Cách đây chừng ba năm, tôi có mạo muội đề nghị với Tạp chí “Thế Kỷ 21” là nên viết tên tờ báo đứng đắn đó là Thếkỉ 21. Tiếp đó, một độc giả của tờ tạp chí ấy có chỉ ra là trong cuốn từ điển Việt-Anh của chính tôi, nhan đề là Vietnamese-English Dictionary (Saigon: Bình Minh, 1959; Tokyo: Charles E. Tuttle, 1966), từ “thế kỷ” [nghĩa là “century”] vẫn dùng con chữ “y dài” [thường được gọi là i-cờ-rét, “chữ Hi-Lạp”.]
Là người đã từng phụ trách giảng khoa về Kế hoạch hoá Ngôn ngữ (Language Planning) trong mấy chục năm, tôi thừa hiểu rằng: tại bất cứ một nước nào, việc thi hành kế hoạch về lĩnh vực lời ăn tiếng nói cũng cần phải lưu tâm đến tình cảm ngôn ngữ của người dân nói tiếng bản ngữ. Mấy cuộc hội nghị đã được triệu tập tại cả miền Bắc lẫn miền Nam Việt Nam trước 1975 về vấn đề thống nhất ngôn ngữ, về nhu cầu cải tiến chữ quốc ngữ, cũng như về việc cần tiêu chuẩn hoá chính tả và thống nhất danh từ khoa học kĩ thuật. Rồi sau 1975, các nhà chuyên môn vẫn tiếp tục thảo luận về những đề tài như: dùng con chữ nào cho âm vị nào, con chữ nào viết hoa, khi nào dùng gạch nối, khi nào viết liền các âm tiết (cũng là từ tố) bên trong một từ, phiên âm những thuật ngữ khoa học quốc tế cách nào? v.v… Những nhà ngữ học đó đều phải kết luận rằng có những đề nghị cải cách rất có tính khoa học, cốt làm cho chữ quốc ngữ nhất quán hơn, và có một số chuẩn mực phải theo một cách “trước sau như một”, song có điều chưa thi hành ngay được, vì thiên hạ quen cùng cách này, cách kia rồi.
Chẳng hạn, thiên hạ quen viết lý trưởng, lý tưởng, lý trí, kỳ dị, nước Mỹ, Mỹ quốc, (cao lương) mỹ vị, mỹ thuật, v.v… mất rồi. Thậm chí, có nhà văn còn dùng lối viết quá táo bạo: thi sỹ, hoạ sỹ, v.v… Lí do là người ta đã lẫn lộn con chữ i dùng để ghi nguyên âm (còn gọi là “mẫu âm”) /i/ — là âm hạt nhân hay âm chính của một âm tiết trong tiếng Việt — với con chữ y, dùng để ghi bán nguyên âm (còn gọi là “bán mẫu âm”) /y/ — là âm lướt xuất hiện ở đầu hoặc cuối một âm tiết và được ngành ngữ âm học ghi bằng kí hiệu [i:]. Có điều lạ là không ai viết kỳ dỵ, lý trý cả! Thực tế, nay chúng ta bảo nhau theo cách phân biệt nói trên mà viết cho đúng: ông lí trưởng, lí tưởng, lí trí, kì dị, nước Mĩ, Mĩ quốc, (cao lương) mĩ vị, mĩ thuật, v.v… thì có người sẽ thấy lạ hoắc, không quen, nên không chấp nhận.
