ảnh hưởng của hơn 80 năm đô hộ của Pháp, vẫn là một xã hội có căn bản Nho giáo vì nền giáo dục Nho giáo chỉ thật sự ra đi hoàn toàn vào đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 20. 

Truyền thống giáo dục thực tiễn của Hoa Kỳ

Ảnh hưởng của nền giáo dục “thực tiễn” (pragmatism) của Hoa Hỳ đã bắt đầu phát triển để trở thành một truyền thống thứ ba sau truyền thống “Nho giáo” và “cổ điển Pháp”.

Điều cần nói đến trong các thập niên 1954-1974 là các hoạt động giáo dục của HK ở VN. Ngay từ năm 1954, một nhóm giáo chức thuộc Đại Học Michigan đã đến VN với nhiệm vụ giúp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh VN. Thật ra nhóm nầy nhắm vào giáo dục chính trị nhiều hơn là giáo dục thuần túy. Họ có mục tiêu giúp VNCH cải tổ guồng máy hành chánh. Khi sang, họ đã có trong tay một bản phúc trình khá đầy đủ về hệ thống giáo dục ở VN do ông Lavergne và ông Sassani viết (Education in VietNam. Washington D.C.: U.S. Department of Health, Education & Welfare, 1954). 

Nhiều sinh viên VN được gởi đi du học ở HK và các quốc gia khác như Australia, New Zealand, Germany, Japan. Họ đã đi du học bằng học bổng, hoặc tự túc. Phần lớn đã học các ngành kỹ thuật, thương mại, canh nông v.v… là những ngành thực tiễn. 

Bộ Giáo Dục và các Bộ khác cũng gởi công chức của nhiều ngành khác nhau đi tu nghiệp, hoặc ngắn hạn, hoặc dài hạn (có học lấy thêm cấp bằng). Nơi có nhiều sinh viên và công chức du học nhất là HK. Do đó trong thập niên 64-74 có nhiều dự án cải tiến giáo dục do các nhà giáo dục VN và HK đề nghị.

· Truyền thống giáo dục thực tiễn ở HK

HK tách khỏi truyền thống của Âu Châu trong vấn đề giáo dục. Sau khi lập quốc, họ hướng về việc địa phương phân quyền và phát triển truyền thống thực dụng.

Ý niệm địa phương tự quản trị đã được đem từ Anh sang. Nhưng hiến pháp HK không ghi chú vai trò của chính phủ liên bang, và vì vậy, quyền nầy thuộc về mỗi tiểu bang. Lịch sử giáo dục HK cho thấy giáo dục là trách nhiệm của mỗi tiểu bang, do đó có nhiều khác biệt về tổ chức giáo dục giữa các tiểu bang. Nhưng hầu hết các bang lại ủy quyền quyết định lại cho các Học Khu qua luật của từng bang, và bang chỉ giữ lại một số rất ít quyền hạn. Nói cách khác, học khu ở địa phương là đơn vị chính yếu quyết định mọi vấn đề liên quan đến giáo dục Tiểu Học và Trung Học. Các học khu nầy hoàn toàn độc lập về hành chánh và tài chánh đối với các thị xã hay county.

Các Trung Học tổng hợp của HK là một sự thể hiện của triết lý giáo dục thực tiễn. Trung Học không chỉ là chỗ đào tạo ra những sinh viên Đại Học, mà còn chuẩn bị cho những học sinh có thể ra đời với một nghề trong tay nếu học sinh lựa chọn điều đó.

Các Đại Học được cấp đất: Phong trào thiết lập những Đại Học canh nông và cơ khí, mở đầu cho việc thực hiện triết lý thực tiễn ở giáo dục hậu trung học. Phong trào nầy gắn liền với sự tăng gia tin tưởng vào khoa học và các thực dụng của nó. Đạo luật Morill vào năm 1862 cấp 30,000 mẫu đất liên bang cho mỗi Đại Học mở ở cấp tiểu bang. Các đại học nầy đều mang tính chất thực tiễn với các môn canh nông, kinh tế gia đình, thú y, và khoa học ứng dụng.

Các Đại Học cộng đồng: Vào đầu thế kỷ 20, phong trào Đại Học cộng đồng được phát khởi. Đại Học cộng đồng chỉ dạy những môn của hai năm đầu của chương trình Cử Nhân (bachelor) 4 năm. Sinh viên muốn theo đuổi chương trình Cử Nhân, thì lúc vào phải có tốt nghiệp Trung Học. Thêm vào các Đại Học nầy còn giảng dạy hầu hết những môn thực dụng cho học sinh nào muốn ra trường với một nghề sau hai năm học. 

