Đám cọ phía đồi sau trườn mình ra hứng nắng. Những tia nắng mới thật chói chang sau chuỗi ngày u ám lẩn khuất. Bà rút điện thoại gọi cho thằng con trai.

“Về chặt cho mẹ ít lá cọ”.

Anh con trai đã ngoài ba mươi mà mặt non như bông lúa đang trổ ngoài đồng. Cái mặt cậu chàng nhăn lại, chắc vẫn còn ngái ngủ. Trận rượu đêm qua khiến cậu mệt lử, nhưng cậu không dám kêu. Giá mà có vợ con ở bên bảo ban thì đã khác.

Mẹ chặt cọ làm gì, mẹ? Chặt tuốt lấy xương lá làm xước, ngoài chợ người ta đang thu mua nhiều. Cái cây cọ này cũng có ích nhỉ. Lá cọ lợp nhà sàn vừa mát vừa rẻ. Nay còn làm xước bán lấy tiền. Quả cọ chế biến thành những món ăn dân dã mà ngon miệng như cọ ỏm, cọ muối dưa, xôi cọ. Đọt cọ càng ngon hơn và chỉ để dành đãi khách quý. Ấy là khi còn sống. Đến chi chết rồi cây cọ vẫn còn nuôi được cả đám nhộng cọ béo mầm trắng tinh. Chậc chậc, cứ nói đến là con lại thèm chết đi được đây. Chốc chặt xong lá phải chẻ mấy cây mục kia bắt nhộng mới được.

Cậu chật vật leo lên cây cọ cao ngoài tầm với, gai cọ cào mấy vết thật ngọt. Cậu lẩm bẩm, ra vẻ rất khó chịu nhưng dao vẫn đều đều cắt lìa tàu cọ. Bà ở bên dưới róc tuốt lấy xương lá, bó vào gọn ghẽ. Hai mẹ con vừa làm vừa nói chuyện với nhau.

Hãy thuyết minh về một loại cây của quê hương em (Cây cọ) - Sách Giải

Quán xá dạo này có đủ vốn xoay vòng không? Vẫn đủ chứ, vẫn có khách mà mẹ. Ờ… bán gần năm rồi mà chẳng thấy ra đồng nào, nợ khắp nơi… Thôi mà mẹ, vạn sự khởi đầu nan. Bây giờ khó khăn tí đã bỏ thì sao mà khá lên được.

Bà thở dài. Giàu chẳng thấy đâu mà ngó chỗ nào cũng toàn thấy nợ. Đã gần một năm nay, thằng con trai bà cầm đất vay tiền làm quán. Vay thời hạn ba năm mà nay vẫn chưa trả được đồng nào. Sống kiếp làm thuê, bị người ta mắng chửi mãi, rồi chán cái cảnh lĩnh lương mà như đi xin tiền thiên hạ nên cậu quyết chí về nhà lập nghiệp. Sẵn có mấy năm kinh nghiệm đầu bếp, cậu mở một quán ốc nho nhỏ cạnh uỷ ban xã. Quán dựng trên nền đất nhà anh rể cậu. Thôi thì chưa có đành nhờ vả. Điện hai nhà chia nhau, cậu bốn mươi, anh sáu mươi vì nhà anh dùng thêm nóng lạnh. Còn đất ông bà thông gia cho cậu mượn miễn phí.

