Thi Ðình là thi ở cung điện của vua, khi thi ở sân điện, sân rồng, ở cửa điện, khi ở hai dẫy hành lang (Tả Vu và Hữu Vu) nối vào chính điện, có khi thi ở “trường thi Ðình” (1).
Thời Lê Trung Hưng thi ở cung vua xong, chúa Trịnh lại cho thi ở phủ chúa rồi căn cứ vào bài thi ở phủ chúa mà lấy đỗ cao hay thấp, còn bài thi ở cung vua không đưa vua duyệt.
Cống sĩ, coi như đã làm quan, phải mặc mũ áo Cử nhân, ngồi làm văn. Quyển thi, bằng giấy quan lệnh kẻ đỏ, cùng nghiên bút thường do của công cấp cho, được phép viết chữ thảo, không phải viết chữ chân phương.
* Alexandre de Rhodes, trong Lịch sử Vương quốc Ðàng Ngoài (1651), viết rằng người ta dựng trong cung điện của vua một số phòng hay lều cho các Cống sĩ mỗi người một phòng. Thí sinh không được mang theo gì ngoài giấy, bút, mực. Mỗi người có một lính canh gác, phục dịch.
Thi một ngày, nộp quyển cho Chủ khảo. Viên này đóng ấn và số hiệu riêng vào quyển văn (2).
* J.B. Tavernier, trong “Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tunquin” (1679), kể rằng thi Ðình thời Hậu Lê diễn ra ở khoảng đất trong cung điện bằng đá hoa, có tường vây quanh (…). Người ta dựng 9 cái đài, một cái dành cho vua, 8 cái kia cho khảo quan và sĩ nhân. Ðài xây cao, có bậc thang đi lên, để ai cũng nhìn rõ. Thi trong 8 ngày nhưng vua và các quan chỉ hiện diện có 2 ngày đầu (…). Bảng yết ở cửa cung (3).
* S. Baron, trong A Description of the Kingdom of Tunqueen (1685), tả tương đối chính xác nhưng cũng lẫn lộn thi Hội với thi Ðình. Tranh minh họa của S. Baron cho thấy các sĩ nhân ngồi trong lồng tre phủ vải mà làm văn, có hai ông Tiến sĩ che lọng ngồi canh ở xa xa chứng tỏ S. Baron cũng không hiểu luật lệ thi cử (4).
I – THI ÐÌNH THỜI HẬU LÊ
Khoa Mục Chí chỉ bắt đầu nhắc đến thi Ðình đời Trần từ khoa 1374 “tháng 2 thi Tiến sĩ ở điện đình… Thượng Hoàng Nghệ-Tông ở Thiên-trường, thi Ðình ở đấy”, không có chi tiết.
Chỉ từ thời Hậu Lê, dựa vào văn bia Tiến sĩ và Khoa Mục Chí, chúng ta mới được biết ít nhiều chi tiết, đặc biệt là tên các cung điện dùng để thi Ðình.
1442 thi ở sân rồng điện Hội-anh.
1448 thi ở điện Tập-hiền.
1466 ngày 12 tháng 3, vua tới cửa điện Kính-thiên, ra đề văn sách.
1487 tháng 3 Hội thí, ngày 7 tháng 4, vua thân tới trường, ra văn sách. Xem quyển xong, gọi những Tiến-sĩ hạng ưu vào cửa Nhật-quang (5) cân nhắc, định thứ bậc.
1496 Ngày 19 tháng 3, vua ngự coi thi ở sân Ðan-trì điện Kính-thiên, ra văn sách. Hôm sau dâng quyển ; ngày 22 cho dẫn những người Trúng cách vào sân điện Kim-loan (6), vua xem dung mạo lấy đỗ ; ngày 27 xướng danh ; tháng chạp lập bia.
1514 Tháng 4 Ðình thí ; tháng 5 vào điện Thiên-quang ứng chế, sai làm bài “Thiên-quang điện ký”.
1592 Thi Ðình, Hoàng thượng tới trường ra văn sách.
1623 Tháng tư thi ở điện Kính-thiên, ra văn sách trong sân rồng.
1628, 1631, 1640 Vua ngự tại trường thi Ðình.
1733 Lệ cũ Tiến-sĩ vinh quy rồi đến Kinh, triệu vào thi thơ, luận ở điện Vạn-thọ, hợp cách mới cho văn bằng và thăng cấp, gọi là ứng chế. Ðời Bảo-thái năm Giáp Thìn (1724) bỏ lệ ấy, nay lại thi hành (thơ dùng thể ngũ ngôn bài luật 20 hay 30 vần).
