Tôi yêu nhất Sài Gòn những đêm mưa. Tiếng mưa rơi thầm thì dai dẳng trên mái tôn cũ như tiếng của một người tình đang hờn trách. Tôi cũng yêu nhất Sài Gòn khi tôi còn trong quân ngũ. Tháng mười năm đó tôi lấy một tuần lể phép từ Bảo Lộc trở về. Những đồi trà bạt ngàn và những hàng cây xanh mướt vừa bỏ lại sau lưng. Tôi cũng bỏ luôn một tình yêu mới vừa xanh như một cành ngô chưa kịp trưởng thành.

Ðêm của Sài Gòn có màu trời vời vợi thẳm xa như màu mắt của Ng. Nàng đi bên tôi khép nép và lặng im. Chúng tôi tìm những chỗ trống để tránh nước mưa. Mái tóc ướt át rũ ngọn xuống trán nàng, che giấu một băn khoăn không thành lời.

Nửa Đêm Ngoài Phố" - Câu chuyện về ca khúc đã đánh dấu sự gắn bó của Thanh  Thúy và dòng nhạc Trúc Phương

Vài cửa tiệm giấu mình trong bóng tối để nghe gió lạnh tràn về mênh mông. Người qua đường khua động từng bước chân ướt nhòa ánh điện. Khung trời rưng rưng những vì sao khuất lấp sau những khung cửa và phố đêm hãy còn thao thức. Ðêm nay có hai kẻ xa nhà nắm tay tìm về một góc phố quen thuộc ngày xưa, để nghe trong lòng thầm thì với nhau một chút rét mướt.

(Một ngày nào lá sẽ vàng úa dưới chân và chúng tôi sẽ khác xưa. Hạnh phúc cũng vậy. Nàng là con gái Bắc, nên tôi yêu luôn Hà Nội dù chỉ nghe tên mà không biết thành phố ra làm sao. Nhưng hình như trong lòng đêm vẫn còn vang đọng mùi hương Hà Nội và bóng trăng cười làm dợn sóng Hồ Tây).

Chưa một lần tôi biết về Hà Nội của nàng. Nghe nói mùa thu những trái sấu còn non đong đưa bên cửa sổ khi nàng đang ngồi học bài. Những cánh hoa gạo tháng ba cũng vừa rụng xuống? Nàng không nhớ vì cũng như tôi, năm 4 tuổi nàng theo gia đình vào Nam, chưa kịp nhuộm lòng mình bằng một màu hoa đỏ. Những cửa ô không kịp cựa mình đã vĩnh viễn nằm yên trong trí nhớ. Ga Hàng Cỏ ngày ra đi có gió mùa đông bám trên bờ vai xuân thì để nghe thèm một bếp lửa. Những bước chân trần trên bờ cỏ khát khao một thời luyến ái. Mọi thứ như cánh chim bay lạc mất trong vườn quá khứ nhỏ nhoi của nàng.

Mưa không dứt hạt. Tôi và nàng ghé vào một quán nhỏ ngồi đợi mưa. Ly cà phê cho tôi và ly đá chanh muối cho nàng. Vài chiếc xích lô vụt qua, ném xuống lòng đường những người khách lở bước, không biết phải về đâu. Họ đứng chôn chân dưới mái hiên. Một vài người khác miễn cưởng ngồi xuống ghế sát hành lang, hứng những dòng mưa níu tay đêm phơi phới. Người đàn bà chủ quán lui cui pha cà phê dưới bếp. Ðứa con trai phục vụ chạy tới chạy lui bằng những bước chân như người có khinh công, miệng lập lại lời kêu gọi của khách hàng: “Ly bạt xỉu và hai điếu Capstan”… “Cho thêm bình trà”… “Tính tiền bàn số 3”…

Ng. bé nhỏ dịu dàng ngồi bên tôi. Khói thuốc từ những người ngồi kế bên tỏa ra nhiều hướng, không thể bay ra ngoài nên cuối cùng đậu xuống trên mặt bàn. Vài sợi lơi lả bám trên tóc nàng. Có một nơi chốn dành riêng cho hai chúng tôi và cũng từ một nơi chốn riêng tư như vậy, dòng đời đã cuốn chúng tôi vào nhau. Ðâu đó từ nơi góc phòng vẳng ra lời ca Thanh Thúy. Tíếng ca mộng mị liêu trai chuyên chở một tâm sự bề bộn của đêm và những góc phố buồn. Bài hát “Nửa Ðêm Ngoài Phố” không hẹn mà đi thẳng vào lòng người.