Quyết tâm của cu cậu đã có phần giảm đi sau những ngày lưa thưa vắng khách, nhưng Thảo vẫn kiên quyết duy trì. Người ta bảo, cung tài lộc chưa mở, nên đặt mua cái bùa trên mạng về để mở cung, thay đổi vận. Tiền chưa có thì vay, sau này có mình trả, lo gì, cậu tự nhủ thế. Bà gàn chẳng xong đành bảo: “Làm thêm nửa năm nữa mà không ra tiền thì đóng cửa cho tao!”. Cậu chàng thấy mẹ gắt thì không nói gì. Cậu cũng thấy có lỗi lắm. Kể từ khi về nhà mở quán đến nay cậu không đưa cho mẹ được đồng nào. Trước kia mỗi tháng đều mang về cho mẹ không ít thì nhiều. Nay thì chả thấy mà thậm chí khi cần cái gì còn phải đi vay. Mấy đám giỗ chạp một tay mẹ lo liệu cả. Thảo biết, mẹ muốn cho mình thoả chí làm ăn, nhưng một thằng con trai hơn ba chục tuổi đầu mà vẫn chưa lo được gì cho mẹ thì thật đáng hổ thẹn. Và cậu đã hổ thẹn cả năm nay…

– Thế cái Lan dạo này đi làm gì rồi? – Bà hỏi thăm cậu về cô người yêu.

– Nó đi làm lấy tiền học nghề mẹ ạ.

– Đấy bảo chúng mày cưới sớm đi không nghe. Già rồi đẻ đái thế nào.

– Giờ làm ăn chưa đâu vào đâu, với lại Lan còn trẻ quá, nó chưa muốn cưới mẹ ạ.

Bà định nói gì đấy nhưng lại thôi. Cũng phải, tự dưng giờ cưới về còng lưng ra mà trả nợ với nhau à. Làm gì có đứa con gái nào ngu đến thế. Bà thở dài thườn thượt. Thằng con trai bà còn có cái tật nát rượu nữa. Đến là chán. Năm ngoái cậu chàng uống say khướt nói năng lung tung, múa may điên loạn khiến con nhỏ há hốc mồm. Con nhỏ gàn mãi không được, cái giống con trai ấy mà, sĩ lên là không nghe ai hết, lại thêm vài chén vào là ông đây to hơn trời, mày tuổi gì mà nói. Con nhỏ chán quá ngồi lặng thinh. Thằng anh con nhà bác còn khích thêm vào, thi thoảng đá đểu vụ hai đứa sống thử nữa chứ. Rượu vào không biết cái ma toi gì cả. Cu cậu hùa theo khà khịa, đoạn cười hi hí như thằng mới trốn trại ra. Bà quát cậu, cậu nhăn nhở cười. Lúc ấy các thím với các em đỡ lời hộ: “Ấy thấy ghét ghét à thôi. Lấy nhau về đi rồi quản cho nó khỏi rượu”. Con nhỏ thẳng băng: “ Cứ thế này cháu còn phải xem xét. Lấy về hành cháu khổ ra”. “Ấy ấy không được bỏ chứ, phải khuyên bảo nó, làm cho nó tốt lên”. Bà nghe rõ mồn một đoạn đối thoại ấy, lòng nằng nặng, đoạn bà quay sang thằng con trai, bảo: “Mày cứ như thế này tao còn thấy chán nữa là người ta”.