1736 Trịnh Giang nghe nội giám Hoàng Công Phụ, triệu sĩ tử vào thi ở phủ đường.
1756 Trịnh Doanh thi Cống sĩ ở phủ đình.
1779 Quy chế cũ : Chúa đến điện Giảng võ, sau đó vua ngự giá tới, chúa cùng các bề tôi chầu lạy, về sau chúa được miễn lạy. Khoảng 1779, niên hiệu Vĩnh-Hựu (1735-40), Trịnh Sâm mở thịnh khoa. ra lệnh theo chế độ cũ nhưng văn bài thi Ðiện không được đọc tới, không đưa vua (Lê Hiển Tông) duyệt. Hôm sau truyền cho những người hợp cách đến thi ở phủ đường rồi căn cứ vào bài đối sách này mà định cao thấp, chấm xong mới xin vua sắc lệnh cho đỗ, đem bảng vàng (Tiến-sĩ) treo ở cửa nhà Thái học. Thành lệ (7).
* NGHI THỨC THI ÐÌNH THỜI LÊ TRUNG HƯNG (1664)
Sáng sớm hôm ấy, Thượng-thiết-ty (giữ việc bầy nghi vệ) đặt ngai vua ở giữa điện Kính-thiên, đặt hương án và bàn ở trước ngự tọa của chúa ở bên tả ngự tọa của vua. Thừa-dụ-cục đặt bàn ở hai bên tả hữu sân rồng, để quyển thi, bút và nghiên mực ở trên bàn. Các quan Ðề-điệu, Tri-cống-cử, Giám-thí chia nhau đứng ở hai bên các bàn để quyển thi. Nhân viên hai vệ Cẩm-y, Kim-ngô bầy lều thi và quyển thi ở hai bên sân rồng. Một viên Lễ quan (dùng quan Lễ bộ), một viên Tuyên-chế-sách (dùng quan Ðông-các) đứng ở bên tả sân rồng (hướng về bên hữu), một viên Nghi-chế-ty đứng ở bên hữu sân rồng (hướng về bên tả), hai viên Tuần-xước (lâm thời được sai) đứng ở hai bên tả hữu sân rồng (hướng về phía bắc). Quân lính các ty vệ cắm cờ xí theo nghi thức.
Hồi trống nghiêm đầu, các đại thần văn võ tiến vào chầu, ai nấy đều mang phẩm phục đứng sắp hàng ở ngoài cửa Ðoan-môn. Hồi trống nghiêm thứ hai, rước ngự giá vua đến điện Kính-thiên, rước chúa ngự lên điện (hơi về phía đông). Tự-ban (giữ việc bầy ban, xướng lễ khi thiết triều) dẫn các đại thần đầu ban và các quan văn võ vào đứng hầu ở hai bên sân rồng. Hai viên Tự-ban dẫn các sĩ nhân vào đứng ở cuối ban về bên hữu sân rồng (hướng về phía bắc). Vua đội mũ xung thiên (8), mặc áo bào vàng, đai ngọc, lên ngồi ngự tọa. Chúa đội mũ xung thiên, mặc áo bào tía, đai ngọc, lên ngồi ngự tọa. Vút roi (ra hiệu phải yên lặng). Cáp-môn xướng :”Bài ban ! Ban tề ! Cúc cung bái (5 lạy, 3 vái) ! Hưng ! Bình thân !”. Các quan chia ban đứng hầu. Lễ quan vào giữa ngự đạo quỳ xuống. Hai viên Tự-ban dẫn các sĩ nhân vào giữa ngự đạo, đứng sắp hàng hai bên. Xướng :”Quỵ !”. Các sĩ nhân đều quỳ. Lễ quan tâu rằng những sĩ nhân trúng thức kỳ thi Hội này là bao nhiêu người, tên là gì, vâng vào Ðiện thí. Tâu xong lui ra đứng chỗ cũ. Tự-ban xướng :”Khấu đầu (cúi đầu vái) !”. Các quan Ðề-điệu, Tri-cống-cử, Giám-thí đưa quyển thi, bút, nghiên cho sĩ nhân xong, lại lui ra đứng chỗ cũ. Quan Tuyên-chế đến giữa ngự đạo quỳ tâu :”Tấu truyền chế”. Rồi phủ phục, vẫn quỳ. Quan Tư-lễ-giám đem tờ chế sách giao cho quan Tuyên-chế, viên này nhận lấy chế sách rồi đứng dậy, lui ra đứng tựa về phía đông sân rồng. Ðọc xong quan Tuyên-chế lại đem chế sách đến giữa ngự đạo quỳ xuống dâng lại cho quan Tư-lễ-giám nhận lấy, rồi cho quan Tuyên-chế lui ra đứng chỗ cũ. Quan Tuần-xước dẫn các sĩ nhân ra ngồi ở lều thi. Nghi-chế-ty đến giữa ngự đạo quỳ tâu :”Lễ tất”. Lại vút roi. Vua về cung. Chúa về nội phủ. Các đại thần văn võ đều lần lượt lui ra. Ðến buổi chiều bọn quan Ðề-điệu đưa các quyển thi cho quan Ðộc quyển làm việc (9).
