Ở Sài Gòn-Chợ Lớn ta thường bắt gặp nhiều bảng hiệu như Lương Ký Mì Gia, Bồi Ký Mì Gia, Thiệu Ký Mì Gia, Hải Ký Mì Gia, Huê Ký Mì Gia… bằng tiếng Việt kèm tiếng Hoa. Theo tự điển thì  có nghĩa là ghi chép, là ghi lại, như nhật ký, bút ký… Nhà báo gọi là ký giả… Tuy nhiên trong trường hợp này, Ký không chỉ là ghi chép. Nó còn có nghĩa là ghi nhớ.

Như vậy đặt tên quán có chữ Ký là để thực khách đến ăn và nhớ tên quán của mình. Cho nên trước chữ Ký là tên riêng hoặc từ mang ý nghĩa tốt đẹp. Còn “mì gia” đơn giản là tiệm mì, nhà làm mì, nơi bán mì, mì gia truyền – tức là muốn khẳng định đây là quán mì ngon do quán làm ra, bằng công thức truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng từ Ký không chỉ có ở các tiệm bán mì. Nó còn có ở các quán ăn như Chuyên Ký bán cơm thố, Tuyền Ký là quán ăn của người Hẹ; hay Phúc Ký, Phát Ký. Và theo An Chi, người chuyên nghiên cứu chữ nghĩa, thì sau khi tìm hiểu từ những người gốc Hoa, từ  lộ ra rất nhiều nghĩa, và hiểu là dấu ấn, nhớ, danh dự, dấu hiệu. Cuối cùng ông An Chi chốt lại cách lý giải khoa học nhất:

“Mathews’ Chinese – English Dictionary đối dịch Ký là “a sign”, “a mark”; và Ký hiệu là trade-mark. Trade-mark, chẳng phải gì khác hơn là nhãn hiệu, thương hiệu. Vậy cái là nghĩa gốc chính xác của chữ Ký trong Tường Ký, Chánh Ký… chẳng qua chỉ là “hiệu”. Chính vì thế nên chủ một số cửa hàng người Hoa mới đặt bảng hiệu bằng một danh ngữ mà “ký” là trung tâm (đứng cuối) còn đứng trước là một trong những chữ dùng làm tên riêng cho cửa hàng”

Tóm lại chữ Ký trên biển hiệu của các quán ăn người Hoa có nghĩa là quán, là để nhớ đến, là hiệu xem như đã được cầu chứng.