Quảng Ngãi là một tỉnh thuộc miền Nam Trung Bộ, nơi sản sinh ra những người con chăm chỉ, cần lao, giỏi lằm ăn và chịu thương chịu khó. Điều đó cũng phần nào được phản ánh trong tên gọi của tỉnh này mà không phải ai cũng hiểu được.

Quảng Ngãi – Wikipedia tiếng Việt

Quảng Ngãi vốn thuộc phủ Tư Nghĩa, thừa tuyên Quảng Nam, được hình thành sau khi nhà Lê đánh chiếm thành công kinh đô Chà Bàn của vương quốc Chăm-pa. Năm 1602, phủ Tư Nghĩa đổi thành phủ Quảng Nghĩa, đọc trại đi là Quảng Ngãi. Năm 1776, phủ này được nhà Tây Sơn đổi thành Hoà Nghĩa, rồi năm 1803 lại được nhà Nguyễn đổi lại thành Quảng Nghĩa. Năm 1832, từ những vùng đất thuộc phủ này, tỉnh Quảng Ngãi chính thức được thành lập.

Tóm lại, tên gọi “Quảng Ngãi” là đọc trại từ “Quảng Nghĩa”, Hán tự là 廣義, trong đó Quảng (廣) là “rộng lớn” còn Nghĩa (義) là “nghĩa khí”, “sự tình đúng với lẽ phải, thích hợp với đạo lí”. Từ điển Nguyễn Quốc Hùng giảng Quảng Ngãi là ”Cái ý rộng, nói rộng cái ý ra”, nhưng theo chúng tôi thì nghĩa đúng trong trường hợp này phải là “nghĩa khí rộng lớn”.

Vậy vì sao từ Nghĩa lại thành Ngãi? Khả năng đầu tiên có thể nghĩ đến là do kiêng huý. Tuy nhiên tìm trong lịch sử ta không thấy nhân vật nào có tên Nghĩa ở giai đoạn này. Vì vậy, giả thuyết hợp lý nhất là do sự biến âm từ các phương ngữ Nam Trung Bộ. Chữ “Nghĩa” ở nhiều nơi đọc thành “Ngữa”, rồi “Ngỡ”, sau biến thành “Ngỡi”. Người dân đọc “Ngỡi” mà không biết phải viết như thế nào, cuối cùng kí âm ra “Ngãi”. Từ đó ta có danh từ Quảng Ngãi như ngày nay.

(Tham khảo từ điển Hán Nôm và bài viết của trang Ảnh Xưa)