Hình dạng người Đàng trong thường không to lớn. Mắt nhỏ, mũi tẹt, mặt mũi trông buồn thảm, nước da đen sạm hơn người Tàu. Theo Poivre, ngước da đen chẳng khác gì người đen ở Madagascar, tuy nhiên nói chung ít đen hơn người Cam Bốt, người Chàm và người miền núi.

Đàn bà ăn mặc không khác chi đàn ông, nghĩa là cũng mặc quần. (Thật ra Võ Vương đã bắt phụ nữ Đằng Trong mặc quần để khác với phụ nữ miền Bắc của Chúa Trịnh. Và để cho kín đáo, khoác thêm một chiếc áo như áo dài để che phần phía trước. Chiếc áo dài ấy phải chăng là nguồn gốc chiếc áo dài hiện nay của phụ nữ?)

Nhưng nếu muốn mô tả đầy đủ nhân dạng người Việt hơn cả theo nhân chủng học, có lẽ P. Cultru, giảng nghiệm viên đại học Sorbonne chi tiết hơn cả, xin dịch lược tóm:

“Đầu thường to, trán thấp, gò má cao, mắt xếch và nhỏ, lông mày phía trên thường sụp xuống, mắt đen và xếch, mũi xẹp xuống, tai vểnh, môi giầy, phía hàm dưới thường nhô ra, tóc đen, dầy và cứng. Người Annam thường chăm sóc kỹ lưỡng mái tóc. (Cái răng cái tóc là góc con người). Họ thường không để râu và nếu có thì kể từ tuổi 30 trở đi. Một đặc tính cá biệt trên khuôn mật người họ là xương gò má cao hẳn lên nên khuôn mặt là hình thoi thay vì hình bầu dục.Nước da mầu vàng sậm và càng trở nên đậm khi tiếp giáp gần với dân Chàm. Chiều cao trung bình không cao lắm, đàn ông là khoảng 1m60, đàn bà 1m50, chân cẳng khẳng khiu, cánh tay dài trung bình, nhưng vai và lồng ngực thường dẹp, bụng phình ra vì ăn nhiều gạo. Bàn tay dài và gầy. Bàn chân thường nhỏ và bẹt. Nhiều người nói đến ngón chân cái thường rẽ tách ra và được gọi là giống Giao Chỉ. Cái ích lợi của ngón chân rẽ là như một thứ kìm vậy. Sức bắp thị họ kém, hai người đàn ông Việt Nam chỉ bằng sức môt người Tây Phương. Nhưng sự dẻo dai thì cao. Những người thợ gặt, thợ đập lúa mà công việc rất vất vả, nhưng họ có thể làm việc mà xem ra không biết mệt nhọc Những người kéo xe với tốc độ 12 km/giờ là chuyện bình thường. Họ đẻ nhiều, trông trẻ, nhưng lại chóng già và chết yểu, thường ở tuổi 60 là cùng.”

(P. Cultru, “Histoire de la Cochinchine Francaise, Des origines à 1883”. Librairie Maritime & Coloniale, 1910, trang 45).

Đàn bà thường chăm chỉ, sinh động hơn đàn ông. Đàn ông thường hèn nhát, lười biếng. Nhưng cả hai đều để ngón tay dài. Một dấu hiệu đặc biệt được coi là sang trọng và giàu có. (Trang 89).

Poivre đã dành nhiều trang để nói về vua nhà Nguyễn. Chẳng hạn mua hàng của Poivre mà kéo dài thời hạn, không chịu trả. Đồng thời đòi thêm những đôi giầy của người Âu Châu, những cúc áo của cổ tay bằng kim cương, bộ tóc giả và vải vóc dệt từ bên Tây Phương hoặc những bông hoa bàng vàng hoặc bạc và nhiều vật dụng khác. Việc hứa trả nhưng với điều kiện để các quan lo việc giám định xem xét và định giá. Poivre chỉ mong muốn có được một giá phải chẳng và lo sợ việc thương lượng với một giá rất thấp so với các hàng hóa mà họ đã mua của các người ngoại quốc khác. Ông chờ đợi cả hai tháng trời, nhờ cậy thông dịch viên và các quan thân cận với nhà Chúa mà kết quả hầu như vô hiệu.