Buồn vào hồn không tên,
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời
Đường phố vắng đêm nao quen một người
Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời..

Để rồi làm sao quên?
Biết tên người quen, biết nẻo đi đường về
Và biết có đêm nao ta hẹn hò
Để tâm tư những đêm ngủ không yên ..

Nửa đêm lạnh qua tim
Giữa đường phố hoa đèn
Có người mãi đi tìm,
Một người không hẹn đến
Mà tiếng bước buồn thêm ..

Tiếc thay hoài công thôi
Phố đã vắng thưa rồi
Biết rằng chẳng duyên thừa
Để người không gặp nữa
Về nối giấc mơ xưa

Ngày buồn dài lê thê
Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về
Làm rét mướt qua song len vào hồn
Làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi..

Đời còn nhiều bâng khuâng
Có ai vì thương góp nhặt tâm tình này
Gửi giúp đến cố nhân mua nụ cười
Và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi…

Những năm 60, lúc tôi còn đi học và đi lính, Trúc Phương là một nhạc sĩ có những bài hát hay thời đó. Nhạc của ông luôn có những câu trùng lặp bên cạnh những vần điệu luyến láy mới mẻ. Gần mười năm lính tráng, tôi hầu như thuộc rất nhiều bài hát của Trúc Phương và khám phá ra rằng tâm hồn của tôi cũng băn khoăn rối bời như chính người nhạc sĩ. Khi người ta đi qua một đau khổ, người ta sẽ cảm thông được những khao khát một màu hoa thủy chung. Qua tiếng hát của Thanh Thúy, tôi đã có những đêm ngày ủ ê một tình yêu thiếu vắng hạnh phúc. Tình yêu từ những tác phẫm của ông không tìm ra một bờ bến ngọt ngào. Vì đàng sau một đời mưa, trái tim ông ướt đẫm những phiền muộn…

Ðêm đó nàng nằm bên cạnh tôi sau khi từ quán cà phê trở về. Ở một nơi nào đó trong tâm hồn của hai chúng tôi tưởng chừng đã ngủ yên, bỗng cựa mình thức dậy. Ngoài thềm mưa, giọt nước tí tách rụng xuống mái hiên của căn gác trọ nghèo. Tiếng mưa như tiếng thở dài từ một mùa chia tay, sau những nổi trôi đời lính. Lòng cứ nhủ đừng để mưa làm buồn, nhưng vẫn nghe tiếng mưa chạy dài qua phố. Ðêm Sài Gòn nghèn nghẹn tiếng vòng bánh xe nhà binh trong giờ giới nghiêm. Ðôi lúc tiếng nấc nghẹn của hỏa châu rồi bùng lên giữa trời đêm, soi sáng một góc tường đang xô lệch những chăn gối.

Có những nỗi đau không tên dù chúng ta đang kề cận bên nhau. Sài Gòn vừa đánh rơi một người con gái. Nàng khóc trên vai tôi. Những cơn mưa lũ trong lòng nhau sẽ làm ướt một trái tim đang chất ngất hạnh phúc buồn rầu. Tôi muốn nói cùng nàng rằng mọi thứ rồi sẽ qua. Rằng sẽ không còn ai gõ cửa ngôi nhà tình yêu của chúng tôi để báo động một chia ly bão bùng. Dù chiến tranh vẫn hiện diện mỗi ngày.

Khi nàng biết tôi, nàng là một thiếu nữ đang học năm đệ nhị tại trường Nữ Trung Học Bảo Lộc. Tôi không nhớ hết mọi hoàn cảnh đưa đẩy tôi quen nàng. Nhưng chắc không ngoài những chờ mong sôi nổi mà một người lính có thể chạm tới được.

