Gió đánh ố mấy đưa đò đưa
Gió đập ố mấy đưa đò đưa
Sao cô là cô mình mãi
Lửng lơ mà chưa có chồng ???

(Dân ca – Lý đò đưa)

Dọc theo chiều dài đất nước, ngang dọc có cả hàng trăm con sông lớn nhỏ. Đối với nhiều người Việt, những con sông đó đã trở thành nơi chốn hoài niệm về tuổi thơ êm ả; về một nơi chốn sinh thành. Có dòng sông của huyền thoại, của lịch sử hay dòng sông của âm nhạc và thơ ca.

Thuở trước, cứ vào khoảng tháng chạp, tháng giêng hay tháng hai âm lịch, trên những chuyến đò chợ sang sông, thường vẳng những lên câu hát đò đưa tình tự, man mác của những chàng trai, cô gái lái đò dọc ngang trên sông, ngược xuôi buôn bán.

Hát đò đưa ra đời đó, trên các con thuyền và dòng sông quê hương. Đó là một loại dân ca sông nước. Từ Bắc vào Nam, không có dòng sông nào là không có tiếng hát, tiếng hò với nhiều phong cách đặc trưng của từng vùng đất vùng quê: Hát đò đưa trên sông Diêm Điền, sông Trà Lý (Thái Bình); hát đò đưa trên sông Mã (Thanh Hóa); ví đò đưa Sông Lam, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Nghệ Tĩnh); hò mái nhì mái đẩy trên sông Hương (Huế); hò mái dài, mái duỗi, mái ba  (Nam Bộ)…

Trước đây, tại miền Bắc từ Nghệ -Tĩnh trở ra, trai gái thường hát đò đưa vào lúc đêm khuya trên con sông vắng; hoặc khi thuyền bè xuôi ngược buôn bán vào những phiên chợ Tết. Đặc biệt, người ta chỉ trong những lúc đò đi trên sông, đò dừng lại thì không hát nữa, có nghĩa là hát “đưa đò” và “đò đưa” thì sẽ quên hết mệt nhọc, quên cả đêm dài trên sông vắng!

Qua đó ta thấy lúc đầu, người ta hát để khuây khỏa nỗi mệt nhọc trong khi chèo chống, từ đó trở thành phương tiện thể hiện cuộc sống nội tâm của mình. Trai gái hát tỏ tình với nhau bằng câu hát đò đưa, trò chuyện và tâm sự với dòng sông cũng bằng câu hát đò đưa. Dòng sông đã đem lại cho con người nguồn cảm hứng thơ ca, tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước, tình yêu con người…

Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

Một vài câu hát đưa tình như thế đã làm cho những chiếc thuyền xích lại gần nhau, tạo thành một canh hát tỏ tình đầy hứng thú. Nhiều người gọi đó là phương thức hát cuộc, có tính chất thi thố tài năng. Ở đây, tỏ tình vừa là kỹ thuật vận câu hát, vừa tập trung vào chủ đề tình yêu có tính chất ước lệ, hợp với tâm lý yêu đương của tuổi trẻ.

Hát cuộc được quy định thành lề lối, thành chương trình ứng với kết cấu thời gian nghệ thuật và gồm ba chặng:

Chặng thứ nhất: Hát đánh tiếng (còn gọi là hát mở hay hát tìm bạn) gồm những câu hát chào hỏi làm quen:

Gặp đây chẳng hỏi chẳng chào
Đôi nào nên bạn, kiếp nào nên quen…

Một bên hát đáp lại, để gây tình huống, rồi đi vào những câu hát trao tình:

Làm quen mà chẳng nên quen
Ngãi chẳng nên ngãi, ai đền công cho ?

Sau đó là hát mời trầu, mời nước, hát hỏi thăm quê quán, gia cảnh và đường tình duyên…theo lối giao tiếp xã hội:

Chặng thứ hai: Hát kết. Đây là chặng hát đối đáp tỏ tình, bộc lộ tài năng ứng diễn, ứng tác của từng đôi trai gái. Họ mơ ước thành vợ thành chồng:

Ước gì đấy vợ đây chồng
Nhân duyên thì kết chữ đồng trăm năm.

Và:

Hai ta đi một chuyến đò
Trông cho rạng khách trao cho miếng trầu.

Chặng thứ ba: Hát giã bạn thuyền. Đò cập bến, buổi hát kết thúc – canh hát chỉ diễn ra trong một đêm trên sông. Buổi hát kết thúc. Mỗi người đi mỗi ngả, biểu hiện tình cảm chia tay quyến luyến. Tình duyên hội ngộ như một giấc mơ, để lại cảnh tượng huyền ảo, thực hư trong câu hát:

Bóng trăng anh ngỡ bóng đèn
Bóng nước anh ngỡ bóng thuyền em xuôi.
Thuyền ngược, em bỏ sào xuôi
Khúc sông bỏ vắng cho người sầu riêng…

