Các quy định hướng đến cân bằng giữa bảo đảm tự do ngôn luận với minh bạch, bình đẳng trong bầu cử ở Mỹ gợi ra nhiều khía cạnh cho các quốc gia tham khảo khi hoàn thiện pháp luật về bầu cử của mình.

Lawyer - Books - Law books Photograph by Mike Savad - Fine Art America

1. Lịch sử và một số nguyên tắc nền tảng của tự do ngôn luận

1.1. Mấy nét lịch sử

Dưới chế độ thực dân Anh, tư tưởng tự do của các nhà văn, triết gia Anh như John Milton (1608 -1674)[1], Jonh Stuart Mill (1806 –1873)[2], cùng với những quan điểm của William Blackstone (1723 –1780)[3] đã có ảnh hưởng lớn tại lục địa Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nguyên tắc tự do ngôn luận của người Anh lại hiếm khi được áp dụng đối với người dân thuộc địa, nhất là với những ngôn luận phản kháng lại mẫu quốc và hoàng gia Anh[4].

Ở giai đoạn sau đó, mặc dù Tu chính án thứ I (1791)[5] của Hiến pháp Hoa Kỳ (1787) bảo vệ quyền tự do ngôn luận và báo chí, bên cạnh quyền tự do tôn giáo, hội họp và khiếu kiện, đã có tuổi đời gần 230 năm, quyền này được hiện thực hóa khá muộn. Trong thời kỳ đầu của nền cộng hòa, đã có những đạo luật ngăn chặn ngôn luận một cách khắc nghiệt, chẳng hạn như Luật Chống kêu gọi lật đổ (Sedition Act, 1798) cho phép trục xuất, phạt tiền hoặc bỏ tù bất kỳ ai đe dọa hoặc xuất bản “những nội dung sai sự thật, gây tai tiếng hoặc ác ý” chống lại chính quyền.

Đến đầu thế kỷ 20, các tòa án Hoa Kỳ hầu như chưa bao giờ thảo luận về tự do ngôn luận. Cho đến khi Hoa Kỳ quyết định tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ I (từ tháng 4/1917), sự phản đối của nhiều tầng lớp trong xã hội, nhất là những người theo khuynh hướng cánh tả, làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại, quốc phòng của quốc gia và quyền tự do ngôn luận của người dân. Luật Gián điệp (Espionage Act, 1917) và Luật Chống kêu gọi lật đổ (Sedition Act, 1918) với các điều khoản cấm phản đối tham chiến, cấm cản trở việc tuyển mộ hoặc đăng ký quân dịch, đã bị khởi kiện ra tòa vì bị cho là đi ngược lại quyền tự do ngôn luận mà Tu chính án thứ I bảo vệ.

Ba vụ án Schenck kiện Hoa Kỳ[6], Debs kiện Hoa Kỳ[7], và Abrams kiện Hoa Kỳ[8], được Tòa án tối cao liên bang đưa ra phán quyết trong cùng năm 1919, đã trở thành những cột mốc quan trọng của tranh tụng về tự do ngôn luận. Trong hai vụ án đầu, toàn bộ 9 thẩm phán của Tòa án đồng thuận đứng về phía chính quyền, cho rằng việc kết án Schenk và Debs là đúng đắn, và việc phát tờ rơi phản đối chiến tranh tạo ra “một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu”. Tuy nhiên, đến vụ án thứ ba, Oliver Wendell Holmes Jr. (1841 – 1935, thẩm phán giai đoạn 1902 đến 1932) đưa ra quan điểm bất đồng với đa số, cho rằng “chỉ những ngôn luận có nguy cơ dẫn đến những điều xấu xa ngay lập tức (immediate evil) mới có thể bị giới hạn”, trong khi truyền đơn chống chiến tranh mà Abrams và những người Nga phát tán không gây ra “nguy hại ngay lập tức” nào cho Hoa Kỳ. Holmes, dường như có sự thức tỉnh trước những quan tâm, mong đợi của công chúng, cũng cho rằng “nên hướng đến những điều tốt đẹp nhất bằng việc trao đổi tự do các tư tưởng”. Quan điểm cấp tiến của Holmes trong vụ này được sự ủng hộ của một đồng nghiệp trong Tòa án tối cao là Louis Dembitz Brandeis (1856 –1941, thẩm phán giai đoạn 1916 đến 1939). Trong một vụ án khác, Brandeis cho rằng “khi cần thảo luận để chỉ ra sự sai lầm hay nhầm lẫn…, việc cần làm là có nhiều ngôn luận hơn, chứ không phải buộc người ta câm nín”[9].

Cùng với thời gian, những quan điểm về “thị trường tự do của tư tưởng”, “nhiều ngôn luận hơn thay vì hạn chế” của các thẩm phán ủng hộ tự do như Holmes Jr. , Brandeis, Brennan … đã trở thành chủ lưu trong các lập luận của Tòa án tối cao Hoa Kỳ. Cùng với sự phát triển đa dạng của các phương tiện truyền thông hiện đại (truyền hình cáp, internet…), pháp luật đã được cập nhật để theo kịp các đòi hỏi của xã hội. Bên cạnh đó, nhiều loại tranh chấp liên quan đến các phương tiện hiện đại đã là một động lực hình thành nên nhiều phán quyết mới, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cấp liên bang và tiểu bang[10].

