Nhìn vào bản đồ miền duyên hải phía đông nước Mỹ, ta thấy thiếu vắng những thành phố lớn chạy dọc theo bờ biển phía bắc của Boston. Hầu như không có tuyến đường bộ lớn nào xuất phát từ bờ biển đó đi vào nội địa và các thành phố sâu trong đất liền thường nhỏ hơn những thành phố dọc bờ biển. Khu vực này bao gồm bắc New England và vùng Adirondacks thuộc New York có thể được coi như là Bypassed East – Miền Đông bị quên lãng (bản đồ 5).

Bypassed East nằm gần các tuyến giao thông chính, thậm chí vắt ngang qua, nhưng không nằm trên các tuyến đó. Giao thông đường biển có thể dễ dàng vòng qua khu vực này khiến cho nó trở thành vùng trắng về giao thông, tạo ra mức tăng trưởng kinh tế khu vực rất chậm, thậm chí là ngưng trệ.

Có thể nói, nếu như Nam New England là một phần của khu vực các đô thị lớn của nước Mỹ thì bắc New England về căn bản lại không phải như vậy. Nó rất giống với các tỉnh thuộc Đại Tây Dương của Canada.

Môi trường tự nhiên

Thiên nhiên Bypassed East rất đẹp. Dãy núi Presidential thuộc White Mountains (Núi Trắng) ở New Hampshire là nơi có địa hình thuộc loại gập ghềnh nhất phía đông Hoa Kỳ. Bờ biển trải dài, lồi lõm với những mũi đất lớn nhô ra biển và vô số vịnh nhỏ bao bọc bởi các bãi đá, ngày đêm được các con sóng Đại Tây Dương vỗ về. Nhiều vùng đất hoang vắng, rộng lớn hầu như không có người định cư chỉ cách các thành phố sầm uất trong lục địa vài giờ ôtô.

Hầu hết Bypassed East là một phần của bộ phận mở rộng phía đông bắc của Cao nguyên Appalachia. Tuy nhiên, địa hình nơi đây không có gì giống với hệ thống thung lũng và dãy núi dài rõ nét ở phía nam Appalachia.

Vùng Adirondacks nằm ở phía bắc New York là bộ phận mở rộng về phía nam của Canadian Shield. Cao nguyên rộng lớn này đã từng bị xói mòn mạnh bởi các lớp băng lục địa khiến cho địa hình chung mang dáng vẻ tròn trịa hơn là vuông thành sắc cạnh. Mặc dù đồi núi trên Adirondacks không lớn nhưng độ rộng thực sự của cao nguyên này rất đáng kể.

Một vùng cao nguyên mênh mông bao trùm gần như toàn bộ New England. Đây là khu vực địa lý cổ và cũng từng bị xói mòn dữ dội bởi nước và băng trôi. Kết quả là trong vùng hiếm có độ cao vượt quá 1500 mét. Tác động bào mòn trên diện rộng của các núi băng lục địa đã khiến cho các đồi, núi cao trên cao nguyên này có dạng tròn. Chỉ ở những nơi đủ cao để vẫn ở bên trên các tảng băng trôi mới có thể tìm thấy những đỉnh núi gồ ghề, lởm chởm.

Hai vùng núi chính ở Bắc New England là Núi Xanh (Green Mountains) thuộc Vermont và Núi trắng (White Mountains) thuộc New Hampshire. Về độ cao, Green Mountains thấp hơn, đỉnh cao nhất cũng chưa đến 1500 mét, các chóp núi đều tròn và nhẵn. Trong khi đó, White Mountains cao tới 1900 mét và phía trên các ngọn núi cao thường gồ ghề và rất dốc.

Xa hơn nữa về phía nam, nơi mà cao nguyên bị xói mòn mạnh bởi các dòng nước chảy, một vài đỉnh núi độc lập đứng tách biệt khỏi hai khu vực núi chính phía bắc. Đỉnh cao nhất trong số này là Monadnock ở miền nam New Hampshire. Monadnock là tên gọi để chỉ các vùng đá cứng đã trở thành những ngọn núi thấp đứng độc lập do lớp đá xung quanh đã bị nước cuốn trôi. Một ngọn núi tương tự như vậy, Katahdin, nổi bật trong cảnh quan vùng trung tâm Maine.