***

Bà gắp mẻ dưa cọ vàng ươm ra đĩa, tráng đôi quả trứng, đơm bát cơm, rồi ngồi thẫn thờ. Bữa cơm nào lẻ loi bà cũng ngồi thẫn thờ như thế. Ông bỏ bà đi từ khi thằng con út mới mười tuổi. Căn bệnh “thối ruột” kỳ lạ đã cướp mất ông vào một chiều cọ xoè ô rợp trái nhà. Bà ở vậy đuôi ba đứa nhỏ khôn lớn. Đứa lớn vu quy, đứa hai cũng lập gia đình, năm thì mười họa chúng mới ghé qua một lần, được chốc lát rồi lại đi ngay. Còn thằng út thì… thoạt đầu nó nghĩ, miền Tây Bắc lắm núi nhiều đồi, nơi chó ăn đá gà ăn sỏi, không làm ăn được gì, nên đi biệt. Hết vào Nam ra Bắc, rồi cuối cùng lại vẫn quay đầu về quê. Những năm tháng ấy bà còm cõi một mình. Nó gửi tiền về đều lắm nhưng bà chẳng vui. Có năm bà bệnh lên bệnh xuống, phải phiền con gái, phiền em chú em thím cạnh bên. Các chị gọi cu cậu về trách móc, muốn cu cậu làm gần nhà để tiện chăm sóc mẹ. Ừ về thì về. Năm nay cu cậu về mở quán cách nhà chưa đầy cây số. Gần nhà là thế nhưng cậu còn phải trông quán, vì quán cứ tông hống, nhảy ra nhảy vào được. Trộm nó mà vào bê bộ bếp ga hay cái tủ đi thì chết cứng. Cũng vì cái lẽ ấy nên bình thường bà vẫn ăn cơm… một mình. Nhìn mâm cơm bà bỗng nhớ những ngày gia đình còn đông đủ, sống mũi bỗng cay xè. Cái Cả Thuý thích ăn cọ muối nhất, mỗi lần gắp lên đĩa là nó phải ăn trước một, hai miếng để tí đỡ phải… tranh nhau. Cái Thuấn với thằng Thảo thì tối ngày tị nhau nấu cơm. Ông đi làm ban ngày, tối về cả nhà năm người quây quần dưới mái lá cọ nhà sàn, đèn xô bóng đổ chập chờn bên bờ suối. Cạnh trái nhà gió vờn đám cọ thật vui tai. Rồi thời gian thấm thoát trôi đi mang theo những người yêu thương của bà đi khắp chốn, để lại mình bà đơn độc sớm hôm. Cọ vẫn xoè ô che nắng, vẫn xì xào gió xô, mà cớ sao lòng bà rệu rã? Các con khuyến khích bà đi bước nữa nhưng ngần này tuổi rồi còn ham hố gì hơn việc có con dâu, có đàn cháu nội.

Hồi chiều cái Thuý lại chở gạo sang cho bà. Bà đã bảo đừng mà nó không nghe. Chồng con kêu chở, nó nói thật to, chỉ sợ bà không nghe rõ. Bà ậm ừ, nghĩ bụng, chồng mày kêu chở hay mày tự chở con ơi?

Bà được hai anh con rể thì một anh gia trưởng, chém gió như thần. Anh còn lại “hâm hấp”, nhưng hấp khôn lỏi, hấp ăn người. Chồng cái Thuý giỏi làm ăn nhưng nó cũng chẳng sung sướng gì cho cam. Thuở mới về nhà chồng nghe đồn nó bị coi thường lắm. Mẹ chồng khinh nhà ngoại nghèo nên đối đãi với nó bạc bẽo. Nó chịu thương chịu khó, nhẫn nhịn, không kể với bà một lời. Thuý sinh được hai cô con gái. Nó bảo, con nào cũng là con, khéo nuôi dạy khôn lớn thành người thì bố mẹ vẫn được nhờ. Thế nhưng thằng chồng nó không chịu, bắt đẻ thêm đứa nữa. Không có thằng chống gậy thì còn gọi gì là nhà. Nhưng cả Thuý nhất quyết không. Kể từ độ ấy hai vợ chồng khục khặc với nhau. Bà vẫn nhớ như in ngày Thuý sinh đứa thứ hai, thằng chồng không thèm nhìn mặt con lấy một lần. Con được ba ngày tuổi thì nó bỏ đi làm xa biệt, mặc kệ đứa con đỏ hỏn với vợ đau đớn ở nhà tự chăm nhau. Bà sang trông con gái, nhìn cháu, nhìn con thương trào nước mắt. Hắn đi biền biệt đến khi con bé biết nói mới về. Con không biết mặt cha, lơ ngơ “cháu chào bác”.

