Thành ngữ Cửu huyền thất tổ không hề được ghi nhận trong những quyển từ điển quan trọng và quen thuộc như Từ nguyên, Từ hải, Vương Vân Ngũ đại từ điển, Hiện đại Hán ngữ từ điển (Bắc Kinh, 1992), v.v.. Thậm chí đồ sộ như Trung văn đại từ điển (38 quyển chính văn và 2 quyển sách dẫn) cũng không ghi nhận nó. Chúng tôi đã tham khảo ở một số vị cao niên và am hiểu thì cũng chỉ được trả lời chung chung rằng đó là ông bà bảy đời và/hoặc chín đời… Còn Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức thì giảng rằng đó là “tổ-tiên dẫn xuống 9 đời cả 2 bên nội ngoại”. Cũng chẳng thuyết phục được vì ngay cụm từ “tổ tiên dẫn xuống 9 đời” đã là một cách diễn đạt mơ hồ: đời thứ 9 là đời nào? Nếu đó là ego (bản thân mình) thì chẳng có lẽ khi thờ “cửu huyền thất tổ”, mình lại thờ cả mình?

Tranh thờ Cửu Huyền Thất Tổ là gì? Ý nghĩa và cách bài trí

Còn nếu không lấy ego làm hàng chót để “dẫn xuống” thì biết lấy hàng nào cho hợp lý? Đó là còn chưa kể đến việc chữ huyền 玄 chỉ dùng làm định ngữ trong từ tổ huyền tôn để chỉ hàng cháu đời thứ tư của ego (tử – tôn – tằng tôn – huyền tôn) mà thôi. Không có bất cứ quyển từ điển tiếng Hán nào ghi nhận cho chữ huyền cái nghĩa liên quan đến khái niệm tổ tiên, kể cả Hán ngữ đại tự điển, một quyển từ điển cỡ lớn, thuộc loại mới nhất và là công trình cấp quốc gia của nước Cộng hoà  nhân dân Trung Hoa, được Hội nghị toàn quốc quy hoạch việc biên soạn và xuất bản từ điển giao cho hai tỉnh Xuyên Ngạc (Tứ Xuyên và Hồ Bắc) phụ trách biên soạn và xuất bản, đã in thành 8 quyển từ đầu thập kỷ 1990; còn súc ấn bản (bản thu nhỏ về khuôn khổ chứ không lược bớt về nội dung) thì cũng đã được ấn hành tại Thành Đô năm 1993 (Chúng tôi sử dụng bản này).

Trong 16 nghĩa của chữ huyền (không kể 3 nghĩa với âm huyện) mà quyển từ điển này đã cho thì nghĩa thứ 14 là “huyền tôn đích tỉnh xưng” nghĩa là hình thức gọi tắt của từ tổ huyền tôn. Đã rõ ràng “huyền” chỉ có thể là “chút” (con – cháu – chắt – chút) chứ không thể làm “ông bà” được. Vậy làm sao mà “cửu huyền (thất tổ)” lại có thể là “tổ-tiên dẫn xuống 9 đời cả 2 bên nội ngoại”?

Chính vì điểm không ổn trên đây mà nhiều bạn đã hỏi: “Chữ huyền có nghĩa là gì?”. Còn một bạn thì đặt vấn đề: “Sao không nói cửu đại hay cửu tộc?”. Thực ra nói cửu đại hoặc cửu tộc thì cũng không ổn. Theo cách hiểu phổ biến và hợp lý thì cửu đại hoặc cửu tộc là chín đời lấy đời ego làm điểm xuất phát mà tính lên đến cao tổ (phụ – tổ – tằng tổ – cao tổ) và tính xuống đến huyền tôn (tử – tôn – tằng tôn – huyền tôn). Nhưng trong cửu đại hoặc cửu tộc thì có “tam tổ” (tổ – tằng tổ – cao tổ) mà thôi chứ làm sao có đến “thất tổ”?

Vậy “cửu huyền thất tổ” là gì? Sau đây là cách hiểu của chúng tôi. Thành ngữ này rõ ràng gồm có hai vế: cửu huyền và thất tổ. Vé trước có 2 nghĩa mà Từ nguyên đã cho như sau: 1. Chín phương trời. 2. Các vị tôn tiên của Đạo giáo. Còn về sau thì có 3 nghĩa mà cũng Từ nguyên đã cho như sau: 1. Bảy vị tổ của phái Thiền tông (Phật giáo). 2. Bảy đời ông bà. 3. Bảy vị tổ của phái Hoa nghiêm (Phật Giáo). Cứ như trên thì thành ngữ đang xét có thể có mấy cách hiểu sau đây.