Mặc dù núi non là đặc điểm chính của miền bắc New England (gồm cả New York) nhưng con người ở đây lại sinh sống và làm ăn tại các thung lũng và vùng đất trũng. Ba khu vực lớn nhất là Thung lũng sông Connecticut giữa New Hampshire và Vermont, vùng đất thấp Hồ Champlain trải dọc phía bắc ranh giới Vermont-New York, và Thung lũng Aroostook thuộc miền Bắc Maine. Một số dải đất thấp hẹp hơn nằm tiếp giáp với bờ biển và vô số con suối chảy trên cao nguyên chia cắt nó.

Bypassed East là nơi các hệ thống khí hậu biển, lục địa và địa cực pha trộn vào nhau để tạo ra một kiểu khí hậu hiếm khi nóng, hay lạnh và thường xuyên ẩm ướt. Do nằm ở phía đông nước Mỹ, vùng đất này chịu ảnh hưởng của hệ thống gió mà xu hướng của nó là hạn chế tác động của khí hậu biển và đem đến đây kiểu khí hậu lục địa. Hơn nữa, những độ cao lớn hơn ở trong đất liền càng làm rõ nét thêm sự khác biệt lớn về khí hậu giữa khu vực nội địa và vùng bờ biển.

Dòng biển lạnh Labrador chảy về phía nam dọc theo Bypassed East. Ngay cả vào mùa hè, chỉ những tay bơi dũng cảm nhất mới dám đắm mình vào đó trong chốc lát. Nhờ nằm gần dòng biển này mà khí hậu dọc bờ biển trở nên ôn hoà. Mùa sinh trưởng ở những vùng gần bờ biển dài hơn 70 ngày so với mức trung bình 120 ngày trong lục địa. Vào giữa mùa đông, nhiệt độ ở khu vực bờ biển thường cao hơn nhiệt độ trong nội địa từ 30C đến 60C. Mùa hè thì ngược lại, khu vực nội địa bao giờ cũng nóng hơn một chút.

Tác động của khí hậu biển có thể cảm nhận được qua những đám mây và sương mù, đặc biệt là dọc theo bờ biển phía nam, khiến cho khí hậu mùa hè càng thêm mát mẻ. Đây là một trở ngại lớn cho việc phát triển những loại cây trồng đòi hỏi ánh nắng chói chang và nhiệt độ mùa hè.

Lượng mưa hàng năm tại hầu hết các khu vực trong vùng đều rất lớn, đạt 100 đến 150 cm. Bên cạnh đó, khối lượng tuyết rơi cũng đáng kể, khoảng 25% đến 50% tổng lượng hơi ẩm trong vùng được tiếp nhận dưới dạng tuyết. Trong nội địa, lượng tuyết rơi trung bình ít nhất là 250 cm/năm. Khác với vùng gần bờ biển, nơi mặt đất ít bị tuyết bao phủ và nếu có thì cũng nhanh tan, phía sâu trong đất liền, hàng năm vào mùa đông, tuyết thường che kín mặt đất từ 3 đến 5 tháng.

Dân số và công nghiệp

Bypassed East không phải là vùng đất dễ sinh sống và làm việc. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi, lại thêm lớp đất mỏng và đầy sỏi đá khiến nông nghiệp khó phát triển, ngoại trừ một vài nơi được thiên nhiên ưu đãi. Cho đến tận gần đây, hầu như không có mỏ khoáng chất nào với trữ lượng đáng kể được phát hiện. Tình hình đó, cộng với một thị trường địa phương nhỏ bé và tách biệt, là lý do hạn chế sự phát triển của sản xuất. Chính vì thế nên những lợi thế khác mà khu vực này có được trở nên quan trọng hơn.

carts on road

Trên thực tế, khu vực này không phải lúc nào cũng là Bypassed East. Vị trí nhô cao ra Đại Tây Dương của nó có nghĩa rằng bờ biển ở đây nằm trong số những vùng đất đầu tiên của Tân Thế Giới mà những nhà thám hiểm và người đến lập nghiệp từ châu Âu đặt chân lên. Vào giữa thế kỷ thứ 17, rất nhiều trong số các cảng nhỏ thuộc trung tâm và nam Maine là nơi tập trung các ngôi làng của người Anh. Việc định cư bị những người Mỹ bản địa ngăn cản không cho tiến vào nội địa, cho đến giữa thế kỷ thứ 18.