1.2. Một số nguyên tắc nền tảng

Nhìn chung, để xem xét tính hợp hiến của lập pháp, hành pháp khi can thiệp vào ngôn luận, một số nguyên tắc, học thuyết sau đây thường được các tòa án áp dụng:

Thứ nhất, có sự phân biệt giữa các luật dựa vào nội dung (content-based) và luật trung lập về nội dung (content-neutral). Xuất phát từ sự quan ngại rằng, chính quyền sẽ nhắm đến một số thông điệp cụ thể và kiểm soát tư tưởng về một chủ đề bằng cách giới hạn ngôn luận, tòa án đòi hỏi chính quyền phải trung lập khi ban hành các luật điều chỉnh ngôn luận. Sự trung lập cả về quan điểm và chủ đề. Sẽ là quan điểm không trung lập nếu một đạo luật hay quy định ủng hộ một ý thức hệ, một quan điểm cụ thể, trong khi chống lại quan điểm khác. Chẳng hạn, việc cho phép các biểu ngữ phản đối việc phá thai, trong khi lại cấm biểu ngữ ủng hộ việc phá thai là bất hợp hiến. Sự giám sát chặt chẽ (strict crutiny) sẽ được áp dụng đối với các luật, hạn chế căn cứ vào nội dung.

Thứ hai, sẽ là trái với Hiến pháp nếu luật mơ hồ, thiếu rõ ràng hoặc quá rộng. Luật sẽ bị coi là mơ hồ, thiếu rõ ràng nếu một người có nhận thức bình thường không thể phân biệt được rằng ngôn luận nào là bị cấm và ngôn luận nào là được phép. Tòa án tối cao liên bang nhận định “các tiêu chuẩn về tính mơ hồ của luật bị giới hạn nghiêm trong lĩnh vực tự do ngôn luận,…vì các tự do trong Tu chính án thứ I cần không gian để thở nếu muốn sinh tồn, chính quyền chỉ có thể quy định trong lĩnh vực này với sự cụ thể hẹp”[11]. Luật sẽ bị coi là quá rộng nếu nó điều chỉnh nhiều ngôn luận hơn phạm vi mà Hiến pháp cho phép. Như trong vụ Board of Airport Commissioners of Los Angeles kiện Jews for Jesus, Inc.(1987)[12], tòa án kết luận rằng, việc cấm tuyên truyền chính trị, phân phát tài liệu ở sân bay là quá rộng.

Thứ ba, ngôn luận chỉ bị cấm nếu gây ra mối đe dọa rõ ràng và trực tiếp, những quan ngại thiếu căn cứ không đủ để giới hạn ngôn luận. Trong vụ Brandenburg kiện Ohio (1969)[13], Tòa án tối cao đã nhất trí rằng, Luật hình sự (Criminal Syndicalism Act) của bang Ohio vi phạm tự do của Brandenburg. Mặc dù anh này có đe dọa rằng, nếu chính quyền không bảo vệ sự thống trị của người da trắng thì “việc trả thù có thể xảy ra”. Tòa cho rằng, lời kêu gọi mơ hồ và khó có khả năng xảy ra, từ đây, kiểm định Brandenburg (Brandenburg Test) ra đời, thay thế cho kiểm định xu hướng xấu (Bad Tendency Test, ra đời từ án lệ Whitney kiện California, 1927)[14]. Kiểm định Brandenburg, hay còn được gọi là “kiểm định hành vi trái pháp luật sắp xảy ra”, đòi hỏi phải đáp ứng 2 yêu cầu nếu muốn cấm một ngôn luận: 1) Ngôn luận phải “hướng đến kích động hoặc sinh ra hành vi trái pháp luật sắp xảy ra” (imminentlawless action); 2) Ngôn luận phải “có nhiều khả năng kích động hoặc sinh ra hành vi”. Trong vụ án trên, Tòa án cũng nhận định rằng, có những ngôn luận, dù gây tổn thương, bất bình, hoặc không được nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không thể bị tùy tiện cấm cản.

Thứ tư, các giới hạn trước (prior restraints), như việc kiểm duyệt hay các quyết định hành chính, tư pháp cấm cản ngôn luận trước khi ngôn luận được biểu đạt là bất hợp hiến. Tòa án tối cao đã phán quyết rằng, “các giới hạn trước đối với ngôn luận và xuất bản là nguy hiểm nhất và khó tha thứ nhất đối với các quyền trong Tu chính án thứ I”[15]. Trong vụ New York Times Co. kiện Hoa Kỳ (1971), còn được gọi là vụ Hồ sơ Lầu Năm Góc. Chính quyền Tổng thống Nixon đã cố gắng ngăn chặn việc công bố những tài liệu được đóng dấu “tối mật”, do một Nhóm công tác trong Bộ Quốc phòng biên soạn, phân tích về ba thập niên can dự vào Việt Nam. Thế nhưng, với tỷ lệ đa số 6-3, Tòa án tối cao đã nhận định rằng, chính quyền không thể cấm xuất bản các tài liệu này, chính quyền đã không thể chứng minh việc xuất bản gây ra những nguy hại rõ ràng, hiện hữu và nghiêm trọng đối với quốc gia. Thẩm phán W. Douglas viết: “Sự bí mật trong chính quyền căn bản là ngược với dân chủ… Tranh luận và thảo luận công khai các vấn đề công cộng là thiết yếu cho sự mạnh khỏe của quốc gia”, luôn cần có các tranh luận “không giới hạn, mạnh mẽ và công khai”, ngay cả khi việc tiết lộ bí mật “có thể có một ảnh hưởng nghiêm trọng”[16].