Ông tuyên bố, lần đầu tiên trên đời ông bị lừa. Ông gọi tất cả là một bọn ăn cướp. Chỉ trừ có một vị quan mà ông coi là người lương thiện. Ông viết:

“Je ne sais pas à qui me fier. Je ne trouve partout que voleurs.” (Tôi không còn biết tin tưởng vào ai, tôi chỉ thấy toàn một bọn trộm cắp. (Trang 42).

Ông liệt kê một danh sách những tài sản bị giữ lại. Tổng số tiền là 71381. 18s.9d. (Trang 65). Một danh sách khác là những hàng hóa bị tịch thu bởi nhà đoan ở Tourane và chở về kho của vua. Trị giá 4513 16s và 7d. (Trang 70). Tính ra tiển vốn thu được, sau khi nhà vua đánh thuế trên những món hàng đã bán, ông thu về một số tiền không đủ để mua các hàng hóa đó lúc ở bên Pháp.

Để bù số tiền lỗ lã phải trả lại vốn cho công ty, ông đã giữ lại 11 lô hàng vốn là quà tặng dành cho các quan và nhà vua còn để lại ở Tourane, chưa kịp chuyên chở về Huế.

Poivre cũng đã tiết lộ lối sống rất khác biệt của một vài vị truyền giáo so với phần đông các vị khác. Đó là trường hợp của một vị giáo sĩ gốc người Bồ Đào Nha, một nhà toán học làm cố vấn bên cạnh nhà vua. Vị thứ hai, gốc người Đức là một vị thầy thuốc.

Đặc biệt, vị tu sĩ làm thầy thuốc có một đời sống hết sức xa hoa, lộng lẫy mà phải thấy tận mắt mới tin được. Poivre được mời đến ăn một bữa tiệc tại chỗ ở của tu sĩ này. Ông mặc một cái áo màu đỏ, mũ đội hình vuông, chung quanh có khẩn nhiều mảnh vẩy bằng bạc và đá quý. Chung quanh ông có khoảng từ 30 đến 40 người hầu cả đàn ông lẫn đàn bà. Ông Poivre đã được dẫn đi coi cả khu ở của vị tu sĩ này và được đãi một bữa ăn hậu hĩ dành cho các nhà quyền quý.

Một lối sống như thế quả thực không phải là một lối sống của một nhà truyền giáo. Và những giáo dân tân tòng khi nhìn thấy cuộc sống của vị giáo sĩ này liệu họ có còn giữ được đức tin mong manh của họ không? (Trang 26).

Trong khi đó, Poivre đã có dịp đến thăm vị Giám Mục người Pháp cai quản địa phận Huế tên là Armand-Francois Lefèvre, de Calais. (Sau này chết ở Cam bốt ngày 27 tháng 3 năm 1760). Vị giám mục này đúng là một vị tu hành, sống xa lánh sự nhộn nhạo của thành phố. Ông sống trong một túp nhà tranh, được trưng bày không dư thừa. Ông đã tiếp Poivre với tất cả tâm tình của một người Pháp với một người đồng hương. Cùng sống trong căn nhà này, còn có ba người khác sống chung. Họ náo nức nghe những tin tức từ tổ quốc của họ và bày tỏ sự nhiệt thành hăng say phụng sự tôn giáo của họ tại nơi đây. Họ đã làm một bữa cơm đãi khách đầy tình nghĩa bạn bè và rộng lượng, một chút gì đó có hương vị quê hương nước Pháp.

Các giáo dân quanh đó nghe tiếng đã đến đông đủ để giúp đỡ Giám Mục của họ tiếp khách. Họ mang những món quà nhỏ đến để giúp Giám Mục tiếp đón chúng tôi. Đó là những cử chỉ muôn vàn yêu thương. Tôi chỉ thấy nơi vị Giám Mục này sự đơn giản và nghèo túng không thể không làm người ta nhắc nhở đến vị Giám Mục đầu tiên của tôn giáo chúng tôi. Ở nơi đây, người chủ chăn được đàn chiên biết đến không phải vì một Tòa Giám Mục tráng lệ huy hoàng, nhưng ở chỗ nó tách rời ra khỏi mọi của cải vật chất, một đức hạnh vốn là linh hồn của tôn giáo dạy dỗ đàn chiên và rao giảng phúc âm mà không cần đến một lời nói của vị Giám Mục. (Trang 13)

