Sài Gòn từng có một thời các tiệm may ăn nên làm ra. Không biết thuở hoàng kim của nghề thợ may khởi phát từ lúc nào nhưng vào thời tuổi nhỏ của tôi, nghề may rất thịnh hành, có khi phải chờ cả tháng mới may được bộ đồ.

Tôi chợt bắt gặp truyện ngắn “Tiệm may Sài Gòn” của nhà văn Phạm Thị Hoài kể câu chuyện hiện thực đời thường của những người học nghề thợ may kiếm sống ở Hà Nội. Không biết tình tiết câu chuyện hư cấu tới mức nào trong bối cảnh xã hội vào cuối thập niên 1980 tại Hà Nội nhưng tôi lại quan tâm đến cái nhan đề.

Tựa truyện làm tôi suy nghĩ, ở Hà Nội lại có tiệm may Sài Gòn sao không phải là tiệm may Hải Phòng hay đâu đó. Sài Gòn, một thành phố sôi động, nam thanh nữ tú, ăn mặc theo thời, cho nên cái mốt ăn mặc tràn ra Hà Nội chăng. Và nhu cầu may mặc quần áo thu hút nhiều tiệm may biến thành những lớp truyền dạy nghề cho người thích kim chỉ lụa là. “Tiệm may Sài Gòn không ở Sài Gòn, không ở Cali. Tôi đứng chờ chắn tàu ở đầu đường Khâm Thiên, ghi đông xe tôi ngoắc vào mẹt của chị hàng thuốc trên vỉa hè, chị hàng thuốc chửi tôi là đồ con gì, lúc ấy tôi thấy cái biển to tướng ở trên đầu chị ta: “Tiệm may Sài Gòn, dạy cắt may các kiểu nam nữ hợp thời trang”, mở ngoặc bên dưới là có com-lê, vét-tông, áo dài”.

Nhưng nếu ở Sài Gòn lại có tiệm may Hà Nội thì tôi không ngạc nhiên. Nhiều người cho rằng, Hà Nội từ thời trước 1945 rất ư là Tây, người Hà thành ăn vận thanh lịch mỗi khi ra phố cho đến sau năm 1954 cái gu ăn vận Tây hoá dường như không còn nữa. Nhà văn Nguyễn Minh Châu mô tả người Hà Nội như thế này: “Những cô gái áo dài quần lụa trắng vắng bóng dần. Thay vào đó là những áo cánh nâu chật chội với những thân hình con gái vạm vỡ, lực lưỡng như những lực điền, đi đứng huỳnh huỵch. Những ông công chức còn sót lại với thói quen complet, cravatte, giày da, mũ phớt lọt thỏm trong đám đông người giữa những chiếc nón cối”. (Miền Bắc sau 1954 – GS. Nguyễn Văn Lục).

Ðó là khoảng thời gian Hà Nội chuyển mình bước vào thời kỳ hoà bình rồi chiến tranh rồi lại hoà bình, người Hà thành lại thích ăn vận theo gu theo thời theo mốt. Tiệm may nở rộ, lớp học nghề may thịnh hành.

Tôi nhớ tiệm may của ba thằng bạn cùng nghề sư phạm. Tiệm may Hà Nội. Nghe bạn thuật lại, hồi ông già còn sống hay càm ràm chuyện con cái không theo nghề truyền thống cha ông. Nghề may lúc nào cũng sống được, người nào lại không may sắm cho mình vài ba cái áo sơ mi, quần tây hay bộ com-lê ăn nói. Sài Gòn mấy triệu người, mặc dù ngành công nghiệp may sẵn đầy ra đó nhưng vẫn còn rất nhiều người thích may đồ hơn là sắm đồ. Ðồ may vừa vặn, đẹp và sang trọng hơn, người ta vẫn cần thợ may cho dù khắp Sài Gòn còn khối tiệm may”.

Gia đình người bạn di cư vào Sài Gòn sắm ngay căn nhà trệt mái ngói mặt tiền trên đường Nguyễn Ðình Chiểu. Ba bạn mở tiệm may lấy bảng hiệu có từ thời ông nội mở tiệm tại Hà Nội chuyên may Âu phục và đồ quân đội. Ai may áo dài đành đi tiệm khác. Vào Sài Gòn sau mười năm nhờ nghề may mà căn nhà trệt biến thành ngôi nhà đúc ba tầng khang trang với hai cái bảng hiệu “Tiệm may Hà Nội” to đùng. Cái treo ngang trên tầng trệt, cái treo dọc ngoài ban công tầng ba, người đi đường ngược xuôi từ xa đều nhìn thấy
Mãi cho đến khi vào trường sư phạm, ngoài việc học nghề dạy học, người bạn nghe theo lời ông bố học thêm nghề may tại nhà. Không rõ tay nghề kim chỉ của người bạn ra sao nhưng trong thời gian dạy học kiếm sống quá khó khăn, thằng bạn nhận mở lớp dạy may cho mấy đứa học sinh và vài ba người lớn muốn trở thành thợ may đồ Âu phục. Nhờ tiền đóng “nghề phí” mà bạn sắm chiếc Dream Thái Lan vi vu Sài Gòn khiến nhiều cô theo lắm.

