Khi hù doạ trẻ con, người ta thường dùng hình ảnh ông Ba Bị. Nhưng ông Ba Bị là ai?
Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giảng: “Ba bị: Giống quái lạ người ta bịa ra để doạ trẻ con: Ba bị chín quai mười hai con mắt; nghĩa bóng là tồi tàn, xấu xí, đồ ba bị”. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cũng xác nhận: “Ba bị: tên gọi một hình người quái dị bịa ra để doạ trẻ con”. Nhiều tư liệu khác cũng cho rằng Ba Bị là nhân vật tưởng tượng, với hình thù xấu xí, kì quái.
Thực tế, Di tích lịch sử dân tộc đã chỉ ra ông Ba Bị là một người có thật, đó chính là ông Phạm Đăng Hưng, người từng làm quan đến chức Lễ Bộ Thượng Thư dưới triều vua Gia Long. Sở dĩ ông được gọi là “ông Ba Bị” là vì mỗi lần từ quê ra Huế, ông thường đem theo ba bị lúa giống để tặng dân chúng. Trong video về vùng đất Gò Công, tác giả Đạt Phi cũng trích như sau: “Ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng, người Gò Công, có thân hình cao lớn, với bộ râu rậm và cứng như râu Trương Phi. Cụ làm quan trải qua các triều Gia Long và Minh Mạng, nổi tiếng là quang minh, chính trực”.
Nhưng tại sao người ta lại dùng hình ảnh một vị quan thanh liêm để doạ con nít? Điều này có lẽ là theo thời gian, gốc gác ông Ba Bị phai mờ dần, và người ta đã căn cứ vào chữ “bị” để cho rằng ông là một người ăn mày. Về điều này, học giả An Chi có phân tích thêm: “Ăn xin là một cái “nghề” hoàn toàn tiêu cực, chẳng giúp ích được gì cho sự phát triển của xã hội, ngoại trừ việc hù doạ con nít”. Từ đây, ông Ba Bị thanh liêm ngày nào trở thành ông Ba Bị làm nghề ăn xin chuyên doạ nạt trẻ con.
Vậy còn hình dáng quái dị của ông Ba Bị là từ đâu ra? Điều này có lẽ xuất phát từ câu “Ba bị, chín quai, mười hai con mắt”. Đây vốn là một câu đồng dao dùng để đếm đồ vật. Quai ở đây là quai bị, còn mắt là mắt bị. Từ điển do Hoàng Phê Chủ Biên có cho một nghĩa của từ “mắt” là “lỗ hở, khe hở đều đặn ở các đồ đan – mắt lưới, rổ đan thưa mắt”, cũng chính là “mắt” trong trường hợp này.
Ở đây ta có ba cái bị, mỗi bị gồm ba quai và bốn con mắt, nên mới có cách đếm: “Ba bị, chín quai, mười hai con mắt”. Tiếc rằng nhiều người hiểu nhầm “ba bị” là ông Ba Bị, “quai” là “quai hàm” và “mắt” là “con mắt người”. Với số lượng “chín quai”, “mười hai mắt”, người ta hình dung ông Ba Bị là một giống quái dị, gớm ghiếc, dù thực sự ông chẳng liên quan gì đến câu đồng dao này cả.
Như vậy do hiện tượng tam sao thất bản mà ông Ba Bị từ một vị quan thanh liêm đã trở thành nhân vật có hình thù quái dị, chuyên doạ trẻ con.
(Tham khảo Rong chơi miền chữ nghĩa tập 2 và nhiều tư liệu khác)