Không phải bất cứ ai biết chữ, học đủ Tư Thư, Ngũ Kinh, “Bách gia chư tử” là được tự do dự thi Hương. Muốn đi thi phải có đủ điều kiện.

I – ÐIỀU KIỆN DỰ THI

1 – Trình độ : Thí sinh phải đỗ Hạch, hoặc đã đỗ Tú-tài trong một khoa thi Hương trước.

2 – Tuổi : Tuổi tác không hạn định. Khoa Mục Chí chép điều lệ thi Hương năm 1678 :”Hoặc có người chưa đến 18 tuổi cũng cho đi thi để mở rộng đường lấy người tài giỏi, nhưng phải khai sổ đệ lên quan huyện, quan châu khảo xét”. Thời Lê, năm 1700 có Nguyễn Ðình Úc 15 tuổi đỗ Thi Hương và khoa Sĩ vọng, thời Nguyễn có Ông Ích Khiêm cũng đỗ Cử nhân năm 15 tuổi, khoa 1847.

Ngược lại, Toàn quyền Pierre Pasquier đã tỏ vẻ ngạc nhiên thấy một ông cụ 76 tuổi còn đi thi và đỗ Tú-tài (1) ! Hơn thế, khoa 1900, trường Nghệ có Ðoàn Tử Quang 82 tuổi đỗ Cử-nhân thứ 29. Thực ra văn bài đáng đỗ Á nguyên (thứ nhì), hiềm vì quên viết “Cộng quyển nội” ở cuối quyển thi, phạm trường quy, lẽ ra bị hỏng tuột, song nhờ Chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh làm sớ tâu xin nên được đỗ áp bét. Khi dự yến đãi tân khoa, Ðoàn Cử-nhân không quên đem phần về cho mẹ, lúc ấy 98 tuổi (2) !

Đồng tiền ngày xưa có lỗ vuông ở giữa để xâu thành từng chuỗi một quan (= 600đồng tiền kẽm,
nặng khoảng 1 kg 500), người ta lấy mo cau bó mỗi bóng chừng 5,7 quan, gánh đi đường cho tiện.


Nén bạc (1884-86)

Cũng vì không hạn tuổi nên có khi cha con, chú cháu cùng thi một khoa là chuyện thường. Trường hợp đặc biệt phải kể hai cha con ông Nguyễn Công Hoàn, Nguyễn Công Lân : con làm Giám khảo trong khi cha còn mang lều chiếu vào trường thi và… bị con đánh hỏng ! (xin xem Phần IV, “Chấm thi”).

Do ảnh hưởng của Pháp, đến khoa cải cách đầu tiên (1909), số tuổi mới bắt đầu bị hạn chế : chỉ những người từ 50 trở xuống mới được thi, trừ những Tôn sinh, Ấm sinh, Học sinh được miễn theo lệ ; đến khoa 1915, chỉ những ai từ 40 trở xuống mới được thi.

3 – Cung khai lý lịch : Lệ Bảo Kết. Năm 1462 định lệ những người đi thi, giấy thông thân, cước sắc (giấy ghi căn cước, chức nghiệp từng người) phải khai rõ xã, huyện, tên tuổi, chuyên trị Kinh nào, cùng là cước sắc ông cha ba đời, không được khai mạo. Xã trưởng phải chứng nhận, làm giấy bảo kết, chịu trách nhiệm về lý lịch, hạnh kiểm người đi thi. Những người bất hiếu, bất nghĩa, điêu toa, loạn luân vv. dù giỏi văn chương cũng không được phép dự thi.

Thời Nguyễn, ngay từ khoa thi Hương đầu năm 1807 đã định lệ :”Trước kỳ thi, lý trưởng sở tại phải ghi tên học trò đi thi vào sổ. Những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa, phạm án cướp hay phản nghịch đều không được đi thi”.