II – THI ÐÌNH THỜI NGUYỀN
Thời nhà Nguyễn, thi Ðình thường ở Tả, Hữu Vu, hành lang hai bên điện Cần-chính (nơi họp thường triều), có khi ở điện Khâm-văn là nơi vua học, khi thì ở cung Bảo-định.
Ðến trưa các Cống sĩ không phải xin dấu Nhật-trung (dấu đóng vào quyển thi, chỗ đang viết để chứng tỏ văn bài làm tại nơi thi, không phải mang bài làm sẵn ở ngoài vào).
1822 Khoa đầu của nhà Nguyễn. Cống sĩ làm bài ở bàn thi, ở Tả, Hữu Vu điện Cần-chính.
1847 Vua dụ :”Từ trước đến nay, thi Ðình ở hai dẫy hành lang Ðông, Tây điện Cần-chính. Ðiện đình là nơi ngày thường thính chính, các quan ra vào chầu hầu, dự vệ phụng thừa chiếu sắc, gập ngày thi Ðình không khỏi có trình hạn cấm chỉ. Nay cung mới Bảo-định đã làm xong, hơi được rộng rãi chỉnh đốn, sang năm gập kỳ thi Hội khoa Mậu Thân, chuẩn cho bộ ghi nhớ những tên Trúng cách cho thi ở hai dẫy hành lang Ðông, Tây cung ấy (10).
1856 Vua giao cho bộ Lễ bàn :” Thi Cống sĩ ở điện bắt đầu từ Vũ hậu đời Ðường, buổi đầu nhà Hán có các khoa vua thân ra văn sách, lễ khá long trọng. Phép thi đời sau chuyên lấy đỗ văn chương. Huống chi tên ấy mới đặt ra từ triều đại Tiền Ngụy, cũng nên bỏ sự sai lầm ấy đi. Nay tên Ðiện thí nên đổi gọi là Phúc thí hay Viện thí nhưng thi ở hai viện Tả, Hữu Ðãi Lậu.
Bộ tâu :”Thi văn sách nhà Hán vời vào điện Bạch-hổ, nhà Ðường thi ở điện Lạc-thành, nhà Tống thi ở điện Giảng-võ, nhà Nguyên thi ở sân điện, nhà Minh thi ở sân triều, nhà Thanh thi ở điện Thái-hòa, mỗi đời đều thi ở điện riêng biệt.
Quốc triều ta từ trước thi Hội các Cử-nhân đến điện Cần-chánh lãnh đầu bài rồi đem đến Tả, Hữu Vu theo thứ tự chia ngồi làm văn. Trộm nghĩ điện Cần-chánh là nơi Hoàng thượng ngự chầu nghe việc chính trị, nếu đem các Cử-nhân thi Hội trúng cách ngồi làm văn ở nhà Tả, Hữu Vu trước điện thì ngày hôm ấy các quan viên văn võ đương phiên trực phải tránh đến chầu chực ở nhà Duyệt thí, suốt ngày như thế thì việc hộ vệ chưa được nghiêm túc. Xét các khoa trước, Cử-nhân trúng cách trên dưới 10 người, viện Tả Ðãi Lậu cũng là chỗ rộng rãi, xin lấy làm nơi Phúc thí. Còn tên Ðiện thí xin đổi ra Phúcthí cho hợp với sự thể.
Vua dụ :”Tham tri Phạm Khôi cho rằng Viện Tả Ðãi Lậu bên tả gần chỗ ở của đội Tài thụ, bên hữu giáp đường phố, mặt sau sát gần nhà bếp trại lính của vệ Cẩm-y, Túc-vệ, bốn mặt tường xây thấp e có sự hỗn tạp, chưa đủ nghiêm cẩn. Vậy chuẩn cho lấy hai dẫy hành lang trước điện Khâm-văn trong vườn Cơ-hạ làm chỗ ngồi làm văn. Phái thêm quân vệ kiểm soát, đuổi những biền binh điển hộ ra (11).
* NGHI THỨC THI ÐÌNH THỜI NGUYỀN (1856)
Trước một ngày, bộ Lễ bầy bàn thi, chiếu ngồi ở hai dẫy hành lang bên Tả, Hữu điện Khâm-văn.
Ngày thi, các Giám-thí mặc đại triều, đến sân điện Khâm-văn. Viên Kinh-dẫn dẫn Cống sĩ vào sân điện quỳ ngoảnh mặt hướng Bắc. Những viên Ðằng-tả đem những bản giấy vàng chia cho những người thi tiếp lấy giơ cao lên trán rồi trả lại cho viên Ðằng-tả, lạy 5 lạy rồi đến bàn thi, chiếu tên mình, làm văn (mẫu thức trả lời trong quyển thi đã định rõ).