Thứ năm, các hành vi mang tính biểu tượng cũng được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận ở những mức độ khác nhau. Trong vụ Hoa Kỳ kiện O’Brien (1968)[17], Tòa án tối cao Hoa Kỳ phán quyết rằng, việc luật hình sự cấm đốt thẻ quân dịch là không vi phạm tự do biểu đạt. Mặc dù công nhận hành vi đốt thẻ là một thông điệp phản đối chiến tranh Việt Nam, nhưng Tòa án cho rằng, quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự là chính đáng vì lợi ích của quốc gia, và không phải là trấn áp ngôn luận. Tuy nhiên, đến vụ đốt cờ (Texas kiện Johnson, 1989)[18], đa số thẩm phán Tòa án tối cao (tỷ lệ 5 -4) cho rằng, luật cấm xúc phạm lá cờ là đi ngược với Hiến pháp, vì hành vi đốt một lá cờ Hoa Kỳ – là một hành vi mang tính truyền thông (a communicative act) – được bảo vệ bởi Tu chính án thứ I.

Thứ sáu, có sự cân đối giữa các lợi ích, cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận với nhiều quyền tự do và lợi ích quan trọng khác. Cho dù được đề cao, quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu những giới hạn khi có sự xung đột với những lợi ích thực sự “thuyết phục”. Trong vụ Clark kiện Community for Creative Non-Violence (1982)[19], tòa án đã kết luận rằng mặc dù người biểu tình có quyền biểu đạt bằng nhiều cách khác nhau, nhưng nếu bằng cách ngủ lại trong các lều ở Công viên Lafayette trước mặt Nhà Trắng (để kêu gọi chính quyền quan tâm đến vấn đề của người vô gia cư) là xung đột với lợi ích của chính quyền trong việc duy trì công viên sạch đẹp, lệnh cấm đã được giữ nguyên. Cạnh đó, học thuyết “những biện pháp ít hạn chế nhất” cũng được sử dụng đối với quyền tự do ngôn luận, làm giảm thiểu những ảnh hưởng, hạn chế đối với quyền này[20]. Những ngôn luận không được Tu chính án thứ I bảo vệ bao gồm việc xúi giục phạm pháp, quảng cáo gian dối và những biểu đạt tục tĩu[21].

Trên đây là một số nguyên tắc, học thuyết (hay còn được gọi là phương pháp luận)[22] cơ bản liên quan đến tự do ngôn luận đã được phát triển, áp dụng trong khoảng một thế kỷ qua tại Hoa Kỳ. Các nguyên tắc này, cũng như nhiều án lệ, lập luận của Tòa án tối cao Hoa Kỳ, đã có ảnh hưởng rộng khắp trên thế giới trong những thập niên qua.

2. Ngôn luận chính trị và những giới hạn

2.1. Phạm vi và vai trò của ngôn luận chính trị

Ngôn luận chính trị tại Hoa Kỳ, thường được hiểu là những biểu đạt, truyền thông liên quan đến chính quyền hay chính trị[23]. Ngôn luận này có thể là những phát biểu, giao tiếp, tranh luận giữa các ứng cử viên, quảng cáo chính trị trên báo chí, truyền hình, biểu tình hay phát ngôn về chính sách, hoặc hướng đến những thay đổi trong lĩnh vực chính trị.

Việc bảo đảm cho các cuộc tranh luận công khai về chính sách công đã được công nhận là động lực chính dẫn đến sự ra đời của Tu chính án thứ I. Nhiều loại ngôn luận chính trị được tòa án bảo vệ, bao gồm các cuộc tranh luận về chính sách, quyền của ứng cử viên tiến hành chiến dịch vận động, quyền của công dân phổ biến các tài liệu chính trị với sự ẩn danh. Nhiều án lệ có sự ưu tiên cho quyền tự do tranh luận, ngay cả trong thời điểm chiến tranh.

Nhìn chung, khi áp dụng học thuyết “phân loại”[24], tương đối dễ phân biệt ngôn luận chính trị với ngôn luận về thương mại (quảng cáo bán hàng) hay về khoa học (bài nghiên cứu). Ngôn luận về chính trị sẽ được sự bảo vệ cao hơn là ngôn luận về kinh doanh, thương mại. Những giới hạn đối với ngôn luận chính trị sẽ bị xem xét, đánh giá theo tiêu chí nghiêm ngặt (strict scrutiny), trong khi giới hạn với biểu đạt trong các lĩnh vực khác chỉ chịu sự đánh giá ít chặt chẽ hơn[25].

Trong các ngôn luận chính trị, quyền phê phán chính quyền, công chức nhà nước đặc biệt được đề cao. Công chức luôn phải chịu sự giám sát của nhân dân, vì “công chức, hiện nay và trước đây, là tài sản của công chúng” [26]. Tu chính án thứ I có vai trò bảo vệ việc trao đổi tư tưởng, thông tin nhằm mang lại những đổi thay về chính trị và xã hội, và “việc duy trì cơ hội cho tự do thảo luận chính trị làm cho chính quyền phản hồi tốt hơn trước nguyện vọng của người dân và để các đổi thay đó có thể đạt được bằng các phương tiện hợp pháp, một cơ hội cần thiết cho sự an toàn của nền cộng hòa, là một nguyên tắc cơ bản của hệ thống hiến pháp”[27]. Trong vụ Công ty New York Times kiện Sullivan (1964)[28], Tòa án tối cao đã khảo cứu lại lịch sử của tự do ngôn luận, từ những nhận định của James Madison, và đã phán quyết rằng, mặc dù tờ báo New York Times có đăng sai một số chi tiết (như về việc cảnh sát bao vây trường đại học), các lỗi đó là nhỏ, không gây hại và cần được khoan thứ[29].