Đối với những người châu Âu đến lập nghiệp đầu tiên thì các bãi đánh cá dồi dào hải sản ngoài khơi bang Maine có vai trò quan trọng trực tiếp. Đây là khu vực nước nông, chỉ sâu 30 đến 60 mét, và dày đặc cá các loại. Chính nhờ nước nông mà ánh nắng mặt trời có thể xuyên qua được lớp nước tạo điều kiện thuận lợi cho sinh vật phù du, một loại thức ăn chính cho nhiều loài cá, sinh sôi nảy nở. Những loài cá nước lạnh như cá thu và loài cá tuyết nhỏ nhiều không kể xiết. Từ nguồn hải sản này, những người đến lập nghiệp đầu tiên đã bắt đầu xuất khẩu một lượng đáng kể cá thu ướp muối.

Một nguồn tài nguyên quan trọng nữa trong vùng là cây thân gỗ. Điển hình là thông trắng, mọc đầy trong các khu rừng của New England. Đó là một loài cây đẹp, thẳng đứng và cao trên 60 mét. Gỗ của nó mịn, nhẹ, nhưng chắc khoẻ và dễ cắt. Ngày nay, rừng nguyên sinh hầu như không còn nữa. Các khu rừng thứ sinh cấp hai và ba còn lại có độ cao thấp và kém quan trọng so với vùng rừng trước kia. Nhờ có tài nguyên rừng mà bang Maine đã trở thành trung tâm của ngành công nghiệp đóng tàu.

Nông nghiệp là ngành lớn thứ ba trên vùng đất của những người đến lập nghiệp đầu tiên nhưng trang trại ở đây thường nhỏ và sản phẩm còn hạn chế. Nghề nông ban đầu chủ yếu chỉ để cung cấp lương thực cho chính những người dân trong vùng.

Có lẽ, thời kỳ hoàng kim của ngành nông nghiệp ở Bắc New England là vào đầu thế kỷ thứ 19. Nhưng ngay sau đó, hai sự kiện lớn diễn ra tác động trở lại khiến cư dân rời bỏ trang trại của họ tại đây, lúc đầu theo từng nhóm nhỏ và sau đó là hàng loạt. Sự kiện lớn nhất là việc mở cửa miền Tây. Các trang trại màu mỡ ở phía nam Great Lakes là đích đến của nhiều người di cư sau khi vượt qua được dãy Appalachia vào đầu thế kỷ trước. Sau đó không lâu, vào thập niên 20 của thế kỷ thứ 19, kênh Erie, và tiếp theo là nhiều con kênh khác xa hơn về phía tây, được xây dựng, tạo điều kiện cho nông dân miền Tây có thể dễ dàng tiếp cận với thị trường khu vực bờ biển phía đông. Các trang trại nghèo nàn trên vùng cao nguyên New England nhanh chóng đánh mất thị trường của mình do nông sản được nhập ồ ạt từ nhiều bang khác như Ohio và Indiana. Nông dân rời bỏ New England và hòa vào dòng người di cư về phía tây, họ chia tay với những trang trại cằn cỗi nơi đây để tìm đến những vùng màu mỡ hơn.

Sự kiện thứ hai khiến cho ngành nông nghiệp trong vùng điêu đứng cũng diễn ra vào cuối những năm 1700 đầu những năm 1800, với sự phát triển của ngành công nghiệp ở phía nam New England, nơi khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp ở Hoa Kỳ. Công nghiệp tăng trưởng khiến cho nhu cầu về lao động tăng mạnh. Đông đảo nông dân vùng New England, những người đang muốn có nguồn thu nhập ổn định mà công việc trong ngành công nghiệp có thể đem lại, là những người đầu tiên đáp ứng yêu cầu này. Lao động phụ nữ và trẻ em gia tăng, đặc biệt trong các nhà máy dệt, càng tăng thêm giá trị của lao động công nghiệp so với nông nghiệp.

