Các hình khắc trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn được coi là một cuộc triển lãm những tác phẩm mỹ thuật tuyệt vời, mang tính biểu tượng cho sự giàu đẹp của nước Việt. Chùm ảnh: Giải mã trọn bộ các hình tượng trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn

Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1/3/1837, gồm 9 chiếc đỉnh bằng đồng, lấy ý tưởng từ Cửu đỉnh của nhà Hạ ở Trung Hoa.

Đỉnh hay vạc vốn là đồ để nấu ăn thời xưa, được đúc bằng kim loại, thường có hai quai và ba chân, nhưng được các bậc vua chúa tôn lên là tượng pháp để tượng trưng cho quyền lực thống trị của nhà nước quân chủ. Trước khi có Cửu Đỉnh, các vua chúa nhà Nguyễn từng cho đúc nhiều đỉnh đồng để xác định quyền uy của triều đại.

Cửu Đỉnh được đặt ở trước Hiển Lâm Các theo một hàng ngang, đối diện với Thế Miếu, ứng với án thờ của các vua nhà Nguyễn trong Thế Miếu. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn, lần lượt là Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh.

Nhìn chung, cả chín chiếc đỉnh đều có dáng chung giống nhau: bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có ba chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải ghi năm đúc đều là “Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi” tức là năm 1835. Nhưng mỗi đỉnh cũng có nét riêng, thể hiện ở kiểu dáng quai, vành miệng, vai, chân và đáy.

Đặc biệt, mỗi đỉnh được chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí… Các bức chạm này tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.

1. Cao đỉnh

Trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn, Cao đỉnh nặng 2.603kg, được đặt ở vị trí trung tâm, ứng với khám thờ vua Gia Long trong Thế Miếu ở hoàng thành Huế. So với 8 đỉnh còn lại, Cao đỉnh được đặt nhích về phía trước 3 mét với hàm ý tôn vinh vị vua sáng lập triều đại.

Chính giữa của Cao đỉnh là chữ “Cao đỉnh”, chính là thụy hiệu của vua Gia Long.

Hàng trên, phía trái của chữ Cao đỉnh là hình tượng “Long”, nghĩa là con rồng, biểu tượng cho quyền lực của hoàng đế.

Kế đến là hình tượng “Ba la mật”, nghĩa là cây mít, loài cây ăn quả quen thuộc ở các làng quê Việt Nam.

Hình tượng “Canh” là cây lúa tẻ, nông sản gắn liền với nền sản xuất của người Việt từ xa xưa.

Hình tượng “Thông” nghĩa là cây hành, loại rau gia vị quen thuộc của người Việt.

“Tử vi hoa” là hoa tường vi, một loài hoa mọc thành chùm màu tím rất đẹp.

“Trĩ” là chim trĩ, loài chim rừng có họ với gà, sở hữu bộ lông màu sắc rực rỡ.

Hàng giữa, bên trái chữ “Cao đỉnh” là “Đông Hải”, nghĩa là Biển Đông, vùng biển gắn với chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.

“Vĩnh Tế hà” là kênh Vĩnh Tế, con kênh đào vĩ đại ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được vua Gia Long cho khởi công vào năm 1819.

“Nhật” nghĩa là mặt trời.

“Ngưu Chữ giang” là kênh Bến Nghé, một huyết mạch giao thông đường thủy ở Sài Gòn – Gia Định.

“Thiên Tôn Sơn” là núi Thiên Tôn ở thôn Gia Miêu, Thanh Hóa, nơi phát tích của vương triều Nguyễn.

Hàng dưới, bên trái chữ “Cao đỉnh” là “Thiết mộc”, tức cây gỗ lim, loại cây cho gỗ rất cứng và bền, thường được dùng làm cột đình, chùa, cung điện.

“Hổ” là con hổ, loài vật biểu tượng cho sức mạnh, phân bố trong hầu khắp các khu rừng rậm ở Việt Nam xưa.

“Đa tác thuyền” là tên nhà Nguyễn gọi thuyền buồm, loại thuyền đi biển đường dài có xuất xứ phương Tây.