Các quan Giám-thí và quan dự việc thi đều đến nhà Hữu Vu điện Cần-chánh trực hầu một ngày, sĩ nhân nộp quyển ra hết mới được vào trực. Các viên Tuần-la, Tuần-sát ở lại kiểm soát.
Hết hồi trống sưu không phải đem quyển thi và bản thảo nộp. Quan Tuần-la thu xong mở cửa cho Cống sĩ ra, đem quyển thi dán lại, đánh dấu rồi giao cho viên Thái-giám nộp vào trong Nội. Các quan coi việc thi đợi chỉ, giao quyển thi ra. Quan Giám-thí chuyển cho viên Thu-chưởng trình đưa quyển cho quan Duyệt-quyển điểm duyệt trước, cho phân điểm rồi giao cho các quan Ðộc-quyển hội đồng xét xong phiến tâu, đợi vua định thứ bực (12).
CHÚ THÍCH
1- “Thi Ðình” tức là thi ở cung điện thế mà Lê triều bi ký, I I, 165, lại viết về các khoa 1487, 1592, 1628, 1631, 1740 là “Hoàng thượng ngự tới trường thi Ðình”, phải chăng vì sĩ số thi Ðình thời Lê quá đông (khoa thi Hội năm 1502 có 5000 sĩ nhân, thi Ðình lấy đỗ 61 người), cung điện, sân rồng đều không đủ chỗ nên phải thi ở “trường thi” ? Hay vì tác giả / dịch giả dùng chữ “trường thi” để trỏ nơi thi ? Sử thời Nguyễn không thấy nói tới “trường thi Ðình” có lẽ vì số người thi chỉ trên dưới 10 người nên cung điện không sợ thiếu chỗ ?
2- A. de Rhodes (1593-1660) là giáo sĩ người Pháp, tu Dòng Tên, từng giảng đạo ở cả Ðàng Trong lẫn Ðàng Ngoài, sau khi bị trục xuất khỏi Việt-Nam đã viết Histoire du Royaume de Tunquin (Lịch sử vương quốc Ðàng ngoài, 1651) có nhắc đến chuyện thi cử. Vì đã từng sống nhiều năm ở Việt Nam, lại am hiểu tiếng Việt nên viết tương đối đúng, song thi cử là chỗ canh phòng nghiêm ngặt, không ai được bén mảng tới nên những điều ông chép chỉ là nghe theo lời kể của người khác, vì vậy có những chỗ sai lầm, lẫn lộn thi Hương với thi Hội v.v…
Ðiều đáng chú ý là ông cũng nói là các sĩ nhân thi Ðình ngồi ở “lều” để làm văn bài.
3- Báo Revue Indochinoise , 30 Nov. 1908, có trích đăng “Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tonquin” của Tavernier, viết năm 1679. Tavernier là người đi du lịch nhiều nhưng không sống ở Việt-Nam lâu, không biết tiếng Việt nên khi viết về thi cử có nhiều sai lầm quá rõ như thi Ðình chỉ có một ngày mà Tavernier viết là kéo dài tới 8 ngày. Lại tả các Cống sĩ ngồi thi trên đài cao như các khảo quan v.v… cho nên bị S. Baron chê là viết không chính xác.
4- S. Baron là người lai Hòa lan, sinh trưởng ở “Ca-cho” (Kẻ-chợ, tức Thăng-long) nên am hiểu Ðàng Ngoài hơn cả song tranh minh họa thi Ðình của S. Baron (1685) cho thấy có 2 Tiến sĩ ngồi canh phòng là điều sai lầm lớn vì trước khi sĩ tử làm văn bài các quan văn phải lui ra hết để tránh chuyện tư túi, những người ngồi canh đều kén quan võ, là những người không đủ chữ, không thể “gà” sĩ nhân được (như Tiến sĩ).
Tranh minh họa còn vẽ sĩ nhân ngồi trong lồng tre làm văn. Có lẽ S. Baron ssược nghe mô tả khoa thi năm 1659, chủ khảo ngờ họ Vũ làng Mộ-trạch (Hải-dương) có nhiều nguời làm quan nên vì tư tình cho họ Vũ đỗ nhiều, bèn sai đào hố để Cống sĩ ngồi dưới rồi căng lều phủ lên trên hố, kiểm soát rất ngặt, nhưng thi xong thì làng Mộ-trạch có 4 người đỗ Tiến sĩ thì 3 người ở họ Vũ (Trần Tiến, 55).
5- Cửa Nguyệt-quang, theo văn bia.
6- Kim-quang, theo văn bia.
7- Tục Biên, 448 – Cương Mục, XIX, 66.
8- Mũ xung thiên : mũ phác đầu có hai cánh trỏ lên trời (Quan Chức Chí, 103).
9- Khoa Mục Chí, 33.
