Ngày nhỏ tôi thường theo mẹ ra dòng suối sau nhà. Mẹ mải giặt quần áo, rửa rau, rửa bèo… còn tôi trong thời gian chờ mẹ, thường đi chơi dọc hai bên bờ suối tìm nhặt những hòn sỏi đủ hình thù và màu sắc, viên thì màu nâu đỏ tròn và nhẵn như quả trứng gà, có viên vuông vắn như chiếc bánh đậu xanh, có viên góc cạnh gồ gề tựa nham thạch của núi lửa….Bộ sưu tập những viên sỏi của tôi cứ đầy lên…

Một lần tôi cùng mẹ đi rừng, đường vào rừng phải qua một con suối cạn khá dài. Những viên đá, viên sỏi ở con suối cạn phong phú hơn dòng suối quen thuộc sau nhà tôi rất nhiều. Dưới ánh nắng ban mai đầu ngày, tôi chợt thấy lóe lên một màu trắng thanh khiết. Ồ những viên đá trắng tinh như ngọc thạch. Mẹ bảo “Chỉ những viên đá trắng cọ sát vào nhau mới sinh ra lửa. Những viên đá này người nguyên thủy hay lấy để tạo ra lửa. Có lửa là một phát hiện vĩ đại nhất thời bấy giờ. Lửa dùng sưởi ấm trong mùa đông giá lạnh, lửa giúp  nấu chín thức ăn chống lại bệnh tật tai ương, lửa là vũ khí xua đuổi kẻ thù…”

Tôi tin lời mẹ, hồi hộp đợi đến khi trời tối, tôi liền đập thử hai viên đá vào nhau, nó phát sáng như ánh lửa Đom Đóm…nhưng để lấy được lửa thì có lẽ người xưa phải tốn nhiều công sức lắm. Trong giấc mơ trẻ thơ của tôi dòng suối luôn chứa vô vàn câu chuyện bí ẩn về sự sống mà tôi chưa biết.

Tôi luôn thắc mắc và đật ra câu hỏi “Dòng suối chảy từ đâu ra nhỉ, và điểm cuối của nó ở đâu?…” và luôn mong có một lần được  đi đến tận đầu nguồn con suối để khám phá. Dù mẹ không  giải thích thì trong đầu đứa bé 5 tuổi là tôi lúc bấy giờ cũng láng máng hiểu tại sao các làng bản hay quần tụ ở hai bờ những con suối lớn.

Những đêm khuya thanh vắng, khi những âm thanh hỗn tạp của cuộc sống đời thường cũng đã chìm vào trong giấc ngủ say. Tôi chợt thức dậy nghe dòng suối thủ thỉ những giai điệu quen thuộc của nó. Nó được chảy ra dưới chân một dãy núi hùng vĩ quanh năm mây mù bao phủ, nó được sinh ra từ tình yêu bao la của đất mẹ đầu nguồn vĩ đại. Vì vậy nó là sứ giả dâng hiến và nó cần lan tỏa rộng  khắp mọi miền những giọt nước mát lành để giúp vạn vật sinh sôi.

Suối đầu nguồn ( Pác Bó, Cao Bằng ) | Mapio.net

Giấc mơ của tôi thời thiếu nữ thường trôi theo dòng suối mùa xuân, vớt lên lòng bàn tay những cánh hoa Ban mỏng manh như cánh bướm rập rờn mơ hồ, để rồi thương nhớ một vài hình bóng vu vơ…

“Hỏi ai sao đứng một mình

Để con suối nhỏ buồn tình hắt hiu

Bên bờ hoa nở bao nhiêu

Kìa con bướm trắng dập dìu ghé thăm”

Thanh Thanh Ngọc.

Có lúc nó dạt dào như tiếng nước chảy vào máng, khi máng đã đủ độ nặng tự nó nhấn chiếc cần gõ xuống cối giã gạo tạo thành hợp âm  thình thịch, rào rào,  kẽo kẹt đều đều, đem lại cho ta cái cảm giác bình yên đến lạ lùng. Có khi nó dồn hết sức tung mình vượt qua vách đá dựng đứng để ca bài ca tự do giữa đại ngàn hùng vĩ.

Có khi nó lặng lờ như tấm gương phản chiếu những tàng cây xõa tán, soi bóng ngả nghiêng đôi bờ, tựa như dáng các nàng tiên nữ trút bỏ xiêm y đang đùa giỡn nhau dưới làn nước xanh màu Ngọc Bích. Có khi nó ôm ấp, dịu dàng ve vuốt rửa trôi bao mệt nhọc, tẩy sạch những bụi trần giúp tôi trở lên xinh đẹp và rạng rỡ sau một ngày lao động vất vả.

Con người với bản tính thực dụng, lạnh lùng và trí thông minh của mình đã sai khiến và tận dụng tự nhiên bằng nhiều cách…

Thời gian trôi đi…Tôi đã khác xưa và dòng suối của tôi dường như cũng khác xưa nhiều lắm. Nó giờ đây u buồn, tan hoang đến thảm thương… Người ta chặn dòng làm thủy điện. Dù không muốn nó cũng phải phô ra cái đáy toàn đá nham nhở như răng Cá Sấu, rồi từng ngày, từng giờ hồi hộp, lo âu, chờ đợi con người rủ lòng thương xả xuống một chút nước cho ruộng vườn phía dưới vơi đi cơn khát thường trực. Dòng nước trong xanh, thanh khiết ngày nào giờ bị cầm tù trong một cái hồ nhỏ bốc mùi thum thủm.

Tôi cũng xuôi theo dòng mưu sinh bon chen cơm áo nơi chốn thị thành và chẳng dám tin có một dòng trong thanh khiết không bị vẩn đục bởi bất cứ điều gì tác động.

Nhưng những khi mệt mỏi buồn phiền, mất phương hướng tôi lại mơ về dòng suối đầu nguồn ngày xưa. Những viên sỏi nhiều màu sắc vẫn ở nguyên trong ngăn kéo tuổi thơ thi nhau kể những câu chuyện riêng

mà chỉ chúng tôi mới hiểu…