Poivre kết thúc chuyến du hành trong sự thất vọng và cay đắng

Trước khi Poivre xuống tàu về lại nước Pháp, ông đã nhận được thư của vua xứ Đàng Trong gửi cho vua nước Pháp. Lá thư này của nhà vua đã được Cơ Mật Viện nhờ Giám Mục M.Lidur dịch ra tiếng Pháp. Kèm theo lá thư là danh sách quà tặng của vua Đàng Trong gửi tặng vua nước Pháp. Vị Giám Mục đã đưa lá thư đã dịch cho Poivre và nói rằng; việc dịch thuật đã tôn trọng một cách tỉ mỉ ý nghĩa của bản gốc lá thư. Lời lẽ trong thư là cực kỳ trang trọng và cũng không kém giả dối. Xin trích đoạn:

“Après avoir bien réfléchi sur les grâces et les faveurs semblables aux montagnes élevées et aux eaux profondes dès à présent et l`avenir nous conjurons et demandons que ce royaume-ci avec le royaume de France soient en joye et soient donénravant comme un, afin que les deux Royaumes lient amitié et soient bien unis et que les grands faveurs que nous avons recues soient imprimés longtemps et des milliers d`années dans notre coeur. Nous pensons que l“illustre prince nous a déjà donné un présent comme le fruit qui s`appelle Đao, mais nous ne savons que prendre pour comme le fruit li (ou pêche) nous envoyons avec respect un vil présent afin qu`on se fie bien à notre coeur. Par cette présente, nous respcetons votre Majesté.” (Trang 71)

(Sau khi đã suy nghĩ chín chắn về những ân huệ và sự ưu đãi cao tựa như núi và sâu thẳm tựa như nước mà từ đây về sau chúng tôi thề nguyền và mong đợi vương quốc này và vương quốc Pháp từ rày về sau như thể là một, để hai vương quốc chúng ta nối kết tình bạn bè trở nên như một và những sự ưu đãi lớn lao mà chúng ta đã nhận được thì sẽ in sâu vào lòng chúng ta lâu bền trong vài ngàn năm trong trái tim của chúng ta. Chúng tôi tưởng nghĩ đến vị Hoàng Tử danh tiếng đã tặng một món quà cho chúng tôi được gọi là những quả đào, nhưng chúng tôi chỉ biết rằng có một thứ quả có tên là li (hay đào), chúng tôi hết lòng quý mến món quà nhỏ bé đó và ghi khắc trong lòng chúng tôi. Và đây là những món quà, xin trân trọng gửi đến Hoàng Thượng).

Lời lẽ thì tốt đẹp như thế. Nhưng sau đó, tại Hội An, Poivre gặp hai vị quan coi về thuế vụ bên cạnh có người thông dịch viên tên Miguel cho hay rằng nhà vua đã miễn mọi khoản thuế có giấy viết tay. Nhưng hai vị quan này cũng đòi 3000 quan tiền thuế. Poivre nghĩ bụng làm gì có hàng nhiều đến nỗi thuế 10% bằng 3000 quan. Phần hàng hóa hiện nay đang tồn trữ trong điện mà nhà vua đã mua được 2 vi quan thuế vụ định giá là 1800 quan. Như vậy, theo họ thì Poivre phải trả 1200 quan tiền thuế. Trong khi đó, Poivre biết trị giá số hàng hóa trong cung điện là 6000 quan theo hoá đơn. Thật quá bất lương và bất công. Dù phản đối cuối cùng rồi Poivre cũng trả khoản nợ thuế 1200 đồng để được yên thân. (Trang 73).

Trong chuyến tàu thủy trở về Pháp. Poivre đã mua thử 6 vại mật mía, nặng chừng 50 kilo. Khi khô, chắc mật mía mất đi một phần tư trọng lượng. Ông cũng mua thử một số mây, gồm 6 loại khác nhau mà xứ này sản xuất được rất nhiều. Poivre cũng mua nhiều gỗ tốt như gỗ sồi để làm sườn nhà hoặc để đóng đồ gỗ. Gỗ ở đây vừa chắc, vừa nhẹ, thớ đẹp hơn gỗ của Ấn Độ.

