Nhiều thương hiệu nổi tiếng cùng với logo của họ có lẽ đã quá quen thuộc với chúng ta. Nhưng bạn đã bao giờ thắc mắc, liệu sau những hình vẽ tưởng chừng đơn giản ấy có ẩn chứa câu chuyện hay ý nghĩa gì sâu xa?

1. Domino’s


Logo hình quân domino với 3 dấu chấm đã trở thành biểu tượng thân thuộc của các tín đồ ăn uống.

Câu chuyện của Domino’s bắt đầu khi Tom Monaghan, một người lớn lên từ trại mồ côi, vay tiền để mua lại một cửa hiệu pizza nhỏ, tên là DomiNick’s ở Michigan vào năm 1960. Năm năm sau, anh mở rộng thêm 2 địa điểm nữa. Người chủ trước của cửa hàng không đồng ý cho Monaghan sử dụng tên cũ để kinh doanh, nên theo gợi ý của một nhân viên, Monaghan đã đổi tên chuỗi cửa hàng thành Domino’s. Ba dấu chấm trên quân domino – biểu tượng của hãng – tượng trưng cho 3 cửa hàng pizza đầu tiên khai sinh ra thương hiệu này.

Monaghan từng dự định, mỗi khi họ mở thêm một chi nhánh, một dấu chấm sẽ được thêm vào logo. Rất may là họ đã không thực hiện ý định ấy, vì logo của hãng sẽ trở thành một trong những logo xấu nhất lịch sử với 12.000 dấu chấm đại diện cho các cho các chi nhánh trên toàn thế giới. Và đến nay, trải qua nhiều thay đổi về thiết kế, 3 dấu chấm nguyên thủy vẫn được giữ nguyên.

2. Subaru


Biểu tượng của hãng xe nổi tiếng này lại liên quan đến… thiên văn học.

Cụm sao xuất hiện trên logo của hãng xe hơi Subaru không phải chỉ để nhìn cho có vẻ lấp lánh. Thực ra, chúng là nhóm sao Thất Tinh trong chòm sao Kim Ngưu. Trong tiếng Nhật, chòm sao này được gọi là Subaru, nghĩa là “đoàn kết”.

Ngôi sao lớn nhất trong logo đại diện cho Fuji Heavy Industries, và 5 ngôi sao nhỏ hơn là 5 công ty được sáp nhập vào để hình thành Fuji Heavy Industries. Logo có nền xanh vì các ngôi sao trong chòm sao này có màu xanh sậm.

3. Amazon


Một nét vẽ đơn giản nhưng ý nghĩa thì không hề giản đơn.

Amazon là trang web mà bạn có thể tìm mua đủ mọi thứ trên đời, và biểu tượng của họ phản ánh điều đó một cách tinh tế.

Nét vẽ trên logo trông giống như một nụ cười, hàm ý “Thật vui vì tôi chẳng cần ra khỏi nhà mà vẫn mua được bất cứ thứ gì mình muốn”. Bạn có thể hiểu như vậy. Nhưng nếu quan sát kĩ hơn, đường cong ấy thực ra là một mũi tên, bắt đầu từ chữ “a” và chỉ vào chữ “z”, ngụ ý rằng, họ bán mọi thứ từ A đến Z. Thật đơn giản mà tinh tế!

4. Toyota


Nhiều người cho rằng logo này trông giống hình hạt dẻ với những vầng hào quang bao quanh.

Toyota là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới và sở hữu một biểu tượng cực dễ nhận biết. Nhưng ý nghĩa đằng sau những chiếc vòng đan vào nhau vẫn còn là một bí ẩn với nhiều người.

Toyota công bố logo của mình vào năm 1990 và chưa có ý định thay đổi. Theo Toyota, 3 hình ellipses tượng trưng cho 3 trái tim thống nhất với nhau: trái tim dành cho khách hàng, trái tim dành cho sản phẩm và trái tim dành cho những nỗ lực phát triển không ngừng trong kĩ thuật. Vậy nên, biểu tượng này không đơn giản chỉ là hình hạt dẻ như trí tưởng tượng của nhiều người.

5. Baskin-Robbins


Đã bao giờ bạn chú ý đến điều thú vị ẩn sau biển hiệu quen thuộc này?

Mỗi lần bước chân vào một tiệm Baskin-Robbins, bạn có bị choáng ngợp và bối rối trước quá nhiều hương vị kem để lựa chọn? Họ có đến 31 hương vị, và suốt 6 thập kỉ qua, con số 31 vẫn luôn ẩn mình trong logo. Nếu nhìn kĩ vào logo, bạn sẽ thấy một phần của 2 chữ “B” và “R” đã khéo léo ghép với nhau tạo thành con số 31 huyền thoại.

6. Nike


Có thể nói, đây là một trong những logo được thiết kế đơn giản nhất trong các nhãn hiệu.

