Chuyện Đông chuyện Tây trên một kỳ Kiến thức ngày nay có giải thích về nguồn gốc của địa danh “Cochinchine” nhưng không thấy ông An Chi đề cập gì đến “Sự tích Cochinchine” tức chuyện “Bà Ngọc Vạn làm hoàng hậu Chân Lạp” trong quyển Chuyện các bà trong cung Nguyễn của Nguyễn Đắc Xuân, tập 3, do Nhà xuất bản Thuận Hoá ấn hành. Xin cho biết tại sao.

Chúng tôi đã có giải thích về nguồn gốc của địa danh Cochinchine trên Kiến thức ngày nay, số 186 và cách giải thích của chúng tôi hoàn toàn khác cách giải thích của Nguyễn Đắc Xuân trong Chuyện các bà trong cung Nguyễn, tập 3 (Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1997, tr. 5 – 15).

Tác giả này đã viết như sau: “Từ đó (nghĩa là từ lúc mà, theo lời Nguyễn Đắc Xuân, bà Ngọc Vạn đến lập chùa tại vùng Prey Nokor – AC), người Việt, người Chiêm, người Khơme và thêm một số người Tàu đều gọi bà Ngọc Vạn với cái tên hết sức thân mật cô Chín (…) Cô Chín khuyến khích dân trồng tiêu, trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm ươm tơ theo kỹ thuật Việt. Người Tàu Minh hương giúp cho dân Prey Nokor buôn bán với nước ngoài. Người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hoà Lan, Pháp Lang Sa đến truyền đạo và buôn bán. Thấy Cô Chín vừa thông thạo hai tiếng Việt, Khơme, biết chữ Hán, giỏi kinh kệ của hai tôn phái Đại Thừa và Tiểu Thừa. Bà là một bậc quý nhân ở vùng đất mới Prey Nokor. Nhiều người ngoại quốc cũng sinh lòng mến mộ bà. Họ gọi bà là “Cô Chín Chine” (Cô Chín Tàu).

Về sau người phương Tây qua buôn bán gọi vùng Thuỷ Chân Lạp là vùng Cô Chín Chine. Có lẽ tên Cochinchine sau này đã có nguồn gốc từ Cô Chín Chine” (Sđd, tr. 12 – 13). Ở đây tác giả đã dùng hai tiếng “có lẽ” nhưng trong tiêu đề thì ông đã khẳng định “Bà Ngọc Vạn làm hoàng hậu Chân Lạp hay sự tích Cochinchine” (Sđd, tr. 5).

Chúng tôi xin đặc biệt nhấn mạnh rằng nhiều chi tiết trong chuyện “Bà Ngọc Vạn” mang nặng tính chất giai thoại chứ không phải là sử liệu xác thực, mà độc đáo nhất là cái tên “Cô Chín Chine”.

Thuở nhỏ, khi còn học tiểu học, các bạn đồng học và chúng tôi đã từng “Việt hoá” địa danh Cochinchine thành “cô chín chị nẹ”, hoặc danh từ “vocabulaire” (từ vựng) thành “giỏ (vỏ) cá bự lại rẻ”, danh từ “chocolat” thành “chó có lác” (lác = hắc lào – trong Nam phát âm “lát” thành “lác”).

Còn người bình dân thì gọi con đường Legrand de la Liraye ở Sài Gòn (nay là một phần đường Điện Biên Phủ thuộc Quận 1 và Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) là đường “cái răng thằng Tây lung lay”. “Cô Chín Chine” chẳng qua cũng chỉ là một kiểu “Việt hoá” và bình dân hoá như thế không hơn không kém. Đó là một điều chắc chắn mà sau đây là hai lý do không thể bác bỏ được:

Một là người ta đã tìm thấy các dạng khác nhau của địa danh Cochinchine trên bản đồ của Alberto Contino năm 1502, của Nicolo de Canerio năm 1503, trong một bức thư của Jorge de Albuquerque gởi cho vua Bồ Đào Nha năm 1515, trong bức địa đồ của anh em Van Lagran năm 1595, trong địa đồ của J. Hondius năm 1613,… (Xin xem lại Kiến thức ngày nay, số 186.)

Còn bà Ngọc Vạn chỉ đến Prey Nokor “vào khoảng năm 1646” theo lời của Nguyễn Đắc Xuân (Sđd, tr. 11), nghĩa là cô Chín Chine đến Cochinchine sau khi địa danh này ra đời ít nhất là 33 năm và nhiều nhất là 143 năm. Vậy nói rằng tên Cochinchine có nguồn gốc từ “Cô Chín Chine” là đã phát biểu một điều nghịch lý.

Hai là, như chúng tôi đã viết, “xét về lịch sử của nó thì Cochinchine là một địa danh đã từng được dùng để chỉ miện Bắc, miền Trung rồi cuối cùng mới được dùng để chỉ miền Nam (Nam Bộ) chứ không phải vốn chỉ được dùng để gọi Nam Bộ ngay từ đầu như người ta vẫn thường nghĩ”. (Xin xem lại Kiến thức ngày nay, số 186.)

Thế là khi địa danh Cochinchine hãy còn được dùng để chỉ miền Bắc (Đàng Ngoài) thì chắc chắn là Cô Chín Chine cũng chưa ra đời ở Đàng Trong (Miền Nam). Vậy cũng như trên, nói rằng tên Cochinchine có nguồn gốc từ “Cô Chín Chine” là đã phát biểu một điều nghịch lý.