Vậy thì trong khi chờ đợi chuẩn bị cho những lớp học sinh tiểu học, rồi trung học, được chỉ dạy những điểm sơ đẳng đó về tương quan giữa ngữ âm và chính tả, thì biện pháp tốt hơn hết ta có thể áp dụng ở giai đoạn đầu — tức ngay bây giờ — là:
(a) Khi một âm tiết có nguyên âm /i/ đứng ở cuối, thì ta dần dần cố nhớ ghi nhất loạt bằng con chữ i: ăn mì Hải kí gần hơn Tùng kí, ông lí trưởng, Mĩ cảnh, tiếng nói Hoa Kì, thế kỉ (thứ 21), v.v…
(b) Một biệt lệ là vần –uy /-wi/ [ui] như trong duy, huy, khuy, nguy, quy, tuy, thuý, v.v… thì vẫn viết như cũ, NHƯNG phải đánh dấu thanh điệu (hoặc thanh) vào nguyên âm chính: huý, luỹ, quý, tuý, tuỳ, tuỷ, thuý, thuỷ, nhuỵ, nguỵ, v.v… để phân biệt với húi, lủi, cúi, túi, đùi, tủi, thúi, khui, v.v…
Ta cần chấp nhận biệt lệ này vì còn có những vần phức tạp hơn như –uyên, -uyêt trong duyên, chuyển, huyên (náo), khuyên, luyến, quyên, tuyên truyền, thuyền, nhuyễn, nguyên, Nguyễn, xuyễn, duyệt, tuyết, khuyết, nguyệt, quyết, v.v…
(c) Nếu âm chính là nguyên âm /i/ đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết, thì vẫn viết theo thói quen như cũ: […] y học, y khoa, ý kiến, ý nghĩa, Nguyễn Ngu Ý, v.v…
Trong ba cuốn từ điển song ngữ Việt-Anh hay Anh-Việt của tôi (xuất bản vào những thập niên 1950 và 1960 đó), tôi vẫn theo thói quen của các nhà văn, nhà báo và nhà giáo mà ghi thế kỷ, kỷ niệm, kỷ nguyên, v.v… Nhưng ở thời điểm này (ba mươi năm sau!), tôi áp dụng chút sở học để cầu tiến và nắm tay các bạn già trẻ cùng tiến bộ, thiết tưởng bạn đọc và bạn học không nên lấy làm lạ, mặc dầu những điều tôi nêu lên (không phải là ý kiến riêng của tôi) có thể chưa đủ sức thuyết phục.
Ngoài ra, nói riêng một tạp chí đã có lời phi lộ là đem độc giả bước vào thế kỉ sau, thì quí vị phụ trách tờ báo có giá trị đó, theo thiển ý, chẳng nên ngần ngại gì mà không bắt đầu viết cho đúng: Thế-kỉ 21. Tôi còn xin phép đề nghị là tốt hơn nữa, quí vị trong ban biên tập, cho đến nay vẫn bỏ cái gạch nối — là cái dấu cần thiết cho người học nói, học đọc tiếng Việt, dù là người Việt hay người ngoài — xin đi xa hơn nữa mà triệt để viết liền hai âm tiết lại với nhau như thế này: Thếkỉ 21, thì thật là đúng với cái thiên chức quí vị đã đề ra cho tạp chí kia.
Ngày xưa, các cụ nhà ta dùng thẳng chữ Nho của người Hán, rồi lại mượn thứ chữ khối vuông đó của người phương Bắc để đặt ra chữ Nôm, rồi lại được người phương Tây mách cho cách dùng chữ cái của La tinh để ghi âm Việt. Cả ba thứ văn tự ấy đều là mượn của người ngoài, chẳng khác gì chiếc khăn đội đầu, về sau được thay thế bằng các kiểu nón mũ giúp ta tránh mưa che nắng mà thôi. Điểm then chốt là: hệ thống văn tự mà ta mượn của họ có nhiều điểm bất nhất và bất tiện, ta có cần mượn luôn cả những cái bất nhất đó vào văn tự của ta hay không?
Ghi chú: Người đánh máy thêm vào một số kí hiệu ngữ âm quốc tế:
- Chữ trong ngoặc vuông là cách phát âm, thí dụ: [i]
- Chữ trong hai gạch nghiêng và in ngả (italic) là chữ viết, thí dụ: /i/