Một bài tạp ghi tôi viết cho thành phố mà tôi đang trú đóng, nơi chứa chất những non trẻ của nàng. Nơi mà nàng đi về mỗi ngày trên con đường mù mịt màu sương và chiếc áo len tím mơ màng như một đài sim vừa nở hết xuân thì. Bài viết có tên là “Bảo Lộc, Thiên Ðàng Tím”, tôi gởi đăng trên nguyệt san Tinh Hoa, một phụ bản riêng của nhật báo Sống. Chủ đề tờ báo chứa đựng Tình Yêu, do Tú Kếu và Trần Dạ Từ chủ trương. (Tú Kếu – Trần Ðức Uyển đã mất tại Sài Gòn. Trần Dạ Từ hiện nay đang điều hành tờ Việt Báo tại quận Cam). Một tác giả cùng thời với tôi ngày đó là Nguyễn Kim Phượng. Anh có những bài viết mượt mà và rất trau chuốt.

Bài tạp ghi lọt vào mắt những nữ sinh Trung Học Bảo Lộc, trong đó dĩ nhiên có nàng. Ngày đó tôi không chờ đợi một hồi đáp rực rỡ nằm đàng sau những trang văn chưa kịp trưởng thành. Tôi viết bằng những cảm xúc chân thật khi đi xuống cuộc đời. Những suy nghĩ cùng những kinh nghiệm mới mẻ của người lính vừa mới rời khỏi quân trường. Trong đó dĩ nhiên còn có những đêm hoang la cà nơi các quán cà phê, những tình khúc trộn lẫn với sương mù và bay theo khói thuốc. Với những tình yêu thai nghén trên những bước chân ốm đói cơ hàn.

Từ những đêm dật dờ trong các quán cà phê (trong đó có một quán quen thuộc có tên là Anh Ðào – dù quán tầm thường và rất cải lương, không dính dáng gì đến một loài hoa từng là biểu tượng của thành phố cao nguyên thơ mộng), tôi trở về trại lính, từ chiếc bàn viết lạnh căm lướt thướt giá rét, tôi viết xuống dễ dàng. Ðêm khoáng đạt bên ngoài và sương mù mờ mịt như muốn chôn vùi thành phố nhỏ bé của tôi và nàng trong cái sâu thẳm mênh mông, tôi để khao khát non yếu của mình trôi trên những trang giấy lấy từ bàn đánh máy chữ. Nhưng tình yêu đã bay bổng lên khỏi những hàng ăng teng nơi doanh trại.

Như đã nói ở trên, bài tạp ghi định mạng của tôi đã lọt vào mắt nàng. Một cô gái hồn nhiên lớn lên giữa những luống trà xanh um và những vườn bơ đầy trái thoáng chốc đã không còn hồn nhiên. Thoáng chốc nàng đã biết bão bùng… (nàng đến tìm tôi, một đêm trời bão bùng… – Tình Chết Theo Mùa Đông)

Những ngày tháng khô lắng cùng sách vở, giấy mực đã không còn nữa. Bù vào đó những bước chân dẫm lên những tan hoang rách nát. Nàng đi về một mình và mang theo giông bão trên vai.

Người ta đồn đại và xầm xì to nhỏ về tình yêu của tôi và nàng. Về những con đường, những góc phố liều lĩnh hẹn hò. Chúng tôi chia nhau mọi điều ta thán lẫn bao dung, như một nhánh sông trân mình chảy qua những khúc quành nhức nhối.

Nhiều năm sau, từ căn nhà đường Heatherglen, thành phố Austin, Texas, tôi mường tượng ra dung nhan nàng cùng một đêm rối bời hạnh phúc. Ðêm tháng mười vừa lướt thướt những cơn mưa, cùng giá lạnh trôi về làm nhớ một bàn tay. Những hương hoa ngoài vườn vội vàng bay đi, và tình yêu cũng vậy, không còn đọng lại một chút nào. Mọi thứ đều lỡ làng. Khi tôi hiểu về cuộc đời, khi tôi hiểu về nàng, cùng những nắng lên, mưa xuống mỗi ngày, thì tôi và nàng đang ở hai đầu cuộc sống. Sự xa cách làm xốn xang đến nỗi gió cũng không thể mang đến cho nhau những lời ta thán nữa.

Mùa thu đến không chào hỏi cũng như ra đi không một lời từ biệt. Người đàn ông già ngồi nhìn chiếc bóng mình trên tường nghe xa vắng một lời chim…