Năm Minh-Mệnh thứ 16, Lê Chân Niên đỗ Tam giáp Tiến-sĩ mới 13 tuổi, danh sách ghi là 19, lý trưởng khai lầm chưa kịp sửa, bị vua đánh hỏng. Dụ rằng :”Khoa mục là bước đầu để tiến thân, lấy thành tín làm gốc. Nếu giấu tuổi, trước là tự dối mình, sau này làm quan trông mong gì giữ được trung chính ? Trẫm không thể lấy đậu. Hãy cho theo đúng tuổi mà cải chính” (3).

4 – Khoa cuối thời nhà Nguyễn, thí sinh phải dán ảnh (3).

– CẤM ÐI THI

Nhiều hạng người bị cấm không được thi, dẫu có đủ trình độ :

1 – Trộm cướp : Những người có cha ông, kể từ ba đời trước, làm nghề ăn trộm, ăn cướp, đều không được phép thi.

2 – Làm phản, làm giặc : Những người làm phản, làm giặc, thì con cháu ba đời sau cũng không được phép đi thi.

Tội nặng nhất phải kể dân hai làng Băng-hà và Ba-điểm, vì là dòng dõi nhà Lý nên hận nhà Trần, làm phản, quân Nguyên mới đến đã đầu hàng, năm 1289 phạt tội cả làng làm “sai sử hoành” (“hoành” là tên gọi người nô lệ), suốt đời không được đi thi, không được làm quan (4).

Năm 1831, tại trường Thừa-thiên, có Lê Ðức Quang và Phạm Huy, cha ông làm quan nhà Nguyễn, khai lầm làm quan với nhà Lê, cùng bị xóa tên trong sổ Cử-nhân.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp khoan dung như năm 1830, Hoàng Bỉnh Dy sung ngạch Cống cử của Bắc thành. Vì là dòng dõi Hoàng Ngũ Phúc -làm quan với họ Trịnh, có tội với nhà Nguyễn- bộ Lễ tâu xin cấm, song Vua dụ không nên quá câu nệ, con cháu thân thuộc (kẻ có tội) không can gì, cho Giám thần xét hạch, nếu trúng cách cũng được học ở Quốc tử giám để sau đi thi (5).

Thời Ðồng-khánh, năm 1887, các Ấm sinh, Giám sinh, Học sinh nào dây dưa theo giặc (Pháp) phải tước tên trong sổ những người được ăn lương, nhưng cho được học tập để đi thi. Năm 1888, người nào nhận hàm nhỏ của địch, đã ra thú, con cháu được đi thi, người nào hàm từ Tham tá trở lên, phải đình thi 2, 3 năm, bắt đầu từ ngày ra thú. Nếu quả hối lỗi, hương lý bảo kết, xét thực sẽ cho thi.

3 – Có Ðại tang : Luật cấm người có đại tang đi thi có lẽ đã có ngay từ khi đặt ra Khoa cử vì có liên quan đến đạo hiếu, đạo trung của Nho giáo, nhưng Khoa Mục Chí mãi đến 1501 mới ghi rõ rằng các Giám sinh, Sinh đồ có tang cha mẹ phải ở nhà không được đi thi, đều phải đến bản phủ điểm mặt, nếu không sẽ bắt tội sung quân. Ði thi hộ người khác sẽ bị tội đồ, suốt đời không được thi hoặc bổ dụng.

Ảnh một Thí sinh 60 tuổi
Trường Hà-nam, khia Nhâm Tý (1912)
Ống quyển là cái ống gỗ có nắp để đựng quyển thi khỏi bị tì ố, các nhà nho
trân trọng đeo ở trước ngực,đó là một vinh dự không khi nào cho người mang hộ.

Mặt quyển thi Hội – Khoa 1913
Bên phải : con dấu Đệ Tam Trường, bên cạnh là 2 dòng Kiền Nhất Hiệu
Dưới : tên những người sao chép và đọc lại quyển thi
Bên trái : con dấu trường thi Nhâm Tý Khoa và Phạm Hữu Văn
Dưới : Thừa-thiên phủ … Niên canh Nhâm Ngọ tam thập nhị tuế
Tằng tổ : Phạm Huệ Tu, Gia-định tỉnh … Hàn Lâm Viện Đãi Thị Học Sĩ
Cố tổ : Phạm Tiên Quang Lộc Thị Lang …
Cố phụ : Phạm Năng Tuần, tòng Bát phẩm chính ngạch …

Năm 1819, trường Gia-định có người giấu tang đi thi đỗ tam trường, việc phát giác, bị tội đồ.