Tuy nhiên, bên cạnh đó, như tại mọi quốc gia, luôn có những giá trị, lợi ích quan trọng đòi hỏi sự cân bằng, cho phép giới hạn tự do biểu đạt, kể cả ngôn luận chính trị. Một trong những hoạt động quan trọng đó là tổ chức các cuộc bầu cử, phương thức ủy quyền, giám sát thiết yếu trong các nền dân chủ.

Do vai trò đặc biệt và sự phổ biến của ngôn luận và truyền thông, đã có sự giao thoa giữa quyền tự do ngôn luận với nhiều quyền tự do khác, như tự do tôn giáo (đã có án lệ về từ chối chào cờ vì lý do niềm tin tôn giáo), hay tự do lập hội (án lệ về không chịu tiết lộ danh sách thành viên của tổ chức xã hội).

2.2. Ngôn luận chính trị trong tranh cử và những giới hạn

Pháp luật về bầu cử của Hoa Kỳ gồm nhiều nguồn khác nhau, bên cạnh các tập quán và án lệ, một nguồn quan trọng là các đạo luật như Luật Chiến dịch bầu cử liên bang (Federal Election Campaign Act – FECA, 1971, được sửa đổi nhiều lần), Luật Cải cách chiến dịch bầu cử lưỡng đảng (Bipartisan Campaign Reform Act – BCRA, 2002, còn được gọi là McCain–Feingold Act, theo tên của hai thượng nghị sỹ có sáng kiến lập pháp, sửa đổi FECA). Pháp luật về bầu cử có các nội dung về quyền bỏ phiếu, bảo đảm sự tiếp cận của các cử tri dễ bị tổn thương (người khuyết tật, người có khó khăn về ngôn ngữ), đóng góp tài chính, vận động bầu cử, chống gian lận bầu cử…

Mặc dù, tự do ngôn luận được bảo vệ rộng rãi như nêu trên, trong Luật Chiến dịch bầu cử liên bang và nhiều đạo luật khác liên quan đến bầu cử, có khá nhiều giới hạn đối với ngôn luận chính trị[30]. Phần nào do cơ quan lập pháp, cũng như tư pháp, thấy cần bảo đảm tính khách quan, ngăn chặn tham nhũng trong bầu cử và bảo đảm bình đẳng trong tranh cử đã được cân bằng với tự do ngôn luận. Nhiều loại ngôn luận đã bị hạn chế với các quy định khác nhau.

Luật Chiến dịch bầu cử liên bang xác định truyền thông chính trị có thể là bằng bất kỳ phương tiện nào, gồm truyền hình cáp hoặc vệ tinh, báo, tạp chí, phương tiện quảng cáo ngoài trời, gửi thư hàng loạt, điện thoại, hoặc bất kỳ hình thức quảng cáo chính trị nào khác[31]. Luật này cũng định nghĩa “truyền thông tác động bầu cử” (“electioneering communication”) là bất kỳ truyền thông phát thanh, truyền hình nào mà đề cập đến một ứng cử viên tranh cử cho một vị trí cấp liên bang, được thực hiện trong vòng 60 ngày trước ngày tổng tuyển cử, hoặc là 30 ngày trước bầu cử sơ bộ, hoặc hội nghị của một đảng chính trị để đề cử một ứng cử viên[32].

Để bảo đảm đảm sự bình đẳng trong tranh cử, Luật Viễn thông, điện thoại và radio (Chương 5, Tiêu đề 47 của Bộ Tổng luật Hoa Kỳ) yêu cầu các cơ quan truyền thông dành cơ hội bình đẳng cho tất cả các ứng cử viên trong việc sử dụng đài phát sóng, không có quyền kiểm duyệt đối với nội dung phát sóng của các ứng cử viên, thu phí mức ngang nhau cho tất cả các ứng cử viên… Về nội dung, ứng cử viên không được trực tiếp nhắc đến các ứng cử viên khác tranh cử cho cùng một vị trí, ở phần cuối của nội dung phát sóng cần xuất hiện hình ảnh của ứng cử viên, xác nhận của ứng cử viên đã chấp nhận nội dung phát sóng và ủy ban chi trả cho phát sóng…[33]

Ở mức độ nghiêm khắc, Luật Hình sự (Chương 18, Tiêu đề 2 của Bộ Tổng luật Hoa Kỳ) cấm các ứng cử viên: trực tiếp hay gián tiếp hứa hẹn bổ nhiệm, hoặc dùng ảnh hưởng để ủng hộ việc bổ nhiệm bất kỳ người nào vào vị trí công hay tư nhằm đổi lấy sự ủng hộ mình (Điều 599); trực tiếp hay gián tiếp hứa hẹn tuyển dụng, giao kết hợp đồng hoặc những lợi ích khác để đổi lấy sự ủng hộ hay phản đối ứng cử viên, đảng chính trị (Điều 600); dọa tước đoạt, sa thải ai đó khỏi vị trí, công việc, hay hưởng lợi từ một chương trình cấp liên bang hay tiểu bang để ép họ quyên góp ủng hộ (Điều 601);[34] vận động quyên góp đối với một số đối tượng (như người nhận trợ cấp), tại một số địa điểm như văn phòng, tòa nhà cơ quan công quyền (Điều 604, 607)[35]… Với nguyên tắc bộ máy hành chính đứng ngoài sinh hoạt chính trị đảng phái, luật hình sự cũng cấm ép buộc, dọa nạt, chỉ đạo trong hoạt động chính trị, kể cả của lãnh đạo cơ quan công quyền đối với nhân viên (Điều 610)[36].

Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã nhận định rằng, muốn các cuộc bầu cử công bằng và trung thực cần có nhiều quy định kỹ lưỡng, cũng như cần có trật tự đi kèm với tiến trình dân chủ, tránh sự hỗn loạn[37]. Điều thú vị là cùng với việc pháp luật đặt ra những giới hạn đối với ngôn luận trong tranh cử, Tòa án đã kết nối quyền tự do biểu đạt, ngôn luận với lĩnh vực tài chính trong bầu cử.

Theo Luật Bầu cử (Chương 301, Tiêu đề 52 của Bộ Tổng luật Hoa Kỳ), Ủy ban Bầu cử liên bang (FEC) có trách nhiệm giám sát nhiều quy định liên quan, bao gồm giới hạn mức tiền mà cá nhân, tổ chức có thể quyền góp trong bầu cử.

Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã lập luận rằng, đóng góp tài chính là biểu đạt sự ủng hộ đối với một ứng cử viên, cũng như sự gắn kết với một đảng chính trị, nhưng để ngăn chặn tham nhũng, việc chính quyền đặt ra giới hạn mà cá nhân có thể đóng góp ủng hộ một ứng cử viên là có thể biện minh được. Bởi lẽ, việc vận động bầu cử tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, các ứng cử viên phải phụ thuộc vào sự đóng góp từ nhiều nguồn, điều này làm phát sinh nguy cơ có những người tài trợ để gây ảnh hưởng, đổi lấy những lợi ích chính trị trong tương lai[38]. Mặt khác, Tòa án công nhận rằng, truyền thông vận động bầu cử (in tờ rơi, quảng cáo trên truyền hình…) tiêu tốn nhiều tiền; trong khi đó, chính quyền khó có thể lấy lý do chống tham nhũng để biện minh cho việc giới hạn chi tiêu (expenditure)[39]. Do đó, trong vụ Buckley kiện Valeo (1976)[40], Tòa án tối cao đã kết luận rằng, Luật Chiến dịch bầu cử quy định giới hạn đối với đóng góp bầu cử thì không vi hiến, nhưng quy định về giới hạn chi tiêu bầu cử lại là trái với Tu chính án thứ I[41].

Chi tiêu gián tiếp cho quảng cáo chính trị được tranh luận trong vụ McConnell kiện Ủy ban Bầu cử liên bang (2003)[42]. Thượng nghị sỹ Mitch McConnell (đảng Cộng hòa, bang Kentucky) đã kiện Luật Cải cách chiến dịch bầu cử lưỡng đảng (2002) vi phạm Tu chính án thứ I, vì cấm các tổ chức, công đoàn công khai vận động ủng hộ hoặc chống lại một ứng cử viên ngay trước kỳ bầu cử, hành động mà Luật gọi là “truyền thông tác động bầu cử”, như đã nêu trên. Đa số thẩm phán của Tòa án tối cao Hoa Kỳ cho rằng, ngoại trừ hai điểm tương đối nhỏ, toàn bộ đạo luật là phù hợp với Hiến pháp, kể cả việc cấm chi tiêu độc lập của các tổ chức xã hội cho vận động, quảng cáo chính trị trong thời gian sát trước các cuộc bầu cử[43].

Tuy nhiên, chỉ 7 năm sau, một phần của phán quyết trên đã bị chính Tòa án tối cao Hoa Kỳ lật ngược lại trong vụ Citizens United kiện Ủy ban Bầu cử liên bang (FEC) (2010)[44]. Vào năm 2008, khi Barack Obama và Hillary Clinton đang vận động tranh dành ghế ứng viên của Đảng Dân chủ cho vị trí Tổng thống, một tổ chức phi chính phủ là Citizens United (Công dân Đoàn kết) đã sản xuất, phát hành bộ phim tài liệu với nội dung phê phán Hillary. Trước khi phát hành, tổ chức này đã khởi kiện ra tòa án, cho rằng việc Luật Cải cách chiến dịch bầu cử lưỡng đảng (2002) cấm “truyền thông tác động bầu cử” là vi phạm Tu chính án thứ I, nhằm ngăn chặn Ủy ban Bầu cử áp dụng quy định này đối với bộ phim của mình. Trong một phán quyết sát sao, theo tỷ lệ 5-4, Tòa án kết luận rằng giới hạn đối với chi tiêu của các tổ chức và công đoàn là vi phạm tự do ngôn luận[45]. Vì tiêu tiền là điều cần thiết để phổ biến ngôn luận, như đã được thiết lập trong vụ Buckley kiện Valeo, việc hạn chế khả năng chi tiêu tiền của một tổ chức là vi hiến vì nó hạn chế khả năng các thành viên liên kết hiệu quả và phát biểu về các vấn đề chính trị. Phán quyết này cho phép các tổ chức, công đoàn chi tiêu không giới hạn vào việc vận động chính trị. Chi tiêu này còn được gọi là “tiền mềm”, khoản tiền không được quyên góp trực tiếp mà gián tiếp ủng hộ chiến dịch của một ứng cử viên.

Trong vụ kiện năm 2010 nêu trên, Tòa án tối cao cũng kết luận rằng, quyền tự do ngôn luận cũng áp dụng cho các tổ chức; nói cách khác, các pháp nhân cũng có quyền phát ngôn chính trị như cá nhân[46]. Nhận định này phủ nhận một số án lệ trước đây[47], khi đó, Tòa án lo ngại về việc các tổ chức, doanh nghiệp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, làm mất công bằng trong các cuộc bầu cử.