Đồ lụa của Việt Nam thì đẹp và có giá hơn của Tàu rất nhiều. Thường nhập từ Đàng Ngoài vào, khổ thường hẹp lại nhẹ vì trời ở đây nóng, hơn nữa phần đông dân chúng lại nghèo, không có tiền mua.

Trong số những người mà Poivre hận ghét, có viên thông ngôn Miguel nói ở trên. Ông này được người Pháp gửi đi học ở Pondichéry trong hai năm. Sau đó theo đạo, trở thành người công giáo. Khi mới gặp Poivre thì quỳ trước mặt Poivre để bày tỏ lòng biết ơn. Sau đó, ăn cắp 300 quan của Poivre. Rồi lại đủ can đảm đòi thêm vài trăm quan về công khó thông dịch của ông ta. Poivre viết:

“Il se jette à mes pieds, avoue publiquement les larmes aux yeux qu`il me doit tout ce qu`il est et se félicite du nouveau bonheur qu`il a de me revoir dans son pays pour me prouver sa reconnaissance.” (Trang 77).

(Ông ta quỳ gối dưới chân tôi, nước mắt chảy và thú nhận công khai những gì ông có được ngày hôm nay là do tôi và cho là sung sướng khi được gặp lại tôi trên xứ sở của ông và để chứng tỏ lòng biết ơn của ông đối với tôi).

Nhưng sau đó thì lại nịnh bợ các quan và nhà vua và nói xấu, xấc xược đủ điều về các Thừa Sai cũng như phái đoàn của Poivre. Vai trò của thông dịch viên rất quan trọng, vì họ có thể thiên vị bên này bên kia.

Phần các quan thì sợ rằng Poivre sẽ không mang lá thư của nhà vua của họ về Pháp cũng như các quà tặng chẳng đáng gì.

Cuối cùng thì lá thư và quà tặng của vua nhà Nguyễn cũng được đưa lên tàu. Các quan nhân danh nhà vua đã tặng cho Poivre 20 con gà và hai con heo. Sau đó họ vội vã rời tàu và không đụng đến chút đồ ăn nhẹ mà Poivre đã mời họ.

Phần Poivre đã cho viên thông dịch viên lên tàu và đã nhốt ông lại dưới hầm tầu mà không một ai hay biết. Poivre đã kết thúc cuốn hồi ký bằng vài dòng vắn gọn:

“Buổi chiều, chúng tôi đã quyết định nhổ neo. Nhưng vì gió thổi ngược. Chuyến đi đành phải hoãn tới ngày hôm sau.” (Trang 78).

Trước khi chấm dứt Hồi ký của Poivre, xin trích dẫn một số nhận xét của Robert Kirsop, người Anh, đã nói ở trên xem ra không có một chút thiện cảm gì với phái đoàn của Pháp với một sự miệt thị rõ ràng do sự đố kỵ giữa hai bên:

tho

“Khi tới nơi Le Poivre đã vội vã đến Triều đình trong cung cách oai vệ với các cận vệ và đoàn tùy tùng và đã thực hiện ở đó một sự xuất hiện rất huy hoàng. […] Ông đã dâng lên vị Chúa bức hình Quốc Vương nước Pháp trên quốc huy, một cặp ngựa nhỏ đáng thương, một cặp gương soi khổ lớn, một kính thiên văn và nhiều vật tầm thường khác. (…) Thực sự nhờ các tặng phẩm của họ với vị Chúa, và sự ân cần thường xuyên đối với ông, vị Chúa đã miễn cho họ mọi lệ phí hải cảng và luôn luôn đối sử với họ cực kỳ lịch sự. Vì tính dễ dãi này của Chúa Vương, đã dẫn dắt Le Poivre đến việc coi nhẹ và bất chấp quan Thượng Thư của vị Chúa đã khơi động sự bực bội của họ. […] Họ cũng thấy ông Le Poivre lúc nào cũng mơn trớn nhà ngữ học, gần như thể làm anh ta trở thành tình nhân của ông. […] Và sau cùng, vị Chúa mệt mỏi và muốn họ ra đi. Và khi đó Le Poivre bị thất vọng một cách lớn lao, tìm cách ép buộc trên một số đề nghị đáng tởm, nhằm giúp người dân nước ông được chiếm ngụ một mảnh đất nhỏ và vị Chúa đã lạnh lùng giáng xuống ông ta một sự từ khước. […] Họ đã không khám phá ra sự đánh lừa của nhà ngữ học cho đến lúc gần ra đi, và khi họ nhận thấy rằng anh đã chơi khăm và lừa dối họ, trong hầu hết mọi việc đã được ủy thác cho anh ta, vào lúc khởi hành, họ mời anh ta lên tàu với một số lý do giả vờ cần giải quyết các bản Kiểm Mục, và bằng vũ lực bắt anh ta mang đi. […]  Và các lực lượng đã được phái đến để chặn con tàu lại, nếu nó có ghé vào bất cứ nơi nào trên bờ các bờ biển của họ. Trước thời điểm này, người Đàng Trong chưa hề biết đến sự khác biệt giữa các người Âu Châu. Trong lá thư của vua nước Pháp, họ được cảnh giác rằng không nên có bất kỳ buôn bán nào với Anh Quốc hay Hòa Lan, điều này đã góp phần vào sự nghi ngờ về sự thành thật của họ. […] Họ nghĩ không làm gì hơn là tống xuất tất cả các giáo sĩ Thiên Chúa giáo ra khỏi xứ sở. […] Ngoại trừ một người Đức, người dạy môn vật lý được giữ để phục vụ gia đình của Chúa. Phần lớn các nhà thờ của họ bị san thành bình địa và các sách vở giấy tờ của họ đều bị tiêu hủy. Các giáo sĩ người Pháp thì nổi bật với sự canh gác của các binh sĩ, đi kèm họ tới Hội An, trong khi số còn lại tự do đi xuống đó cùng với vị thuyền trưởng Bồ Đào Nha”.

(Robert Kirsop, “Kẻ đã cư trú tại Đàng Trong năm 1756, Một số tường trình về Đàng Trong”, bản dịch của Ngô Bắc, Gió-o. com)

Saigon ngày xưa dưới mắt John Crawfurd

John Crawfurd, “Journal of an Embassy, From the Governor-general of India the courts of Siam and Cochin China” , NXB London, H. Colburn and R. Bentley, 1830, từ trang 299-475

Thời gian John Crawfurd đến Việt Nam là dưới đời vua Minh Mạng, lên ngôi vua từ năm 1820. Chính sách của Minh Mạng đối với người ngoại quốc tỏ ra nghi ngờ và khắt khe hơn thời Gia Long.

Thành phần phái đoàn của Crawfurd may mắn có Thuyền Trưởng Dangerfield, Hạm Phó Rutherford và ông Finlayson, Bác Sĩ Dangerfield được chỉ định làm phụ tá cho John Crawfurd và thay thế ông trong trường hợp có tai nạn. Dangerfield còn là một nhà Thiên Văn Học, chuyên viên đo đạc bản đồ và chuyên viên địa chất. Ông Finlayson có mặt trong phái đoàn với tư cách một Sĩ Quan Quân Y và chuyên viên thảo mộc cũng như động vật học. Chiếc tàu của phái đoàn tên là John Adam trọng tải 380 tấn.

Trong Hồi ký, ông Crawfurd chẳng những ghi ngày tháng mà còn đi đến đâu ghi rõ tọa độ, kinh tuyến, nhận xét từng sự việc với một cái nhìn khách quan và rộng lượng hơn ông Poivre ở trên. Ông cùng với các ông Finlayson, ông Rutherford cùng đoàn tùy tùng đã ghé đảo Pulo Condore (gồm tất cả 12 đảo lớn nhỏ) vào ngày 22 tháng 8.

Đổ bộ lên đảo, ông bất ngờ khám phá ra một cơ xưởng của người Anh đã rơi vào tình trạng hoang phế. Chỉ còn để lại dấu vết nền nhà và gạch đá cũng như mảnh vỡ của đồ sứ. Theo đó được biết cơ sở này đã bị phá hủy từ 118 năm về trước, vào năm 1702. Đây là một di tích lịch sử sớm nhất về sự có mặt người Anh tại đảo Phú Quốc.