Logo của Nike giờ đây không chỉ là biểu tượng của thương hiệu này, mà gần như đã trở thành một biểu tượng của thể thao nói chung. Logo này được Carolyn Davidson, sinh viên Đại học bang Portland, phác thảo cho hãng với giá 35 USD vào năm 1971.

Theo người thiết kế, nét phẩy này tượng trưng cho tốc độ âm thanh. Dù người sáng lập Nike, Phil Knight, khi ấy không thực sự ưa thích biểu tượng này, nhưng ông tạm chấp nhận vì đó là ý tưởng khả quan nhất của họ lúc bấy giờ. Thật không ngờ rằng, mẫu logo không được đánh giá cao ấy đã tồn tại đến tận bây giờ và trở thành biểu tượng nổi tiếng nhất của thể thao hiện đại.

7. Versace


Versace sở hữu một biểu tượng bí ẩn nhưng cũng đầy cuốn hút.

Biểu tượng Versace chịu ảnh hưởng không nhỏ từ văn hóa Hy Lạp cổ đại, và nhân vật trung tâm chính là quái vật Medusa khét tiếng.

Medusa từng là một mỹ nhân bị trừng phạt và trở nên vô cùng xấu xí. Ả ta có mái tóc là một ổ rắn, và ai nhìn vào mắt ả lập tức sẽ bị hóa đá. Biểu tượng của Versace là Medusa, nhưng là Medusa xinh đẹp trước khi hóa thành quái vật, với mái tóc đẹp bồng bềnh. Giống như người bị hóa đá khi nhìn vào mắt Medusa, bất cứ ai lỡ liếc mắt qua những mẫu trang phục thời thượng của Versace cũng phải dừng bước và không thể làm ngơ.

8. Pixar


Hình ảnh quen thuộc xuất hiện trước mỗi bộ phim của Pixar.

Giám đốc sáng tạo John Lasseter của Pixar đã đồng hành cùng studio từ những ngày đầu tiên, đóng góp vào thành công của nhiều sản phẩm cũng như logo nổi tiếng của hãng.

Trước mỗi bộ phim của Pixar, chúng ta đều bắt gặp hình ảnh một ngọn đèn nhảy nhót và thay thế vị trí chữ “I” trong “PIXAR”. Hình ảnh này có nguồn gốc từ phim ngắn được đề cử giải Oscar, Luxo Jr. năm 1986. Bộ phim hài dài 2 phút này có nhân vật là 2 chiếc đèn bàn. Lasseter, đạo diễn bộ phim, đã thiết kế những chiếc đèn này dựa trên đèn Luxo L-1 do Nauy thiết kế trên bàn làm việc của mình. Với tính biểu tượng cao, chiếc đèn bàn từ đó trở thành linh vật số một của hãng.

9. Lacoste


Lacoste là thương hiệu thời trang gắn liền với bộ môn quần vợt, nhưng chú cá sấu đại diện lại có vẻ chẳng liên quan đến hai lĩnh vực này.

Trước khi chú cá sấu trở thành một biểu tượng thời trang, nó chỉ là một biệt danh đáng yêu của một ngôi sao quần vợt. Những năm 1920, René Lacoste, một tay vợt nổi tiếng đã vứt bỏ bộ quần áo cầu kì của mình, thay vào đó là một chiếc áo cotton tay ngắn, chủ yếu được mặc bởi các cầu thủ bóng đá người Anh. Phong cách này bỗng dưng trở thành cơn sốt, René Lacoste bắt đầu khai sinh và quảng bá một nhãn hiệu thời trang mang tên mình. Logo đặc trưng của hãng là “cá sấu” – biệt danh của René Lacoste lúc bấy giờ.

10. Unilever


Trong chữ U lớn còn chứa đựng rất nhiều những hình vẽ chi tiết khác.

Unilever sở hữu hơn 1.000 nhãn hiệu hàng tiêu dùng lớn nhỏ. Theo tiết lộ, có 25 logo nhỏ bên trong logo lớn của họ. Trong đó, biểu tượng sợi tóc tượng trưng cho các thương hiệu dầu gội đầu, biểu tượng que kem đại diện cho các thương hiệu kem như Good Humor… Một số hình vẽ khác lại mang ý nghĩa ẩn dụ hơn, chẳng hạn như hình vòng xoắn nói lên “niềm đam mê hương vị” hay hình con ong tượng trưng cho “tinh thần vì cộng đồng”.

11. Paramount


Biểu tượng của hãng phim này là đỉnh núi với những ngôi sao bao quanh.

Logo với tạo hình đồi núi trập trùng của hãng phim nổi tiếng này ra đời từ một bức phác thảo của Hodkinson. Ông đã phác họa ngọn núi Ban Lomond ở Utah – quê hương mình. Các ngôi sao bao quanh đỉnh núi đại diện cho 22 ngôi sao đầu tiên kí hợp đồng với công ty.

Nguồn: Grunge