Một thế kỷ rưỡi vừa qua đã chứng kiến sự giảm sút liên tục của ngành nông nghiệp trên hầu khắp Bypassed East. Ngày nay, đất nông nghiệp của ba bang thuộc bắc New England chiếm chưa đến 10% tổng diện tích, cách đây 100 năm, con số này là 50%. Cho đến tận một vài thập niên gần đây, ở nhiều thành phố trên miền bắc New England vẫn tồn tại mô hình dân số giảm đã kéo dài hơn một thế kỷ nay. Các vùng đất dốc không được sử dụng để canh tác nữa lại dần dần biến thành rừng. Thậm chí, ngay trong các thung lũng, đất cũng thường quá khô cằn, khí hậu quá lạnh và các trang trại quá nhỏ nên khó có thể tiến hành sản xuất nông nghiệp thành công.

Ở những vùng thuộc Bypassed East mà nông nghiệp còn giữ một vai trò quan trọng thì sản xuất có xu hướng chuyên môn hóa vào một thứ cây trồng và chỉ tập trung vào một số ít vùng có điều kiện thuận lợi. Ví dụ, nhờ có lớp đất axít trên bề mặt mà Washington County, thuộc khu vực đông bắc của bang Maine, đã trở thành một trong những trung tâm chính của nước Mỹ sản xuất cây dâu tây xanh.

Mặc dù nông nghiệp còn có mặt ở một số nơi khác nhưng trong vùng cũng có hai khu vực sản xuất nông nghiệp đáng được chú ý. Thứ nhất là thung lũng St. John-Aroostook – một khu vực thuộc đông bắc bang Maine và miền tây New Brunswick (Canada). Lớp đất bùn phù sa ở đây quả là lý tưởng cho khoai tây phát triển, và mùa sinh trưởng ngắn đã khuyến khích phát triển một loại cây trồng cao cấp được sử dụng rộng rãi ở nhiều vùng khác là khoai tây giống. Phương thức sản xuất nông nghiệp cơ giới hóa trên quy mô lớn hoàn toàn chiếm ưu thế.

Những người trồng khoai tây trong thung lũng này đã trải qua một thời kỳ khó khăn kéo dài suốt mấy thập kỷ qua mà nguyên nhân là do nhu cầu trên thị trường đối với sản phẩm này giảm, đồng thời về phía người tiêu dùng, họ ưa chuộng khoai tây của nông dân miền Tây hơn. Kết quả là, hiện nay, gia cầm và trứng, chủ yếu của các nhà sản xuất lớn ở nam – trung tâm Maine, chiếm tới một nửa thu nhập từ nông sản của bang, tức là gấp đôi nguồn thu từ khoai tây.

Khu vực thứ hai là vùng đất thấp Hồ Champlain. Nhờ nằm gần Megalopolis mà nó có được lợi thế lớn so với các vùng xa xôi khác trong việc tiêu thụ sữa, một mặt hàng có sản lượng lớn, giá thành thấp, dễ hỏng và không để lâu được. Vùng đất thấp Champlain cung cấp sữa cho cả thành phố New York và Boston. Đặc trưng của mùa hè ở vùng đất này là khí hậu ôn hòa và ẩm ướt, do vậy, rất thuận lợi cho sự sinh sôi của các loài cỏ làm thức ăn cho gia súc. Hơn nữa, khí hậu mát mẻ cũng rất thuận lợi thích hợp với đàn bò sữa. Chính vì thế, từ lâu Vermont luôn đứng đầu nước Mỹ về khối lượng sản phẩm chế biến từ sữa trên đầu người. Chăn nuôi bò lấy sữa, chủ yếu là ở vùng đất thấp của Champlain, chiếm tới 90% toàn bộ hoạt động nông nghiệp của bang.