Thuý đi làm công nhân Samsung, lương tháng sáu, bảy triệu. Bà ủng hộ hết lòng bởi con gái phải tự kiếm ra tiền thì cuộc sống mới đỡ khổ. Chồng nó vẫn ấm ức nên kiếm cớ gây sự. Bữa nọ chẳng biết uống rượu ở đâu say bí tỉ, sang nhà mẹ vợ mà than vãn rằng Thuý bỏ hắn rồi. Hắn bóng gió vu vơ rằng hội công nhân Samsung “lấy lỗ làm lãi”, thiên hạ đồn đầy. Bà chậm rãi khuyên nhủ hắn. Nào có phải ai cũng thế, con đừng vơ đũa cả nắm, ở đâu thì cũng có người nọ người kia. Cái Thuý không phải đứa chơi bời, nó đàng hoàng, chịu khó làm ăn, con đừng đánh đồng nó mà tội nghiệp.

Nói với mẹ vợ chẳng được, hắn quay sang tâm sự với em cậu. Đấy cậu xem, chị cậu dạo này ăn diện lắm. Còn phây búc phây biếc nữa cơ. Đêm nào cũng tinh tinh, tinh tinh cả. Em cậu thấy anh rể nói thế thì khéo léo. Thôi anh đừng lo nghĩ vẩn vơ. Con gái làm đẹp để giữ chồng là chính. Hắn ta còn lèo nhèo thêm một lúc nữa mới chịu về.

Thằng rể hai cũng chẳng khá hơn. Cái Thuấn thương nó vì cái mã, cái nết, ấy là trước đây thôi. Hồi còn yêu hắn to con bảnh bao có tiếng, mồm mép tép nhảy, rót mật vào tai. Người xưa thường bảo “mắt con trai tai con gái”, cái Thuấn chết vì những lời đường mật. Về gia thế, bố hắn là bộ đội, còn mẹ là giáo viên, ai cũng có lương, đất đai lại nhiều. Thuấn cứ ngỡ mình vớ được vàng. Thì nó cũng được nhờ nhà chồng nhiều. Chân địa chính xã là do nhà chồng bỏ tiền ra xin, đất làm nhà với nửa tiền xây nhà cũng ông bà thông gia lo liệu. Còn một nửa thì nó tự đi vay. Nhà ngoại nghèo không cho được gì cả. Hôm bàn chuyện mua đất xây nhà, ông thông gia bảo để ông mua đất, nhà ngoại cho tiền xây nhà. Bà cười mà rằng, các con tự lực thôi, mẹ không dư giả nên không cho được.

Thằng rể hai nhà bà máu rượu chè, vài ngày không uống lại thèm. Uống vào mấy chén lại lên cơn. Có đợt phải đi viện thần kinh. Đôi khi hắn bảo nghe thấy ai đó nói bên tai khi ở một mình. Có người đoán chắc là do ngày trước ở trên đất có vong hồn, hợp vía nên nó đeo, nó hành. Giờ chuyển sang đất mới mà rượu vào vẫn nói linh tinh. Ông bố ruột hắn thì bảo do nốc lắm rượu nên thần kinh chứ ma quỷ gì. Thuấn mấy lần định ly hôn vì không chịu đựng nổi cái tật xấu của chồng. Ông bà thông gia thấy thế thì hoảng lắm, người bảo nó thần kinh chấp gì, người lại khuyên vì con vì cái mà rộng lòng bỏ qua. Cái ngữ thần kinh rượu ấy Thuấn đã ngán đến tận cổ. Đến chính bố mẹ ruột, khi rượu vào hắn còn vô lễ, chứ nói gì đến vợ con.

