Ngày 15 tháng Giêng năm 2018, đài RFI (Radio France International) của Pháp trong phần tạp chí có nói một đề tài đặc biệt về Kho Báu Triều Nguyễn. Tin cho biết bắt đầu từ tháng 9 năm 2017, bảo tàng Monnaie de Paris đã cho trưng bày kho báu duy nhất còn lại của các vua triều Nguyễn. Bản tin kể lại rất sơ sài nên nhân dịp này người viết xin thêm một vài chi tiết đau lòng của người Việt chúng ta mà các chuyên gia của bảo tàng Pháp không muốn tiết lộ.
Thời vua Minh Mạng, vị vua thứ hai của triều Nguyễn, nước Đại Nam ta rất hùng mạnh và tương đối giàu có ở Đông Nam Á. Vua quan nước ta đã hầu như kiểm soát và thao túng cả hai nước láng giềng Ai Lao và Cam Bốt. Thủ Đô Pnom-Pênh còn được gọi là Trấn Tây thành.
Vua Minh Mạng bèn thành lập bốn nhà kho, bí mật chôn cất trong nội cung số vàng bạc, với lời dặn “để dùng khi quốc biến”.
Bắt đầu từ 1875, người Pháp dần dần thôn tính nước ta. Cho đến tháng 6 năm 1884, ta phải ký hoà ước với Pháp, công nhận họ làm chủ cả bán đảo Đông Dương gồm ba nước Việt Miên Lào.
Khi đã là chủ nhân của xứ thuộc địa lạc hậu, họ bắt đầu khai thác và nghĩ ngay đến kho tàng nhà Nguyễn. Tướng De Courcy lúc đó làm Tư Lệnh quân đội viễn chinh, giao việc này cho Jules Sylvestre nghiên cứu. Ông từng làm Chánh Sở Đoan (quan thuế), là một người nghiên cứu sâu xa về tiền cổ Việt Nam. Ông thông Hán học và Việt ngữ năm 1983 đã cho xuất bản sách “Les Monnais et Médailles de L’Annam.”
Ngày 8 tháng 7 năm 1885 lấy cớ triều đình Việt Nam có ý tạo phản, De Courcy dẫn binh lính vào cướp kho tàng nhà Nguyễn trước những cặp mắt bi thương và ngỡ ngàng của nhân viên nội phủ. Ngày đầu họ chỉ lấy được 5 triệu lạng bạc.
Với thời gian và kiên nhẫn, thêm được một nhân viên nội phủ phản trắc, người Pháp đã tìm thấy nơi chứa cả tiền vàng ở bốn nơi khác nhau, gồm 6.000 nén vàng và 2.000 đồng tiền vàng đủ loại. Ngoài tiền tròn, các nén vàng được đúc dưới dạng thỏi từ một lạng, đến 100 lạng, rất đẹp với trang trí hoa và rồng với tên các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
De Courcy rất khôn ngoan, khi đánh cắp kho tàng ông ta đã đem theo Jules Sylvestre. Không một đồng tiền quý nào có thể lọt qua mắt ông Tây thực dân này. Tổng cộng quý kim bị đánh cắp gồm có 1.900 kilo vàng và 60 tấn bạc. (Người ta hứa sẽ trả lại cho vua Đồng Khánh một nửa).
Nội trong tháng 7, kho tàng nhà Nguyễn đã được chuyển vào Sài Gòn để lên tàu sang Pháp. Đến năm sau (1886) tàu đến cảng Marseilles và ngày Mùng 9 tháng 10 đã đến Paris bằng xe lửa ở ga Lyon. Người ta chỉ giữ lại mỗi loại tiền một phiên bản ở Maison de Monnaie de Paris, còn lại đem nấu chảy xung vào công quỹ Pháp. (Les Monnaie D’extrême Orient, Francois Thierry 1985). Điều này làm cho tiền vàng tiền bạc của Việt Nam trở nên rất hiếm cho giới sưu tầm.
Tôi sang Pháp nhiều lần, đã tới thăm bảo tàng Maison de Monnaie nói trên nhưng chưa được gặp các đồng tiền của kho tàng Huế. Mãi cho đến tháng Chín năm 2017, lần đầu tiên bảo tàng mới trưng bày một vài đồng tiền vàng và một vài thỏi vàng cho công chúng xem.
Được biết cháu nội Jules Sylvestre tuy lớn tuổi cũng là một người sưu tầm tích cực tiền cổ Đông Dương. Hy vọng ông còn giữ vài đồng do ông nội để lại, tôi có hỏi thăm ông về kho tàng do ông nội ông góp sức với tướng De Courcy. Ông cho biết chỉ sưu tập tiền Đông Dương thuộc Pháp thôi, trong khi đó De Courcy đem về bốn nén bạc mười lạng, hai của Tự Đức và hai của Minh Mạng.
Được hỏi tại sao giờ này mới giới thiệu với công chúng? Người phụ trách nêu lý do cơ sở hẹp hòi và sợ bị chất vấn. Ông trả lời không sai nhưng không dám nói thẳng: vì họ nghĩ chả hãnh diện gì khi công khai trưng bày hiện vật đánh cướp của dân tộc Việt Nam.
Khi hỏi về giá trị của 150 thỏi vàng và tiền vàng bảo tàng đang cất giữ, ông không dám phát biểu vì lý do an ninh nhưng tôi có thể tiết lộ với độc giả như sau:
- Thoi vàng một lạng 37gr5 tức 1.2 ounce giá thị trường là 10.000 USD. Thoi 100 lạng tức 120 ounces, vàng không thôi cũng trị giá 150.000 USD và theo giá trị sưu tầm vào khoảng vài triệu USD.
- Tiền vàng tròn có lỗ vuông hay không cũng vậy đồng “thất tiền nhị phân” nặng 27,5gr có tên vua giá 10.000 USD.
Nói tóm lại số tiền người Pháp lấy của ta vào năm 1885 khoảng trăm triệu USD theo giá vàng hiện nay. Theo giá trị sưu tầm ta có thể nhân lên thêm thành vài tỷ USD.
Người sưu tầm tiền cổ nổi tiếng nhất thế giới là Vua Farook của Ai Cập. Cũng như Vua Bảo Đại của nước ta trong thời Pháp thuộc, không còn quyền hành bao nhiêu nhưng cũng có tiền để sưu tập. Sau khi Vua Farook bị Đại Tá Nasser lật đổ, năm 1954 bộ sưu tập được đem ta đấu giá. Tính theo tiền thời này trị giá cũng phải đến vài tỷ usd. Bộ sưu tập của ông có 80 đồng tiền vàng 56 đồng tiền bạc của các Vua triều Nguyễn.
Một tay buôn tiền cổ người Mỹ gốc Do Thái tên Albert Kosoft sang Cairo đấu được phần lớn các tiền “Annam” này, trong đó có nhiều đồng ông nói thất thoát từ kho báu trong khi chuyển về Paris, Vua Farook mua được. Cuối cùng một số cũng lọt vào tay vài người Việt Nam.
Cách đây hơn 20 năm trong tạp chí Đất Nước Tôi số tháng 4-1987, viết về kho báu này, người viết đã tâm sự: “Nằm mơ thấy người mình sang Paris tổ chức đánh cắp lại kho báu này, nhớ đem tôi theo nhá.”
Kiều Quang Chẩn
Hội Viên Khảo Cổ Học Hoa Kỳ