Phần lớn diện tích Bypassed East được cây cối che phủ, vì thế sự vắng bóng của ngành chế biến gỗ trên quy mô lớn là một điều đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, tình trạng khai thác gỗ không được kiểm soát trước đây và hạn chế trong hoạt động trồng lại rừng có tổ chức có nghĩa là rừng tái sinh ngày nay không đảm bảo chất lượng cho cả ngành sản xuất bột giấy và chế biến gỗ.

Một ngoại lệ đối với tình trạng sản lượng hạn chế này là sản lượng gỗ làm bột giấy của vùng bắc Maine. Tại đây, trên một số vùng đất rộng lớn và khó xâm nhập nhất ở phía đông Hoa Kỳ – nơi mà các ông chủ tư nhân nắm quyền kiểm soát hầu như toàn bộ đất đai – lâm nghiệp vẫn giữ một vai trò quan trọng.

Ngư nghiệp cũng là một bộ phận quan trọng mặc dù đáng lo ngại của nền kinh tế Bypassed East. Sản lượng tôm hùm mà Maine đánh bắt được chiếm 80% đến 90% tổng sản lượng tôm hùm của toàn Hoa Kỳ, đồng thời bang này cũng đứng đầu cả nước về đánh bắt cá mòi.

Có hai kiểu đánh bắt hải sản trong vùng. Kiểu đánh bắt quan trọng nhất là đánh bắt ven bờ, sử dụng thuyền nhỏ và cần tương đối ít vốn đầu tư, sản phẩm thu được có giá trị nhất là tôm hùm và cá tuyết. Thứ hai là đánh bắt xa bờ ở những vùng biển sâu. Đây là hình thức đòi hỏi phải có thuyền cũng như vốn đầu tư lớn hơn nhiều. Hải sản bắt được ngoài khơi xa thường là những loài cá sống dưới đáy nước sâu như cá tuyết, thờn bơn, và cá chim lớn.

Gần đây, hình thức đánh bắt cá xa bờ bị đe doạ bởi nhu cầu cao đối với xăng nội địa của Mỹ. Những mối lo ngại về ô nhiễm có thể xảy ra tại các bãi đánh bắt dồi dào hải sản do hậu quả của việc khoan dầu ngoài khơi xa đã bị bác bỏ vào năm 1979 khi Bộ Nội vụ cấp giấp phép thăm dò và khai thác dầu mỏ cho một số công ty, một số mỏ dầu và khí thiên nhiên lớn đã được phát hiện.

Hiện tại, các ngành khai khoáng khác ngoài dầu mỏ và khí thiên nhiên ngoài khơi không có vai trò quan trọng tại Bypassed East. Song, vẫn có những ngoại lệ. Quặng sắt đã được khai thác ở Adirondacks từ hơn 100 năm nay và trữ lượng sắt ở đó còn rất lớn nhưng tổng sản lượng khai thác vẫn tương đối nhỏ.

Nhờ lớp đá hình thành từ nham thạch núi lửa mà miền bắc New England trở thành nơi sản xuất đá quan trọng từ nhiều năm nay. Nhiều mỏ khai thác đá granite hoạt động ở trung tâm Vermont và dọc theo bờ biển trung tâm của bang Maine. Vermont cũng là bang sản xuất đá cẩm thạch hàng đầu nước Mỹ. Tất nhiên, giá trị của những mỏ đá này còn nhỏ bé so với các loại khoáng sản tìm thấy ở nhiều vùng khác nhưng nó vẫn là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế của hai bang này.

Các thành phố và nhịp sống đô thị

Phần lớn dân chúng Bypassed East sống ở thành phố. Tuy nhiên, vùng này hầu như không có các khu đô thị lớn. Hai thành phố lớn nhất miền bắc New England là Burlington (bang Vermont) và Lewiston (bang Maine) với tổng số dân vào khoảng 40.000 người.