Nhà Thuấn ở cách nhà bà có một cây. Thằng Thảo mở quán ngay tại đó. Nghe đến chung đụng bà đã không thích rồi. Đành rằng là chị gái mình nhưng còn anh rể nữa, chung đụng nhiều dễ xảy ra xích mích. Chị em ruột thịt thật đấy nhưng mà túi tiền riêng. Thi thoảng bà đạp xe sang chơi với cháu ngoại. Đứa cả nhà cái Thuấn năm nay học lớp hai. Ngoại trừ lúc đi học thì tối ngày cắm mặt vào điện thoại thông minh xem người ta ăn uống, xem riết rồi đòi ba mẹ, đòi ông bà nội mua đồ y chang vậy cho ăn. Ông nội con bé thấy cháu đòi gì là mua cho ngay cái ấy. Vì thế lúc nào con bé cũng đòi ra ông nội chơi, chả khi nào nó đòi về bà ngoại. Nó không về thì bà đạp xe sang chơi với nó vậy. Con bé thấy bà ngoại thì ngẩng đầu lên nhìn rồi lại cúi xuống, dán mắt vào màn hình. Bố nó thấy vậy nhắc: “Con không biết chào bà à Linh?”. “Con chào bà”, con bé chào nhưng mắt vẫn không hề di chuyển. Bà bế thằng cu em, nựng má: “con cò chị, thằng cò em”. Xế chiều ông bà nội đèo nhau từ ngoài thị trấn vào, túi lớn túi nhỏ. Cái Linh hớn hở chạy ra, ông ơi ông có mua đùi gà cho con không? Ông mua rồi nhưng Linh học bài chưa nhỉ? Phải học giỏi ông mới cho ăn nhé. Bà bảo, ông bà thông gia đừng chiều cháu quá rồi nó sinh hư. Thôi ông bà ở chơi tôi về nhé. Bà ngoại ăn cơm rồi hẵng về. Thôi tôi còn gà còn qué. Chào ông bà thông gia…

***

Hôm nay giỗ bố tụi nhỏ, như thường lệ, nhà làm mấy mâm cơm. Đồ bà đã chuẩn bị từ hôm qua, sáng nay đi chợ sớm mua thêm ít đồ. Nay lại vào giữa tuần nên ai cũng bận cả. Cả Thuý nay làm ca ngày, tối mới về được. Cái Thuấn phải mười một giờ hơn mới tan làm. Rể cả giữa buổi mới sang, nhưng hắn vừa sang là ngồi chiếu trên ung dung uống chè với các bác, các chú, các cậu. Rể hai ở nhà trông con nhỏ mới hơn một tuổi nên cũng không hộ hành được gì, đến bữa vợ chồng rồng rắn đèo nhau lên ăn cơm thôi. Thế là mình út Thảo làm cả.

Gần trưa cúng bái xin âm dương, xin mãi mà không được. Thím bảo do con cháu chưa tề tựu đông đủ. Ôi đúng thật. Rể cả còn mải mê uống chè. Rể hai giờ này chưa thấy mặt đâu. Thảo vuốt cằm, than, các anh chị phải biết tự giác chứ.

Nhập mâm chào hỏi hết gần nửa chai rượu, nói lời cảm ơn chạm đến chai thứ hai. Người đã ngà ngà say, mà rượu vào thì lời ra, say rồi rượu nói hay người nói còn chưa rõ. Rể cả lại buông lời chê trách vợ mình:

“Vợ cháu chậm bỏ xừ. Mấy tiếng đồng hồ chẳng xong bữa cơm. Thịt con gà chậm rì chậm rịt, nó thịt được một thì con gái cháu ngả xong hai con rồi. Đấy, mang tiếng đi làm nhiều tiền mà cả hai đứa con cứ năm mười nghìn lại ngửa tay xin bố”.

“Thế bố nó nó không xin thì xin ai”, thím cười.

Rể hai tì tì chén miếng ngon, bảo, nóng thế này mà có bia uống thì mát cậu nhỉ. Hay là cậu mua bia về mời mọi người đi. Ôi em hết tiền rồi, anh có đãi mọi người thì em đi mua cho. Cậu mà hết tiền. Cậu đầy tiền. Mà hết thật thì anh cho cậu vay. Anh là anh tốt, anh sống thật nhất trên trần đời này. Cậu cũng phải tốt với anh rể cậu mới được. Khiếp! Thế em chưa đủ tốt với anh à? Cậu thì tốt rồi nhưng để tốt hơn nữa cậu phải mời anh với anh rể cả đây bữa bia.