“Đại bác” là sùng đại bác, hỏa khí chủ lực trong quân đội nhà Nguyễn.

“Trầm hương”: Cây trầm hương, một loài cây cho gỗ có mùi thơm rất quý hiếm.

“Miết” là con ba ba, một thủy sản có giá trị được khai thác tại nhiều sông hồ của Việt Nam.

2. Nhân đỉnh

Trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn, Nhân đỉnh nặng 2.515kg, được đặt bên trái Cao đỉnh, ứng với khám thờ vua Minh Mạng trong Thế Miếu.

Chính giữa của Nhân đỉnh là chữ “Nhân đỉnh”, thụy hiệu của vua Minh Mạng.

Hàng trên, phía trái của chữ Nhân đỉnh là hình tượng “Ngô đồng”, nghĩa là cây ngô đồng, loài cây thân gỗ được trồng khá nhiều ở kinh thành Huế.

Hình tượng “Kỳ nam” là gỗ kỳ nam, loại trầm hương phẩm chất cao nhất, hết sức quý hiếm.

“Nọa” là cây lúa nếp, giống lúa dẻo và thơm song hành cùng lúa tẻ trên các ruộng lúa Việt Nam.

“Nam trân” là cây bòn bon, loài cây cho quả từng trở thành nguồn thực phẩm cứu sống chúa Nguyễn Ánh khi phải ẩn náu trong rừng để tránh sự truy lùng của quân Tây Sơn.

“Liên hoa” là hoa sen, loài hoa tượng trưng cho sự cao quý bất chấp nghịch cảnh, đồng thời cũng là một loài hoa của đạo Phật.

“Khổng tước” là chim công, loài chim có bộ lông rực rỡ được mệnh danh là nữ hoàng của các loài chim.

Hàng giữa, bên trái chữ “Nhân đỉnh” là “Nam Hải”, nghĩa là vùng biển phía Nam nước Việt.

“Phổ Lợi hà” là sông Phổ Lợi, con sông do vua Minh Mạng cho đào năm 1835, nối sông Hương với cửa biển Thuận An, có vai trò giao thông và thủy lợi quan trọng với kinh thành Huế xưa.

“Nguyệt” là mặt trăng.

“Hương giang” là sông Hương, dòng sông biểu tượng chảy qua kinh thành Huế.

“Ngự Bình sơn” là núi Ngự Bình, có hình dáng như bức bình phong, cùng với sông Hương tạo thành cảnh quan đặc trưng của Huế: Sông Hương núi Ngự.

Hàng dưới, bên trái chữ “Nhân đỉnh” là “Nhân ngư”, một cách gọi cá voi, loài cá thiêng phù trợ người đi biển theo quan niệm của người dân miền biển Việt Nam.

“Cửu” là cây hẹ, một loài cây gia vị gần gũi với hành.

“Lâu thuyền” là thuyền lầu, loại thuyền nhiều tầng thường được dùng cho nhà vua, người hoàng tộc và các quan đại thần, binh sĩ hộ giá đi lại trên sông Hương.

“Luân xa pháo” là súng đại bác đặt trên xe, phiên bản cơ động, thường có kích thước nhỏ của súng đại bác.

“Báo” là con báo, loài vật họ mèo chỉ đứng dưới con hổ về độ “hổ báo” trong rừng rậm Việt Nam.

“Đại mạo” là con đồi mồi, loài rùa biển có mai đẹp, thịt ngon, là sản vật quý thường được dùng tiến vua.

3. Chương đỉnh

Chương đỉnh là chiếc đỉnh thứ ba trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn, nặng 2.099kg, được đặt bên phải Cao đỉnh, ứng với khám thờ vua Thiệu Trị trong Thế Miếu.

Chính giữa của Chương đỉnh là chữ “Chương đỉnh”, thụy hiệu của vua Thiệu Trị.

Hàng trên, phía trái của chữ Chương đỉnh là hình tượng “Mạt lị”, nghĩa là hoa nhài, loài hoa thơm được trồng phổ biến trong các khu vườn của người Việt.

Hình tượng “Am la” là cây xoài, một loài cây ăn trái quen thuộc của Việt Nam.