10- Thực Lục, XXVI, 295.
11- Thực Lục, XXVI I I, 215-7.
12- Thực Lục, XXVI I I, 232-3 (khoa 1856) – TL XXXIV, 45 (khoa 1875).
THI ÐÌNH I
Trời sáng rõ, viên quan bộ Lễ ở trong đi ra truyền các cống sĩ vào điện. Chiếu theo thứ tự trên bảng thi hội, ai ở số lẻ thì vào cửa tả, ai ở số chẵn thì vào cửa hữu. Vân Hạc ở số một, viên quan bộ Lễ bảo chàng qua cửa tả rồi vào bên trong. Sau khi viên tuần kiểm đã khám qua loa trong mình chàng, một viên quan khác liền đưa chàng vào bên hữu vu. Ở đó đã có yên, chiếu do bộ Lễ đưa đến từ chiều hôm trước và cũng có thẻ đề tên cống sĩ. Vân Hạc được ngồi vào phòng thứ nhất là chỗ có thẻ tên chàng (1).
Bấy giờ quan giám thí đại thần và các quan độc quyển, truyền lô, duyệt quyển, kinh dẫn, di phong, thu trưởng, ấn quyển, điền bảng v.v… đều đã mặc áo đại trào chực sẵn ở đó.
Ở điện Cần-chính cũng đã bầy sẵn hai chiếc hương án thếp vàng, một chiếc trên thềm, một chiếc dưới thềm.
Cống sĩ vào hết, viên thượng bảo liền bưng hòm đựng đầu bài thí sách của nhà vua ra, đặt lên chiếc hương án trên thềm. Quan giám thí, quan đọc quyển và tất cả các quan coi việc đình thí đều phủ phục trước điện, lễ đủ năm lễ. Rồi quan thư tả lĩnh tờ đầu bài chiếu số cống sĩ sao cho mỗi người một bản. Chừng độ giây lát, các bản sao xong, quan thư tả để các bản ấy vào chiếc hương án dưới thềm sau khi đặt bản chính lên chiếc hương án trên thềm.
Quan kinh dẫn liền bảo Vân Hạc và các cống sĩ đều ra quỳ ở trước sân. Rồi quan thư tả lĩnh những tờ sao đầu bài ở chiếc hương án dưới thềm phát cho mỗi người một bản. theo lệnh quan kinh dẫn, Vân Hạc và các cống sĩ đều phải đứng dậy đem bản sao đó để vào yên thi của mình, rồi lại ra sân lễ tạ năm lễ.
Bây giờ đến giờ làm văn, cống sĩ ai về chỗ nấy. Các quan văn võ đều phải ra hết ngoài viện Ðãi lậu. Trong điện, tả vu cũng như hữu vu, mỗi bên có một tên lính đóng cửa đứng canh sân điện có viên tuần la và viên tuần sát đi lại tuần phòng, ở ngoài hai cửa túc môn thì có hai trăm biền binh của quan thị nội thống chế phái đến canh giữ.
Trong các phòng triều hết thẩy im lặng như tờ, người ta có thể nghe rõ tiếng vo ve của từng con muỗi.
Vân Hạc mới giở tập đầu bài đã thấy hoảng hồn. Làm sao mà nó dài thế ? Mười tờ giấy đặc, lỳ lịt những chữ là chữ (2). Coi qua một lượt thì thấy nửa trên hỏi về ý nghĩa các kinh truyện, tử sử của Tầu, nửa dưới hỏi về công việc hiện thời của nước nhà, tất cả đến gần trăm câu hỏi. Chàng liền gấp lại và chỉ để hở mấy dòng ở đầu cho lúc trông đến khỏi nóng ruột.
Viết xong ba chữ “đối thần văn” và mấy câu chúc tụng nhà vua mà người ta gọi là đoạn “tụng thánh” chàng mới nhìn vào dòng chữ để hở ở đầu bài, rồi theo thứ tự từ trên xuống dưới lần lượt giả nhời từng câu hỏi một.
Cũng may, văn sách thi đình chỉ cần ý kiến, không cần văn chương mẹo luật như văn sách thi hương, thi hội, và quyển văn lại được viết thảo không cần phải viết chân phương, cho nên vừa nghĩ vừa viết cũng không lâu lắm. Chừng đến nửa buổi chàng đã trả lời được hai phần ba đầu bài. Thình lình thấy cửa phòng hé mở, rồi một viên quan, chàng không biết là quan gì, chạy vào truyền chàng ra quỳ ở trước sân điện.
Thì ra nhà vua ban nước và bánh cho các cống sĩ điểm tâm. Những món đặc ân hiện đã đặt trên hương án kê ở dưới thềm, sau khi một viên quan khác lĩnh các món đó giao cho các cống sĩ chuyển cho người lính tuần sát đem vào trong phòng, ai nấy đều phải tạ ân năm lễ rồi mới trở vào ăn bánh, uống nước.
