Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, những dấu ấn kinh hoàng của sự kiện đó vẫn hằn sâu trong tâm trí của người dân New York, người dân Mỹ, cũng như người dân trên khắp thế giới.
Nhắc đến sự kiện 11/9 người ta thường nghĩ tới sự sụp đổ của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), những tên không tặc có liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, trùm khủng bố Osama bin Laden, những nguyên nhân dẫn tới vụ tấn công hay phản ứng của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, câu chuyện dưới đây không đề cập đến những khía cạnh đó, mà thay vào đó nó khắc họa lòng quả cảm và sự cống hiến của những nhân viên cảnh sát, nhân viên cứu hộ và lính cứu hỏa – những người trong thời khắc khó khăn và đau thương nhất của nước Mỹ đã quên mạng sống của mình, lao vào đống đổ nát khổng lồ để tìm kiếm và cứu giúp các nạn nhân.
Năm 1921, Sở cảnh sát cảng biển (Port Authority Police Department – PAPD) được thành lập để “tăng cường và bảo vệ cho các hoạt động thương mại ở hai bang New York và New Jersey” trong vòng bán kính 40 km tính từ tượng Nữ thần Tự do. Một trong những tài sản lớn nhất mà PAPD quản lý là WTC, được xây dựng vào đầu những năm 1970. Nhân viên PAPD thường tự hào chỉ vào tòa tháp WTC và nói rằng “Đây là ngôi nhà của chúng tôi”.
Nhiệm vụ của PAPD là kiểm soát nhiều mục tiêu quan trọng ở khu vực trung tâm New York. PAPD tuần tra tất cả các sân bay, trong đó có sân bay JFK và La Guardia ở thành phố New York, Newark Liberty International ở New Jersey; bến xe buýt thành phố ở Manhattan; Port Newark; tất cả những cây cầu và đường hầm nối New Jersey và New York, trong đó có cầu George Washington, đường hầm Lincoln và đường hầm Holland. Tất cả những cơ sở này đều có khả năng trở thành mục tiêu khủng bố hàng đầu.
Sáng 11/9/2001, khi tòa tháp phía bắc của WTC cháy lớn, một chiếc xe buýt nhanh chóng lao tới hiện trường từ trạm xe buýt thành phố cảng, gần Quảng trường Thời đại ở trung tâm Manhattan. Đây là chiếc xe được sở cảnh sát thành phố trưng dụng để đưa nhân viên tới hỗ trợ các lực lượng cứu hộ. Trong số đó có Christopher Amoroso, Antonio Rodrigues, Dominick Pezzulo, Will Jimeno và trung úy John McLoughlin.
Nhận định cú đâm của chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines lúc 8 giờ 46 sẽ gây ra một tai nạn thảm khốc, Trung úy McLoughlin vội chạy băng qua trạm xe buýt, hô hào mọi người đến trợ giúp cho nơi xảy ra tai nạn. Jimeno và Pezzulo ngay lập tức xung phong lên đường. Nhiều nhân viên PAPD đang làm việc tại các khu vực khác cũng vội vàng chạy tới hiện trường. Với 10 năm kinh nghiệm xử lý các tình huống khẩn cấp, Trung úy McLoughlin nhanh chóng tổ chức đội ngũ và dẫn mọi người tới phòng chứa trang thiết bị cứu hộ. Họ chất đầy mũ bảo hộ, rìu và những chiếc máy thở nhãn hiệu Scott lên một chiếc xe dùng để chở quần áo giặt, vội vã hướng tới tòa tháp phía bắc.
Trong khi đội của McLoughlin vội vã hướng tới thang máy của tòa tháp phía bắc thì trên bầu trời xuất hiện một âm thanh rền rĩ. Jimeno hỏi McLoughlin liệu đó có phải là tiếng động từ một chiếc máy bay khác hay không, nhưng McLoughlin chưa kịp trả lời thì nền nhà bị rung lên bởi cú đâm của chiếc máy bay mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines vào tòa tháp phía Nam. Vụ va chạm đã làm rung chuyển mọi thứ, sàn nhà bị biến dạng, các bức tường bắt đầu nứt gãy. Năm nhân viên PAPD vội vàng bỏ chạy nhưng cả khối bêtông phía trên đã đổ ập xuống đầu họ.