Để đáp ứng với nhu cầu của sự thay đổi trong các nghề nghiệp, và để giúp cho người lớn trong cộng đồng có thể trở lại với giáo dục hậu Trung Học, các Đại Học cộng đồng thâu nhận bất cứ người nào trên 18 tuổi, muốn học nghề, dù không có tốt nghiệp Trung Học. Họ sẽ được học thêm Anh văn và Toán, nếu cần, để có thể theo đuổi một ngành chuyên môn mới.

Nói khác đi, Đại Học cộng đồng là trung tâm giáo dục ở địa phương, mà nơi đó dân chúng có thể theo đuổi học vấn tổng quát, để tiếp tục học cao hơn, hay học vấn chuyên nghiệp để có một nghề. Học phí ở Đại Học cộng đồng rất nhẹ. Tóm lại các cơ chế giáo dục như khu học chánh địa phương, các trường Trung Học tổng hợp, các Đại Học cộng đồng, và các Đại Học chuyên nghiệp là sự thể hiện truyền thống giáo dục thực tiễn của HK.
        
· Ảnh hưởng của truyền thống thực tiễn trên triết lý “khai phóng” của VN

Trong thập niên 1964-1974, đã có khá nhiều sinh viên, công chức tốt nhiệp ở HK trở về phục vụ trong nhiều ngành khác nhau ở VN. Qua cơ quan USAID (United States Agency for International Development), nhiều đại học HK gởi các toán chuyên viên sang giúp các đại học VN. Một vài thí dụ: Nhóm Florida trong ngành canh nông, nhóm Missouri lo về kỹ thuật, nhóm Ohio lo về đào tạo giáo chức cho các Trung Học tổng hợp và sự phát triển các Trung Học nầy, nhóm Illinois lo về đào tạo giáo chức Tiểu Học v.v… Với khuynh hướng cải tổ và với số nhân lực mới, triết lý khai phóng đã được thi hành.

– Việc dân chủ hóa nền giáo dục nói chung: Bộ Giáo Dục đã đưa ra chính sách dân chủ hóa giáo dục với chiều hướng kêu gọi sự  thành lập các hội đồng giáo dục địa phương. Bước đầu của chính sách nầy là sự thành lập Sở Văn Hóa và  Giáo Dục ở mỗi tỉnh. Sở nầy coi luôn Trung và Tiểu Học (không như trước kia chỉ có Ty Tiểu Học ở mỗi tỉnh, trong lúc các Trung Học vẫn trực thuộc Bộ). Bên cạnh mỗi Sở có một Hội Đồng Cố Vấn để dân chúng địa phương có tiếng nói trong việc giáo dục con em.

Việc giáo dục hướng nghiệp qua các trung học kỹ thuật  và trung học tổng hợp.Hai Trung Học tổng hợp đầu tiên có tên là Trung Học Kiểu Mẫu, một ở Huế (1964) và một ở Thủ Đức (1965). Hai trường nầy trực thuộc hai Đại Học Sư Phạm Huế và Saigòn theo thứ tự trên. Chương trình học phỏng theo mô hình của Trung Học tổng hợp HK. Ngoài các môn kiến thức tổng quát, các trường nầy còn thêm các ngành như kỹ thuật, canh nông, và kinh tế gia đình. 

Điều đáng chú ý là khuynh hướng école unique ở Pháp cũng có ảnh hưởng nhiều đến việc cải tổ chương trình Trung Học. Lý do là những người giữ vai trò quan trọng trong guồng máy giáo dục đa số vẫn là những người đã được đào luyện từ giáo dục Pháp.

Việc tổ chức các ban chuyên khoa ở Đệ Nhị Cấp là một tổng hợp giữa ảnh hưởng Pháp, Mỹ và tinh thần “khai phóng” của VN. Đệ Nhị Cấp ở các Trung Học tổng hợp mới có thể lên đến tám ngành thay vì chỉ có 4 như các Trung Học thường.

– Việc thiết lập các Đại học Cộng Đồng và Đại học Bách Khoa:

Ý tưởng về giáo dục cộng đồng đã được giới thiệu vào VN ngay từ năm 1954, bắt đầu với một số các trường Tiểu Học.

Đến đầu năm 1970, ý tưởng Đại Học cộng đồng (ĐHCĐ) được giới thiệu ở VN do một công chức kỳ cựu của Bộ Giáo Dục. Ông nầy đã được đào tạo trong hệ thống  giáo dục Pháp và đã đi tu nghiệp ba năm ở HK và trở về VN với bằng Ph.D. về giáo dục. Chính luận án của ông về Đại Học cộng đồng và vai trò của ông trong Bộ Giáo Dục mà ý tưởng về việc thành lập các Đại Học cộng đồng được bàn cãi sâu rộng, và được chấp thuận. 