Thuấn thấy chồng bắt đầu lên cơn thì gàn: Thôi không uống nữa nhé, lại bắt đầu rồi đấy. Tí nữa lại chủ tịch nước với Đô – nan – trăm bây giờ. Ui giời vợ cứ thế anh ghét. Để anh uống cho ngon xem nào. Ngon thì chiều lấy ai trông con hả? Biết rồi, chiều anh còn phải quét uỷ ban đây này, còn đưa giấy mời một đống đây. Có hai triệu bạc mà nhiều việc thế không biết… hức… Mẹ gì mà mẹ chả bao giờ chịu trông con. Toàn bố trông. Anh mà như người ta đi làm lương bảy, tám triệu thì tôi ở nhà trông cho ngay. Vợ Thuấn đừng có ra oai. Con tao trông, thức ăn tao mua, ăn sáng cho con cũng tiền tao, điện cũng tiền tao, cái gì cũng tao, mày làm được gì…Thế nợ tiền xây nhà anh trả hay tôi trả?

Bà buồn rầu quát: Có im hết đi không? Chúng mày hay nhỉ? Có gì về nhà bảo nhau, đừng ầm ĩ ở đây!

***

Dạo này Thảo ghét Cả Thuý. Lí do vì nó hỏi vay tiền nhưng Cả Thuý bảo không có. Lúc nó khó khăn sao hỏi vay con nhanh thế, con cho vay đến gần chục triệu không tính toán gì, mà giờ con hỏi vay có hai, ba triệu nó cũng khó khăn. Nó mới mua xe tháng trước, còn nợ đầy mày có biết không?, mắt bà như sâu hơn. Nói chung là sau này đừng bao giờ nhờ con giúp đỡ. Ơ cái thằng này, chị em phải yêu thương đùm bọc lẫn nhau chứ…bà nói mà lòng đau như cắt.

Con bé Lan hôm nay lên nhà chơi. Bữa giỗ hôm nọ nó bận việc tối mới lên thắp hương được. Bà nhìn chúng nó tíu tít chuyện trò mà tưởng tượng cảnh vợ chồng son hạnh phúc. Giá mà năm ngoái chúng nó chịu cưới thì có phải bây giờ bà có cháu bế rồi không? Bà thích bế cháu lắm nhưng chỉ bế được nửa tiếng là tê nhừ cánh tay. Cái tay trật khớp để lâu nó thành ra thế, đến khổ.

“Cu lại sắp phải giả tiền lãi ngân hàng rồi đây này”,Út Thảo giơ điện thoại khoe tin nhắn nhắc nhở của ngân hàng. Thím ngồi tựa lưng vào cột nhà, thong thả tiếp chuyện: “Mới cuối tháng trước thím cũng nhờ cái Thuấn đóng lãi hộ hơn một triệu xong. Của thằng cu lãi không phẩy mấy mà gần một triệu?”. “Thì vẫn cái cháu vay của ngân hàng phát triển nông thôn ấy”. “Ơ sao lại thế? Cái đấy bây giờ thím đang trả chứ? Thế cái Thuấn không nói gì với cháu à? Đợt nọ thím nhờ nó vay hộ mà nó bảo chuyển cái ba mươi triệu của mày cho thím, thím chịu giả lãi của mày. Còn nợ của mày chuyển sang chung sổ với nó ở bên ngân hàng chính sách, để cho mày nhẹ lãi đi thây”. “Nghĩa là ba mươi triệu cháu vay bây giờ chuyển sang sổ khác lãi thấp hơn ạ? Sao cháu chẳng thấy nó nói gì cả? Tin nhắn vẫn báo về, hai hôm nữa phải đi nộp lãi đây”. “Cái Lan bấm máy tính cho thím xem nào, cái năm mươi triệu là lãi không phẩy bốn mươi lăm này, cái ba mươi triệu là không phẩy bảy…”