Lực lượng cứu hộ hiểu rằng cứu hộ trong khi tòa tháp đang bốc cháy là một “tình thế khó khăn”. Đám cháy âm ỉ kéo dài trong suốt 3 tháng sau khi vụ tấn công diễn ra, nhiệt độ cao nhất đo được lên tới 2000oC. Thậm chí ngay cả khi đám cháy đã giảm bớt, tình hình vẫn rất nan giải. Với ưu điểm nhẹ hơn so với các loại xà đúc, những chiếc xà hộp đã được lựa chọn trong xây dựng các tòa tháp. Tuy nhiên, khi nằm ngổn ngang trong đống đổ nát, chúng vô tình biến thành đường ống thông khí cho những đám lửa đang cháy phía dưới và gây ra một tình thế hết sức nguy hiểm. Khói bốc cao khoảng 90 – 120 mét. Khi nhân viên cứu hộ đào bới tại những nơi có nhiệt độ cao đã vô tình cung cấp thêm ôxy cho đám tro tàn bên dưới và làm bùng lên các ngọn lửa.
Ga xe lửa PATH (Port Authority Trans-Hudson) nằm sâu dưới lòng WTC cũng là một bài toán khó đặt ra cho lực lượng cứu hộ. Mỗi ngày có hàng nghìn người từ New Jersey sử dụng dịch vụ này để đi làm ở vùng hạ Manhattan. Thật may mắn, một nhân viên cảnh sát PAPD đã chỉ dẫn cho các đoàn tàu ra khỏi khu vực nhà ga ngay sau vụ tấn công đầu tiên. Sự nhanh trí của anh đã cứu sống hàng trăm người.
Bị vùi dưới đống đổ nát, Jimeno cố đảo mắt tìm kiếm đồng đội. Anh nhận thấy Pezzulo nằm sấp, kề bên anh. Anh cất tiếng gọi, chỉ có Trung úy McLoughlin đáp lời, còn Amoroso và Rodrigues, hai người tháo chạy sau cùng, không có hồi âm.
Pezzulo bị thương nặng, nhưng vẫn cố với lấy khẩu súng côn, giơ tay lên cao và nhằm hướng có ánh sáng, bóp cò. Anh hy vọng nhân viên cứu hộ có thể nghe thấy tiếng súng và tìm ra nơi họ đang mắc kẹt. Nhưng ngay sau tiếng súng đó, cánh tay của Pezzulo rũ xuống, đầu anh quẹo sang một bên. Jimeno hiểu rằng đồng đội của mình đã không còn nữa.
Jimeno và McLoughlin cố gắng giữ liên lạc với nhau bằng những câu chuyện, xen kẽ là sự im lặng. Cả hai thi thoảng nhìn về phía nhau để chắc rằng người kia vẫn ổn.
Rồi đột nhiên Jimeno nghe thấy tiếng ai đó.
“Xin chào”.
Đôi mắt của Jimeno bật mở. Đó là một giọng nói phát ra từ phía trên.
“Xin chào”, giọng nói lại thốt lên. “Có ai nghe thấy tôi nói không?”.
“Có” Jimeno hét to. “Có! Cảnh sát PAPD đây, chúng tôi có hai người! Tôi là Will Jimeno và bên cạnh là Trung úy John McLoughlin. Anh ấy có 4 con. Tôi có một con gái và hiện vợ tôi đang mang thai. Làm ơn đừng bỏ đi. Làm ơn!”.
“Chúng tôi sẽ không bỏ đi – giọng một người đàn ông trấn an Jimeno – Chúng tôi là Thượng sĩ lính thủy đánh bộ David Karnes và Trung úy Thomas”. Karnes hứa với Jimeno rằng họ sẽ cứu hai người.
Karnes bò xuống đống gạch đổ vỡ để tiếp cận với Jimeno. Khoảng trống nơi Jimeno bị mắc kẹt hẹp đến nỗi mà Karnes phải tháo chiếc dây lưng đặc chủng để nép mình trườn vào. Anh nói với Jimeno rằng sẽ gọi trợ giúp và bấm điện thoại di động. Đường điện thoại ở Manhattan bị nghẽn, Karnes không thể liên hệ được với ai ở khu vực này, do vậy anh đã gọi cho chị gái của mình ở Pittsburgh để nhờ liên hệ. Chị gái của anh đã gọi điện cho sở cảnh sát địa phương và thông báo tình trạng khẩn cấp. Thật may mắn, họ đã liên lạc được với các quan chức ở Manhattan.