Vân Hạc viết lia viết lịa từ bấy giờ cho đến gần trưa, quyển văn đã hết già nửa, cửa phòng lại thấy ngỏ rộng, rồi một người lính tuần kiểm đệ vào một mâm đồ ăn và một phạn cơm. Ðây là cơm trưa của các cống sĩ do dinh Quảng-đức sửa soạn đưa vào ngoài cửa túc môn, rồi lính tuần kiểm mang đến cho các cống sĩ, không phải là đồ vua ban cho nên không phải làm lễ tạ ân. Thì giờ lúc ấy quý hơn vàng ngọc, chàng chỉ để vào nó độ ba, bốn phút gì đó rồi lại cắm cổ mà viết.
Quá trưa một lúc, bài làm đã xong chừng ba phần tư, nhà vua lại ban đồ nước cho một lần nữa. Cũng như lần trước, chàng và các cống sĩ lại phải ra sân quỳ nhận, rồi lại tạ ân năm lễ.
Trời nhá nhem tối, chàng viết vừa xong, các cống sĩ cũng đều xong cả, ai nấy đem quyển ra nộp cho quan tuần la. Bấy giờ biền binh ngoài cửa túc môn lại ngỏ cánh cửa cho các cống sĩ đi ra. Rồi quan giám thí đại thần và tất cả các viên quan khác đều phải trở lại trong điện. Ông thu quyển nhận quyển của ông tuần la giao lại, ông ấn quyển đóng dấu “Luân tài thịnh điển” vào các cuối quyển, ông di phong xếp quyển vào rương và dán niêm phong, rồi giao cho ông thu trưởng canh giữ. Các ông ấy đều phải ngủ ở triều phòng để ngày mai chầu chực nhà vua chấm văn.
Vân Hạc và các cống sĩ ra khỏi cửa điện thì trời tối mịt.
Ngô Tất Tố, Lều Chõng
CHÚ THÍCH
1- Vì Vân Hạc đỗ thủ khoa thi Hội nên thi Ðình được xếp số 1, đi cửa bên tả vào Hữu Vu, ngồi phòng đầu.
2- Ở trên tác giả cho biết sau khi các quan làm lễ trước hương án đựng đề thi của vua ban ra thì “quan thư tả chiếu số cống sĩ sao cho mỗi người một bản. Chừng độ giây lát các bản sao xong…”, đoạn dưới lại cho biết đầu bài gồm “Mười tờ giấy đặc, lỳ lịt những chữ là chữ…”. Sao chép 10 tờ giấy đặc những chữ không thể trong “giây lát” mà xong được vì còn phải đọc lại, đối chiếu xem có chỗ nào sai lầm hay thiếu sót. Ngày thi, thì giờ là vàng ngọc, không thể để các Cống sĩ mất thì giờ ngồi chờ sao đầu đề gồm 10 tờ giấy đặc những chữ.
Ðề mục văn sách có hai loại : loại ngắn gọi là “Văn sách đạo” mỗi đạo hỏi riêng từng việc trong lịch sử, đầu bài có thể có tới 10 hay 12 đạo ; “Văn sách mục” thì đầu đề dài, gồm mấy chục câu hỏi. Có lẽ tác giả xáo trộn đầu đề ngắn chỉ có 10 hay 12 đạo, có thể sao tại chỗ, với đầu đề dài để cho thấy những khó khăn của người đi thi ?
THI ÐÌNH II
Mồng mười tháng tư, ngày Ðình-thí Tâm mặc áo đội mũ, cầm hốt đi hia chỉnh-tề cùng các bạn đợi ở cửa Ngọ-môn. Bấy giờ vào khoảng cuối giờ Dần. Mặt trời đầu mùa hạ đã lên cao, chiếu ánh nắng vàng tươi ấm-áp xuống cả hoàng-thành yên-lặng, bên con sông Hương lững-lờ và trên núi Ngự-bình hiền-hậu. Cái cổng Ngọ-môn đồ-sộ và cao vót tắm trong ánh nắng tưng-bừng càng tăng vẻ thiêng-liêng cao cả. Trên lầu, một hồi trống rồng ung-dung rơi từng tiếng một lan tỏa ra không gian và bay theo giòng nước bạc. Cổng tả và cổng hữu từ từ mở. Các thí-sinh vuốt lại áo, ngắm lại hốt, đứng theo hàng chữ nhất, thứ tự sau viên Tham-tri bộ Lễ tiến vào Nội. Ði theo một con đường thẳng lát đá chạy giữa một bãi cỏ phẳng giồng cây cao rủ bóng, đoàn nho-thần ấy để chân lên một chiếc cầu sơn bắc qua hồ Ngọc-tỉnh. Ở trên cầu xuống, đi ngoặt về bên tả, mọi người rẽ vào rẫy nhà đợi.
