Về vấn đề này, Lê Trung Hoa có cho biết như sau: “Chúng tôi đọc thấy một điểm đáng chú ý trong cuốn Les langages de l’ humanité của Michel Malherbe (…): có lẽ tên đệm Å Văn có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập ben (con trai) và tên đệm Thị cũng từ tiếng Ả Rập binti (con gái) do các thương nhân Ả Rập vào buôn bán ở bờ biển Việt Nam. Tuy tác giả không nêu cứ liệu, chúng tôi thấy có khả năng đúng, vì: – về ngữ âm ben cho ra văn, binti cho ra thị là có thể chấp nhận; – Việt Nam chịu ảnh hưởng “họ” của người Trung Hoa. Nhưng người Trung Hoa trước đây và hiện nay không dùng các từ đệm văn và thị phổ biến như người Việt Nam”(1).
Theo chúng tôi thì nói ben có thể cho ra văn còn binti có thể cho ra thị chẳng khác nào nói rằng tiếng Pháp petit đã cho ra tiếng Việt bé tí còn colosse thì đã cho ra khổng lồ, chẳng khác nào nói tiếng Ý ciao đã cho ra tiếng Việt chào còn tiếng Tây Ban Nha niño thì đã cho ra nhỏ nhí.
Thật ra thị là một từ Việt gốc Hán, chữ Hán viết là 氏 . Đây là tiếng dùng để chỉ phụ nữ. Nghĩa này của nó được Từ nguyên và Từ hải ghi là “phụ nhân xưng thị” (đàn bà gọi là thị) còn Vương Vân Ngũ đại từ điển thì ghi là “phụ nhân” (đàn bà) và Mathews’ Chinese-English Dictionary thì ghi “a female” (người thuộc giới tính nữ). Từ nguyên còn cho biết rõ thêm rằng ngày nay thị cũng là một từ mà phụ nữ dùng để tự xưng (Kim dịch vi phụ nhân tự xưng chi từ). Trong tiếng Việt, nó còn có một công dụng mà Từ điển tiếng Việt 1992 đã ghi như sau: “Từ dùng để chỉ người phụ nữ ở ngôi thứ ba với ý coi khinh”. Vậy rõ ràng thị có nghĩa là đàn bà.
Nhưng do đâu mà nó trở thành tiếng lót, tức tên đệm của phụ nữ? Tất nhiên là từ công dụng của nó trong tiếng Hán mà ra, sau một quá trình chuyển biến ngữ nghĩa. Công dụng này đã được Hiện đại Hán ngữ từ điển (Bắc Kinh, 1992) chỉ ra như sau: “Đặt sau họ của người phụ nữ đã có chồng, thường thêm họ chồng vào trước họ cha để xưng hổ” (Phóng tại dĩ hôn phụ nữ đích tính hậu, thông thường tại phụ tính tiền gia phu tính, tác vi xưng hô). Thí dụ: Triệu Vương thị là người đàn bà mà họ cha là Vương còn họ chồng là Triệu.
Người Việt Nam ngày xưa đã không làm y hệt theo cách trên đây của người Trung Hoa mà chỉ đặt thị sau họ cha rồi liền theo đó là tên riêng của đương sự theo kiểu cấu trúc “X thị Y”, hiểu là người đàn bà họ X tên Y. Cấu trúc này giống như cấu trúc có yếu tố công (= ông) mà dân Nam Bộ đã dùng để gọi nhà yêu nước Trương Định một cách tôn kính: Trương Công Định, có nghĩa là ông (được tôn kính) họ Trương tên Định. Hoặc như của chính người Trung Hoa khi họ khắc trên mộ chí của Trương Khiên mấy chữ Trương Công Khiên (chi mộ), có nghĩa là (mộ của) ông (được tôn kính) họ Trương tên Khiên. Vậy, cứ như đã phân tích, Nguyễn thị A là người đàn bà họ Nguyễn tên A, Trần thị B là người đàn bà họ Trần tên B, còn Phạm thị C là người đàn bà họ Phạm tên C, v.v.. Cách hiểu nguyên thuỷ này đã phai mờ dần theo thời gian, làm cho về sau người ta tưởng rằng thị chỉ là một yếu tố có tính chất “trang trí” cho tên của phái nữ mà thôi. Chính vì đã không còn hiểu được công dụng ban đầu của thị nữa nên người ta mới dùng nó mà làm tiếng lót, nghĩa là tên đệm, cho các bé gái khi chúng vừa mới lọt lòng mẹ. Người ta đã làm như thế mà không ngờ rằng ngày xửa ngày xưa, các cụ bà của chúng chỉ được dùng tiếng thị để chỉ định sau khi họ đã trưởng thành, và rằng thị chỉ được dùng chủ yếu là trong lời nói, đặc biệt là trong ngôn ngữ hành chính, chứ không phải là cho việc đặt tên.
Ý nghĩa và xuất xứ của thị theo chúng tôi đại khái là như thế. Chứ tiếng binti của các chú lái buôn người Ả Rập thì chẳng có liên quan gì với nó cả.
1. Họ và tên người Việt Nam, Hà Nội, 1992, tr. 62, chth.1.