Cả Hà Nội thu nhỏ lại trong tôi vẻn vẹn có dăm ngày và một quãng phố nằm ẩn mình dưới bóng cây xanh. Thậm chí, tôi còn nhớ ra được cả làn gió sũng hơi nước đã quệt vào má tôi như thế nào, khi tôi bắc cái ghế đẩu, ngồi ở cửa nhà bác Kiên để nhìn lên phía trên đê, nơi có những cô hàng rong gánh đôi quang gánh đi lại trong im lặng. 

1.
Hồi đó, là tháng mấy năm 1992, tôi cũng không nhớ nữa. Gia đình tôi dọn hết đồ đạc chất lên chiếc xe tải của cơ quan bố tôi, chuyển về quê. Cả khu gia đình đổ ra bịn rịn chia tay. Tôi, khi ấy, còn quá nhỏ để biết rằng chuyến đi ấy với bố tôi là cả một sự thất bại cơ cực, là sự lựa chọn cuối cùng bởi cơn bão tín dụng đã lấy đi không những toàn bộ tài sản của bố tôi, mà còn lấy đi một khoản tiền rất lớn từ những thùng thuốc Tây mà chú tôi gửi từ Bulgari về nhờ bố tôi bán và giữ hộ. Ngay cả căn nhà tại khu gia đình, nhà máy phân làm nơi ở cho bố con tôi, bố tôi cũng phải trả lại để nhận được một khoản hỗ trợ thêm vào để trả nợ.

Ngày ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu được nỗi cơ cực của bố tôi, một người đàn ông vợ mất sớm, một mình xoay xở đủ kiểu để nuôi 2 đứa con nhỏ. Tôi vốn vô tâm vô tính từ thuở nhỏ, có lẽ đó là bản tính trời phú cho tôi, để giúp tôi có thể thản nhiên sống cuộc đời của một đứa trẻ mất mẹ và cuộc đời của một người đàn bà giấu nước mắt vào trong của mãi sau này.

Chuyến đi của năm 1992, trên chiếc xe tải chở lỉnh kỉnh đồ đạc, thậm chí có cả chiếc chổi cùn mà một người nào đó dọn giúp vứt cả lên xe, đã đưa tôi từ một đứa trẻ đi thoát ly theo gia đình trở về làm đứa trẻ nông thôn, như lẽ ra tôi vốn vậy.

2.
Thật ra, tôi chưa bao giờ được là đứa trẻ sống nơi phố thị. Nơi tôi ở là một vùng ven đô, sau này khi Hà Nội tách ra thì nơi đó thuộc địa phận Hà Tây, chỉ có điều nơi đây là một đơn vị quân đội nên không có cảnh lam lũ đồng ruộng.

Chúng tôi vẫn có khái niệm “ra Hà Nội”. Thỉnh thoảng vào cuối tuần, bố tôi thường chở anh em tôi đi thăm gia đình cô chú đồng hương ở đâu đó chừng khu Thanh Xuân, và với tôi, đó cũng đã là một thế giới khác. Hà Nội trong tôi là cốc nước bột sắn với những viên đá mát lạnh cô pha để đãi bố con tôi. Hồi ấy, trong chỗ chúng tôi, chưa mấy nhà có ti vi chứ chưa nói gì đến tủ lạnh. Lũ trẻ chúng tôi còn kéo nhau sang hàng xóm xem nhờ từ chương trình bông hoa nhỏ đến các trận bóng mà cứ giữa hiệp lại phát bài “Mùa hè Italia” thần thánh.

Một thời gian sau, làn sóng văn hoá phim bộ Hong Kong theo chân những người đi xuất khẩu lao động ở Đông Âu tràn về. Tôi cũng theo bọn bạn đi xem, nhưng thường tôi không quan tâm đến phim mà chỉ ngồi nhìn bà chủ nhà diện váy ngủ hai dây để lộ cánh tay trần và cặp đùi trắng uyển chuyển đi lại, thỉnh thoảng rít một hơi thuốc và tiếp chuyện cánh đàn ông một cách rất… Tây. Tôi nhìn, chỉ vì sự tò mò trẻ con thôi, tuyệt nhiên không cảm xúc.

Nhưng với viên đá lạnh trong cốc bột sắn thì tôi lại cực kỳ cảm xúc. Nếu không phải Hà Nội thì làm gì có đá viên trong veo đến thế. Thường thì tôi không vội vàng uống hết cốc nước mà ôm nó vào lòng để tận hưởng cái vị mát lạnh, rồi tôi tưởng tượng tôi cũng trong veo như những viên đá kia, cho đến khi nó tan chảy ra thành nước. Thì ra, cái trí óc non nớt thời trẻ con cũng có lúc dự cảm được những điều lớn lao. Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy lại ở trong mình hình ảnh của cô bé ngày xưa, trong veo như một viên nước đá. Tôi biết rồi nó cũng tan chảy ra thôi, nhưng được sống những khoảnh khắc trong veo là giây phút tuyệt vời nhất trong cuộc đời mà tôi có được.

3.
Bởi vì bố tôi là một ông gà trống nuôi con và nhất định không chịu tái hôn vì thương các con còn nhỏ, vậy nên bố tôi trở thành một hình mẫu đàn ông tương đối lý tưởng đủ để nhiều cô ngưỡng mộ, theo đuổi. Hồi đó tôi không đủ khôn ngoan để biết, nhưng giờ nghĩ lại thì tôi ngờ vực rằng những cô tôi còn nhớ được đều có vẻ có dính líu tình cảm nào đó với ông bố hay cằn nhằn mắng mỏ của tôi. Tuy nhiên, cũng nhờ các cô đó mà tôi có thêm kha khá trải nghiệm thú vị.