Hai nhân viên cứu hộ trong tình huống khẩn cấp, Paddy McGee và Scott Strauss, cùng nhân viên y tế Chuck Sereika đã len mình vào gần vị trí của trung sĩ Karnes, trong khi đó lính cứu hỏa Tom Asher cố gắng dập tắt những ngọn lửa đang cháy. Khoảng trống chật hẹp đến mức Karnes không thể dùng chiếc xẻng gấp nhỏ để giải thoát cho Jimeno.
Cảnh sát và lính cứu hỏa tập trung bên miệng hố, lo âu chờ đợi những thông tin về tình trạng của Jimeno. Cuối cùng, lúc 11 giờ đêm, nhân viên cứu hộ bên dưới thông báo lên rằng: Jimeno đã được giải thoát, dù phải chịu đau đớn kinh khủng. Sau 13 giờ mắc kẹt, Jimeno được đưa ra khỏi đống đổ nát tới vị trí an toàn.
Một đội cứu hộ mới được cử tới đây để tìm cách giải cứu cho trung úy McLoughlin. Và nhân viên cứu hộ đã mất hơn 8 giờ để giải thoát cho anh. Vào rạng sáng của ngày hôm sau, McLoughlin đã được mau chóng đưa tới bệnh viện.
Trung úy John McLoughlin và cảnh sát Will Jimeno được đưa tới bệnh viện Bellevue ở Manhattan ngay sau khi họ được đưa ra khỏi đống đổ nát. Hai chân của McLoughlin đã bị hoại tử, anh cũng phải trải qua tình trạng suy thận và hô hấp. McLoughlin phải đối diện với một loạt những cuộc phẫu thuật đau đớn. Bác sĩ đã phải tiến hành gây mê cho anh trong vài tuần. Will Jimeno bị hội chứng chèn ép khoang nghiêm trọng, một tình trạng mà cơ thể bị phù nề do áp lực chèn ép, dẫn tới máu không lưu thông. Chân trái của Jimeno đã bị hoại tử và được phẫu thuật cắt bỏ.
Đến mùa đông, những đám cháy cuối cùng cũng lịm dần. Mọi nỗ lực dọn dẹp là rất khẩn trương, cảnh sát và lính cứu hỏa đã sàng lọc từng thìa bụi và mảnh vỡ, tìm kiếm thi thể trong khu vực hiện trường tội ác lớn nhất từ trước đến nay tại Hoa Kỳ. Xe tải chở đi hàng tấn gạch đá vỡ, và khi đống đổ nát đã được dọn dẹp tương đối, Ground Zero trông giống như một miệng núi lửa khổng lồ.
Một chiếc dầm thép được dựng tại vị trí trước đây là tiền sảnh của tòa tháp phía nam. Trong thời gian dọn dẹp đống đổ nát, nhân viên làm việc tại đây đã viết bằng sơn lên chiếc dầm thép chữ cái đầu tên đơn vị công tác của họ, cùng với số người đã mất trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Ở trên cùng, người ta đã phun sơn xanh trên nền trắng dòng chữ “PAPD 37”. Vào ngày 30/5/2002, khu vực này chính thức đóng cửa, thanh dầm cũng được hạ xuống, và giống như một thi thể, nó được bọc vải đen, quấn trong một lá cờ.
37 nhân viên cảnh sát thuộc PAPD đã hy sinh nhằm cố gắng cứu mạng của những người khác. Từ trước đến nay, chưa có lực lượng cảnh sát nào lại chịu thiệt hại về nhân mạng nhiều như thế trong một vụ khủng bố.
Will Jimeno và John McLoughlin là những người sống sót cuối cùng được kéo lên từ đống đổ nát của Trung tâm Thương mại Thế giới.
Câu chuyện kể về những cảnh sát PAPD này đã được đạo diễn Oliver Stone dựng thành một bộ phim có tiêu đề “World Trade Center” (Trung tâm Thương mại Thế giới) và được công chiếu năm 2006. Đối với nhiều người, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng hoặc có liên quan trực tiếp đến sự kiện 11/9, việc xem bộ phim hoàn toàn không dễ dàng chút nào, thậm chí nó có thể gây tổn hại tới tâm lý, tình cảm của họ. Tuy nhiên, sự kiện 11/9 sẽ lưu mãi trong ký ức của người dân Mỹ và người dân trên thế giới bởi nó cũng mở ra một giai đoạn lịch sử mới mà nhân loại sẽ phải còn phán xét đúng, sai: Đó là cuộc chiến “chống khủng bố” do Mỹ phát động.