Ở đấy đã sẵn bàn ghế và nước chè giải khát. Phía trước nhà đợi là một khoảnh đất chữ nhật chạy dài, lát gạch, có một hàng cây thưa, để dành riêng cho các quan từ tứ phẩm giở xuống. Ngoài khoảnh đất ấy là cái sân lát cẩm-thạch. Trong cùng sân là điện Thái-hòa. Một tòa lâu-đài bề-thế to-tát chạy dài trên hai mươi thước tây. Trong điện cột sà chạm rồng sơn vàng chói lọi, trông lóa cả mắt. Ở giữa có một cái sập long-tọa trên đặt một cỗ ngai vàng lóng-lánh. Trên mái, chỗ ngự tọa ấy, căng một bức phương-du đỏ thêu rồng vàng, vây lấy bốn chữ :”Thánh cung vạn tuế “. Ngoài ra không còn một thứ đồ đạc nào. Trong cùng điện, đục qua bức tường chắn ngang, có hai cửa thông sang điện Cần-chánh.
(…) Vị quan dẫn đạo truyền mọi người bước lên sân cẩm-thạch. Mấy vị quan cao cũng lục-tục đứng lên hàng trên. Trong điện, một toán quân ngự vệ mặc áo vàng, đi ủng đen, vác gươm dáo sáng quắc. Ra đến giữa điện, bọn lính chia tách ra làm đôi, túc trực hai bên ngự tọa. Một viên nội giám cũng đội mũ đi hia, cầm lệnh ra đứng giữa điện, đánh ba tiếng và hô :
“Thiên tử lâm triều !”
Tất cả mọi người đều phủ-phục nằm xuống sân. Khi ngẩng lên quỳ để tung-hô :”Vạn thọ vô cương !” Tâm trông thấy ngồi trên ngai một người ngăm đen, nghiêm nghị dưới cái mũ long-miện, trong cái áo long-cổn bằng dạ đen thêu vàng. Dứt lời tung-hô, một vị đại thần xuất ban phủ-phục tâu :
“Thần đẳng xin dẫn mười bẩy người dự trúng-cách vào Ðình-đối”.
Một viên nội giám được lệnh truyền, lại gần vị Lễ bộ thượng-thư hô lớn :
“Thánh-thượng cho quan Lễ bộ bình thân dẫn tiến”.
Vị đại thần bình thân đi sang bên hữu, nhường chỗ cho vị quan dẫn đạo và mười bẩy nho-sinh phủ-phục đồng thanh tâu :
“Thần đẳng khể thủ bái chúc Thánh-thọ vô cương ! (1)
Lại một viên nội-giám cầm bài ra hô :
“Thánh-thượng truyền các nho-sinh đăng điện đối sách ! (2)
Cả bọn bình thân, nhẹ nhàng bước ba bậc lên điện do mấy vị đại thần dẫn tiến. Trên điện, người ta đã đặt đủ mười bẩy cái yên với mười bẩy cái tráp trên mười bẩy cái chiếu rải rác khắp điện. Viên nội-giám lại hô :
“Thánh thượng tứ tọa !” (3)
Ai nấy đều quay đầu phủ-phục về phía vua rồi ngồi xuống. Lúc ấy viên nội-giám lại hô :
“Thánh-thượng truyền khai độc chế-sách !”
Ở mỗi yên đã có một cuộn giấy tròn, ai nấy đều cầm lên mở ra xem. Khi ấy một hồi lệnh đánh mau, hai đoàn quân ngự-vệ hợp làm một, hộ giá Hoàng-thượng đi sang lối điện Cần-chính hồi cung, sau khi viên nội-giám hô lần cuối cùng :
“Thiên tử bãi triều !”
Các quan cũng ra về cả, chỉ còn hai vị võ quan Hậu-quân Ðô-thống vận triều phục ngồi ở hai đầu điện để giám cuộc.
(…) Tâm đương nháp thì lính thị-vệ đã bưng trà ra cho chàng giải khát. Một cái ấm Thế-đức mầu gan gà, một cái chén bạc trạm rồng quấn chung quanh, đặt lên một chiếc đĩa cũng bằng bạc, vừa để xuống với tiếng mời của lính thị-vệ :
“Thánh-thượng ban trà cho quý sĩ”.
Chàng đứng lên hướng về nội điện khấu đầu năm lượt, mồm đọc :
“Mông ân Bệ-hạ tứ trà thần phụng ẩm”.
Ðoạn chàng ngồi xuống uống nước.
(…) Chàng đang mải nắn nót thì một tên thị-vệ đã bưng trầu đứng cạnh và nói :
“Thánh-thượng ban trầu”.