Năm Minh-Mệnh thứ 2, định rõ người có tang cha mẹ hay trọng tang ông bà (“trọng tang” là trường hợp cha mẹ mất sớm, cháu nội phải để đại tang thay cha mẹ) cấm không được đi thi. Bộ Lễ tâu :”Sau nạn dịch lớn, sĩ tử Gia-định nhiều người có đại tang, nếu không cho thi thì số sĩ tử không có mấy”. Vua nói :”Ðổi hiếu làm trung là bản lĩnh lập thân của kẻ sĩ quân tử, nhưng quên tang cha mẹ mà vội tìm hiển vinh thì không phải là hiếu, không hiếu thì thờ vua sao được ? Bọn ấy nên tu thân, sửa đức, đợi khoa sau cũng chẳng muộn” (6).

Mãi đến năm cải cách (1909) những người có đại tang mới được phép đi thi.

4 – Xướng ca vô loài : Thời xưa, người trong xã hội được xếp vào bốn hạng : sĩ, nông, công, thương. Những người theo nghề hát xướng, đàn địch, gọi là “xướng ca vô loài”, không thuộc bốn hạng trên, bị coi là hạng người vô ích trong xã hội nên bản thân và con cháu ba đời đều không được đi thi.

Theo Phan Huy Chú, Quan Chức Chí, thì ngay từ đời nhà Lý, con cháu những người thợ thuyền, con hát và nô tỳ đều không được ghi tên vào danh sách tuyển cử. Theo A. Schreiner thì con cháu những người làm mạt nghệ như thợ nhuộm cũng bị cấm đi thi (7).

Trong Quốc Triều Hình Luật đời Lê, điều số 77, ghi rõ những con hát, phường chèo, hát tuồng cùng con cháu ba đời đều không được đi thi, trái luật sẽ bị xử tội biếm hay tội đồ. Quan Giám Ty biết mà không phát giác, xét nhẹ hơn một bậc.

Truyền thuyết cho rằng Ðào Duy Từ (1572-1634) thi Hội đã đỗ, vì là con người coi đội nữ nhạc trong Ðại nội triều Lê Anh Tông nên khi lý lịch bị phát giác, quan trường đánh hỏng tuột từ đầu. Ðào Duy Từ uất ức mới bỏ vào Nam giúp chúa Nguyễn, trở nên đệ nhất công thần của nhà Nguyễn. Tuy nhiên, Thực Lục chỉ chép : “Năm 1625, mùa đông, Ðào Duy Từ, người xã Hoa-trai (Thanh-hoa) thông kinh sử, rất giỏi thiên văn, thuật số, đến theo (chúa Nguyễn). Năm ấy có khoa thi Hương ở Thanh-hoa, Hiến ty cho Ðào Duy Từ là con phường chèo, tước bỏ tên không cho vào thi. Ðào Duy Từ buồn bực, quyết chí theo, một mình vào Nam”.

Thật ra cũng có những trường hợp ngoại lệ : Phạm Ðình Hổ viết rằng đời Lê Trung Hưng, bà Trương Quốc mẫu, tức Trịnh Thái Phi, và bà Biện Tu Dung, đều là con nhà hát xướng được tuyển vào cung, sau bà Trương Quốc mẫu sinh ra Trịnh Nhân Vương (Trịnh Cương) và bà Biện Trưởng cung sau đắc sủng với Trịnh Nhân Vương thì các họ giáo phường mới được coi ngang hàng với lương gia, được đi thi (7).

Họ Phan Huy có năm người con gái giỏi nghề ca hát, có nhan sắc, được tuyển vào cung chúa Trịnh. Nhờ thế lực năm người này, con cháu mới được đi thi. Người đỗ Tiến-sĩ đầu tiên là Phan Huy Cận (1722-89), cha Phan Huy Ích, ông nội của Phan Huy Chú (8).