“Đậu khấu” là cây đậu khấu, loại cây có quả được sử dụng làm vị thuốc quý trong Đông dược.

“Lục đậu” là cây đậu xanh, loại ngũ cốc có vai trò quan trọng trong nền ẩm thực Việt.

“Giới” là cây kiệu, loại rau gia vị có họ với hành, hẹ.

“Kê” là con gà, loài gia cầm gắn liền với mọi xóm làng của người Việt.

Hàng giữa, bên trái chữ “Chương đỉnh” là hình tượng “Thượng sơn”, nghĩa là núi Thượng, tức núi Kim Phụng, một danh thắng nằm ở Hương Trà, Huế.

“Lợi Nông hà” là sông Lợi Nông, tức sông An Cựu, chi lưu của sông Hương ở phía Nam kinh thành Huế.

“Mộc tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh, Kim tinh, Thủy tinh” là sao Mộc, sao Hỏa, sao Thổ, sao Kim, sao Thủy, các tinh tú có vai trò quan trọng trong thiên văn cổ phương Đông.

“Linh Giang” là sông Gianh, dòng sông ở Quảng Bình từng là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài thời Trịnh – Nguyễn phân tranh.

“Tây Hải” là vùng biển phía Tây nước Việt.

Hàng dưới, bên trái chữ “Chương đỉnh” là hình tượng “Thuận mộc”, nghĩa là cây gỗ huỳnh, hay gỗ sưa.

“Ngạc ngư” là con cá sấu, loài bò sát khổng lồ sinh sống tại nhiều vùng ngập nước ở Nam Bộ thời xưa.

“Mông đồng thuyền” là mẫu thuyền chiến cơ động có đáy nông, nhiều tay chèo, trang bị nỏ mạnh, có mái gỗ để che tên đạn của nhà Nguyễn.

“Điểu thương” là loại súng hỏa mai được sử dụng phổ biến trong quân đội nhà Nguyễn.

“Tê” là con tê giác, loài động vật quý hiếm ngày nay đã tuyệt chủng ở Việt Nam.

“Linh quy” là rùa thiêng, một linh vật trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

4. Anh đỉnh

Chiếc đỉnh thứ tư trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn là Anh đỉnh, nặng 2.576kg, được đặt bên trái Nhân đỉnh, ứng với khám thờ vua Tự Đức trong Thế Miếu.

Chính giữa của Anh đỉnh là chữ “Anh đỉnh”, thụy hiệu của vua Tự Đức.

Hàng trên, về phía trái của chữ “Anh đỉnh” là hình tượng “Thiền”, nghĩa là con ve, loài côn trùng gắn liền với mùa hạ ở Việt Nam.

“Tô hợp” là cây tô hợp, loài cây thuốc quý trong Đông y.

“Uất kim” là cây nghệ, loài cây cho củ vừa dùng làm gia vị, vừa là dược liệu.

“Tân lang” là cây cau, loài cây thường được trồng làm cảnh và thu hoạch quả ở vùng quê Việt.

“Khôi hạc” là chim hạc, một loài chim được coi là có tính cách của người quân tử theo quan niệm truyền thống.

“Mai khôi hoa” là cây hoa hồng, loài cây cho hoa thơm và đẹp, được trồng phổ biển trong các khu vườn xưa.

Hàng giữa: Bên trái chữ “Anh đỉnh” là hình tượng “Ngân hán”, nghĩa là dải ngân hà.

“Mã giang” là sông Mã, một con sông lớn ở miền Bắc.

“Bắc Đẩu” là sao Bắc Đẩu, chòm sao gồm 7 ngôi sao nằm ở phương Bắc, được người xưa dùng làm dấu mốc xác định phương hướng vào ban đêm.

“Lô hà” là sông Lô, phụ lưu tả ngạn của sông Hồng ở khu vực miền núi phía Bắc.

“Hồng sơn” là núi Hồng Lĩnh, dãy núi nổi tiếng được coi là hồn thiêng của xứ Nghệ.