Chàng khó chịu lắm nhưng không dám lộ vẻ bực mình. Nhanh nhẹn, chàng thắp bút lại, nhìn đến đĩa trầu trên cái đĩa sứ Nhật-bản, lỏng-chỏng một miếng cau tươi và một miếng trầu quế têm cánh phượng, chàng nghĩ bụng :
“Có thế này mà cũng làm rầy-rà ! Lễ năm lễ lấy cái đĩa Nhật kia đắt quá !”
Chàng buộc giải mũ, thắt giải áo tử-tế rồi đứng ngay-ngắn, sụp lạy năm lạy miệng đọc :
“Mông ân Hoàng-đế Bệ-hạ phù-lưu, thần bái lĩnh”.
Lễ xong, chàng để đĩa trầu vào ngăn yên không ăn, chỉ mải nghĩ đến bài. Chàng cặm-cụi viết được nửa quyển, thắp bút ngồi lên mài mực, đã thấy một tên lính thị-vệ bưng khay quả lại gần :
“Thánh-thượng ban quả.”
Chàng lại lạy như trước. Làm xong cái việc lễ nghi chàng mới kịp nhìn đến khay quả, một cái khay nhỏ bằng gỗ trắc khảm xà-cừ đựng ba thứ quả với một con dao chuôi bạc ; một quả chuối ngự, một quả vải tầu và một quả phi-đào. Chàng bóc quả chuối ngự và quả vải. Còn quả phi-đào chàng bỏ vào ngăn yên để định mang về cho ông bà Lý. Chàng nghĩ bụng :
“Quả đào đỏ ối này đem về cho thầy mẹ gọi là một ít dư huệ của Hoàng-thượng. Còn con dao chuôi bạc quý-giá này ta đem về lập bàn thờ chấn-trạch, trị hết tà ma quấy-nhiễu để bảo-hộ bình-an.”
(…) Mặt trời chừng đã lên gần đến đỉnh đầu. Ánh nắng vàng tươi đã trở nên gay-gắt dội thẳng xuống sân rồng phản chiếu rầng-rậc vào cả điện. Tâm viết xong một đoạn nữa vào quyển, thắp bút lại ngồi lên vươn vai, ngáp đói. Ngay lúc ấy, những lính ngự-thiện đã lố-nhố bưng cơm lên, đặt ở mỗi chiếu một mâm cơm với một câu mời chiếu lệ :
“Rước ngài nghỉ tay dùng cơm đã”.
Sau khi đã giữ đủ lễ-nghi, Tâm ngồi vào ăn. Bữa cơm thường của nhà vua thết các thí-sinh cũng đủ những món ăn ngon lạ mà dân-gian không bao giờ có, đều bầy trong đĩa sứ Giang-tây. Này món yến-sào đựng trong cái chóe đậy kín, này món tái dê bầy trên chiếc đĩa “Thái công điếu vị”, và mấy món rau, thịt trên những đĩa quý-giá. Một liễn cơm trắng muốt để liền với cái bát kiểu “ngoạn-ngọc ” và đôi đũa ngà bịt bạc. Tâm giở cơm ra ăn xong, đem rửa cả bát đũa vào chậu nước họ vừa bưng lên cho, để vào gầm yên đợi tí nữa mang về. Chỉ để lại cái mâm, cái liễn và mấy cái đĩa thường mà chàng cho là kềnh-càng quá không mang xuể ! Giá dư sức đem được cả chàng cũng không tha. Vì theo lệ, ngày thi là ngày vua thù-tiếp các thí-sĩ, cái gì vua ban ra là thuộc quyền sở-hữu của học trò cả.
(…) Một hồi lệnh ngân-nga điểm. Lúc ấy vào độ giờ Mùi. Trước mỗi yên đã có một người lính kính-cẩn thu lấy quyển đệ lên quan Hậu-quân Ðô-thống để chuyển đệ sang cho các quan “Nghè bút thiếp” chép lại. Các thí-sĩ sửa-soạn ra về. Tâm lễ tạ năm lễ, xếp gọn ấm chén, bát đĩa, mọi thứ lấy được bỏ vào tráp cắp lên (4). Chàng chào viên quan võ ở đầu điện rồi bước xuống sân đi ra.
Chu Thiên, Bút Nghiên
CHÚ THÍCH (của Chu Thiên):
1 – “Lũ thần rập đầu bái chúc Thánh-thượng sống lâu không bờ bến”.
2 – “Thánh-thuợng truyền cho các nho-sinh lên điện đối-sách”.
3 – “Thánh-thượng cho ngồi”.
4 – Từ đời vua Tự-Ðức trở về trước, trong ngày đình thí, mọi vật ban ra đều là những thứ quý-giá của nhà vua cho hẳn học trò, ai muốn lấy thứ gì, hay lấy tất cả cũng được. Về sau, vì tiết-kiệm, dùng những vật thường nên cái lệ lấy đồ vật mang ra không còn nữa.