Tính qua tính lại một hồi mới lòi ra là tiền hôm nọ thím đưa giả luôn cả lãi cho khoản vay của Hai Thuấn. Mặt Thím biến sắc. Thím bảo với mẹ sắp nhỏ rằng: “Sẵn có dâu ở đây em nói thẳng. Nếu cái Thuấn nó có ý định như thế là không được, không tốt một tí nào. Người nhà nếu đã không có cho nhau thì thôi chứ đừng tính toán nhau mà làm lợi cho bản thân. Bây giờ em với thằng cu trả ngần ấy tiền là khoản cái Thuấn vay đủ luôn, nó không cần trả lãi nữa. Nó có cái tâm ấy là không nên. Em cứ nói thật với dâu thế”. Khoé môi bà giật giật, đầu ong ong. Chuyện vừa xảy ra như nhát búa bổ thẳng vào tâm trí bà. Con gái bà đang làm gì thế này? Bà biết nói gì đây? Bênh con gái mình ư? Nếu nó đã có tâm làm ra chuyện như thế thì bà biết bênh thế nào? Động đến tiền bạc rất phức tạp, có khi mất cả tình anh em. Bà đã căn dặn chúng nó không biết bao nhiêu lần mà đứa nào cũng bỏ ngoài tai hết. Bây giờ thì hay rồi… hay rồi.
“Thằng cu mai hỏi cái Thuấn rõ ràng xem nào. Tao thấy tiền nong chúng mày cứ mập mờ sau này khó lắm”, bà nói, giọng gay gắt.

“Đúng rồi mai cu hỏi xem nó trả lời thế nào”, thím đồng tình, mắt nhìn xa xăm.

Lan từ đầu chí cuối giữ im lặng. Nếu được bà ước con Lan không chứng kiến cuộc nói chuyện này. Chuyện đáng xấu hổ này sẽ được giữ kín và nó sẽ không có cơ hội khinh rẻ nhân cách của chị chồng. Nhưng… nó đã nghe hết cả rồi. Và hình như ban nãy bà thấy nó nở nụ cười, một nụ cười nhẹ nhàng như châm biếm…

***

Một xế chiều bà ngồi thủ thỉ với đàn gà, ngày kia đám cưới ngày kìa đám xin, sớm mai vài đứa trong số chúng bay sẽ cùng bà già này ra chợ. Con gà trống mào cờ này đẹp mã, lông mượt, chân vàng, chắc được giá. Con mái mơ kia cũng thẳng thua..

– Dâu ơi! Dâu ơi lớn chuyện rồi. Thằng Thảo… nó chém nhau ngoài quán rồi – Thím hớt hải chạy sang báo.
– Nó chém ai? Làm sao mà lại …
– Em không rõ. Phải ra xem mới biết được.

Mặt bà xám ngoét, tay chân run lẩy bẩy, quên cả xỏ dép, bà lao đến chiếc xe đạp cà tàng dựng chỗ cột nhà, ngồi lên. Xe lúc lắc theo từng nhịp run của bà. Thím nổ máy xe, gọi:

– Dâu lên xe máy em chở cho nhanh, chứ đạp xe đến bao giờ.
Bà lách qua đám người đang tò mò xem sự lạ. Tiếng chửi thề, câu nguyền rủa lẫn tiếng dao chém vào kim loại chát chúa vang lên, xuyên thẳng vào màng nhĩ. Thoáng thấy bóng người ngã vật xuống nền đất, bà choáng váng. Thằng con trai bà lăm lăm con dao bê bết máu trên tay. Hình như nó đã bị thằng kia chém trúng một nhát, huyết nhỏ tòng tòng, nên nó càng sôi máu. Thằng kia chính là cái thằng vừa ngã vật xuống đất, dòm mặt nó bà hoảng hốt, trời ơi! thằng rể hai. Bà lao vào giữ chặt lấy cánh tay cầm con dao của Thảo. Nó giằng ra. Để con cho nó chết. Bà lại lao vào. Nó chết tao cũng chết, chi bằng mày chém tao luôn đi. Vết rạn xương buốt nhói nhưng bà không quan tâm. Lúc này bà chỉ thấy trước mặt mình một con quái vật, còn bà cần phải hoá siêu nhân. Đám con trai cường tráng ban nãy dạt hết sang một bên để tránh vạ lây thì giờ cũng chớp thời cơ, lao vào làm anh hùng. Họ xúm vào đưa cả hai ra trạm xá. Thảo bị một nhát vào vai, không sâu mấy, lúc bác sĩ sơ cứu, nó vẫn còn cay cú. Rể hai đi đời ba ngón tay. Sống chết đòi trả thù. Khoé mắt ráo hoảnh của bà lúc này nước dâng lên ngập ngụa. Bà lục tìm tất cả rượu trong quán, đổ sạch xuống cống, không chừa lại một giọt. Nhà thông gia nghe tin vội phi xe vào. Nhìn ba ngón tay còn nhơm nhớp máu nằm lăn lóc dưới nền xi măng, bà thông gia đứt mấy khúc ruột. Cái Thuấn bụm miệng ngăn cơn nôn vừa thúc lên từ dạ dày, ngơ ngác hỏi bốn xung quanh. Chẳng ai rõ sự tình, chỉ biết là hai người xung đột rồi động tay động chân.

Cuộc họp đại gia đình diễn ra ngay tối hôm đó mặc sự vắng mặt của rể hai. Suy cho cùng, mọi chuyện cũng từ rượu mà ra. Bà nhìn thẳng vào mắt anh con trai (lúc này đã tỉnh rượu), hỏi, thế bây giờ mày tính thế nào. Thôi thì mọi sự đã rồi, cùng lắm thì con nuôi anh ấy. Nuôi à? Nó có đồng ý cho mày nuôi không hay nó gọi công an đến còng tay mày vào. Đoạn, bà quay sang ông thông gia, cúi gập người xin lỗi. Ấy chết! Bà làm cái gì thế? Chúng ta là người một nhà, bà ngồi xuống rồi hai gia đình tìm cách giải quyết, không đến mức phải nhờ đến pháp luật đâu. Bà thông gia đứng ngồi không yên, bà với cậu tính thế nào thì tính, tay nó giờ làm nên trò trống gì nữa, thôi tôi vào viện đã nhé. Suốt buổi mặt bà cứ cúi gầm. Cuối cùng cuộc họp cũng đi đến hồi kết với quyết định sẽ chăm lo cho anh rể của Thảo. Bà cũng nhận phần việc chăm nom thằng cháu ngoại cho đến khi bố nó lành hẳn. Khi mọi người đã về hết, chỉ còn lại bốn mẹ con, bà mới nhẹ nhàng bảo: “Cái Thuấn hãy cố gắng chăm sóc, yêu thương chồng. Hết tình còn nghĩa. Huống hồ bây giờ nhà mình có lỗi với nó. Còn cái Thuý, chồng mày dạo này hay ghen, vẫn biết rằng cây ngay không sợ chết đứng, nhưng cũng vừa vừa phải phải thôi. Cả Thằng Thảo nữa, mày đã sáng mắt ra chưa?” – Bà ấn vào vết thương trên vai Thảo, thấy mặt con trai nhăn lại, bà tiếp – “Đau à? Lúc hăng hái uống, lúc chém hùng hổ sao không thấy đau?”. Thảo im re. Bà lặng một lát rồi nhìn ba đứa con: “Mẹ già rồi, chẳng cầu sang giàu hay nhàn hạ. Lúc mẹ còn sống, mẹ chỉ mong chúng mày luôn yêu thương, bảo ban nhau; mong các cháu nội ngoại lớn lên khoẻ mạnh, ngoan ngoãn thành người…

Trời bỗng đổ cơn mưa. Trận mưa như xối làm đám cọ bên trái nhà nghiêng ngả tứ bề, chỉ còn một cành cọ già vẫn thẳng tắp xoè ô, vươn mình trong gió…

Đặc sản rừng cọ đồi chè miền trung du