Hàng dưới, bên trái chữ “Anh đỉnh” là hình tượng “Mã”, nghĩa là con ngựa, loài gia súc được sử dụng làm phương tiện vận chuyển thời xưa.

“Tang” là cây dâu tằm, loài cây gắn liền với nghề dệt của người Việt.

“Kỳ” là lá cờ.

“Hồ điệp tử” là đạn bươm bướm, loại đạn đại pháo khi nổ bung ra tứ phía trông như tổ kén của con bướm.

“Nhiêm xà” là con trăn, loài bò sát dạng rắn khổng lồ sinh sống trong nhiều vùng rừng rậm của Việt Nam.

“Tử mộc” là cây gỗ kiến, loài cây được sử dụng để sản xuất sơn cánh kiến, một nguyên liệu quý dùng để quét lên gỗ nhằm tạo độ bóng và tăng độ bền.

5. Nghị đỉnh

Chùm ảnh: Giải mã trọn bộ các hình tượng trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn

Chiếc đỉnh thứ năm trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn là Nghị đỉnh, nặng 2.542kg, được đặt bên phải Chương đỉnh, ứng với khám thờ vua Kiến Phúc trong Thế Miếu.

Chính giữa của Nghị đỉnh là chữ “Nghị đỉnh”, thụy hiệu của vua Kiến Phúc.

Hàng trên, về phía trái của chữ “Nghị đỉnh” là hình tượng “Mai”, nghĩa là cây hoa mai, loài cây nằm trong bộ Tứ quý Tùng, Cúc, Trúc, Mai theo quan niệm truyền thống của người Việt.

Tiếp theo là hình tượng “Đàn mộc”, nghĩa là cây hoàng đàn, loài cây cho gỗ có mùi thơm đặc biệt quý hiếm, thường được dùng làm tượng thần, phật hoặc các đồ dùng sang trọng.

“Quế” là cây quế, loài cây được trồng để khai thác vỏ và gỗ với nhiều công dụng như làm gia vị, dược liệu, đồ mỹ nghệ…

“Biển đậu” là cây đậu ván, loài cây ngũ cốc họ đậu được trồng phổ biến ở Việt Nam.

“Hải đường hoa” là hoa hải đường, loài hoa tượng trưng cho phú quý, thường được trưng trong nhà vào dịp Tết theo văn hóa truyền thống của người Việt.

“Hồ da tử” là con đuông dừa, loài côn trùng đặc sản của Nam Bộ.

Hàng giữa, bên trái chữ “Nghị đỉnh” là hình tượng “Quảng Bình quan”, nghĩa là cửa ải Quảng Bình, một cửa ải án ngữ đường thiên lý Bắc Nam thuộc hệ thống lũy Thầy, có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh.

“Cửu An hà” là sông Cửu An, một con sông có vai trò quan trọng với nông nghiệp ở khu vực Hài Dương, Hưng Yên.

“Nam Đẩu” là sao Nam Đẩu, một mảng sao gồm sáu ngôi nằm ở hướng Nam, ngược hướng với chòm sao Bắc Đẩu.

“Bạch Đằng giang” là sông Bạch Đằng, dòng sông gắn với những chiến thắng huyền thoại của người Việt trước quân xâm lược phương Bắc.

“Thuận An hải khẩu” là cửa biển Thuận An, cửa biển có vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng với kinh thành Huế.

Hàng dưới, bên trái chữ “Nghị đỉnh” là hình tượng “Lục hoa ngư”, nghĩa là cá lóc, loài cá nước ngọt kích cỡ trung bình, cho thịt ngon, được đánh bắt tại nhiều vùng miền của Việt Nam.

“Giới” là cây rau cải, loài rau được trồng phổ biến, dùng để chế biến nhiều món ăn khác nhau hoặc muối dưa.

“Trường thương” là giáo dài, một loại vũ khí cơ bản của quân đội nhà Nguyễn.

“Hải đạo” là loại thuyền chèo rất linh hoạt phục vụ hoạt động chiến đấu trên biển.

“Uyên ương” là chim uyên ương, loài chim nước nổi tiếng với bộ lông đẹp và sự thủy chung.