5 – Quân nhân : Quân nhân thường bị khinh là võ biền ít học. Ðời Trần rất trọng tinh thần thượng võ, người làng Thiên-thuộc (sau gọi là Tức-mặc, quê hương của các vua Trần) đặc biệt bị cấm không được học văn nghệ cốt để giữ tinh thần thượng võ, treo gương cao cho toàn quốc. Vì vậy, năm 1281, khi Trần Nhân Tông lập trường học ngay ở phủ lỵ phủ Thiên-trường (sau gọi là Xuân-trường, hương Tức-mặc), tức là phủ hạt nhà vua, thế mà dân làng Thiên-thuộc vẫn bị cấm không được phép học văn nghệ sợ khí lực kém đi. Năm 1323, có tên Mộc trong quân Thiên-thuộc ở Hương giang trúng khoa thi Thái học sinh, vua xuống chiếu bắt trở về quân tịch làm quân lại quân Thiên đinh (9). Có lẽ nhờ trọng võ mà nhà Trần mấy lần đại thắng quân Nguyên ?

Thời Hồ Hán Thương, luật năm 1404 định rằng những quân nhân, phường chèo, những người có tội đều không được đi thi.

Lê Quý Ðôn cũng chép rằng lệ cũ trong hàng quân ngũ không được đi thi. Từ năm 1722, gập khoa thi, quân nhân ai có học lực được phép nộp đơn ở quan Chính đường, qua một kỳ sát hạch nếu thông hiểu văn lý thì cho về dự thi Khảo ở huyện mình. Người nào bị đánh hỏng ngay kỳ đầu phải lập tức về Kinh (10).

– Tuy nhiên, từ năm 1462 đã thấy định rằng học trò đi thi không cứ quân dân hay chức dịch đều từ thượng tuần tháng 8 năm nay đến khai tên ở bản đạo đợi thi Hương, đỗ thì đưa danh sách lên viện Lễ nghi, đến trung tuần tháng giêng năm sau thi Hội. Năm 1501 nhắc lại rằng các quân sắc, nhân dân, quả là con nhà lương thiện, có hạnh kiểm, học vấn, viết nổi văn bốn trường, đều cho xã trưởng làm giấy đoan bảo đi thi (11).

Thời Nguyễn, năm 1812 cũng định rằng binh lính tình nguyện đi thi, ở Kinh thì do bộ Binh, ở ngoài thì do quan địa phương sát hạch ; lại dịch tình nguyện đi thi thì do quan sở quản sát hạch. Người nào thông văn lý thì được miễn công vụ ba tháng cho về học thi.

6 – Giáo dân : Giáo dân, bị coi là phản nghịch (theo Pháp chống lại triều đình) nên cũng không được phép đi thi.

Trong Hòa ước 1874 có điều khoản định rõ là kể từ 1875, các giáo dân tình nguyện đi thi, lý trưởng khai nhận đích thực thì cho thi nhưng trên mặt quyển, bên cạnh tên, phải chua rõ là “giáo dân”. Nếu thi đỗ, làm quan thì phải tuân theo những luật lệ của triều đình Huế, phạm tội sẽ chiếu luật xử, không được viện cớ là “giáo dân” nhưng Phó Giám mục Saigon đòi phải bác bỏ điều này (12).

7 – Phụ nữ : Phụ nữ cấm tuyệt không được đi thi. Thời xưa xếp phụ nữ ngang với trẻ con, coi là trí óc non nớt không đủ để bàn đến những chuyện quốc gia đại sự. Nhà Di-luân cùng phòng của Giám sinh đều cấm đàn bà con gái không được qua lại, thậm chí, theo Phạm Ðình Hổ, có người đàn bà đến cửa nhà Giám chỉ xin vào nghe một buổi bình văn mà cũng bị đuổi ra (13) !

