Cổ nhân giảng: “Tướng do tâm sinh”. Kỳ thực, tướng ở đây không chỉ là “tướng mạo” mà còn là hoàn cảnh xung quanh của một người. Nếu một người mà trong tâm luôn chứa đựng ý nghĩ xấu thì hoàn cảnh xung quanh của người ấy cũng trở nên không tốt, rất nhiều mâu thuẫn sẽ nối gót nhau mà đến. Trái lại, nếu một người mà trong tâm luôn vui vẻ và tràn đầy ý nghĩ tốt đẹp thì hoàn cảnh liền lập tức chuyển biến thành tốt.

tâm tính
(Hình minh họa: Qua gujjurocks.in)

Một người sống khỏe mạnh, hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố bên trong, những yếu tố thuộc về tâm tính. Nếu tâm tính của một người xuất hiện vấn đề thì không chỉ ảnh hưởng đến tâm thái mà còn có thể gây nguy hại đến thân thể của người ấy, khiến cho các loại bệnh tật xuất hiện. Bởi vậy tâm tính tốt đẹp, tâm lý khỏe mạnh là một yếu tố vô cùng quan trọng. Dưới đây là 7 loại tâm ảnh hưởng xấu đến thọ mệnh và hoàn cảnh sống của một người, nhất định cần buông bỏ:

1. Tư tâm quá nặng

Người luôn tính toán chi li, luôn đặt mình làm trung tâm, những điều gì tốt đẹp trên đời thì đều mong muốn có được, nếu không thì oán trời trách người đó là người có tư tâm rất nặng. Người có loại tâm lý này thì sẽ phí sức, hao tổn tinh thần, ăn không ngon ngủ không yên, làm nguy hại đến sự khỏe mạnh cả về tinh thần và thể xác.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp phải không ít người ích kỷ, khi không được như ý thì luôn có tâm oán trách. Họ oán trách cha mẹ không công bằng, oán trách công việc quá nhiều, oán trách bạn bè không hiểu mình, thậm chí trời mưa hay trời nắng cũng oán trách…

Họ không biết được rằng, oán trách là một loại cảm xúc xấu nhất khiến mối quan hệ căng thẳng và mâu thuẫn trở nên kịch liệt hơn. Nó không chỉ khiến cho sức khỏe của chính bản thân người ấy xấu đi mà còn khiến người thân bạn bè dần dần xa lánh họ.

2. Tâm ghen tỵ, tật đố

Cổ ngữ có câu: “Nhân bỉ nhân, khí tử nhân” (so người với người chỉ thấy tức điên người). Người hay ganh tỵ với người khác, thấy người ta có cái gì đẹp, cái gì tốt thì đều ghen tức mà không nghĩ xem người ta làm sao mới có được cái đó, là loại người chỉ biết kết quả mà không biết đến quá trình.

Người ghen tức tật đố ở bất kỳ phương diện nào cũng không muốn người khác hơn mình. Hành vi do loại tâm lý này sinh ra không những làm xung đột đến đồng sự, người thân, bạn bè mà còn khiến chính bản thân mình bị bủa vây bởi lo âu phiền toái, thương tâm tổn sức, nguy hại đến sức khỏe. Người có tính ghen tức tật đố quá nặng thì vẻ mặt cũng luôn không vui tươi, rạng rỡ.

3. Tâm tham lam

tâm tính
(Hình minh họa: Qua read01)

Đối với con người mà nói, đứng trước dục vọng thì đều vô cùng yếu ớt. Rất khó để ngăn cản các chủng hấp dẫn của thế gian đối với một người. Nhưng, nếu như dục vọng về tiền bạc, của cải của con người không có điểm dừng, mãi cứ mở rộng ra thì sẽ khiến người ấy bị mê lạc, đánh mất lương tâm của bản thân.

Người tham lam rất coi trọng của cải và lợi ích, lòng tham lam và ham muốn của họ là vô độ. Loại tâm lý này sẽ khiến họ lao tâm tổn thương nội tạng, bách bệnh cũng theo đó mà đến. Cuộc đời người ấy cũng lại không thoải mái, tự do tự tại.

4. Tâm hẹp hòi

Lòng dạ hẹp hòi, tâm trí nham hiểm, lấy việc gây khó cho người khác làm vui. Tâm lượng của một người lớn hay nhỏ sẽ quyết định người đó sống vui hay buồn. Chỉ một ý niệm của con người có thể khiến cho lòng dạ của họ to lớn như vũ trụ, cũng có thể khiến nó nhỏ như một hạt bụi.

Tâm lượng, lòng dạ càng rộng mở thì phiền não càng nhẹ, tâm lượng càng nhỏ, lòng dạ càng hẹp thì phiền não càng nặng. Người có tâm lượng nhỏ hẹp thông thường sẽ không bao dung được, không yêu thương và cũng không tiếp nhận được khuyết điểm của người khác.

5. Tâm bi thương, u buồn

tích đức
(Hình minh họa: Qua kknews)

Người có tâm lý u buồn thường tối ngày uất ức hậm hực không vui. Họ suy nghĩ nhiều, than vãn cũng nhiều.

Người ta nói, ở nơi thế gian này có 2 nỗi khổ lớn, một là nỗi khổ về được và mất, hai là nỗi khổ về tình. Con người thường cố gắng bằng mọi cách để được sở hữu những thứ mình muốn. Nhưng, suy cho cùng nó lại giống như đang đánh bạc vậy. Khi thắng thì cảm thấy vui vẻ, còn khi thua thì lại cảm thấy buồn khổ.

Trong tình yêu, được thì hạnh phúc, mất thì than trách số phận, oán hận người khác. Loại tâm này không buông bỏ thì bách bệnh sẽ quấn thân.

6. Tâm hoài nghi

Người có tâm lý hoài nghi khi kết thân với bạn bè hay đồng sự thì thường khuyết thiếu sự tin tưởng và tôn trọng. Nhưng tâm lý hoài nghi quá nặng là cách dễ dàng khiến gia đình bất hòa. Nó cũng là nguyên nhân quan trọng khiến các mối quan hệ bị căng thẳng và rạn nứt.

Rất nhiều khi, tâm lý hoài nghi suy cho cùng cũng là xuất phát từ tư tâm, từ lòng dạ hẹp hòi mà ra. Người luôn nghi ngờ thì sẽ không thể sống được vui vẻ và cũng khiến người khác xa lánh dần.

7. Tâm tiếc nuối

Đừng canh cánh trong lòng những chuyện quá khứ không đáng nhớ. Những chuyện quá khứ là những chuyện đã xảy ra, không thể thay đổi được, hãy để nó qua đi, như vậy mới có thể giảm thiểu được rất nhiều sự phiền não, trong lòng mới có thể nhẹ nhàng, thoải mái.

Bởi vậy có thể thấy, đối với bất kỳ ai, tâm tính tốt đẹp hay không, tâm lý khỏe mạnh hay không là vô cùng trọng yếu. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta khó tránh khỏi việc gặp những sự tình không như ý, nếu không có một tâm tính tốt đẹp sẽ rất khó duy trì được sự khỏe mạnh cả về thể xác và tinh thần.

An Hòa (dịch và t/h)