Ngoài hình thức đó, còn có hát đò đưa bỏ lửng ở Nghệ Tĩnh gọi là hát buông, (ở Thanh Hóa gọi là đò đưa ru ngủ) khác với hình thức hát cuộc, hát bỏ lửng là hát cá nhân, thường được mở đầu bằng nguyên âm “ơ” giống nốt bắt giọng, hay nốt lấy đà ngân dài, diển cảm tùy ý, có tính chất tự do, và thường hát vào những lúc đêm khuya thanh vắng trên dòng sông phẳng lặng theo tâm sự riêng của từng người, ai hát cũng được…Hát đò đưa bỏ lửng chú trọng nhiều đến những tiếng đệm lót “ơ… ơ” làm cho nét nhạc có tính chất thương cảm, man mác. Người hát đang hát, bỏ câu hát nửa chừng không trọn vẹn, gây sự chờ đợi, đò đi được một quãng trên sông, tiếng hát lại vọng lên…

Lời ca của hát đò đưa thường bình dị, mộc mạc,chân thực nhưng không kém chất thơ. Kết cấu của giai điệu gắn liền với các vần thơ lục bát, vì thế bất cứ bài ca dao nào có hình thức đó đều hát được. Tựu trung, ca dao đưa vào hát đò đưa có hai loại:

Một là những câu hát có tính chất nghề nghiệp, hoặc những hình ảnh, ngôn ngữ gần gũi với nghề nghiệp của những người lao động trên sông nước:

–  Đồn rằng sông phủ lắm ghềnh
Cô nàng cầm lái cho anh chịu sào.

– Thuyền ngược hay là thuyền xuôi?
Thuyền về Nam Định cho tôi cùng về!

Hai là những câu ca dao có tính chất phổ biến chung của mọi miền,có nội dung thích hợp với tình cảm của họ, cũng được đưa vào để hát:

Nhớ ai em những khóc thầm
Năm thân áo vải ướt dầm như mưa.

Qua đó ta thấy giai điệu âm nhạc của hát đò đưa rất đẹp, nó biểu hiện chiều sâu tâm hồn tình cảm, và huyền bí như những dòng sông quê.

Nhìn chung, mô hình hát đò đưa và hai phương thức diễn xướng đều dựa trên cách thức giao tiếp hằng ngày, chủ yếu là nghệ thuật tỏ tình nam nữ. Vì thế, hát đò đưa ở các tỉnh phía Bắc chính là sinh hoạt ca hát mùa Xuân, mùa của tình yêu và tuổi trẻ.

Riêng với người dân Huế, trong quá khứ, một thời tiếng hò mái nhì trên sông Hương đã trở nên quá quen thuộc. Nó thể hiện rất đậm đà tinh thần dân tộc. Tiếng hò ngân dài, dàn trải đầy lưu luyến lan tỏa trong một không gian bát ngát êm ả. Nhà văn Thanh Tịnh đã miêu tả:

“Còn tiếng hò mái nhì thì cao vút, ngân dài, bay bổng, một phần đọng lại xao xuyến trên mặt nước lặng lờ gần như đứng yên của sông Hương, một phần lan ra xa, đập gọn vào vách núi hay chạy lan dài trong rừng thông, rồi dội vang trở lại thong thả, xa xăm, lưu luyến và chấm dứt lúc nào không ai biết. Có thể nói, với hò mái nhì, lời xô như một khung cảnh thiên nhiên mênh mông của những sông nước trời mây xứ Huế, đã là nền cho những tâm tư dạt dào của những trai hiền gái lịch, nơi sông Hương núi Ngự qua lời kể …”[1]

Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình thì hò mái nhì Huế có một mãnh lực riêng của nó. Mãnh lực này sẽ phát huy hết tác dụng khi người hò chỉ một mình với mái chèo trên sông nước, giữa khung cảnh bát ngát của thiên nhiên, đối diện với lòng mình, triền miên với những cảm nghĩ về cuộc đời mình, miệt mài với những cảm xúc của mình. Âm nhạc của hò mái nhì có chiều sâu kín là vì thế. Bây giờ nó không còn thảnh thơi và bình thản nữa. Nó xa cách nhiều lắm cái hồn nhiên, tươi mát, rộn rã, nhịp nhàng của hò giã gạo ngày mùa. [2]

Những câu hát đò đưa xưa đã đi dần vào dĩ vãng, những con thuyền ngược xuôi đưa khách sang sông, những con đò rộn ràng trong những phiên chợ Tết đã dần vắng bóng, và những điệu hát đò đưa lãng mạn của những chàng trai cô gái khắp các miền sông nước không biết vắng tiếng tự khi nào!

Nhớ về nghĩ về nó, dường như chúng ta đã mất đi một chút gì đó của tình tự quê hương, một nét đẹp của tình người trong sáng. Như mùi hương đã bay vào cõi xa xăm, chẳng biết lúc nào gặp lại….

Gió đánh đò đưa, gió đập đò đưa
Mưa chiều ướt áo anh đưa em về thuyền
Gió đánh mạn thuyền gió đập mạn thuyền
Nhịp nhàng ta hát nơi miền trăm năm…

(Dân ca)

Tài liệu tham khảo:

[1] Mấy nét về dân ca Bình Trị Thiên, Thanh Tịnh, Nxb Văn Học, 1967, tr.46.
[2] Những đặc trưng của hò Trị Thiên, Tôn Thất Bình, Nxb Trẻ, 2006, tr.142.