Năm 1971, Tổng Thống VNCH ban hành nghị định thành lập hệ thống Đại Học cộng đồng. Hai ĐHCĐ đầu tiên ở VN: Tiền Giang (ở Mỹ Tho) và Duyên Hải (Đà Nẵng) được thành lập cùng năm 1971. Sau đó có nhiều địa phương khác xin xúc tiến việc mở các Đại Học nầy vì thấy tính cách thực dụng của nó trong việc đào tạo các chuyên viên Trung Cấp ở nhiều ngành cho phù hợp với sự phát triển ở địa phương. 

Ngoài ra, vào năm 1973, VN cũng thành lập một Đại Học Bách Khoa ở Thủ Đức với nhiều trường chuyên nghiệp về kỹ thuật, canh nông, công kỹ nghệ v.v… nằm ngay trong khu Đại Học nầy. Mục tiêu chánh là để mở rộng các ngành học thực tiễn cần thiết cho việc xây dựng đất nước.

Dĩ vãng, hiện tại, và tương lai

Dĩ vãng

Triết lý giáo dục hay đường hướng giáo dục “nhân bản, dân tộc, và khai phóng” đã ảnh hưởng đến hơn 25 triệu dân ở Nam vĩ tuyến 17 trong khoảng thời gian 1954-1974. Nhóm dân nầy giờ đây đã ở vào lứa tuổi 35-70 hoặc già hơn. Những cải tổ giáo dục liên quan đến khai phóng đã có một thời sôi nổi. Từ 1971-1972 đã có những toán học sinh tốt nghiệp từ hai Trung Học tổng hợp đầu tiên trong nhiều ngành mới trong kỹ thuật, canh nông, kinh tế gia đình v.v… Cho tới năm 1974 chưa có khóa sinh nào tốt nghiệp từ các đại học Cộng đồng, hay Bách khoa.
Những cải tổ về giáo dục theo đường hướng “khai phóng” chưa có một kết quả rõ rệt, đã phải chấm dứt sau tháng tư, năm 1975.  Một thập niên sau năm 1975, ba chữ “nhân bản, dân tộc và khai phóng”, không được ai ở VN nói tới nữa, hay chỉ nói trong thầm lặng. 

Hiện tại

Đại đa số của số 25 triệu dân nầy còn ở lại trong nước.  Họ đã, dù muốn hay không, phải nhận lãnh thêm những (hay chỉ một) đường hướng giáo dục mới, thật xa lạ. Còn một số nhỏ, độ hơn một triệu (mà hiện nay nếu kể cả những người đoàn tụ, số nầy lên khoảng ba triệu người) đã rải ra rất nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể nói đây chính là những người, trong cái rủi của sự bỏ nước ra đi, đã và đang thực sự hưởng được cái may của những gì liên hệ đến ba chữ “nhân bản, dân tộc và khai phóng”, nhất là số người cư ngụ tại các nước có một nền dân chủ trưởng thành như : Pháp, Anh, Đức, Hòa Lan v.v… thuộc Âu Châu;  Gia Nã Đại, HK v.v… thuộc Mỹ Châu; Tân Tây Lan, Úc, thuộc Úc Châu và Nam Hàn, Nhật, thuộc Á Châu.

Tương lai

Hy vọng rằng một ngày nào đó, toàn thể dân Việt được sống trong đường hướng giáo dục đó. Ước vọng nhỏ bé hơn,  là trong mỗi gia đình của chúng ta, những người Việt hải ngoại, dù ở quốc gia nào, cũng  dùng ba đường hướng “nhân bản, dân tộc và khai phóng” theo nghĩa rộng hơn những gì của dĩ vãng, để làm triết lý giáo dục riêng cho từng gia đình, thích ứng với hoàn cảnh của quốc gia mới mà gia đình đã nhận làm tổ quốc mới. Và dù là thuộc về tổ quốc mới nào đi nữa thì nguồn gốc của chúng ta vẫn là dân tộc VN, một sự kiện sẽ vẫn đứng vững mãi với thời gian.

Theo đường hướng “khai phóng”, để theo kịp ý niệm toàn cầu hóa, để tiến bộ;  theo đường hướng “nhân bản” để biết sống trong tình người, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, hay biên giới quốc gia v.v…;  và theo đường hướng dân tộc để mãi mãi nhớ đến nguồn gốc của hai tiếng Việt Nam thân yêu.

Tài liệu tham khảo
Bougle, C.C. Alfred. (1938).  The French conception of “culture generale” and its influence upon instruction.   Columbia University, New York.
Kim Định. (1970).  Hiến chương giáo dục.  An Tiêm, Saigòn, Việt Nam.
Lin, Yutang. (1943).  The wisdom of Confucius.   Random House, New York.
Nguyen, Phuoc H. (1974). Contemporary educationalphilosophies in VietNam, Unpublished doctoral thesis, University of Southern California (USC), Los Angeles, California.
Trần, Kim T. (?) . Nho giáo.  Tân Việt, Saigon,   Việt Nam