“Tượng” là con voi, loài vật khổng lồ có vai trò quan trọng trong biên chế quân đội nhà Nguyễn.

6. Thuần đỉnh

Trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn, Thuần đỉnh nặng 1.952kg, được đặt bên trái Anh đỉnh, ứng với khám thờ vua Đồng Khánh trong Thế Miếu.

Chính giữa của Thuần đỉnh là chữ “Thuần đỉnh”, thụy hiệu của vua Đồng Khánh.

Hàng trên, về phía trái của chữ “Thuần đỉnh” là hình tượng “Đào”, nghĩa là cây đào, loài cây vừa cho hoa đẹp vào mùa xuân, vừa cho quả ngon.

Kế đến là “Súc sa mật”, nghĩa là cây sa nhân, loài cây có hạt dùng làm gia vị, lá, hạt và quả dùng làm dược liệu trong y học cổ truyền.

“Hương nhu” là cây hương nhu, cũng là một dược liệu quen thuộc của người Việt xưa.

“Hoàng đậu” là cây đậu nành, một loài cây ngũ cốc họ đậu khác xuất hiện trên Cửu đỉnh bên cạnh đậu xanh (Chương đỉnh) và đậu ván (Nghị đỉnh).

“Quỳ hoa” là cây hoa hướng dương, được trồng để lấy hoa làm cảnh và lấy hạt làm thực phẩm, dược liệu.

“Hoàng anh” là chim vàng anh, một loài chim đẹp có bộ lông màu vàng rực rỡ.

Hàng giữa. bên trái chữ “Thuần đỉnh” là hình tượng “Tản Viên sơn”, là núi Tản Viên hay núi Ba Vì, ngọn núi thiêng gắn với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh của người Việt.

“Vĩnh Định hà” là sông Vĩnh Định, con sông đào vua Minh Mạng cho khởi công ở Quảng Trị năm 1824.

“Phong” là gió.

“Thạch Hãn giang” là sông Thạch Hãn, con sông có vai trò quan trọng về giao thông và thủy lợi ở Quảng Trị.

“Cần Giờ hải khẩu” là cửa biển Cần Giờ, cửa ngõ đường biển trọng yếu của thành Gia Định (Sài Gòn).

Hàng dưới, về phía trái chữ Thuần đỉnh là hình tượng “Đăng sơn ngư”, nghĩa là cá rô ta, loài cá sống nhiều ở ruộng đồng, có biệt tài vượt cạn, là món ăn dân dã quen thuộc của người Việt.

“Bạng” là con ngao, một hải sản được khai thác ở hầu khắp các vùng ven biển của Việt Nam.

“Bài đao” là giá gác đao, vật dụng thể hiện tinh thần võ học của người Việt xưa.

“Đỉnh” là loại thuyền thon nhỏ, nhiều tay chèo, vừa dùng để đua trong các lễ cầu mưa, các ngày lễ hội, vừa dùng trong chiến đấu được trang bị cho quân đội nhà Nguyễn.

“Nam mộc” là cây gỗ chò, loại gỗ có độ bền cao được người Việt ưa chuộng trong xây dựng, làm đồ nội thất.

“Ly ngưu” là con bò tót, loài bò hoang dã có hình thể lớn và sức khỏe địch được cả hổ báo.

7. Tuyên đỉnh

Trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn, Tuyên đỉnh nặng 2.068kg, được đặt bên phải Nghị đỉnh, ứng với khám thờ vua Khải Định trong Thế Miếu.

Chính giữa của Tuyên đỉnh là chữ “Tuyên đỉnh”, thụy hiệu của vua Khải Định.

Hàng trên, về phía trái của chữ “Tuyên đỉnh” là hình tượng “Tần cát liễu”, nghĩa là chim yểng, loài chim cảnh nổi tiếng với khả năng nhại tiếng người.

“Yến oa” là tổ yến, một sản vật tiến vua quý giá thường được khai thác ở các vách đá cheo leo bên bờ biển.

“Long nhãn” là cây/quả long nhãn, cũng là một sản vật tiến vua thời xưa.