Con gái thường được học đến 13, 14 tuổi thì phải chuyển sang học nữ công. Những trường hợp như Hồ Xuân Hương, Ðoàn thị Ðiểm là ngoại lệ. Tuy nhiên, thời nhà Mạc ở Cao-bằng có bà Nguyễn thị Du đã cải nam trang thi đỗ Trạng-nguyên (đỗ đầu thi Ðình) trong khi thầy học của bà chỉ được lấy đỗ thứ hai (14).

II – NỘP QUYỂN & NỘP SỔ

1 – Nộp quyển : Những người hội đủ điều kiện còn phải nộp quyển, tức là một cách ghi tên để đi thi.

Trước kỳ thi độ vài ba tuần, thí sinh nộp ba quyển vở (trù liệu cho ba kỳ thi đầu) cho quan Ðốc học hàng tỉnh. Nếu được vào kỳ Phúc hạch, tức kỳ cuối, lúc ấy sẽ nộp quyển thứ tư.

Mỗi quyển thi dầy từ 10 đến 20 tờ, tùy văn bài dài hay ngắn : thơ phú chỉ cần độ 6 tờ, văn sách, kinh nghĩa cần tới khoảng 15 tờ. Mỗi giang giấy (trang) bề ngang chia làm 6 dòng, chừa một dòng làm gáy. Bề dọc chia làm 5 quãng, ba quãng đầu, giữa và cuối phải dài bằng hai quãng xâu lề. Phải chọn thứ giấy mịn, không nhầu vá, lấy dao sắc dọc đôi, chọn cái dùi thật nhọn mà dùi để đóng quyển (15).

Mặt quyển phải nắn nót khai tên họ, quê quán vv. Thí dụ : Năm 1825 định lệ bắt đầu phải khai tên họ, lý lịch ông cha ba đời, đề rõ gốc tích trên mặt quyển. Từ năm 1834, dưới chỗ khai tên, bên hữu chua quê quán, bên tả chua tuổi và theo học ở đâu, nếu học ở nhà thì chua “nguyên tư thục” (16).

Theo Chu Thiên, dòng đầu trên mặt quyển đề họ tên và quán sở. Họ tên đề chữ thường ở dòng thứ năm giằng thẳng với lề, không được cao quá hay thấp quá, quán sở viết nhỏ hơn, ngay bên dưới tên. Thí dụ :

“Nguyễn Ðức Tâm”. Dưới ba chữ tên, viết hai dòng chữ nhỏ :” Niên canh thập lục tuế. Quán Nam-định tỉnh, Nghĩa-hưng phủ, Ðại-an huyện, Phú-lão tổng, Thịnh-hậu xã. Thụ nghiệp ư Phạm-xá, Ðinh Sửu khoa Tiến-sĩ quan Trần…

Sang dòng bên, liền mép giấy, viết bốn chữ “Cung khai tam đại” to gấp ba chữ tên, dưới viết hai dòng nhỏ : “Tằng tổ, cố Lê Thập Lý hầu Nguyễn Quốc Bảo, một (= đã mất) ; tổ, Tiền bản triều tinh binh đội trưởng Nguyễn Ðức Tích, một (đã mất) ; phụ, bản xã cựu Lý trưởng Nguyễn Ðức Tưởng, tồn (còn sống)” (17).

Lệ năm 1831 định rằng những chỗ ghi tên trường thi, tên thí sinh, không được có vết tích. Quan Trấn (Tổng đốc) và Học quan (Ðốc học) phải xét tường tận họ tên, quê quán, lập bản danh sách các thí sinh rồi cùng ký tên. Quan Trấn duyệt xong, đóng ấn triện. Bản danh sách thì đệ lên bộ Lễ để bộ theo số sĩ tử mà cắt cử khảo quan nhiều hay ít, còn quyển thi thì Học quan làm sổ biên tên học trò và cho đóng hòm chuyển vào trường thi độ một tuần trước để đóng dấu diện lên mặt quyển, dấu giáp phùng ở giữa tờ 1 và tờ 2. Dấu ấy là dấu trường thi, để ở bộ Lễ, tới khoa thi Chủ khảo lĩnh đem đi (18).