Có lần bố tôi đưa tôi đi thăm một cô ở vùng nào đó trong Hà Tây. Tôi chỉ nhớ, bố đèo tôi bằng xe đạp, đi qua những con đường hai bên là đồng lúa, rồi đến những con đường trồng rất nhiều cây xanh, cuối cùng dừng lại ở một vùng đất rộng, có vẻ như là hợp tác xã hay nông trường trồng rất nhiều nhãn. Không biết có phải vì tôi mệnh Mộc hay không, mà tôi mẫn cảm đặc biệt với cây cối, với màu xanh. Nếu không phải thế thì vì sao, mấy chục năm đã trôi qua rồi, và với cái trí nhớ chỉ còn một tẹo nhỏ cứ u u mê mê của tôi mà vẫn nhớ được như in ngôi nhà nằm giữa một vùng cây nhãn với rất nhiều bãi cỏ, tất cả tạo nên một tổng thể xanh rất đỗi dịu dàng.

Tôi còn nhớ được cả tên của cái cô mà bố tôi đi thăm. Cô ấy tên là Thường. Thật ra, tôi nghĩ quan hệ của bố tôi và cô đó không có gì sâu sắc, chỉ đơn giản là bạn bè hoặc tìm hiểu nhau thôi. Tôi cũng chỉ gặp cô có một lần ấy. Nhưng vì sao tôi vẫn nhớ được cả tên cô, cả hình dáng của cô và nơi cô sống? Đó là do cái tổng thể xanh quá đỗi dịu dàng kia cứ sống mãi trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ, có lẽ đến cuối đời, chỉ trừ khi tôi mắc bệnh mất trí nhớ (mà trong tình hình này thì tôi có nguy cơ lắm), còn không, tôi sẽ nhớ mãi.

Có một cô, người yêu cuối cùng của bố tôi, người suýt nữa đã trở thành mẹ kế của tôi, đó là người đã cho tôi thêm một chút trải nghiệm về Hà Nội.

Bởi vì bố tôi và cô ấy đã có dự định về hôn nhân, và quan hệ của cô ấy với chúng tôi cũng rất tốt nên có lần cô đã đưa tôi đến nhà người thân của cô ngoài Hà Nội. Bác Kiên, là tên anh trai cô – có thấy trí nhớ của tôi thần kỳ không, khi mà tôi thực sự đã quên tịt điều tôi vừa mới nói với bạn ngày hôm qua thì tôi thậm chí còn nhớ được cả tên của người chỉ gặp duy nhất một lần thuở nhỏ?

Nhà bác Kiên nằm bên dưới con đê ở khu La Thành, từ cửa nhà bác, nhảy qua những bậc thang xây gạch cũ ẩm ướt mọc rêu là lên đến bờ đê. Cả Hà Nội thu nhỏ lại trong tôi vẻn vẹn có dăm ngày và một quãng phố nằm ẩn mình dưới bóng cây xanh. Thậm chí, tôi còn nhớ ra được cả làn gió sũng hơi nước đã quệt vào má tôi như thế nào, khi tôi bắc cái ghế đẩu, ngồi ở cửa nhà bác Kiên để nhìn lên phía trên đê, nơi có những cô hàng rong gánh đôi quang gánh đi lại trong im lặng.

Tôi cứ nghĩ, Hà Nội thời ấy nó thế. Người ta không ồn ào không phải vì người ta buồn tẻ, mà vì người ta tôn trọng cái tổng thể tĩnh lặng người ta đang có. Giống như sau này tôi có đọc được câu thơ của Xuân Diệu: “Không gian như có dây tơ/Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu”, tôi cứ nghĩ chẳng ai muốn tạo ra một âm thanh chát chúa để phá vỡ sự tĩnh lặng ấy. Có chăng, chỉ có tiếng xích xe đạp quệt vào nhau, tiếng bánh xe lăn trên đường, tiếng mặc cả rất dịu dàng của một cô khách với bà bán hàng hoa dưới gốc cây ven bờ đê, hay là tiếng rao nhẹ “Bánh đa kê đâyyyy” đang theo gió lan nhẹ trong chiều.

Tôi không thể định nghĩa được, cái không gian ấy nên gọi tên là gì. Nó không phải là sự buồn tẻ đâu, cũng không hẳn là sự dịu dàng. Nó là một không gian rất đỗi văn hoá mà thật lòng tôi không thể gọi tên. Sau này, đọc truyện của Thạch Lam, tôi gặp lại cái không gian đó, và tôi chợt hiểu ra, đó là chất thơ đấy bạn ạ. Người Hà Nội, kể cả những người đến mưu sinh ở đây, đã từng được sống trong một không gian đầy chất thơ, động mà vẫn tĩnh, êm đềm và dịu nhẹ.

4.
Thật ra, tôi còn có một vài câu chuyện nữa, những cảm nhận của tôi, một con bé nhà quê, về Hà Nội. Nhưng có lẽ viết cũng đủ dài. Chuyến xe của năm 1992 cuối cùng đã đưa tôi trở về quê, biến tôi thành con bé hồn quê xác phố. Dù sao tôi cũng mang tiếng là ở Hà Nội về. Tôi mặc váy đi học, bị cả trường để ý. Bọn học trò theo tôi từng đàn, để nhìn, trêu chọc, có đứa còn chạy lại tốc váy của tôi lên nữa. Tôi không hề biết rằng sự lạc lõng của tôi hồi đó, là sự kiện đầu tiên đánh dấu cho sự lạc loài của tôi cho đến mãi bây giờ, trong rất nhiều tổ hợp người.  Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.