Lời nói dối một lần là lời nói dối, lời nói dối được nói 10 lần có thể thành lời sự thật. Câu thành ngữ “Tam nhân thành hổ” chính là có hàm ý như vậy.

11 cách để phát hiện ai đó đang nói dối trước mặt bạn - Học Cách ...

Chuyện kể rằng, Bàng Thông là sủng thần của Ngụy Vương, được phái đưa thái tử sang nước Triệu làm con tin, trước khi đi ông có ý hỏi Ngụy Vương:

– Bẩm đại vương, nếu có người nói với đại vương rằng, trên đường lớn có hổ ăn thịt người, đại vương liệu có tin không?

Ngụy Vương trả lời:

– Ta sẽ không tin.

– Vậy nếu có thêm một người nữa nói với đại vương điều đó. Đại vương tin hay không?

Ngụy Vương chần chừ một lúc rồi nói:

– Đối với chuyện đó, ta nửa tin nửa ngờ.

– Nếu người thứ ba đến nói với đại vương, trên đường cái có hổ xuất hiện, đại vương thật sự sẽ tin rồi sao?

Ngụy Vương gật gật đầu, bảo rằng:

– Nếu là vậy thì ta sẽ tin.

Bàng Thông tiếp lời:

– Trên đường lớn xuất hiện hổ là điều xưa nay chưa từng gặp. Nhưng nhiều người nói như vậy liền có người cứ vậy thuận theo tin tưởng, không suy nghĩ sâu thêm. Nay, thần đưa thái tử sang Hàm Đan của nước Triệu, đô thành đó cách đô thành Đại Lương của ta (nay thuộc phía tây bắc thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam) còn xa hơn nhiều so với khoảng cách từ cung ra tới đường cái, những nghị luận sau lưng thần, nói xấu về thần e rằng không chỉ có ba người. Mong đại vương từ nay về sau, đối với những nghị luận về thần nên thẩm tra kĩ.

Ngụy Vương bằng lòng nói rằng:

– Ta rõ ý của khanh, khanh yên tâm đi!

Bàng Thông đi đến Hàm Đan chẳng bao lâu, quả nhiên có người nói xấu ông trước mặt Ngụy Vương. Ban đầu Ngụy Vương không tin, về sau người nói xấu Bàng Thông nhiều lên, rốt cuộc Ngụy Vương cũng tin. Đợi đến khi Bàng Thông từ Hàm Đan về lại, Ngụy Vương không phục chức lại cho Bàng Thông nữa.

(Nguồn: “Chiến quốc sách- Ngụy sách nhị”)

Do đó người đời sau lấy câu thành ngữ “Tam nhân thành hổ” để chỉ những tin đồn thất thiệt, không đúng sự thật.

Suy ngẫm

Nếu có vài người xung quanh nói với bạn rằng người thân nào đó của bạn làm việc gì đó không đúng, bạn sẽ nhìn nhận việc này như thế nào? Tại sao

Chúng ta cũng thường nghe những câu thành ngữ tương tự như:

  • Nhân ngôn khả uý: Lời nói của con người thật đáng sợ
  • Chúng khẩu thước kim: Miệng lưỡi đám đông nóng chảy cả vàng
  • Tăng Sâm sát nhân: Tăng Sâm giết người

Câu thành ngữ “Tăng sâm giết người” có nguyên do từ chuyện:

Cũng là vào thời Chiến Quốc, Tăng Sâm được nhiều người biết đến nhờ phẩm chất đạo đức tốt đẹp, không thể bị cám dỗ. Tới một ngày Tăng Sâm đi xa nhà, trùng hợp có một người trùng tên bị bắt do tội giết người, hàng xóm liền vội vàng tới gặp mẹ vị này nói: “Con trai chị giết người bị quan phủ bắt giam trong ngục rồi!”

Người mẹ hiểu con mình nhất định không làm việc thất đức như vậy, nên vẫn bình thản ngồi khâu vá tiếp. Một lúc sau, lại có người chạy đến và nói: “Con trai chị giết người rồi”.

Lần này trong lòng người mẹ có chút bối rối, hoài nghi, nhưng vẫn quyết định chọn tin tưởng con trai mình. Không lâu sau người thứ 3 tới và lại nói: “Con trai chị giết người rồi”.

Người mẹ trở nên hoảng hốt, vứt cả kim chỉ lại đó chạy ra ngoài tìm con.

Đây là câu chuyện của câu thành ngữ “Tăng Sâm sát nhân”, nội hàm tương tự so với “tam nhân thành hổ”.

Câu thành ngữ nhắc nhở người đời rằng lời ăn tiếng nói cần cẩn trọng, người xưa gọi là “tu khẩu”, tức là không nên lan truyền những chuyện thị phi đàm tiếu, nếu không miệng lưỡi thế gian sẽ có cơ hội đưa những tin tức “tam nhân thành hổ”, chuyện trắng thành đen, gây ra tổn hại thất thiệt khôn lường.

Chú thích

  1. Bàng Thông: Người Nguỵ thời Chiến quốc
  2. Thái tử: Chỉ thái tử nước Nguỵ thời Chiến Quốc
  3. Hàm Đan: tên một ấp ngày xưa, nay ở khoảng tỉnh Hà Bắc

Hoàng Hoa biên dịch
(Theo tài liệu Văn hóa truyền thống của trang Chánh Kiến)