2 – Lệ Nộp sổ (Nộp tiền đi thi) : Năm 1678 cho lấy ở học trò mỗi người 1 tiền quý (1 tiền quý ăn 60 đồng, 1 tiền gián ăn 36 đồng) và một bát gạo, nộp tại huyện, châu và Hiệu quan, để nộp lên Phủ doãn và Hai Ty (Thừa, Hiến) cứ mỗi 100 người nộp cho Phủ doãn và Thừa Ty mỗi nha môn 5 tiền quý, nộp Hiến Ty 3 tiền quý, còn lại thì cho các quan lại quân phân với nhau, không được lấy tiền gì ngoài nữa. Phủ doãn và 2 Ty nộp sổ tại Phủ đường thì giao cho tướng thần lại thu lễ nộp sổ để tiến nộp.

Các xứ Thanh, Nghệ, Sơn-nam, Sơn-tây, Kinh-bắc, Hải-dương nộp mỗi xứ 1 quan tiền quý ; Phủ Phụng-thiên, Thái-nguyên, Hưng-hóa, Tuyên-quang, Lạng-sơn, Yên-quảng mỗi xứ nộp 5 tiền quý.

Ðến kỳ nộp sổ, các xã phường trưởng phải làm sổ các viên đi thi, đến hạ tuần tháng 8 thì nộp lên. Các Hiệu quan và huyện, châu làm sổ trình lên, đến trung tuần tháng 9 thì nộp Phủ doãn và 2 Ty. Phủ doãn và 2 Ty làm tờ khải đính theo 2 bản sổ. Hạn nộp cho các xứ Thanh Nghệ : trung tuần tháng 10 ; hạn phủ Phụng-thiên, 4 trấn vv. : hạ tuần tháng 10. Ðến hạn, trong vòng 5 ngày mà xã trưởng vẫn chưa nộp thì các quan Huyện, Châu giục một lần, mỗi xã phải nộp 3 tiền ; đã giục mà còn chậm trễ quá hạn để học trò đầu cáo thì trị tội. Các nha môn cũng phải đúng kỳ hạn, chậm cũng trị tội (19).

Lê Quý Dật Sử cho biết những người đỗ ở huyện nộp 3 quyển, hạng Sảo thông nộp 4 quyển, đều nộp 5 tiền mạch rồi đợi dự thi Hương (20).

– Sĩ số : Số người thi thay đổi tùy trường và tùy thời, từ mấy chục đến 13 000. Thời Lê, năm 1462, tổng số thí sinh của 12 trường lên tới 60 000 người (21).

Thời Nguyễn, trung bình mỗi trường khoảng trên dưới 3000. Khi dục dịch có tin cải cách phải thi chữ quốc ngữ và chữ Pháp thì số sĩ tử muốn thi vớt những khoa thi thuần chữ Hán tăng lên gấp bội :

1876 trường Hà-nội chỉ có 4500 người

1894 trường Nam-định có tới 11 000 người

1900 trường Nam-định có tới 12 998 người

1909 trường Nam-định chỉ còn 3068, sĩ số giảm rất nhiều vì là khoa cải cách, phải thi chữ quốc ngữ, nhiều người không chịu học quốc ngữ, không thi.

4 – Chuẩn bị lên đường : Trước khi lên đường, thí sinh phải chuẩn bị phất lều (thường bằng bốn cọc phủ lá gồi), sắm chõng, mua yên (bàn thấp kê trên giường để ngồi mà viết) vv. đem vào trường thi. Phải dự bị một cái tráp trong đựng thức ăn, giấy, nghiên, bút, mực và không quên dao, kéo, dùi để có đủ dụng cụ đóng quyển mới, phòng trường hợp bị cánh quyển tức là phải hủy bỏ quyển cũ vì lỗi lầm hay tỳ vết. Quyển cũ nộp cho lại phòng còn quyển mới sau khi khai tên họ vv. phải xin lại dấu Giáp phùng ở nhà Thập đạo.