Các vị tổ của Đạo giáo (nghĩa 2 của vế trước) và các vị tổ của Phật giáo (nghĩa 1 hoặc 3 của vế sau) nói chung. Trong trường hợp này, cửu huyềnthất tổ là hai từ tổ đẳng lập.

Bảy đời ông bà (nghĩa 2 của vế sau) ở trên (chín phương) trời (nghĩa 1 của vế trước). Bảy đời này tất nhiên là tính từ đời ông bà nội của ego trở lên. Trong trường hợp này thì cửu huyền là định ngữ của thất tổ.

Còn một cách hiểu nữa: Đời thứ 9 thì phải làm chút (huyền) mà đời thứ 7 thì đã được làm ông (tổ). Trong trường hợp này thì thành ngữ đang xét bao gồm hai cụm chủ – vị song song: cửu (vi, thị) huyền – thất (vi, thị) tổ. Cách hiểu này hoàn toàn phù hợp với cú pháp của tiếng Hán văn ngôn, hoàn toàn không có gì là khiên cưỡng hoặc võ đoán. Số từ (cửu, thất) đứng làm chủ ngữ không có gì sai quy tắc. Danh từ (huyền, tổ) đứng làm vị ngữ mà không có hệ từ (vi, thị) đứng trước cũng là hiện tượng đúng quy tắc. (Huyền thay thế cho cả danh ngữ huyền tôn nên cũng được xem là danh từ). Tóm lại, cửu huyền thất tổ là một câu bao gồm hai cấu trúc đề-thuyết song song (đề: cửu, thất, thuyết: huyền, tổ). Đó là nói về ngữ pháp. Sau đây là nói về ngữ nghĩa. Như đã thấy ở trên, theo quan niệm phổ biến và hợp lý thì cửu đại hoặc cửu tộc là chín đời gồm có đời của ego cùng với bốn đời trên và bốn đời dưới như sau:

  1. cao tổ,
  2. tằng tổ,
  3. tổ,
  4. phụ,
  5. ego,
  6. tử,
  7. tôn,
  8. tằng tôn,
  9. huyền tôn,

nghĩa là: 1. ông sơ, 2. ông cố, 3. ông nội, 4. cha, 5. bản thân, 6. con, 7. cháu, 8. chắt, 9. chút. Trong phổ hệ chín đời này thì tôn là cha của tằng tôn còn tằng tôn thì lại là cha của huyền tôn. Nói một cách khác, đối với huyền tôn (đời thứ 9) thì tôn (đời thứ 7) là cha của cha mình, tức là ông nội (nội tổ) của mình. Vậy, rõ ràng “cửu” là “huyền” mà “thất” thì đã là “tổ”.

Tất nhiên là lối chơi chữ này chỉ liên quan đến từng phó hệ 9 đời một mà cao nhất là cao tổ và thấp nhất là huyền tôn vì ai cũng biết rằng huyền tôn vẫn có thể là cha của con mình và ông nội (tổ) của cháu mình.

Trong ba cách trên đây, cách hiểu có liên quan đến việc thờ phượng cửu huyền thất tổ tất nhiên phải là cách thứ hai: đó là bảy đời ông bà ở trên (chín tầng) trời. Dân gian thường vẫn quan niệm và nhất là ước nguyện rằng ông bà của mình khi chết thì được lên tiên, lên cõi trên, nghĩa là… lên trời. Xin liên hệ đến chữ nghĩa của những tấm vãn (bức hoành) trong các đám tang: viễn du tiên cảnh (xa chơi cảnh tiên), vãng sanh cực lạc (sanh đến chốn cực lạc nghĩa là niết bàn), v.v.. Chỉ có hiểu như thế thì mới hợp lý chữ cửu huyền dứt khoát không thể là tổ tiên của chín đời được.

Trở lên là cách hiểu của cá nhân chúng tôi, xin mạo muội trình bày như trên để chất chính cùng các bậc thức giả.