“Trân châu hoa” là hoa sói trắng, loài hoa nhỏ mọc thành chùm như chuỗi hạt trân châu, mùi thơm dịu, thường được dùng để ướp trà.

“Địa đậu” là cây lạc hay đậu phộng, một loại ngũ cốc quen thuộc ở Việt Nam.

“Bá” là cây trắc bá diệp, loài cây vừa được trồng làm cảnh, vừa là loại dược liệu đa dụng trong Đông y.

Hàng giữa, bên trái chữ “Tuyên đỉnh” là hình tượng “Duệ sơn”, tức núi Duệ hay núi Lễ, là một danh thắng của đất Hương Trà ở xứ Huế.

“Nhĩ hà” là sông Nhĩ, tức sông Hồng, hệ thống sông lớn nhất của miền Bắc.

“Vân” nghĩa là mây.

“Đại Lãnh” là mũi Đại Lãnh, một mỏm núi đâm ra biển, danh thắng của đất Phú Yên.

“Lam giang” là sông Lam, dòng sông cùng với núi Hồng Lĩnh được coi là biểu tượng của xứ Nghệ.

Hàng dưới, bên trái chữ “Tuyên đỉnh” là hình tượng “Hậu ngư”, tức là con sam, một hải sản quý được khai thác ở một số vùng biển của Việt Nam.

“Khương” là cây gừng, loài cây được trồng lấy củ làm gia vị hoặc dược liệu.

“Nỗ” là cái nỏ, một loại vũ khí tầm xa được quân đội nhà Nguyễn sử dụng.

“Lê thuyền” là một loại thuyền có 12 tay chèo, được đóng khá nhiều dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng.

“Thỉ” là con lợn, một gia súc được nuôi lấy thịt rất quen thuộc ở vùng nông thôn Việt Nam.

“Ngoan” là con vích, loài rùa biển cỡ nhò thường được khai thác để lấy thịt làm thực phẩm và lấy mai làm đổ mỹ nghệ.

8. Dụ đỉnh

Chiếc đỉnh thứ tám trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn là Dụ đỉnh, nặng 2.020kg, được đặt bên trái Thuần Đỉnh, đối diện khám thờ vua Hàm Nghi trong Thế Miếu.

Chính giữa của Dụ đỉnh là chữ “Dụ đỉnh”. Khám với các đỉnh trước, tên của Dụ đỉnh không phải là thụy hiệu của bất kì vị vua nào triều Nguyễn, do các vị vua sau thời Khải Định đều không có thụy hiệu.

Hàng trên, về phía trái của chữ “Dụ đỉnh” là hình tượng “Anh vũ”, nghĩa là chim vẹt, cũng là loài chim rất giỏi nhại tiếng người như chim yểng trên Tuyên đỉnh.

“Phù lưu” là cây trầu, loài cây được trồng lấy lá, gắn bó mật thiết với tục ăn trầu của người Việt.

“Bạch đậu” là cây đậu trắng, loài ngũ cốc họ đậu thứ năm xuất hiện ở Cửu đỉnh, bên cạnh đậu ván, đậu xanh, đậu nành và lạc.

“Thuần hoa” là cây hoa dâm bụt, loài cây có hoa đỏ rất đẹp thường được trồng làm hàng rào ở nông thôn Việt xưa.

“Tùng” là cây tùng, loài cây lá kim tượng trưng cho sự trường tồn, vỉnh cửu theo quan niệm Á Đông.

Hàng giữa, bên trái chữ “Dụ đỉnh” là hình tượng “Hải Vân quan”, nghĩa là cửa ải Hải Vân, một cửa ải quan trọng trấn giữ đường thiên lý Bắc – Nam, có từ thời Lê, được củng cố và mở rộng dưới thời vua Minh Mạng.

“Vĩnh Điện hà” là sông Vĩnh Điện, con sông chảy qua đất Quảng Nam – Đà Nẵng.

“Lôi” là sấm.

“Vệ giang” là sông Vệ, một con sông nằm ở Quảng Ngãi.

“Đà Nẵng hải khẩu” là cửa biển Đà Nẵng, chính là cửa Hàn, cửa biển có vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của Đà Nẵng.