Đi đến một làng gần đó, phái đoàn Anh còn thấy một thanh niên đang chơi đá banh trên bãi cát. Điều này càng chứng tỏ sự có mặt của người Anh trên đảo đã có từ lâu. Và thanh niên này đã dẫn phái đoàn đến gặp người đứng đầu của đảo này. Người đón tiếp phái đoàn có tên là Cham-Kwan-Luang, một người rất khả ái và hiếu khách. Không nghi ngờ và không tò mò hỏi quanh co như thói quen người bản xứ, ông đã mời tất cả phái đoàn về nơi ông cư ngụ và ông chỉ yêu cầu viết trên giấy chứng tỏ rằng Crawfurd có ghé qua đảo và để sau này, ông có dịp đưa ra cho các phái đoàn Anh khác đến sau biết.

Khi phái đoàn quay lại tàu, ông chúa đảo đã tặng cá tươi, rùa rồi trứng cũng như rau và hoa quả. Khi trả tiền, họ ngần ngại không lấy và cuối cùng chỉ vui vẻ nhận quần áo và đồ dùng của người Tây Phương.

Đảo này thật ra là nơi trú ẩn của các băng đảng cướp chống lại Campuchia và Nam Việt. Dân số trên đảo khoảng 800 người đều là người Việt Nam. Họ trông đều khỏe mạnh chứng tỏ khí hậu ở đây tốt. Trừ một số người bị rỗ mặt vì trước đây mắc bệnh đậu mùa. Họ có trồng ít lúa. Phần đông bắt rùa, đánh cá, làm cá khô để đổi lấy quần áo và gạo từ Saigon. (Crawfurd. ibid., trang 299-308).

Ấn tượng tốt đẹp đầu tiên mà phái đoàn Anh khi đến Poulo Condor chắc để lại kỷ niệm sâu xa nơi họ. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ đời sống vật chất trên đảo cũng như họ đã từng tiếp xúc với các nước Tây Phương sớm nên không có những cảnh tượng quê mùa, hoặc quá tò mò như trường hợp của Poivre khi họ đến Huế trước đây.

Sau đó ngày 24-8, tàu của Crawfurd trực chỉ St James (Vũng Tàu). Họ bỏ neo ở đây và chờ đợi được giấy phép đồng thời khai báo về tên tàu, danh sách thủy thủ đoàn, có bao nhiêu súng ống, đạn dược trình lên vị Tổng Trấn ở Saigun. (Lúc đó Lê Văn Duyệt còn làm Tổng Trấn lần thứ hai (1920-1932). Và họ cho biết, chỉ cần một ngày hoặc một ngày rưỡi thì thư gửi lên Tổng Trấn Gia Định sẽ được trả lời. Cũng tại nơi đây, Crawfurd gặp phu nhân và các cô con gái của bà ta, vợ của người đứng đầu ở đây mà Crawfurd đã dùng lời lẽ trân trọng để nói về vị phu nhân này:

“Here, we found a respectable-looking middle-aged woman, the chief’s wife, and three young and comely girls, his daughters. The ladies did not appear by any means abashed of discomposed by the appearance of strangers.” (Crawfurd, ibid., trang 314)

Theo sự quan sát của sứ giả Anh thì người dân ở vùng Vũng Tàu có chút văn hóa, có tụ họp chung quanh phái đoàn vì tò mò, nhưng với một thái độ chừng mực vừa phải. Đời sống của họ khoảng 300 gia đình với 1000- 2000 dân xem ra tương đối khá. Đàn ông thường làm nghề chài lưới, trong nhà thường có đàn lợn, đàn gà ít ra cho thấy họ không đến nỗi túng thiếu nghèo nàn.

Đi mất một đêm thì sáng hôm sau phái đoàn, ngoài Crawfurd còn có ông Finlayson và 33 nhân viên khác tới Saigun.