Cuối cùng thì thằng bạn bỏ nghề sư phạm. Ði làm ông thầy dạy nghề được xếp thời khoá biểu hẳn hoi tại trường dạy may Ðô Thành. Ðây là trường dạy may tư nhân có tổ chức đâu ra đó không khác một trường dạy nghề của nhà nước. Chiêu sinh theo khoá, quảng cáo rầm rộ nghề may mặc dễ hái ra tiền dành cho những người thích nghề may ở xứ người. Thằng bạn kể, nhiều người lớn chờ đi xuất cảnh sang Mỹ, theo học nghề may để hy vọng sang bên đó có đất dụng võ vì nghe đâu không cần đến hãng, ở nhà nhận may đồ may gia công, làm ăn khá lắm.

Làm ăn khấm khá ở đâu không biết nhưng ở Sài Gòn thời gian đầu thập niên 1990, các tiệm may bắt đầu teo tóp, khách hàng thưa thớt, người ta mua đồ may sẵn mặc cho nhanh. Thời gian sau, tiệm may Hà Nội của ông già thằng bạn ế khách đành dẹp tiệm. Một phần vì ông bố quá già, mắt kém không thể tiếp tục công việc từ đời bố ông truyền lại. Căn nhà ba tầng cũng bán luôn chia cho mấy đứa con có gia đình ra riêng sẵn cơn sốt nhà đất đầu thập niên 1990 bắt đầu bùng nổ ở Sài Gòn. Thằng bạn theo chân cô bồ học trò tại trường may vượt biên muộn trót lọt sang tận Úc. Nhưng nghe bạn kể, sang đó chẳng ai theo nghề may mà cả hai đều đi làm hãng ngày 8 tiếng cực như trâu.

Mỗi cái nghề đều có một thời. Thời vận dài hay ngắn tuỳ theo mức phát triển công nghiệp ngành may sẵn. Hoạ chăng những người thợ có tay nghề giỏi khiến người có nhu cầu cần tìm đến hay đơn giản chẳng ai làm nghề thì mình làm như vậy mới còn cơ hội. Cũng có khi tại yêu nghề mà theo đến tận cùng cho dù kiếm được đồng tiền rất khó khăn. Thời ăn nên làm ra của các tiệm may đã qua rồi!
Chuyện xa hơn về các tiệm may ở Sài Gòn tôi không rõ, chuyện gần thì tôi đã kể ở phần trên. Chỉ còn thấy những hình ảnh xưa lắm khi chỉ một góc phố nhỏ lại có đến hai ba tiệm may cận kề nhau đủ cho thấy một thời hoàng kim của nghề may mặc trên đất Sài Gòn. Nhắc đến nghề đương nhiên là có tổ nghề. Thật sự tôi không biết đến tổ nghề may nếu không được dịp tận mắt buổi cúng kiếng của cô thợ may trong xóm nhỏ ngày xưa lúc tôi còn bé (giỗ Tổ nghề may 12/12 Âm lịch).

Hôm đó, cũng như mọi năm má tôi dẫn đám anh em tôi đến nhà cô thợ may cuối xóm. Gia đình cô di cư từ Qui Nhơn về đây khoảng giữa thập niên 1960 vào cái thời nghề may mặc nở rộ từ mặt tiền đường phố lớn cho đến tận nhà may trong hẻm sâu. Nhờ tiền kiếm được từ việc may đồ cho bà con xóm trên xóm dưới mà cô cất lại căn nhà vách gạch khang trang mua lại trên một rẻo đất hình thang. Cô tin rằng nhờ cái đáy phần đất nở hậu, cộng với công việc làm ăn đàng hoàng, giá cả nhẹ nhàng, có uy tín với khách hàng, nhờ đó tổ đãi trời thương. Cho nên, năm nào cô cũng làm mâm cỗ cúng tổ hậu hỉ.

Hôm chúng tôi đến may đồ không biết ngày cúng tổ, tiệm may cô nghỉ việc. Nhưng má tôi lỡ dẫn đám con đến nên cô đành nhận, không phải vì cô sợ mất tiền công cả chục bộ đồ Tết vì người ta đến may đồ tiệm cô làm không xuể. Âu phục có, áo dài có, thậm chí trong căn tiệm nhỏ còn có cái tủ kiếng to để hình ma-nơ-canh cô gái mặc áo dài raglan rất đẹp. Nhưng vì khách quen hàng năm nên sẵn lễ giỗ Tổ cô mời cả nhà ở lại ăn xôi gà chè cháo chung vui cùng gia đình cô một năm làm ăn phát đạt.

Ði may đồ lại được mời ăn ngang hông làm tôi thích thú. Thuở còn nhỏ, ăn uống là chuyện trẻ con vô cùng thích thú. Nhưng tôi quý tính cách vui vẻ của gia đình cô. Cô xem khổ vải, đo vai đo bụng từng đứa và cuối cùng nói nếu cắt xéo dư thêm được hai ba cái quần xà lỏn. Người ta nói “thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ” không đúng ít ra đối với tiệm may của cô. Ðúng là tổ đãi trời thương từ cách làm ăn chân thật làm cô phải kêu hai ba chị em cùng quê vào Sài Gòn để phụ cô công việc.

Tình cờ gặp lại người em của cô định cư sang Mỹ mới biết rằng, sau này tiệm cô không còn nữa và con cái không ai chịu theo lấy nghề. Tiếc cho nghề may mai một. Nhưng thuở hoàng kim tiệm may một thời ở Sài Gòn chắc hẳn còn sống trong ký ức của nhiều người thợ may.