Quy mô nhỏ của các trung tâm quan trọng trong khu vực là một chỉ dẫn tốt về cái mà có thể là nguyên nhân chính của tình trạng các mức thu nhập bình quân đầu người trong vùng tương đối thấp. Tại Mỹ, hầu hết các nghề nghiệp mang lại thu nhập cao chỉ có thể kiếm được ở thành phố, trong khi khu vực này không có những nghề nghiệp đô thị. Số người tham gia vào các công việc sơ chế mà theo truyền thống ở Mỹ thường được trả công rất thấp, tuy chưa đến một nửa nhưng cũng chiếm một tỷ lệ cao trong tổng lực lượng lao động. Thị trường địa phương nhỏ bé và những khó khăn trong việc tiếp cận với các đô thị lớn đồng nghĩa với việc các ngành sơ chế trong vùng, khác với những nơi khác trên đất Mỹ, không tạo ra được nền móng cho sự phát triển của một nền kinh tế dựa nhiều hơn vào khu vực chế tạo.

Tuy nhiên, cũng có lý do để có thể dự đoán rằng kinh tế sẽ tăng trưởng ở bắc New England. Cuộc điều tra dân số năm 1980 cho thấy trong số các bang nằm ngoài miền Nam và Tây, chỉ có Maine, New Hampshire, và Vermont đạt được tỷ lệ tăng trưởng vượt mức trung bình trên toàn quốc. Trong những năm 1980, New Hampshire tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước, còn Vermont và Maine cũng chỉ thấp hơn một chút so với con số bình quân.

Dường như có một số lý do giải thích sự thay đổi dân số trong vùng. Thứ nhất là sự phát triển dần về hướng bắc của Megalopolis. Khi các thành phố của vùng đô thị được mở rộng, khi khu vực ngoại vi được đô thị hóa và trở thành một bộ phận của nước Mỹ đô thị, và khi mọi người di chuyển ra khỏi trung tâm các thành phố lớn ồn ào để sinh sống ở những vùng xa hơn thì vùng ngoại ô Megalopolis được mở rộng dần sang hướng bắc về phía New England.

Miền Bắc New England đang có sức hấp dẫn đối với nhiều cơ sở sản xuất mới thiên về công nghiệp nhẹ với số lượng lao động ở mức trung bình. Người ta đang xây dựng các nhà máy ở đây một phần bởi vì cả giới chủ và công nhân của họ đều cảm thấy dễ chịu khi sống trong môi trường nông thôn và thị trấn nhỏ. Bên cạnh đó, giao thông liên lạc với các vùng khác cũng dễ dàng hơn nhờ một số xa lộ liên bang được xây dựng trong thập niên 1960.

Từ giữa thế kỷ thứ 20, ngành du lịch của New England phát triển mạnh mẽ. Tại đây, du khách có thể câu cá, trượt tuyết, đi ca nô, hoặc đơn giản là lái xe dạo chơi ngắm cảnh – tất cả những thứ đó góp phần vào sự tăng trưởng của ngành du lịch.

Nền kinh tế khu vực Adirondacks cũng phụ thuộc nhiều vào du lịch. Hồ Placid, nơi tổ chức Thế vận hội mùa đông năm 1932 và 1980, là một trong số rất nhiều khu trượt tuyết lý tưởng. Bang New York giám sát khu vực này thông qua công viên Adirondack State Park – công viên quốc gia lớn nhất nước Mỹ.

Những ngôi nhà nghỉ trải dọc theo bờ biển, xung quanh các hồ và rải rác trên khắp vùng núi xuất hiện ngày càng nhiều, đây chính là ngôi nhà thứ hai của giới thượng lưu. Mỗi năm, họ chỉ nghỉ ở đó một vài tháng, thậm chí một vài tuần, rồi cho thuê để lấy tiền trang trải chi phí mua, giữ gìn và sửa chữa ngôi nhà. Tại một số quận thuộc Bắc New England, kiểu nhà vừa để ở vừa cho thuê như thế này còn nhiều hơn cả các ngôi nhà thông thường.

Và sau cùng, nhiều cộng đồng ven biển bang Maine, các thị trấn nhỏ của Vermont và New Hampshire, và những ngôi làng cổ trong vùng đã trở thành trung tâm được nhiều người nghỉ hưu biết đến.