Mùa hạ ấy, đã xa lắc tự thuở nào, tôi từng thương một chàng trai hiền lắm, cũng chẳng biết căn nhà cậu sống, chỉ loáng thoáng vẽ những nghĩ suy mơ hồ qua lời kể của lũ bạn, nhà cậu gần trường, đều đặn mỗi ngày tôi thấy cậu đi bộ giữa những tán cây xanh non trên vỉa hè. Hết bốn mùa xuân hạ thu đông đều thế, chàng trai đeo nắng trên lưng, với chiếc cặp kính đen thư sinh óng lên khi bắt sáng, lặng lẽ len vào những nhịp tim hối hả của một tình yêu mười tám ngượng ngùng.

Indiana Dunes Công Viên Tiểu Bang, Bãi Biển

Nhà tôi ở xa, bao giờ cũng phải bắt đầu đi sớm hơn mười lăm phút so với lũ bạn mới chẳng muộn giờ. Mùa hạ chùng chình, tôi đi giữa những cánh đồng ngát thơm dư nồng của thảo mộc thôn quê, sương sớm nơi quê làng đẹp lắm, nhiều lần khiến tôi mê man như bỏ quên mình trong cái óng ả trinh nguyên và tươi mát của những hạt sương mong manh li ti rắc đều trên đồng nội. Cứ thế mà dần hết ba năm, tôi ngỡ ngàng thấy mình như chỉ vừa bước qua một khu rừng nhỏ, rậm rịt sức sống tưởng còn xa lắm mà giờ thấy mình đã đứng  trơ trọi bên mép rừng với một cánh cổng hoa râm khép kín lại ngăn cản bước chân kẻ tham lam được khao khát được đi lại thêm lần nữa.

Chúng tôi học chung một dãy nhà ba tầng, cách nhau một ngã rẽ vuông góc, ít khi tôi thấy cậu ra hành lang chơi, người ta hay bảo kẻ học giỏi thì hay khó gần có lẽ là vì thế. Lớp cậu sát với cây phượng già nhất của trường, mỗi ngày nắng mưa cứ thường nhật ghé tới, vẽ nên bức tranh trầm mặc đượm buồn của một góc thanh xuân lắm khi chơi vơi và lạc lõng.

Phượng giữa mùa rực rỡ và nhiệt huyết, từng đóa to cháy đỏ trên một thân đuốc xanh xao gầy nhom và trơ trọi lá, thật kì lạ là hoa càng nhiều thì lá càng ít đi, cũng có thể xem đó như một sự hào phóng, nhường lại cho hoa một một góc riêng tư hay một bục danh dự đáng tự hào bởi sắc màu quá đỗi kiêu kỳ và mạnh mẽ hiếm ai bì được. Tôi nhớ từng cánh hoa rơi khẽ trước hành lang lớp cậu, cái mùa gió Lào thích hôn lên da thịt của dân xứ sở lại về, vờn một loạt hoa phượng, hoa lăng trong cái ran rát cháy bỏng của mặt trời. Phượng được dịp hóa kiếp Geisha hay kỹ nữ; tình tự buông lơi cánh tàn mong manh trên đôi vai gầy của những chàng thư sinh lặng lẽ.

Tôi chưa nhiều lần rung động bằng trái tim non nớt mới chỉ chập chững bên lề mười tám, nhưng tự chính tâm can tôi biết mình có nhiều lắm cơn mộng mơ lang bạt với cuộc đời. Những đồng lúa, nương ngô, bãi khoai lá xanh hay giàn mướp hoa vàng và thiên lý trắng đã nhiều lần ngâm tôi trong một hỗn hợp ngan ngát hương nồng. Mọi thứ, mọi vật hiện hữu hay vô hữu trên thôn quê này tất thảy đều khoác lên trong chính mạch nguồn của tôi một điệu nhịp gì buồn lắm, man mác, nên đôi khi tôi thấy mình lạ lẫm giữa đời thực, khiến đôi lần tôi ngỡ mình như đang mộng du mà sống nổi trôi mãi như cái tuổi mười tám dở ương và lắm lúc lơ lửng, chới với khi chạy theo một ảo ảnh không tên về quá khứ, thanh xuân và hoài niệm. Có lẽ cũng từ đó mà tôi đâm ra thích mơ mộng và tâm hồn thì bao giờ cũng vắt vẻo trên những tán me non hay những cụm mây trắng trẻo và bông mềm.

Tuổi trẻ thì ngắt xanh mà ngắn ngủi quá, điều đáng buồn còn chính là cái ra đi lặng thầm của từng tích tắc mùa hạ ấy, nó âm thầm tới nỗi nhiều khi khiến chính tôi phát bực và điên cáu lên, tôi ước gì nó cho tôi một sự hiện hữu dễ dàng trông thấy bằng đôi mắt thực, tôi ước gì nó có thể thổi lại trên cánh tay tôi một chút feeling dù chỉ nhỏ bé thôi để chính trong tâm tôi bớt đi cái hơi buồn ảm đạm, vẩn đục như nỗi tang thương vì phải rời đi một người bạn đồng ngộ đã cùng song hành.

Chiều hôm về, thấy lãng đãng hơi khói mù mờ bốc lên âm ẩm từ lùm rơm khô mắc mưa bên đường, trong cái mơ màng, u ám lồng giữa tiết khí oi bức ngột ngạt của một mùa hạ tháng sáu, vẫn có bóng dáng của một chàng trai ngồi sau xe bạn về nhà. Hàng xoài trên cao ươm gió gọi lũ sẻ nâu ríu rít giữa những thân cây chằng chịt lá và chùm xoài xanh chua ngắt lúc lỉu như mắc võng mà đánh đung cái thân gỗ sồ sề đã thẫm đen ấy. Và có cô bé giữa tuổi mười tám lồng lộng gió Lào và nắng mưa miền nhiệt vòng xe đi về trên một lối khác, hai chiếc xe lăn tròn xa mãi dẫn về hai cung đường khác nhau, ra những mái nhà chẳng giống nhau và con những người chẳng thể như nhau.