Trường thi ở xa, có khi cách sông phải qua đò, đi lại khó khăn và nguy hiểm. Năm 1900 có chiếc tầu thủy của người Tầu chở sĩ tử đến Nam-định bị đắm, nhiều người chết đuối (22).

Học trò nghèo mà tiền lộ phí, tiền nhà trọ tốn kém nhiều nên ta có câu tả cảnh đi thi là “Nhị niên tử tam ngưu” nghĩa là cứ hai năm thì chết ba con trâu (23). Vì thế năm 1812 học trò Quảng-nam, Quảng-ngãi, Bình-định, Bình-hòa, Phúc-yên được cấp lương đi đường (24) và cũng vì thế nên trước khi lên đường đi thi, họ hàng hay giúp đỡ “tiền đò” để thí sinh chi dụng đi đường và ở nhà trọ trong suốt thời gian thi dài khoảng 5 tuần. Thời xưa dùng tiền kẽm có lỗ vuông ở giữa ; để mang đi đường cho tiện, người ta xâu thành từng chuỗi 1 quan (tức 600 đồng kẽm, nặng khoảng 1 kg 500) rồi bó những chuỗi tiền vào mo cau, mỗi bó chừng 5, 7 quan, thuê người gánh đi.

Người xưa còn dị đoan tin rằng “học tài, thi phận “, dẫu mình học giỏi đến đâu mà phúc đức kém thì thể nào đi thi cũng hỏng, cho nên trước khi khởi hành, các nhà nho thường sửa lễ cúng gia tiên, đình miếu cầu xin quỷ thần phù hộ cho đi thi được may mắn, đỗ đạt.

CHÚ THÍCH

1 – P. Pasquier, L’Annam d’autrefois., tr. 173.

2 – Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, tr. 299-302 – Nguyễn văn Huy, Xưa Nay, số 37, 3/1997 – Ðặng Hữu Thụ, Làng Hành-thiện…, tr. 187.

3 – Minh-Mệnh Chính Yếu IItr. 249 – Chuyện Nghề, tr. 176.

4 – Nguyễn Triệu Luật, Ngược Ðường Trường Thi, tr. 29-31 – SKTT , II, tr. 65, 85.

5 – Thực Lục, X, tr. 142-3.

6 – Thực Lục, V, tr. 226.

7 – A. Schreiner, tr. 83 – Phạm Ðình Hổ, Vũ Trung Tùy Bút, tr. 79-80, 97.

8 – Phan Huy Chú, Hải Trình Chí Lược, tr. 114.

9- Sử Ký Toàn Thư, II, 47, 113 – Vân Hạc, Trung Bắc Chủ Nhật, số 61, 1941.

10 – Lê Quý Ðôn, Kiến Văn Tiểu Lục, tr. 88-9.

11 – Khoa Mục Chí, tr. 10-14 – Hương Khoa Lục, tr. 62.

12 – Thực Lục, XXXIII, tr. 228.

13 – Minh-Mệnh Chính Yếu, I, tr. 26 – Phạm Ðình Hổ, Vũ Trung Tùy Bút, tr. 170.

14 – Nguyễn thị Chân Quỳnh, “Lối Xưa Xe Ngựa…”, tr. 149-70.

15 – Nguyễn Tuân, Vang Bóng Một Thời, tr. 190 – Lều Chõng, tr. 89 – Bút Nghiên, tr. 178.

16 – Thực Lục, IX, tr. 196-8 ; XII, tr. 84-5.

17 – Chu Thiên, Bút Nghiên, tr. 178.

18 – Thực Lục, X, tr. 293-4 – Khoa Mục Chí, tr. 24. Nộp quyển thì đóng dấu Vỹ vào cuối quyển.

19 – Khoa Mục Chí, tr. 23-4.

20 – Lê Quý Dật Sử, 31.

21 – Phạm văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, tr. 412.

22 – Làng Hành-thiện, 240.

23 – Vũ Phương Ðề, Công Dư Tiệp Ký, III, tr. 98.

24 – Thực Lục, III, 354 – IV, 152.