Ngày bé, tôi nghĩ đến ước mơ rất nhiều, nhưng thực hiện được thì rất ít vì chúng vừa không rõ ràng, lại viển vông. Con bạn thân của tôi thuở ấy chê tôi nghèo ước mơ. Còn nó, nó có rất nhiều ước mơ nhưng ước mơ lớn nhất của nó là trở thành một cô giáo để dạy cho tất cả trẻ em quê nó. Nó nói nó sẽ dạy cho những học sinh của nó phải biết ước mơ và cố gắng để thay đổi cuộc đời, thay đổi quê hương.

Tuổi nhỏ, mau quên. Tôi nghe nó nói, rồi cũng quên đi sau những trận đá bóng, những trò chơi trận giả, những buổi chơi nhà chòi…. Lâu nay, nhà tôi lại chuyển nhà đi nơi khác vì cha tôi chuyển công tác nên tôi cũng không còn gặp nó và tụi bạn ở quê. Những câu chuyện về ước mơ cũng xa dần như khoảng cách của tôi và nó vậy. Bẵng đi mấy năm, tôi mới về thăm quê. Háo hức, mong chờ, tôi đến nhà nó nhưng không gặp. Khi đi về hướng cuối xóm để tìm mấy đứa bạn cũ, tôi nhìn thấy một nhóm đông tụ tập ở căn nhà nhỏ giữa đồng với bóng dáng một ai đó quen quen. Tôi vội bước đến gần. Là một lớp học nhỏ, bàn ghế không có, với một cái bảng và một cô giáo bé bỏng. Là nó của tôi, đang đứng trên bục đất của căn chòi xơ xác, viết những chữ cái thẳng hàng trên cái bảng con con. Lũ học trò lấp xấp phía dưới, quần áo xác xơ, tập vở lem nhem. Một lớp học giữa đồng. Tôi ngạc nhiên và thoáng chút bất ngờ khi đứng trước cửa lớp. Theo ánh nhìn và những ngón tay chỉ của học trò, nó nhìn lên và mỉm cười thật tươi với tôi.

Chiều hôm ấy, trên đường về,nó cho tôi biết rằng năm nào cũng vậy, cứ đến hè là nó lại dạy cho lũ trẻ nghèo ở quê. Nó nói tụi nó ham học lắm, chỉ tội là gia đình nghèo, không được đi học đàng hoàng, nhỏ dạy cho tụi nó, tụi nó vui lắm, chiều nào cũng đi học đầy đủ. Nó và mấy đứa bạn đã lấy tập cũ, xin sách cũ cho tụi nhỏ, đã giúp thì giúp cho trót, nó nói vậy.

Giá SGK mới tăng phi mã và nỗi lo cho học trò vùng cao » Báo Phụ Nữ Việt Nam

Và một tuần ở quê, chiều nào tôi cũng ra lớp học giữa đồng. Nó và tụi bạn cũ của tôi thay phiên nhau dạy ở lớp học đặc biệt này. Người dạy nhiều nhất là nó. Thật lạ, mỗi lần nhìn nó say sưa dạy tụi nhóc đánh vần, ghép vần, tôi lại nhớ tới thầy Đuy-sen của Ai – ma – tốp trong Người thầy đầu tiên. Không một danh phận, không một đồng thù lao, nó làm mọi việc tự nhiên, tự nguyện như đó là việc tất nhiên mình phải làm. Nó âm thầm, lặng lẽ cống hiến, đem con chữ về xây đắp tâm hồn bọn nhóc nhà quê và thắp sáng vùng quê nghèo. Tự nhiên, tôi muốn giúp nó, muốn chung tay cùng nó và tụi bạn trong công việc ý nghĩa này. Tôi đã hứa với nó khi về sẽ vận động tụi bạn góp tập cũ, báo cũ cho tụi nhóc. Nó nghe nói thế, rất vui, cứ nắm chặt tay tôi mãi. Tôi đọc được sự háo hức trông đợi trong ánh mắt bọn trẻ khi đến chia tay để về vì kì nghỉ ở quê đã hết. Tội nghiệp, ở quê cái gì cũng thiếu thốn!

Khi lên xe, cầm mãi trong tay mấy con cào cào bằng lá dừa của nó và bọn trẻ tặng, tôi chợt nghĩ rằng dù cánh đồng có bao la bao nhiêu thì những giọt mồ hôi rơi xuống đều có thể khiến cho một mầm sống vươn lên. Một ước mơ, dù có viển vông đến đâu thì cũng là một ước mơ, và một ước mơ bình thường nhất cũng sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu không hành động. “ Ước mơ lớn nhất của mình là trở thành một cô giáo. Mình sẽ dạy cho tất cả trẻ em quê mình, để cho ai cũng được học hành, không ai phải bỏ học dở chừng. Mình sẽ dạy cho những học sinh của mình phải biết ước mơ và thực hiện ước mơ để thay đổi cuộc đời, thay đổi quê hương”. Câu nói hôm nó hôm nào lại vang lên bên tai tôi, trước mắt tôi lại là hình ảnh một cô giáo nhỏ với tụi học sinh nheo nhóc trong lớp học của ước mơ.