Hàng dưới, bên trái chữ “Dụ đỉnh” là hình tượng “Thạch thủ ngư”, tức cá mú, một loài cá biển có thịt ngon được khai thác tại nhiều vùng biển của Việt Nam.

“Tử tô” là cây tía tô, loài cây bụi có lá màu tím, được dùng làm gia vị và dược liệu.

“Ô thuyền” là loại thuyền đi biển sơn màu đen, cánh buồm cũng đen, có 12 tay chèo, thường trang bị cho quân tuần tiễu dọc bờ biển.

“Phác đạo” là loại đao có cán dài, thường được trang bị cho binh lính trận mạc và lực lượng hộ giá vòng ngoài của triều đình nhà Nguyễn.

“Cáp” là con sò, loài hải sản có họ với con ngao (trên Thuần đỉnh), được khai thác ở các vùng ven biển Việt Nam.

“Dương” là con dê, loài gia súc được nuôi nhiều tại một số vùng núi đá của Việt Nam.

9. Huyền đỉnh

Là chiếc đỉnh cuối cùng trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn, Huyền đỉnh nặng 1.935kg, được đặt bên phải Tuyên đỉnh, đối diện khám thờ vua Duy Tân trong Thế Miếu.

Chính giữa của Huyền đỉnh là chữ “Huyền đỉnh”. Cũng giống như Dụ đỉnh, tên của Huyền đỉnh không phải là thụy hiệu của bất kì vị vua nào trong triều Nguyễn.

Hàng trên, về phía trái của chữ “Huyền đỉnh” là hình tượng “Ngũ diệp lan”, nghĩa là cây ngọc lan, một loài cây thân gỗ thường được trồng trong vườn lấy bóng mát, có hoa rất thơm.

Kế tiếp là hình tượng “Lệ chi”, nghĩa là cây vải, loài cây trồng lấy quả làm đặc sản tiến vua của một số địa phương ở đồng bằng sông Hồng.

“Toán” là cây tỏi, cây gia vị có họ với cây hành, hẹ, kiệu từng xuất hiện trên ba chiếc đỉnh khác của Cửu đỉnh.

“Nam sâm” là cây sâm ta, một dược liệu quý của Việt Nam.

“Miên” là cây bông, loài cây trồng lấy sợi phục vụ nghề dệt.

“Thốc thu” là chim phù lão hay chim già đẫy, một loài chim trọc đầu trông giống như ông già, sinh sống tại các vùng ngập nước Nam Bộ.

Hàng giữa, bên trái chữ “Huyền đỉnh” là hình tượng “Hồng”, nghĩa là cầu vồng.

“Hậu giang, Tiền giang” là sông Tiền và sông Hậu, hai dòng sông chính của đồng bằng sông Cửu Long.

“Vũ” là mưa.

“Hoành sơn” là đèo Ngang, con đèo nằm ở ranh giới Hà Tĩnh và Quảng Bình, một thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung Việt Nam. Trên đèo có một cửa ải gọi là Hoành Sơn Quan án ngữ đường qua đèo.

Hàng dưới, bên trái chữ “Huyền đỉnh” là hình tượng “Thao hà”, tức sông Thao, dòng sông lớn có vai trò quan trọng với giao thông và thủy lợi ở đất tổ Phú Thọ.

“Quế đố” là con cà cuống, loài côn trùng lớn sống dưới nước, được khai thác lấy tinh dầu làm gia vị.

“Xa” nghĩa là xe.

“Mãng xà” là con mãng xà, theo quan niệm dân gian là loài rắn lớn nhất, vua của các loài rắn.

“Hỏa phún đồng” là ống phun lửa, một loại hỏa khí của quân đội nhà Nguyễn.

“Tất mộc” là cây sơn, nguyên liệu làm sơn ta, một vật liệu quý thường được dùng để sơn phủ đồ gỗ, có khả năng chống thấm nước, chịu nhiệt, ngăn ngừa chuột bọ…

“Sơn mã” là con mang, một loài hươu nhỏ sinh sống trong nhiều khu rừng ở Việt Nam.