Ðiều kiện được dự thi Ðình là phải đỗ thi Hội, gọi là Trúng-cách hay Hợp-cách. Tuy nhiên, thời nhà Nguyễn, đôi khi vì ít người đỗ Trúng cách quá nên những người không đỗ Trúng-cách nhưng điểm cao cũng được vua gia ân cho dự thi Ðình.
Thời Nguyễn, quyển thi và nghiên bút thường do của công phát cho, mặt quyển cũng cung khai ký lịch như thi Hội nhưng phải thêm thi Hội đỗ thứ mấy.

Ðầu bài thường được phát cho, không phải chép. Viết bằng mực đen, chữ chân phương nhưng cũng có khi cho viết chữ thảo. Làm xong nộp cả bản nháp lẫn đầu bài. Có lính thu đệ lên quan Tuần la để chuyển cho các Di phong, Soạn hiệu rọc phách rồi Ðằng lục (ông Nghè Bút thiếp) sao lại bằng son đỏ. Bản chính cất đi, bản sao giao cho các quan Duyệt quyển chấm.

Các thức ăn, thức uống, được vua ban, Sĩ nhân không cần mang theo song ngồi làm văn phải mặc mũ áo Cử nhân, coi như đã làm quan. Ông Nghè Dương Lâm (em Dương Khuê) kể : ” Cống sĩ thi Ðình chỉ mặc áo thụng, đi hia, không phải mang bút mực, chiếu ngồi. Thức ăn vua ban được phép mang về. Trước khi ăn phải lễ tạ ơn gọi là Bái tứ” (1).

Theo R. de la Susse, thi Ðình từ sáng sớm đến chiều tối, không phải lấy dấu Nhật-trung, đến chiều thu quyển, đóng dấu vào dòng chữ cuối cùng. Di phong, Soạn hiệu cuộn tròn tờ giấy đầu quyển thi, chỗ cung khai lý lịch, tam đại v.v…, niêm phong rồi mới đưa cho các Ðằng lục sao lại. Cơm trưa do vua ban (2). Huỳnh Côn, Phó bảng, cũng nói thì Ðình bắt đầu thi từ 6 giờ sáng đến khoảng 5 giờ rưởi chiều thì xong (3).

Tuy nhiên, những quyển văn khoa 1913 ở Thư viện Hán Nôm Hà-nội cho thấy rõ ràng có cả dấu “Nhật trung” lẫn dấu “Giáp phùng”, trừ phi đấy đúng là quyển “thi Hội”, không phải quyển “thi Ðình”, song quyển “thi Hội” được giữ lại mà quyển “thi Ðình” không giữ là một chuyện rất vô lý.

I – THÍ SINH TRƯỚC THỜI NGUYỀN

Nhà Trần, từ năm 1232 đã bắt đầu chia người đỗ theo giáp đệ định rõ thứ bực cao thấp nhưng phép thi chưa rõ.
1396 Hồ Quý Ly mới có chiếu định : “Năm trước thi Hương, năm sau thi Hội, ai đỗ thi Hội thì nhà vua ra một đề văn sách cho thi để định thứ tự” nhưng sử sách cũng không ghi những chi tiết khác.

II – THÍ SINH THỜI NGUYỀN

1822 Ngay từ khoa này đã ấn định chỉ những người Trúng cách thi Hội mới được dự thi Ðình.
Quyển thi được phát cấp, bằng giấy quan lệnh kẻ đỏ. Mặt quyển khai tên họ, gốc tích, đặc biệt chua rõ thi Hội đỗ Trúng cách số mấy và ngày Ðiện thí. Ðăng Khoa Lục cho biết thêm là quyển thi bằng giấy quan lệnh ấn hồng, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 20 cách (4).

Cống sĩ thi Ðình mang mũ áo, làm bài ở bàn thi tại Tả, Hữu Vu điện Cần-Chính.

Từ 1829 Nội các đằng lục các Chế sách, phát cấp quyển thi và thu lục đầu bài dâng trình.

Thí sinh phải mặc áo Cử nhân ngồi thi

Bắt đầu lấy Phó bảng song Phó bảng không được thi Ðình.

1839 Ðầu bài văn sách không phải chép.

1847 Mưa dầm, vua ngự ra xem thi, đặc ân cho đốt đèn đuốc, ăn cơm tối để tiếp tục làm văn. Có người nửa đêm mới xong, ban cho cái bài “Ra cửa”, mở khóa đưa về.

1852 Vì số người đỗ Trúng cách quá ít nên vua gia ơn cho Phó bảng cũng được dự thi Ðình.

1862 Phó bảng được đặc cách thi Ðình.

1865 Những người Thứ Trúng cách cho được thi Ðình nhưng không được gọi là Phó bảng, đợi thi Ðình xong mới định Chánh bảng, Phó bảng.

1871 Bốn viên Thứ Trúng-cách (Phó bảng) và viên lấy thêm khi Phúc thí (thi Ðình) đều rớt (5).

1877 Thứ Trúng-cách không được thi Ðình nhưng vì số người Trúng-cách ít quá nên lại cho thi.

1879 Từ trước Phó bảng không được thi Ðình, sau vì số Trúng-cách ít nên cho thi. Nay định lại : Phó bảng không được thi.

1880 Người Trúng-cách ít, cho 7 Phó bảng cùng thi.

1884 Phó bảng lại không được thi.

CHÚ THÍCH
1- Dương Thiệu Tống, 195.
2- R. de la Susse, 13.

3- Huỳnh Côn, 50.

4- Ðăng Khoa Lục, 26. Cách là khoảng trắng giữa hai chữ trên và dưới.

5- Ðăng Khoa Lục, 182.