3. Nhận xét

Có thể nói rằng, tự do ngôn luận, đặc biệt là ngôn luận trong lĩnh vực chính trị, đã được Tu chính án thứ I của Hiến pháp và hệ thống pháp luật Hoa Kỳ bảo vệ khá mạnh mẽ trong khoảng một thế kỷ qua. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho các cuộc bầu cử được công bằng và trật tự, quyền ngôn luận đã chịu những giới hạn đáng kể. Từ những phân tích về quyền tự do ngôn luận chính trị ở Hoa kỳ, có thể rút ra hai nhận xét sau đây:

Thứ nhất, khi bảo vệ quyền tự do ngôn luận chính trị, các bản án của Tòa án tối cao Hoa Kỳ để lại nhiều ấn tượng về sự đa dạng, uyên bác và linh hoạt. Người đọc còn thấy được vai trò, quan điểm và lập luận của từng cá nhân thẩm phán trong các bản án, dù là lý lẽ tán đồng hay phản đối[48]. Tại Việt Nam, án lệ đã được công nhận, nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở đào tạo luật học. Án lệ cũng được coi là “sự bổ sung tuyệt vời cho luật thành văn”, khi luật thành văn chưa thể “bao phủ hết các quan hệ xã hội đa dạng và thay đổi từng ngày”[49]. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chúng ta đang tích cực tham khảo và “tiếp thu có chọn lọc những thành tựu khoa học pháp lý tiên tiến”[50], án lệ về các quyền tự do, bao gồm tự do ngôn luận, của các nước (bao gồm Hoa Kỳ) cần tiếp tục được tập hợp, biên dịch và nghiên cứu hệ thống hơn.

Thứ hai, quy định giới hạn ngôn luận trong tranh cử nhằm bảo đảm sự bình đẳng, giảm thiểu tham nhũng và sự hỗn loạn, một cách khá chi tiết trong luật bầu cử của Hoa Kỳ là những kinh nghiệm hay để tham khảo. Mặc dù quốc gia này có hệ thống bầu cử khá đặc biệt, các quy định hướng đến cân bằng giữa bảo đảm tự do ngôn luận với minh bạch, bình đẳng trong bầu cử cũng gợi ra nhiều khía cạnh cho các quốc gia tham khảo khi hoàn thiện pháp luật về bầu cử của mình.

————————

Chú thích:

[1] Tác giả của “Areopagitica” (xuất bản năm 1644), trong thời kỳ Nội chiến Anh, bảo vệ tự do ngôn luận, xuất bản.
[2] Tác giả của “Bàn về tự do” (On Liberty), xuất bản năm 1859. Xem thêm: Jonh Stuart Mill, Bàn về tự do, Nguyễn Văn Trọng dịch, Tái bản lần thứ 4, Nxb. Tri thức, 2013.
[3] Luật gia, chính trị gia Anh, có tác phẩm nổi tiếng nhất là “Các Bình luận về luật của nước Anh” (Commentaries on the Laws of England). Trong đó, Blackstone nhận định: “Quyền tự do báo chí thực sự là điều cần thiết đối với bản chất của một nhà nước tự do, điều này bao gồm việc không đặt ra những hạn chế trước đối với các ấn phẩm và không có quyền tự do chỉ trích về các vấn đề hình sự khi được xuất bản. Mọi người tự do chắc chắn có quyền bày tỏ tình cảm mà anh ta muốn trước công chúng: cấm điều này, tức là phá hủy quyền tự do báo chí; nhưng nếu anh ta xuất bản những gì không đúng đắn, sai trái hoặc bất hợp pháp, anh ta phải nhận hậu quả của sự táo bạo của chính mình”.
[4] Năm 1735, trong vụ án hình sự xét xử John Peter Zenger (Hoàng gia kiện Zenger), bị cáo là chủ tòa báo, đã có bài viết phê phán thống đốc hoàng gia New York, đã được tuyên vô tội khi bồi thẩm đoàn từ chối áp dụng luật về phỉ báng, nói xấu chính quyền (seditious libel law). Vụ này cũng được coi là một cột mốc của tự do báo chí.
[5] Tu chính án (điều sửa đổi) thứ I (1791) quy định như sau: “Quốc hội không được làm luật liên quan đến việc thiết lập bất cứ tôn giáo nào, hoặc ngăn cản việc thực hành tự do tôn giáo; hoặc giới hạn tự do ngôn luận, báo chí; hoặc quyền của người dân hội họp ôn hòa, hoặc khiếu nại về việc làm của chính phủ”.
[6] Stephen A.Smith, Schenck v. United States and Abrams v. Unites States, trong sách Richard A. Parker, “Free Speech on Trial: Communication Perspectives on Landmark Supreme Court Decisions”, Nxb. Đại học Alabama, 2003, tr. 20 – 26.
[7] Stephen A.Smith, Tài liệu đã dẫn, tr. 24.
[8] Stephen A.Smith, Tài liệu đã dẫn, tr. 26 – 32.
[9] Vụ Whitney kiện California (1927).
[10] Ví dụ như tập đoàn Turner của ông trùm truyền thông Ted Turner đã có hai vụ kiện lên đến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào năm 1994 và 1997.
[11] Vụ NAACP kiện Button (1963).
[12] Erwin Chemerinsky, Constitutional Law: Principles and Policies, Third edition, Nxb. Aspen, 2006, tr. 948. Trong vụ này, Tòa án tối cao không cho rằng các quy định là mơ hồ, mà ngược lại, nhận thấy quy định rõ ràng trong việc cấm các hoạt động ngôn luận theo Tu chính án thứ I, nên quy định đó rõ là “quá rộng”. Xem thêm: Burt Neuborne, Tổng quan đạo luật về quyền, trong sách “Những vấn đề cơ bản của luật pháp Mỹ”, Alan B. Morrison (Chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, 2007, tr. 146.
[13] Richard A. Parker, Brandenburg v. Ohio, trong sách Richard A. Parker, “Free Speech on Trial: Communication Perspectives on Landmark Supreme Court Decisions”, Nxb. Đại học Alabama, 2003, tr. 145 – 152.
[14] Richard A. Parker, Tài liệu đã dẫn, tr. 152.
[15] Vụ Nebraska Press Association kiện Stuart (1976). Trước đó, trong vụ Near kiện Minnesota (1931), Tòa án tối cao Hoa Kỳ lần đầu tiên kết luận rằng sự hạn chế trước đối với việc xuất bản là vi phạm quyền tự do báo chí được bảo vệ theo Tu chính án thứ I.
[16] Geoffrey R. Stone, Louis M. Seidman, Cass R. Sunstein, Mark V. Tushnet, và Pamela S. Karlan, Constitutional Law, Sixth edition, Nxb. Wolters Kluwer, tr. 1096.
[17] Donald A. Fishman, United States v. O’Brien, trong sách Richard A. Parker, “Free Speech on Trial: Communication Perspectives on Landmark Supreme Court Decisions”, Nxb. Đại học Alabama, 2003, tr. 130 – 138.
[18] David J.Vergobbi, Texas v. Johnson, trong sách Richard A. Parker, “Free Speech on Trial: Communication Perspectives on Landmark Supreme Court Decisions”, Nxb. Đại học Alabama, 2003, tr. 281 – 294.
[19] Geoffrey R. Stone, Louis M. Seidman, Cass R. Sunstein, Mark V. Tushnet, và Pamela S. Karlan, Constitutional Law, Sixth edition, Nxb. Wolters Kluwer, tr.1271.
[20] Burt Neuborne, Tổng quan đạo luật về quyền, trong sách “Những vấn đề cơ bản của luật pháp Mỹ”, Alan B. Morrison (Chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, 2007, tr.140-141. Xem thêm về các học thuyết trong lĩnh vực ngôn luận trình bày trong sách này.
[21] Trong vụ Miller kiện California (1973), liên quan đến người bị kết án vì quảng cáo các ấn phẩm khiêu dâm qua đường bưu điện, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sửa đổi định nghĩa của mình về sự tục tĩu (obscenity) từ “hoàn toàn không có giá trị cứu chuộc xã hội” thành “thiếu giá trị văn học, nghệ thuật, chính trị hoặc khoa học” một cách nghiêm trọng.
[22]Erwin Chemerinsky gọi đây là các phương pháp luận về tự do ngôn luận (free speech methodology): Erwin Chemerinsky, Constitutional Law: Principles and Policies, Third edition, Nxb. Aspen, 2006, tr. 932 – 968.
[23] Michael Richard Dimino, Political speech, trong sách “Encyclopedia of the Supreme Court”, David Schultz (Biên tập), Nxb. Facts on File, 2005, tr. 348.
[24] Burt Neuborne, Tài liệu đã dẫn, tr. 141-143.
[25] Michael Richard Dimino, Tài liệu đã dẫn.
[26] Nhận định của Tòa án tối cao Hoa Kỳ trong vụ Beauharnais kiện Illinois (1952).
[27] Nhận định của Tòa án tối cao Hoa Kỳ trong vụ Stromberg kiện California (1931), Tòa đã kết luận rằng một đạo luật năm 1919 của bang California cấm cờ đỏ là vi hiến vì vi phạm Tu chính án thứ I và thứ XIV. Lập luận này được dẫn lại trong vụ Công ty New York Times kiện Sullivan (1964).
[28] Nicholas F. Burnett, New York Times v. Sullivan, trong sách Richard A. Parker, “Free Speech on Trial: Communication Perspectives on Landmark Supreme Court Decisions”, Nxb. Đại học Alabama, 2003, tr. 116-124.