Dưới mắt của Crawwfurd thì Saigun (Saigon theo cách viết của Crawfurd) còn là những thửa ruộng lúa ở hai bên bờ sông và có nhiều làng mạc ở rải rác. Và ông nhận thấy đã có một con đường hai bên trồng cây dẫn vào thành phố. Họ chờ đợi để được xếp đặt chỗ ở, sau đó được chở thuyền tới một nơi dành cho buổi tiếp đón này. Nơi tiếp đón là một tòa nhà lớn có cổng chào phía ngoài và có vô số người nhộn nhịp đón tiếp. Có 20 lính dàn chào và lính canh cổng để giữ trật tự vì có nhiều dân chúng chen chúc tò mò xem mặt họ. Khoảng một giờ trưa có hai quan chức cao cấp tới để bàn thảo với phái đoàn. Những cuộc bàn thảo này kéo dài cả ngày trời, từng chi tiết nhỏ nhặt đến không cần thiết. Phía quan Tổng Trấn có gửi thư cho phái đoàn cho hay họ có tự do muốn đi đâu thì đi và họ sẵn sàng cung cấp voi, ngựa, hoặc thuyền tùy theo nhu cầu của phái đoàn. (Crawfurd, ibid., trang 318)

Saigun nằm ở vị trí của một con sông nhỏ, dài khoảng ba dặm tính từ dinh quan Tổng Trấn với nhà cửa cất lộn xộn. Hai bên bờ sông được trồng trọt. Con sông Saigun có nhiều nhánh sông và có nhiều cây cầu bắc qua một cách cẩu thả. Cũng có một khu phố buôn bán tương đối rộng rãi và sạch sẽ. Các món hàng chính được bày bán là đồ gốm của Trung Quốc, các loại lụa, nhất là lụa từ ngoài Bắc Kỳ cùng với các loại trà cũng được gửi từ Bắc vào. Và còn có vô số gà, vịt, ngỗng cũng như heo đực. Các cửa hàng ấy thường do phụ nữ đứng bán.

Và một lần nữa được đọc nhận xét tích cực của Crawfurd khen phụ nữ Việt Nam:

“Judging from the specimen we saw to-day, The Cochin Chinese woman appear to be well and becomingly attired. Many of them were much fairer in complexion than we could have expected, and some were handsome, making due Allowance for the peculiarity of their features, or what, at least, is considered such, according to our notions of beauty.” (Crawfurd, ibid., trang 329).

Nhận xét của phái đoàn nước Anh là phía những người bạn của xứ Đàng Trong là quá trang trọng, tỉ mỉ và phô trương. Chẳng hạn viên quan đã mở lá thư của viên Toàn Quyền Anh (Governor-general) ở Ấn đã xem xét tỉ mỉ chữ viết, soi rọi lá thư và hơn hết xem xét dấu triện của Toàn Quyền Anh. Xem xét xong lá thư đến việc phải dịch từng câu ra chữ Hán Nôm (Cochin-Chinese). Không hài lòng, họ yêu cầu dịch ra chữ Hán.

Việc dịch thuật là vô cùng khó khăn, vì không có người biết tiếng Anh. Người Pháp phải đứng ra làm công việc dịch này. Đó là ông Diard thường đi bên cạnh phái đoàn. Và làm sao mà những thông dịch viên có thể làm vừa lòng mọi người? Nhưng cũng giải quyết xong. Nhưng họ lại phản đối có nhiều câu trong thư không thể nào trình lên Hoàng Thượng xứ Đàng Trong được, vì nó đi trái với luật pháp của họ.

Chẳng hạn câu:

“His Excellency sends certain presents in token of his profound respect and esteem for His Majesty the emperor of Cochin China.” (Crawfurd, ibid., trang 325).

Vị quan đề nghị câu trên phải đổi lại là: “I send your Majesty certain presents, because you are a great King.”

Bởi vì Hoàng Đế Annam trên thực tế còn chiếm lãnh phần lớn lãnh thổ Cambodia cũng như nước Lào, nắm chủ quyền các nước ấy nên phải thêm vào tước hiệu là Đại Hoàng đế.

Phái đoàn được trọng đãi và do các người phục dịch người Ấn Độ và những người hầu gốc Tàu. Phần lớn họ là con cháu những người Tàu đã ở đây lâu đời và có khoảng từ 3000 đến 4000 người Tàu như vậy. Người Tàu có ba bốn ngôi chùa tại Saigun. Những ngôi nhà của người Tàu thì có nhiều nhà như những dinh thự rộng rãi.

Phần chúng tôi rất hài lòng về buổi đi thăm viếng này.

quan
Hình quan văn võ nhà Nguyễn dưới mắt Crawfurd. Sau trang 404 , Journal of an Embassy From the Governor-general of India the courts of Siam and Cochinchina.

(còn tiếp)