Trên Năng lượng mới số 324, tôi đã được đọc bài “Thiết đãi hay thết đãi?”. Nhưng để cho “cùng kỳ lý”, tôi xin hỏi thêm: Trong cụm từ “thết tiệc” mà ông có nêu trong bài – thì chữ “tiệc” do đâu mà ra và có nghĩa gốc là gì? Xin cám ơn.

“Tiệc” là một điệp thức của “tịch” [席]trong “chủ tịch”. Về mối quan hệ giữa vần -IỆC của “tiệc” và vần -ICH của “tịch”, ta có nhiều cặp tương tự khác để chứng minh:

– Trước nhất, “tiếc” trong “thương tiếc” là điệp thức của “tích” [惜] trong “tích lục”, dịch sát nghĩa là thương tiếc màu xanh, chỉ tâm trạng tiếc thương người kỹ nữ đã đẹp lại khéo mà không chịu ở lại với đời. Đây cũng chính là chữ “tích” trong thành ngữ “tích lục tham hồng” mà ta có thể thấy trong câu 90 của Truyện Kiều; tại đây nó đã được nhiều nhà phiên âm đọc thành “tiếc”: Nào người tiếc lục tham hồng là ai.

– “Biếc” trong “mắt biếc” là điệp thức của “bích” [碧] trong “ngọc bích” (mà tiếng Hán là “bích ngọc”).

Chữ này vẫn còn đọc thành “diệc” [亦], nghĩa là cũng lại nữa, lẽ ra phải đọc thành “dịch”

“Thiếc” trong “thùng thiếc” là điệp thức của “tích” [錫], có nghĩa là… thiếc.

“Việc” trong “công việc” là điệp thức của “dịch” [役] trong “lao dịch”

Về chữ “tiệc/tịch” [席] thì một số từ điển trực tuyến hiện nay chỉ thiên về những cái nghĩa phái sinh đã trở thành thông dụng trong tiếng Hán hiện đại (được dịch sang tiếng Anh là:

1.- place; seat [vị trí; chỗ ngồi]; 2.- banquet; feast [tiệc; cỗ]; 3.- post [chức vị]) mà bỏ qua cái nghĩa gốc xa xưa của nó là “chiếu” trong “chiếu chăn”. Cứ như trên, và kết hợp với cặp điệp thức “thết/thiết” đã nói trên Năng lượng mới số 324, thì “thết tiệc” chẳng qua là điệp thức của “thiết tịch” [ 設席 ]. Nhưng “thiết tịch” là gì? Thưa “thiết tịch” chẳng qua là trải chiếu. “Tôn Tử, Ngô Khởi liệt truyện” trong Sử ký của Tư Mã Thiên, đoạn nói về sự đồng cam cộng khổ của Ngô 1 Khởi với binh lính, có bốn chữ “ngoạ bất thiết tịch” [臥不設席], là “nằm không trải chiếu”. Vậy “thiết tịch”, tức “thết tiệc”, chẳng qua là “trải chiếu”. Nhưng do phép lạ nào mà bây giờ “thết tiệc” lại trở thành đồng nghĩa của “chiêu đãi”? Số là ngày xưa – mà cho đến nay chuyện này cũng chưa tuyệt tích giang hồ – người ta bày tiệc trên chiếu cho nên sự trải chiếu mới biến thành “khúc dạo đầu” của việc đãi tiệc rồi dần dần mới chiếm luôn nội dung của nó. Liên quan đến việc trải – chiếu đãi tiệc, trong bài “Phật đản – Vesak” trên Năng lượng mới số 20 (19-5-2011), chúng tôi có viết một đoạn:

“Ngay từ xưa, nhiều nơi đã tổ chức lễ tắm Phật rất long trọng và tốn kém. Từ điển Phật học Hán Việt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Kim Cương Tử chủ biên (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998) cho biết Hậu Hán thư, “Đào Khiêm truyền”, đã chép: “Mỗi lần tắm Phật thường bày đặt lệ ăn uống trải chiếu ra đường. Còn Ngô chí, “Lưu Do truyện” thì chép về lễ tắm Phật đầu tiên ở Trung Quốc như sau: “Xạ Dung trông coi Quảng Lăng, Bành Thành đã cho xây dựng hàng loạt phù đồ, lấy đồng đúc tượng, lấy vàng dát thân, mặc áo gầm sặc sỡ, đeo dây đồng tua xuống chín tầng; ở dưới xây dựng lầu gác, chứa được hơn ba ngàn người, dạy cho họ đọc kinh Phật, ra lệnh cho những người ưa chuộng đạo Phật trong vùng và các quận lân cận đến thụ đạo. Khi có công việc gì khác, lại cho vời đến. Do vậy dân chúng xa gần lần lượt đến có tới hơn năm ngàn người. Mỗi lần tắm Phật, sắm sửa nhiều cơm rượu, đặt tiệc ở bên đường dài đến mấy chục dặm. Người đến xem và ăn uống có đến hàng vạn, phí tổn hàng ức vạn.

Ở trên, chúng tôi đã khẳng định rằng “tiệc” là một điệp thức của “tịch” [席] trong “chủ tịch”. Vậy nghĩa gốc của “chủ tịch” là gì? Bây giờ ta thường thấy danh ngữ này trong nhiều ngữ đoạn nghe rất “hoành tráng” như “chủ tịch tập đoàn”, “chủ tịch uỷ ban”, “chủ tịch hội đồng”, v.v.. nhưng nghĩa gốc của nó thì chỉ là người “chủ xị” trong chiếu tiệc mà thôi. Xin nhớ rằng âm xưa của “chủ tịch” không phải gì khác hơn là “chúa tiệc”. “Chúa” là âm xưa của “chủ” như có thể thấy trong “công chúa”, “chúa đất”, “chúa nhật”, “chúa sơn lâm”, “chúa tể”, “ăn cơm chúa, múa tối ngày”, v.v..

Tóm lại, “tiệc” trong “tiệc cưới, “tiệc đứng”, “tiệc trà”, “tiệc rượu”, v.v.., là điệp thức của “tịch” trong “chủ tịch” mà nghĩa gốc thì chỉ là “chiếu” trong câu “Em ở Tây Hồ bán chiếu gọn”, tương truyền là của Nguyễn Thị Lộ mà thôi.