[29] Nicholas F. Burnett, Tài liệu đã dẫn, tr. 121. Xem thêm: Anthony Lewis, Make No Law: The Sullivan Case and the First Amendment, Nxb. Vintage, 1992.
[30] Trong Bộ Tổng luật Hoa Kỳ (Code of Laws of the United States of America, hay United States Code), bao gồm 53 lĩnh vực (Tiêu đề/ Title), một số lĩnh vực liên quan được thảo luận ở đây gồm: Bỏ phiếu và bầu cử (Tiêu đề 52), Tội phạm và Tố tụng hình sự (Tiêu đề 18), Luật thuế thu nhập (Tiêu đề 26), Tư pháp và tố tụng tư pháp (Tiêu đề 28), Viễn thông, điện thoại và radio (Tiêu đề 47).
[31] Federal Election Commission, Federal Election Campaign Laws, Second Edition, February 2019, tr. 10.
[32] Federal Election Commission, Tài liệu đã dẫn, tr. 30-31. Tuy nhiên, Luật này không coi là “truyền thông tác động bầu cử” đối với: truyền thông xuất hiện trong một câu chuyện tin tức, bình luận hoặc bài xã luận được phổ biến qua đài phát thanh, truyền hình, trừ khi các cơ quan truyền thông đó được sở hữu hoặc kiểm soát bởi một đảng phái chính trị, ủy ban chính trị hoặc ứng cử viên nào; truyền thông tạo thành một cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên.
[33] Federal Election Commission, Tài liệu đã dẫn, tr. 169 – 171. Tuy nhiên, Luật khẳng định những quy định trên không áp dụng với việc xuất hiện bởi một ứng cử viên trên các bản tin, phỏng vấn tin tức, phim tài liệu tin tức chân thực, hoặc đưa tin tại chỗ về các sự kiện tin tức xác thực.
[34]Federal Election Commission, Tài liệu đã dẫn, tr.122-123.
[35]Federal Election Commission, Tài liệu đã dẫn, tr.124-125.
[36] Điều 610 Luật hình sự và tố tụng hình sự (Tiêu đề 18) quy định rằng: “Sẽ là bất hợp pháp nếu bất kỳ người nào đe dọa, dọa nạt, chỉ đạo, hoặc ép buộc, hoặc cố gắng đe dọa, dọa nạt, chỉ đạo, hoặc ép buộc bất kỳ nhân viên nào của Chính phủ Liên bang … tham gia hoặc không tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào, bao gồm, nhưng không giới hạn, bỏ phiếu hoặc từ chối bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào, thực hiện hoặc từ chối đóng góp chính trị, làm việc hoặc từ chối làm việc thay mặt cho bất kỳ ứng cử viên nào. Bất kỳ người nào vi phạm nội dung này sẽ bị phạt theo tiêu đề này hoặc bị phạt tù không quá ba năm, hoặc cả hai”. Federal Election Commission,Tài liệu đã dẫn, tr.126.
[37] Michael Richard Dimino, Tài liệu đã dẫn.
[38] Karen O’Connor, Larry J. Sabato, American Government, Nxb. Pearson Longman, 2006, tr. 525-529. Cũng theo đó, các loại nguồn đóng góp chính trị cho một chiến dịch vận động của ứng cử viên có thể bao gồm: đóng góp cá nhân, đóng góp của các Ủy ban Hành động chính trị (PAC), đóng góp của đảng chính trị, đóng góp của cá nhân ứng cử viên và gia đình họ, quỹ công, các khoản chi độc lập.
[39] Craig R.Smith, Buckley v. Valeo, trong sách Richard A. Parker, “Free Speech on Trial: Communication Perspectives on Landmark Supreme Court Decisions”, Nxb. Đại học Alabama, 2003, tr. 203- 214.
[40] Craig R.Smith, Tài liệu đã dẫn.
[41] Lập luận chống lại hạn chế chi tiêu bầu cử này đã được cũng áp dụng đối với tranh cử ở cấp tiểu bang, theo phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong vụ Nixon kiện Shrink Missouri Government PAC (2000).
[42] Geoffrey R. Stone, Louis M. Seidman, Cass R. Sunstein, Mark V. Tushnet, và Pamela S. Karlan, Constitutional Law, Sixth edition, Nxb. Wolters Kluwer, tr. 1365 -1370.
[43] Geoffrey R. Stone, Tài liệu đã dẫn.
[44] Jame Bopp, Jr, Joseph E. La Rue, và Elizabeth M. Kosel, The Game Changer: Citizens United’s Impact on Campaign Finance Law in General and Corporate Political Speech in Particular, trong Tạp chí “First Amendment Law Review”, Vol. 9, 2011, tr. 316-319.
[45] Jame Bopp, Jr, Joseph E. La Rue, và Elizabeth M. Kosel, Tài liệu đã dẫn, tr. 319. Xem thêm về ảnh hưởng của phán quyết trong vụ này đối với vận động tranh cử tại Hoa Kỳ: Lê Thị Thu (Chủ biên), Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay: Tình hình, nguyên nhân và tác động, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 230-232.
[46] Amy J. Sepinwall, Citizens United and the Ineluctable Question of Corporate Citizenship, trong Tạp chí “Connecticut Law Review”, Volume 44, February 2012, Number 3, tr. 577 – 578.
[47] Như trong vụ Austin kiện Michigan Chamber of Commerce (1990), Tòa án Tối cao ủng hộ Luật Tài chính chiến dịch bầu cử Michigan, cấm các tổ chức dùng tiền ngân sách để chi tiêu độc lập vào việc ủng hộ hoặc phản đối các ứng cử viên, và không vi phạm Tu chính án thứ I và thứ XIV. Tòa án duy trì giới hạn đối với ngôn luận của tổ chức, cho rằng “sự giàu có của các tổ chức có thể tác động không công bằng đến bầu cử”. Tuy nhiên, luật của bang Michigan vẫn cho phép ủng hộ tài chính cho chiến dịch bầu cử từ một quỹ tách riêng.
[48] Xem thêm sự phát triển tư tưởng, quan điểm, lập luận về ngôn luận của các thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ (gồm Oliver W.Holmes, George Sutherland, Hugo L.Black, John Marshall Harlan, William J.Brennan…), trong sách Helen J. Knowles, Steven B. Lichtman (Biên tập), Judging Free Speech: First Amendment Jurisprudence of US Supreme Court Justices, Nxb. Palgrave Macmillan US, 2015.
[49]Nguyễn Trí Tuệ (Chủ biên), Giáo trình Án lệ và thực tiễn xét xử, Nxb. Đại học Quốc gia, 2019, tr. 44.
[50] Nguyễn Hòa Bình, Xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2019, tr. 148. Trong bài giảng của mình về cải cách tư pháp tại lớp bồi dưỡng cho cán bộ quy hoạch, tháng 8/2019, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đề cập đến việc tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm các nước về tổ chức bộ máy, về chính sách hình sự, cơ chế hoạt động tư pháp, các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án. Xem: Nguyễn Hòa Bình, Tài liệu đã dẫn, tr. 148-156.